Hướng dẫn kinh tế thị trường trong tương lai XHCN ở Việt Nam

Đây là bài viết Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Sự cần thiết khách quan và ý nghĩa của việc phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

Kinh tế thị trường là mô hình kinh tế mà ở đó các quan hệ kinh tế đều được thực hiện trên thị trường, thông qua quá trình trao đổi mua bán. Quan hệ hàng hóa tiền tệ phát triển đến một trình độ nhất định sẽ đạt đến kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển của kinh tế hàng hóa dựa trên sự phát triển rất cao của lực lượng sản xuất. Trong những điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau, sự phát triển của kinh tế hàng hóa, tất nhiên, chịu sự tác động của những quan hệ xã hội nhất định hình thành nên các chế độ kinh tế-xã hội khác nhau.Vì vậy, không thể nói kinh tế hàng hóa là sản phẩm của một chế độ kinh tế – xã hội nào mà phải hiểu rằng nó là một sản phẩm của quá trình phát triển của lực lượng sản xuất xã hội loài người, nó xuất hiện và tồn tại trong nhiều phương thức sản xuất xã hội và đến trình độ cao hơn đó là kinh tế thị trường.

Ở Việt Nam, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn chứa đựng những điều kiện chung cho sự phát triển nền kinh tế hàng hóa. Do đó, sự tồn tại kinh tế hàng hóa ở nước ta là một tất yếu khách quan. Những điều kiện chung đó là :

– Phân công lao động xã hội là cơ sở tất yếu của nền sản xuất hàng hóa vẫn tồn tại và ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Sự phát triển của phân công lao động xã hội thể hiện ở chỗ các ngành nghề ở nước ta ngày càng đa dạng, phong phú, chuyên môn hóa sâu. Điều đó, đã góp phần phá vỡ tính chất tự cung tự cấp của nền kinh tế tự nhiên trước đây và thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển mạnh mẽ hơn.

Vả lại, phân công lao động xã hội là cơ sở và là động lực để nâng cao năng xuất lao động xã hội, nghĩa là làm cho nền kinh tế ngày càng có nhiều sản phẩm thặng dự dùng để trao đổi, mua bán. Do đó, làm cho trao đổi, mua bán hàng hóa trên thị trường ngày càng phát triển hơn.

– Sự tồn tại và phát triển của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế khác nhau tạo nên sự cách biệt kinh tế giữa các chủ thể kinh tế độc lập cũng là điều kiện tất yếu cho sự tồn tại và phát triển kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường ở nước ta. Thực vậy, một khi còn tồn tại nhiều dạng sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và về sản phẩm lao động sẽ tạo nên sự độc lập về kinh tế của những ngành, những chủ sở hữu khác nhau đó. Do đó, các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế khi cần sản phẩm của nhau tất yếu phải thông qua con đường thỏa thuận, trao đổi, mua bán.

Đại hội Đảng lần thứ IX đã khẳng định mô hình nền kinh tế ở nước ta trong thời kỳ quá độ là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa). Sự lựa chọn đó là xuất phát từ những lợi ích của việc phát triển kinh tế – xã hội đem lại cho nước ta. Phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta có lợi là:

– Nước ta trong thời kỳ quá độ muốn phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất thì phải xã hội hóa, chuyên môn hóa lao động. Quá trình ấy chỉ có thể diễn ra một cách thuận lợi trong một nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường. Sản xuất càng xã hội hóa, chuyên môn hóa thì càng đòi hỏi phát triển sự hiệp tác và trao đổi hoạt động kinh tế trong xã hội, càng phải thông qua sự trao đổi hàng hóa giữa các đơn vị sản xuất để đảm bảo những nhu cầu cần thiết của các loại hoạt động sản xuất khác nhau.

– Chỉ có phát triển kinh tế thị trường mới làm cho nền kinh tế nước ta phát triển năng động. Kinh tế tự nhiên, do bản chất của nó, chỉ duy trì tái sản xuất giản đơn. Trong cơ chế kinh tế cũ, vì coi thường quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu nên các cơ sở kinh tế cũng thiếu sức sống và động lực để phát triển sản xuất. Sử dụng kinh tế thị trường là sử dụng quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu, buộc mỗi người sản xuất tự chịu trách nhiệm về hàng hóa do mình làm ra. Chính vì thế mà nền kinh tế trở nên sống động. mỗi người sản xuất đều chịu sức ép buộc phải quan tâm đến sự tiêu thụ trên thị trường sao cho sản phẩm của mình được xã hội thừa nhận và từ đó họ mới có được thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Phát triển nền kinh tế thị trường là phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, cũng có nghĩa là sản phẩm xã hội ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người. Ở nông thôn nước ta, sự phát triển kinh tế thị trường và việc tăng tỷ lệ hàng hóa nông sản đã làm cho hàng hóa bán ra của nông dân nhiều lên, thu nhập tăng lên, đồng thời các ngành nghề ở nông thôn cũng ngày một phát triển, tạo ra cho nông dân nhiều việc làm. Đó cũng là điều đã diễn ra ở thành phố, đối với những người lao động thành thị.

