Thị Trường: Tìm Hiểu Phân Loại và Vai Trò Quan Trọng

Đây là bài viết Thị trường là gì? Phân loại và vai trò của thị trường  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Sản xuất hàng hóa là sản xuất ra để bán, do đó, nó luôn gắn liền với thị trường. Vậy thị trường là gì? Đâu là vai trò của thị trường? [Kinh tế chính trị Mác Lenin]

Khái niệm thị trường [Kinh tế Chính trị Mác Lênin]

Thị trường là tổng hòa những quan hệ kinh tế trong đó nhu cầu của các chủ thể được đáp ứng thông qua việc trao đổi, mua bán với sự xác định giả cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ tương ứng với trình độ phát triển nhất định của nền sản xuất xã hội.

Như vậy, thị trường có thể được nhận diện ở cấp độ cụ thể, quan sát được như chợ, cửa hàng, quầy hàng lưu động, phòng giao dịch hay siêu thị và nhiều hình thức tổ chức giao dịch, mua bản khác,

Ở cấp độ trừu tượng hơn, thị trường cũng có thể được nhận diễn thông qua các mối quan hệ liên quan đến trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ trong xã hội, được hình thành do những điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội nhất định. Theo nghĩa này, thị trường là tổng thể các mối quan hệ kinh tế gồm cung, cầu, giá cả; quan hệ hàng – tiền; quan hệ giá trị, giá trị sử dụng, quan hệ hợp tác, cạnh tranh; quan hệ trong nước, ngoài nước.. .Đây cũng là các yếu tố của thị trường.

Một quan niệm khác về thị trường

Thị trường là sự biểu hiện thu gọn của quá trình mà thông qua đó các quyết định của các gia đình về tiêu dùng các mặt hàng nào, các quyết định của các công ty về sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và các quyết định của người công nhân về việc làm bao lâu cho ai đều được dung hòa bằng sự điều chỉnh giá cả.

Nguồn: David Begg. Stanley Fisher, Rudiger Dornbusch, Kinh tế học, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội 1992, trang 11.

Phân loại thị trường

Căn cứ theo đối tượng trao đổi, mua bán cụ thể, có các loại thị trường như: thị trường hàng hóa, thị trường dịch vụ. Trong mỗi loại thị trường này lại có thể cụ thể ra thành các thị trường theo các loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau rất phong phú.

Căn cứ vào phạm vi các quan hệ, có các loại thị trường trong nước, thị trường thế giới.

Căn cứ vào vai trò của các yếu tố được trao đổi, mua bán, có thị trường tư liệu tiêu dùng, thị trường tư liệu sản xuất.

Căn cứ vào tính chất và cơ chế vận hành, chia ra thị trường tự do, thị trường có điều tiết, thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường cạnh tranh không hoàn hảo (độc quyền).

Ngày nay, các nền kinh tế phát triển ngày càng nhanh và phức tạp hơn, do đó hệ thống thị trường cũng biến đổi phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, để tổ chức có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đòi hỏi phải hiểu rõ về bản chất hệ thống thị trường, những quy luật kinh tế cơ bản của thị trường và các vấn đề liên quan khác.

Dựa trên số lượng người mua hoặc bán là nhiều hay ít, có ảnh hưởng quyết định đến giá cả và sản lượng trên thị trường như thế nào cho biết tính chất cạnh tranh trong thị trường đó ra sao, Có thể phân chia thành các loại thị trường:

Thị trường cạnh tranh hoàn hảo là thị trường có hai đặc tính cơ bản và quan trọng nhất: một là tất cả các loại hàng hóa đều có đặc tính giống hệt nhau; hai là có vô số người bán và người mua nên không có người bán và người mua cá biệt nào có thể tác động tới giá của thị trường. Do đó, người bán và người mua trong thị trường này phải chấp nhân giá do thị trường quyết định.Ví dụ, trên thị trường lúa gạo, có hàng ngàn nông dân sản xuất và bán lúa, có hàng triệu người tiêu dùng nên không một nông dân hay người tiêu dùng cá biệt nào có thể tác động đến giá lúa gạo, do đó, họ mặc nhiên coi giá lúa gạo là cho trước và chấp nhận giá.

Thị trường độc quyền hoàn toàn là thị trường có đặc tính đối lập  hoàn toàn với thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Một số thị trường chỉ có một người bán duy nhất và có rất nhiều người mua cho nên anh ta là người quyết định giá cả. Người bán này được gọi là nhà độc quyền. Ví dụ công ty điện lực trong một thành phố sẽ là nhà độc quyền nếu công ty này là nơi duy nhất cung cấp điện cho thành phố.

