Đây là bài viết Lịch sử A Rập (thời trung đại) trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:
97
I. Sự thành lập nhà nước A Rập
Tình hình Tây Á trước khi nước A Rập thành lập
a/ Tình hình Iran – Lưỡng Hà:
Có thể bạn muốn biết:
Từ cuối thế kỷ IV TCN, vùng này nằm trong bản đồ của Vương triều Xêlơcút. Giữa thế kỷ III TCN, nhân khi triều Xêlơcút suy yếu, cư dân ở miền Bắc Iran nổi dậy giết viên Tổng đốc của triều Xêlơcút rồi thành lập nước Pácti do Vương triều Ácxaxơ thống trị.
Năm 226, một tiểu vương ở miền Nam Iran lật đổ Vương triều Ácxaxơ rồi lập nên một triều đại mới gọi là triều Xaxanít (226-651). Trong lịch sử, đất nước của Vương triều này gọi là Tân Ba Tư.
Đến thế kỷ V, Tân Ba Tư trở thành một nước lớn mạnh nhất ở Tây Á, có lãnh thổ bao gồm đất đai của các nước Ápganixtan, Iran, Irắc,… ngày nay.
b/ Tình hình bán đảo A Rập:
Trong quá trình ấy, ở bán đảo A Rập chỉ trừ vùng Yêmen ở phía Tây Nam có nhà nước từ sớm, còn phần lớn bán đảo đang ở vào giai đoạn tan rã của xã hội nguyên thủy. Tuy vậy, ở vùng ven bờ biển Đỏ, nhờ nằm trên con đường buôn bán giữa phương Đông và phương Tây nên đã xuất hiện một số thành phố, trong đó quan trọng nhất là Mécca và Yatơríp (từ năm 622 đổi tên thành Mêđina).
Đặc biệt ở trung tâm thành phố Méccacó một ngôi đền gọi là Caaba (nghĩa là “Khối lập phương”), trong đó, ngoài các tượng thần của các bộ lạc ra còn thờ một phiến đá đen, đó là biểu tượng sùng bái chung của các bộ lạc.
Do Caaba là ngôi đền chung của các bộ lạc A Rập nên hàng năm, cứ đến mùa đông, người A Rập xa gần đều đến đây đi lễ, nhân dịp ấy, họ mang theo súc vật để đổi lấy các loại sản phẩm thủ công. Do vậy, trong những dịp ấy, các quý tộc Mécca đã thu được những nguồn lợi lớn. Tình hình đó càng đẩy nhanh quá trình phân hóa giai cấp và chính vì vậy đến đầu thế kỷ VII, A Rập đang đứng trước yêu cầu thành lập nhà nước.
Quá trình thành lập nhà nước A Rập
a/ Môhamét và sự thành lập nhà nước A Rập:
Quá trình thành lập nhà nước A Rập gắn liền với quá trình truyền bá đạo Hồi của Môhamét.
Môhamét xuất thân từ bộ lạc Côraisơ, một bộ lạc có thế lực nhất ở Mécca. Năm 610, ông bắt đầu truyền bá đạo Hồi. Tầng lớp quý tộc, thị tộc ở Mécca lo ngại tôn giáo mới sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế và địa vị chính trị của họ, vì vậy, họ cật lực chống đạo Hồi.
Trong quá trình truyền đạo, Môhamét tự xưng mình là sứ giả của chúa Ala và là Tiên tri của tín đồ. Năm 622, do bị tầng lớp quý tộc Mécca hãm hại, Môhamét cùng với các giáo đồ của mình phải chạy lên thành phố Yatơrip ở phía Bắc. Từ đó, thành phố này đổi tên thành Mêđia nghĩa là “ Thành phố của Tiên tri”. Năm xảy ra sự kiện quan trọng ấy (622) được lấy làm năm thứ nhất của lịch Hồi giáo.
Từ đó, cư dân A Rập theo đạo Hồi ngày càng nhiều, lực lượng của Môhamét ngày càng mạnh. Năm 630, Môhamét đem 10.000 người tiến xuống Mécca. Thủ lĩnh thị tộc Côraisơ ở đây là Abu Xuphian không dám chống cự. Môhamét nghiễm nhiên trở thành chủ nhân của Mécca. Sự kiện này đánh dấu nhà nước A Rập chính thức ra đời.
Môhamét vẫn xưng là Tiên tri, nhưng giờ đây, danh hiệu ấy không chỉ có nghĩa là người truyền bá tôn giáo mà còn là người đứng đầu nhà nước A Rập mới ra đời.
Để thỏa hiệp với cư dân Mécca, Môhamét tuyên bố Mécca là thánh địa và ngôi đền Caaba là thánh thất chính của đạo Hồi; đồng thời, ông giao cho các quý tộc Mécca một số chức vụ trong nhà nước mới hình thành.
b/ Đạo Hồi:
Đạo Hồi: vốn gọi là đạo Islam nghĩa là “phục tùng”, về sau dân tộc Hồi ở Trung Quốc theo tôn giáo này nên quen gọi là đạo Hồi |
Trước khi đạo Hồi ra đời, người A Rập cũng thờ nhiều loại thần và cũng thờ thần tượng. Ngoài ra, họ còn sùng kính một vị thần chung cao nhất gọi là Ala (nghĩa là thần).
Đến cuối thế kỷ VI, Môhamét (570-632) thường hướng dẫn các đội buôn đến vùng Xiri, Palextin, do đó, đã tiếp thu được quan niệm nhất thần giáo của đạo Do Thái và đạo Kitô. Đến năm 610, ông bắt đầu truyền bá đạo Hồi.