– Phát triển kinh tế thị trường đòi hỏi phải đào tạo ngày càng nhiều cán bộ quản lý và lao động có trình độ cao. Muốn thu được lợi nhuận, họ cần phải vận dụng nhiều biện pháp để quản lý kinh tế, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, hạ giá thành sản phẩm làm cho sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường, nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế. Qua cuộc cạnh tranh trên thị trường, những nhân tài quản lý kinh tế và lao động thành thạo xuất hiện ngày càng nhiều và đó là một dấu hiệu quan trọng của tiến bộ kinh tế.

Như vậy, phát triển kinh tế thị trường đối với nước ta là một tất yếu kinh tế, một nhiệm vụ kinh tế cấp bách để chuyển nền kinh tế lạc hậu thành nền kinh tế hiện đại, hội nhập vào sự phân công lao động quốc tế. Đó là con đường đúng đắn để phát triển lực lượng sản xuất, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng của đất nước để thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường không đối lập với các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà trái lại thúc đẩy các nhiệm vụ đó phát triển mạnh mẽ hơn.

Thực tiễn những năm đổi mới chỉ ra rằng, việc chuyển sang mô hình kinh tế thị trường của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn. Nhờ mô hình kinh tế đó, chúng ta đã bước đầu khai thác được tiềm năng trong nước đi đôi với thu hút vốn và kỹ thuật nước ngoài, giải phóng được năng lực sản xuất trong xã hội, phát triển lực lượng sản xuất, góp phần quyết định bảo đảm nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trong những năm 1990 – 2000 là 7%. Trong đó nông nghiệp phát triển liên tục, đặc biệt là sản xuất lương thực, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu lương thực. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm là 13,5%. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội được tăng cường. Đời sống của nhân dân được cải thiện, nâng cao tích lũy xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.

Đặc điểm của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

Nền kinh tế thị trường còn ở trình độ kém phát triển

Thứ nhất, kết cấu hạ tầng vật chất và xã hội ở nước ta còn ở trình độ thấp. Trình độ công nghệ lạc hậu, máy móc cũ kỹ, quy mô sản xuất nhỏ bé, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất còn thấp.

Thứ hai, cơ cấu kinh tế còn mất cân đối và kém hiệu quả. Cơ cấu kinh tế nước ta còn mang nặng đặc trưng của một cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Ngành nghề chưa phát triển; sự phân công hiệp tác, chuyên môn hóa sản xuất chưa rộng, chưa sâu, tỷ suất hàng hóa còn thấp, giao lưu hàng hóa còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, chưa có hệ thống thị trường theo đúng nghĩa của nó. Trong những năm qua thị trường của nước ta đang trong quá trình hình thành và phát triển nên nó còn ở trình độ thấp. Cơ cấu thị trường chưa đủ. Dung lượng thị trường còn ít và có phần rối loạn. Các yếu tố kinh tế thị trường hình thành chưa đầy đủ. Chưa có thị trường sức lao động, thị trường khoa học công nghệ, thị trường bất động sản theo đúng nghĩa của nó. Thị trường tiền tệ chưa phát triển. Thị trường vốn chưa phát triển, còn sơ khai.

Thứ tư, thu nhập quốc dân và thu nhập bình quân đầu người còn thấp, do đớ sức mua hàng hóa còn hạn chế.

Thứ năm, còn chịu ảnh hưởng lớn của mô hình kinh tế chỉ huy với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.

Trong nhiều thập kỷ vừa qua, trước năm 1986, nền kinh tế nước ta được vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Cơ chế này đã mang lại những thành công nhất định, giúp cho nền kinh tế được ổn định để thực hiện nhiệm vụ của cuộc kháng chiến giả phóng dân tộc và khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh. Nhưng khi nền kinh tế đã được phục hồi và đi vào giai đoạn tăng trưởng thì cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, quan liêu trở nên không phù hợp và không hiệu quả cần phải có sự thay đổi.

Nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo

Các thành phần kinh tế tiến hành sản xuất hàng hóa tuy có bản chất kinh tế khác nhau, nhưng chúng đều là những bộ phận của một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất với các quan hệ cung – cầu, tiền tệ, giá cả chung… Bởi vậy, chúng vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau. Mỗi đơn vị kinh tế là mỗi chủ thể độc lập, tự chủ và tất cả đều bình đẳng trước pháp luật.

Tuy nhiên, cần nhận thức rõ ràng, mỗi thành phần kinh tế còn chịu sự tác động của các quy luật kinh tế riêng. Chính sự tác động của các quy luật kinh tế khác nhau này mà bên cạnh tính thống nhất của các thành phần kinh tế, chúng còn khác nhau và mâu thuẫn khiến cho nền kinh tế thị trường ở nước ta có khả năng phát triển theo những phương hướng khác nhau. Chẳng hạn như các thành phần kinh tế cá thể, tư bản tư nhân tuy có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu về vốn, hàng hóa và dịch vụ cho xã hội. Nhưng vì dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, các thành phần kinh tế này không tránh khỏi tính tự phát chạy theo lợi nhuận đơn thuần, nảy sinh những hiện tượng tiêu cực làm tổn hại đến những lợi ích chung của xã hội.

Vì vậy, cùng với sự khuyến khích làm giàu chính đáng của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế này, nhà nước ta phải sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn và hạn chế những khuynh hướng tự phát, những hiện tượng tiêu cực, hướng sự phát triển của các thành phần kinh tế này theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng, vấn đề có ý nghĩa quyết định nhất là Nhà nước phải quan tâm tạo điều kiện củng cố, phát huy hiệu quả, ra sức xây dựng khu vực kinh tế nhà nước đủ mạnh để làm tốt vai trò chủ đạo. Nếu kinh tế nhà nước không đảm nhiệm được vai trò này thì nền kinh tế quốc dân ắt không tránh khỏi nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa.

3. Nền kinh tế thị trường phát triển theo cơ cấu kinh tế “mở”

Xuất phát từ nhiệm vụ bao trùm về chính sách đối ngoại và quan điểm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”, chính sách kinh tế đối ngoại của nền kinh tế hàng hóa nước ta hiện nay được thực hiện theo những định hướng sau:

  • Đa dạng hóa, đa phương hóa kinh tế với mọi quốc gia, mọi tổ chức kinh tế không phân biệt chế độ chính trị trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi. Củng cố và tăng cường vị trí của Việt Nam ở các thị trường quen thuộc và với bạn hàng truyền thống; tích cực thâm nhập; tạo chỗ đứng ở các thị trường mới, phát triển các mối quan hệ mới dưới mọi hình thức.
  • Kinh tế đối ngoại là một trong các công cụ kinh tế bảo đảm cho việc thực hiện mục tiêu kinh tế – xã hội đề ra cho từng giai đoạn lịch sử cụ thể và phục vụ đắc lực mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
  • Tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới; phát huy ý chí tự lực tự cường; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dựa vào nguồn lực trong nước là chính đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài.

Theo những định hướng trên, mấy năm qua, hoạt động kinh tế đối ngoại ở nước ta đã lập lại quan hệ bình thường với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, bước đầu đã thu được những thành tựu quan trọng về kinh tế đối ngoại.

Nền kinh tế thị trường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa với sự quản lý vĩ mô của nhà nước

Đây là đặc điểm cơ bản nhất của kinh tế thị trường ở nước ta, làm cho nền kinh tế thị trường ở nước ta khác với nền kinh tế sản xuất hàng hóa giản đơn trước đây cũng như khác với nền kinh tế thị trường ở các nước tư bản chủ nghĩa. Đặc điểm này cũng chính là mô hình kinh tế khái quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Mô hình kinh tế đó có những đặc trưng riêng, làm cho nó khác với nền kinh tế thị trường ở các nước tư bản chủ nghĩa.

* Các giải pháp:

Muốn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Dưới đây là những giải pháp chủ yếu nhất:

  • Thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần
  • Mở rộng phân công lao động, phát triển kinh tế vùng, lãnh thổ, tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường.
  • Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
  • Giữ vững ổn định chính trị, hoàn thiện hệ thống luật pháp, đổi mới các chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả..
  • Xây dựng và hoàn thiện hệ thống điều tiết kinh tế vĩ mô, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế và các nhà kinh doanh giỏi.
  • Thực hiện chính sách đối ngoại có lợi cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com

Nội dung có hữu ích cho bạn không?