Một số thị trường nằm giữa hai dang thị trường này là thị trường cạnh tranh độc quyền và thị trường độc quyền nhóm.

Thị trường cạnh tranh độc quyền bao gồm nhiều người bán nhưng mỗi người lại chào bán một sản phẩm hơi khác biệt và độc đáo hơn so với sản phẩm của những người còn lại. Vì sản phẩm hoàn toàn không giống nhau nên mỗi người có một khả năng nào đó trong việc định giá sản phẩm của mình. Ví dụ là thị trường xe hơi, rất nhiều các công ty và các dòng xe khác nhau vì vậy mỗi sản phẩm có một mức giá riêng

Thị trường độc quyền nhóm với đặc trưng là chỉ một số ít hay một nhóm người bán ví dụ trong một quốc gia có hai hoặc ba công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động, để đảm bảo ấn định được mức giá cao họ thường có xu hướng tránh cạnh tranh gay gắt và bắt tay với nhau.

3. Vai trò của thị trường

Xét trong mối quan hệ với thúc đẩy sản xuất và trao đổi hàng hóa (dịch vụ) cũng như thúc đẩy tiến bộ xã hội, vai trò chủ yếu của thị trường có thể được khái quát như sau: Một là, thị trường thực hiện giá trị hàng hóa, là điều kiện, môi trường cho sản xuất phát triển.

Giá trị của hàng hóa được thực hiện thông qua trao đổi. Việc trao đổi phải được diễn ra ở thị trường. Thị trường là môi trường để các chủ thể thực hiện giá trị hàng hóa. Sản xuất hàng hóa càng phát triển, sản xuất ra cảng nhiều hàng hóa, dịch vụ thì càng đòi hỏi thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn. Sự mở rộng thị trường đến lượt nó lại thúc đẩy trở lại sản xuất phát triển. Vì vậy, thị trường là môi trường, là điều kiện không thể thiếu được của quá trình sản xuất kinh doanh.

Thị trường là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng. Thị trường đặt ra các nhu cho sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng. Vì vậy, thị trường có vai trò thông tin, định hưởng cho mọi nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Hai là, thị trường kích thích sự sáng tạo của mọi thành viên trong xã hội, tạo ra cách thức phân bổ nguồn lực hiệu quả trong nền kinh tế. Thị trường thúc đẩy các quan hệ kinh tế không ngừng phát triển. Do đó, đòi hỏi các thành viên trong xã hội phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo để thích ứng được với sự phát triển của thị trường. Sự sáng tạo được thị trường chấp nhận, chủ thể sáng tạo sẽ được thụ hưởng lợi ích tương xứng. Khi lợi ích được đáp ứng, động lực cho sự sáng tạo được thúc đẩy. Cứ như vậy, kích thích sự sáng tạo của mọi thành viên trong xã hội. Thông qua thị trường, các nguồn lực cho sản xuất được điều tiết, phân bố tới các chủ thể sử dụng hiệu quả, thị trường tạo ra cơ chế để lựa chọn các chủ thể có năng lực sử dụng nguồn lực hiệu quả trong nền sản xuất.

Ba là, thị trường gắn kết nền kinh tế thành một chỉnh thể, gắn kết nền kinh tế quốc gia với nền kinh tế thế giới.

Xét trong phạm vi quốc gia, thị trường làm cho các quan hệ sản xuất lưu thông, phân phối, tiêu dùng trở thành một thể thống nhất. Thị trường không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Thị trường gắn kết mọi chủ thể giữa các khâu, giữa các vùng miền vào một chỉnh thể thống nhất.

Xét trong quan hệ với nền kinh tế thế giới, thị trường tạo ra sự gắn kết nền kinh tế trong nước với nền kinh tế thế giới. Các quan hệ sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng không chỉ bỏ hẹp trong phạm vi nội bộ quốc gia, mà thông qua thị trường, các quan hệ đó có sự kết nối, liên thông với các quan hệ trên phạm vi thế giới. Với vai trò này, thị trường góp phần thúc đẩy sự gắn kết nền kinh tế quốc gia với nền kinh tế thế giới.

Vai trò của thị trường luôn không tách rời với cơ chế thị trường. Thị trường trở nên sống động bởi có sự vận hành của cơ chế thị trường.

Xem: Cơ chế thị trường

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com