Quản Trị Tổng Quát: Xây Dựng Nền Tảng Cho Sự Hiệu Quả Doanh Nghiệp

Đây là bài viết Quản trị tổng quát (Administrative Management)  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Quản trị tổng quát (Administrative Management) tập trung việc nghiên cứu vào nhà quản trị và những chức năng cơ  bản của quản trị. Thuật ngữ này xuất hiện vào đầu những năm 1900 và đã được một kỹ nghệ  gia người Pháp là Henry Fayol (1841–1925) phát triển tương đối hoàn thiện. Fayol cho rằng, những thành công mà ông đã  gặt hái được trong vai trò là một nhà quản trị phần lớn là nhờ  việc áp dụng đúng các phương pháp hơn là nhờ những phẩm chất cá nhân của ông và khẳng định, để thành công, các nhà quản trị không những phải thấu hiểu các chức năng quản trị  cơ bản – hoạch định, tổ chức, phối hợp, điều khiển và kiểm tra – mà còn phải áp dụng những nguyên tắc quản trị một cách đúng đắn vào những chức năng đó. Fayol cũng là người đầu tiên tổng hợp các chức năng của nhà quản trị theo cách này. Tư tưởng quản trị của Henry Fayol được ông trình bày trong tác phẩm nổi tiếng “Quản trị công nghiệp và quản trị tổng quát” có ý nghĩa đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học quản trị hiện đại.1

Cũng giống như những nhà quản trị đương thời theo chủ nghĩa truyền thống, Fayol nhấn mạnh đến những tiến trình và cấu trúc chính thức trong tổ chức. Fayol đã phát triển 14 nguyên tắc quản trị sau và khuyến cáo các nhà quản trị nên ứng dụng vào tổ chức.

  1. Phân công lao động
  2. Quyền hành
  3. Kỷ luật
  4. Thống nhất mệnh lệnh
  5. Thống nhất chỉ huy
  6. Đặt lợi ích của cá nhân dưới lợi ích chung
  7. Thù lao
  8. Tập trung hóa
  9. Chuỗi quyền hành
  10. Trật tự
  11. Công bằng
  12. Sự ổn định nhân viên và công việc
  13. Sáng tạo
  14. Tinh thần đồng đội

Khi thực hành, các quản trị viên có thể sử dụng rất nhiều nguyên tắc về quản trị tổng quát (hay quản trị hành chính) của Fayol, tuy nhiên, những quản trị viên khác nhau hiếm khi  nào sử dụng các nguyên tắc này một cách giống nhau. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể,  cá biệt, việc áp dụng các nguyên tắc sẽ khác nhau.

Fayol cũng đã phân chia các lĩnh vực hoạt động trong một tổ chức kinh doanh thành 6 nhóm, bao gồm:

  1. Kỹ thuật hay sản xuất
  2. Thương mại (mua bán, trao đổi)
  3. Tài chính (tìm và sử dụng tối ưu vốn)
  4. An ninh (bảo toàn tài sản và nhân viên)
  5. Kế toán (kể cả thống kê)
  6. Các hoạt động quản trị tổng quát, bao gồm các công việc hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, phối hợp và kiểm

Đây là sự phân tích đầu tiên về quản trị theo kiểu này, dù các tác giả sau Fayol có bổ  sung thêm, nó vẫn đứng vững về cơ bản. Fayol còn đề cập đến các yêu cầu về phẩm chất và huấn luyện quản trị, và theo ông các phẩm chất được đòi hỏi ở các quản trị  viên là: thể xác,  tinh thần, đạo đức, giáo dục, kỹ thuật và kinh nghiệm.

Đóng góp của Fayol đối với sự phát triển của lý thuyết quản trị  là  rất lớn.  Ngày nay, cách tiếp cận về quản trị của Fayol được xem là căn bản đối với khoa học quản trị hiện đại,    còn gọi là tiếp cận chức năng hay “quá trình quản trị”. Phần lớn các tài liệu viết về quản trị   kinh doanh hiện đại đều sử dụng cách tiếp cận nghiên cứu này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và thực hành quản trị đều có khuynh hướng bỏ chức năng phối hợp vì cho rằng bản chất của quản trị vốn dĩ đã bao gồm và đòi hỏi sự phối hợp.

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com