Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, và nông thôn

Đây là bài viết Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, nông thôn  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, nông thôn là gì, các nội dung cơ bản, những quan điểm chính. Thành tựu 15 năm (1990 – 2004) tại Việt Nam

Quan niệm CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; xây dựng nông thôn dân chủ, công bằng, văn minh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân ở nông thôn”*.

Nhiệm vụ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nhiệm vụ CNH, HĐH nông thôn có quan hệ chặt chẽ với nhau, hoà quyện vào nhau, tác động lẫn nhau trong quá trình phát triển.

Nội dung cơ bản của CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn

Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất trên quy mô lớn và từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Trước mắt tập trung một số ngành chủ lực như: cây lương thực (lúa, ngô); cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè, mía, lạc); cây ăn quả, rau, hoa; chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ hải sản (bò, lợn, tôm, cua).

  • Thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn bao gồm: thuỷ lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa; phát triển giao thông nông thôn, phát triển thông tin liên lạc; phát triển giáo dục văn hóa, y tế, khoa học công nghệ và ứng dụng các thành tựu của cách mạng khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống.
  • Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn như: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản; công nghiệp dệt may, giày dép, thuỷ tinh sành sứ, cơ khí sủa chữa; các ngành nghề truyền thống tại các địa phương.
  • Phát triển các loại hình dịch vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn như: dịch vụ thuỷ nông, dịch vụ thú y, dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm…
  • Xây dựng nông thôn mới sạch về môi trường, giàu có, công bằng, dân chủ, văn minh.

Những quan điểm chính về đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn

Một là, “CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của CNH, HĐH đất nước. Phát triển công nghiệp, dịch vụ phải gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ đắc lực và phục vụ có hiệu quả cho CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn”*.

Hai là, “ Ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, chú trọng phát triển nguồn lực con người, ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học, công nghệ; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng gắn với thị trường đẻ sản xuất hàng hóa quy mô lớn với chất lượng và hiệu quả cao, bảo vệ môi trường, phòng chống, hạn chế và giảm bớt thiên tai, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”*.

Ba là, “Dựa vào nội lực là chính, đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc; phát triển mạnh mẽ kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn”*.

Bốn là, “Kết hợp chặt chẽ các vấn đề kinh tế và xã hội trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhằm giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của người dân nông thôn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục”.

Năm là, “Kết hợp chặt chẽ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn với việc xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của các ngành, các địa phương. Đầu tư phát triển kinh tế xã hội, ổn định dân cư các vùng xung yếu, vùng biên giới, cửa khẩu, hải đảo phù hợp với chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia”(*).

Những quan điểm chỉ đạo nói trên không chỉ bảo đảm cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững mà còn góp phần quan trọng cho sự phát triển hài hoà giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa kinh tế và xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường, tăng cường khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, bảo đảm cho nước ta phát triển nhanh, bền vững theo định hướng XHCN.

Những thành tựu 15 năm (1990 – 2004)

Thực hiện đường lối đổi mới, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, hơn mười

năm qua nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có bước phát triển mới đạt được những thành tựu to lớn, thể hiện:

Một là, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá.

Nhận định nói trên dựa vào các căn cứ sau đây:

  • Nhìn tổng thể nông nghiệp nước ta không còn là nền nông nghiệp tự cung, tự cấp, thiếu lương thực triền miên, mà đã là nền nông nghiệp có tỷ suất hàng hóa ngày càng cao (lúa gạo 56%, cà phê 98%, cao su 85%, chè 60%…); giá trị kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn (từ 2,5 tỷ USD năm 1995 lên hơn 6,3 tỷ USD năm 2004), nhiều mặt hàng xuất khẩu có thị phần lớn trong khu vực và trên thế giới (gạo, cà phê, hạt điều đứng thứ 2 và hạt tiêu đứng thứ nhất trên thế giới; thuỷ sản đứng thứ hai ở thị trường Nhật Bản và Mỹ…), từng vùng, từng địa phương đều có sản phẩm đặc thù.
  • Đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến: lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long; mía đường ở miền Trung; chè ở Trung du, miền núi phía Bắc; cà phê ở Tây nguyên; cao su ở đông Nam Bộ, cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Trung du và miền núi phía Bắc; nuôi trồng thuỷ sản ở nhiều tỉnh ven biển và đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL); vùng nguyên liệu giấy ở Trung du, miền núi …
  • Tính chất sản xuất hàng hóa còn được thể hiện ở cơ cấu sản xuất ngày càng phát triển đa dạng, chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; quy mô sản xuất ngày càng tập trung; người sản xuất ngày càng quan tâm đến nhu cầu của thị trường.
  • Nhịp độ tăng trưởng khá, bình quân 5,2%/ năm.

Tuy nhiên vẫn phải thấy rằng vẫn còn một số vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số phát triển sản xuất hàng hóa chậm, sản xuất còn mang nặng tính tự cấp, tự túc, cần phải tập trung chỉ đạo để chuyển nhanh sang sản xuất hàng hóa.

Hai là, công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn bước đầu được phục hồi và phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng; môi trường sinh thái và đời sống nông dân ở hầu hết các vùng được cải thiện rõ rệt.

  • Hiện nay cả nước có: 27% số hộ nông dân vừa sản xuất nông nghiệp vừa làm ngành nghề phi nông nghiệp; 13% số hộ chuyên kinh doanh ngành nghề; có 40.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề ở nông thôn, trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm 14,1% hợp tác xã 5,8%, tư nhân 80,1%; hơn 1.200 làng nghề, trong đó 2/3 là làng nghề truyền thống. Năm 2004, tổng giá trị các ngành nghề ở nông thôn đạt 60.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu gần 500 triệu USD và giải quyết việc làm cho hơn 10 triệu lao động.
  • Hiện có hàng trăm cơ sở công nghiệp được xây dựng trên địa bàn nông thôn trong đó chế biến nông, lâm, thủy sản chiếm 32,5%; sản xuất vật liệu xây dựng 30,9%, các cơ sở công nghiệp nhẹ 15%; điện – cơ khí 12,8%…
  • Nhiều loại hình dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh như dịch vụ thương mại, tài chính, kỹ thuật nông nghiệp (giống, bảo vệ thực vật, thú y, tưới, tiêu nước…), dịch vụ thông tin, văn hóa, giải trí…
  • Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn được tăng cường góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao đời sống cho dân cư nông thôn.

+ Hệ thống thủy  lợi đã đảm bảo cho 84,8% diện tích trồng lúa, hàng vạn ha rau màu và cây công nghiệp; hệ thống đê điều ngày càng được củng cố.

+Hiện nay đã có 95% số xã có đường ô tô đến khu trung tâm; trên 85% xã có điện; 58% dân cư nông thôn được dùng nước sạch; 98% số xã có trạm xá; 94% số xã được phủ sóng truyền hình; 98,8% số xã có trường tiểu học; 98% số xã có máy điện thoại; 35% số xã kết nối internet.

Đời sống nhân dân ở hầu hết các vùng được cải thiện rõ rệt. Tốc độ thu nhập bình quân hàng năm ở khu vực nông thôn trong 3 năm (1996-1999) tăng 6%; thu nhập bình quân đầu người/ tháng năm 2004 so với 1991 ở các vùng đều tăng ( Trung du, miền núi phía Bắc 3,15 lần đồng bằng sông Hồng 3,07 lần; tây nguyên 4,85 lần). Số hộ đói nghèo giảm từ 55% năm 1990 xuống còn 10% năm 2004 ( theo tiêu chí cũ). Điều kiện ăn, ở, đi lại, học tập, chữa bệnh … của nhiều vùng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên ( cả nước có hơn 92% số hộ dân cư nông thôn có nhà ở kiên cố và bán kiên cố, trong đó 21,86% kiên cố; đã đạt được chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học trên phạm vi cả nước vào năm 2000).

Ba là, quan hệ sản xuất từng bước đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa: hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, dân chủ được phát huy tốt hơn; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được đảm bảo .

  • Vai trò của kinh tế hộ được phát huy, ngày càng có nhiều hộ làm ăn giỏi, có 5.600 trang trại bước đầu sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đã có 5959 hợp tác xã hoàn thành thủ tục chuyển đổi và 1.765 hợp tác xã thành lập mới theo luật HTX, hình thành các mô hình kinh tế tập thể kiểu mới, dưới nhiều hình thức đa dạng. Có 18 tổng công ty và hàng ngàn doanh nghiệp độc lập đang được sắp xếp, củng cố, sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, bước đầu làm được vai trò trung tâm để liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong vùng, một số đã đẩy mạnh công nghiệp chế biến gắn với lợi ích của người nông dân như: Nông trường Sông Hậu, Công ty mía đường Lam Sơn, Công ty chè Mộc Châu…
  • Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, dân chủ ở nông thôn được phát huy tốt hơn, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; môi trường sinh thái được cải thiện một bước.

Những thành tựu trên mặt trận nông nghiệp nông thôn đã góp phần rất quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, tạo tiền đề đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.


(*) ĐCSVN. Văn kiện lần thứ 5 khóa IX. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Sự thật. Hà Nội. Năm 200 Tr 93-96

Xem thêm:

  • Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam
  • Công nghiệp hóa & hiện đại hóa là gì? Tính tất yếu khách quan

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com

Nội dung có hữu ích cho bạn không?