– Về lòng tin, đạo Hồi cho rằng chỉ có Ala là chúa duy nhất, ngoài ra không có chúa nào khác. Ala đã sáng tạo ra tất cả, trời đất, vạn vật đều là của Còn Môhamét là sứ giả của Ala và là Tiên tri của tín đồ.
Là tôn giáo ra đời sau đạo Do Thái và đạo Kitô, Môhamét cũng thừa nhận Mô-i-dơ, người sáng lập đạo Do Thái và Giêxu, người sáng lập đạo Kitô đều là những vị Tiên tri, nhưng ông là vị Tiên Tri cuối cùng và vĩ đại nhất.
Đạo Hồi cũng tiếp thu nhiều yếu tố của đạo Do Thái và đạo Kitô như truyền thuyết về sáng tạo thế giới, quan niệm về thiên đường, địa ngục, ngày phán xét cuối cùng, thiên sứ, ma qủy…Tuy vậy, đạo Hồi có một điều không giống nhiều tôn giáo khác là không thờ thần tượng, chỉ ở đền Caaba có giữ lại phiến đá đen làm một biểu tượng sùng bái mà thôi.
– Về bổn phận của tín đồ, đạo Hồi quy định phải thực hiện 5 điều:
+ Đức tin: phải tin tưởng chỉ có Ala, không có chúa nào khác, Môhamét là sứ giả của Ala và là vị Tiên tri cuối cùng.
+ Cầu nguyện: hàng ngày phải cầu nguyện 5 lần vào các thời điểm sáng, trưa, chiều, tối, đêm. Ngoài ra, cứ đến thứ sáu thì phải đến thánh thất làm lễ một lần.
+ Ăn chay: mỗi năm đến tháng Ramađan (tháng 9, lịch Hồi giáo) phải ăn chay một tháng. Trong tháng này, từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn phải nhịn ăn uống…
+ Nộp thuế.
+ Hành hương: trong suốt cuộc đời của mỗi tín đồ phải đi hành hương đền Caaba ở Mécca một lần.
– Kinh thánh của đạo Hồi là Kinh Côran (nghĩa là “đọc”). Đây là một tác phẩm ghi lại những lời nói của Môhamét mà theo tín đồ Hồi giáo, đó là những lời phán bảo của Chúa. Vì vậy, ngoài nội dung tôn giáo, họ cho rằng Kinh Côran còn chứa đựng mọi nguyên tắc pháp luật, đạo đức và mọi tri thức khoa học.
3. Sự hình thành đế quốc A Rập:
a/ Thời kỳ bốn Calipha đầu tiên:
Năm 632, Môhamét chết. Từ đó về sau, người đứng đầu nhà nước A Rập gọi là Calipha nghĩa là người kế thừa Tiên tri.
Từ năm 632-661, ở A Rập đã thay đổi đến 4 Calipha là Abu Beknơ (632- 634), Ôma (634-644), Ôxman (644-655) và Ali (656-661). Họ đều là bà con hoặc bạn chiến đấu của Môhamét và được giai cấp quý tộc bầu ra.
Ngay từ thời Calipha thứ nhất, A Rập đã tích cực thi hành chính sách xâm chiếm đất đai của Bidantium và của Ba Tư.
Thời Ôma, A Rập lần lượt chinh phục được Xiri (636), Palextin (638), Ai Cập (642).
Đến thời Ôxman, A Rập tiêu diệt được nước Ba Tư rộng lớn (651).
b/ Triều Ômayát và sự hình thành đế quốc A Rập:
Trong số 4 Calipha đầu tiên, Calipha thứ tư là Ali vốn là con rể của Môhamét. Năm 661, Ali bị giết chết. Nhân đó, viên tổng đốc ở Xiri thuộc họ Ômayát được các quý tộc ở Ai Cập và Xiri lập nên làm Calipha đóng đô ở Đamát (Xiri). Từ đó về sau, ngôi Calipha đời đời cha truyền con nối. Sự kiện đó đánh dấu vương triều đầu tiên ở A Rập – Vương triều Ômayát (661-750) được thành lập.
Dưới thời Vương triều Ômayát, A Rập tiếptục tiến hành những cuộc chiến tranh chinh phục, liên tiếp đánh nhau với Bidantium, chiếm được đất đai ở Bắc Phi của Bidantium.
Năm 711, từ Châu Phi, quân A Rập vượt biển đánh chiếm vương quốc Tây Gốt (ở Tây Ban Nha).
Năm 732, từ Tây Ban Nha, quân A Rập tấn công vương quốc Phrăng nhưng bị thất bại.
Về phía Đông, thếlực của A Rập cũng mở rộng đến lưu vực sông An và cao nguyên Pamia của Trung Á.
Như vậy, đến giữa thế kỷ VIII, A Rập trở thành một đế quốc rộng lớn, lãnh thổ bao gồm đất đai của ba châu Á, Phi và Âu trải dài từ lưu vực sông Ấn đến Đại Tây Dương.
II. Triều Abát và sự diệt vong của đế quốc A Rập:
a/ Triều Abát (750-1258):
Dưới thời thống trị của triều Ômayát, nhân dân trong vùng mà nhất là nhàn dân trong vùng bị chinh phục vô cùng cực khổ, vì vậy, họ luôn luôn nổi dậy bạo động. Nhân tình hình ấy, một địa chủ lớn ở Irắc tên là Abu Lơ Abát cũng thành lập một tổ chức chính trị để chống lại triều Ômayát.
Năm 750, lực lượng khởi nghĩa cũa quần chúng lật đổ triều Ômayát. Abu Lơ Abát được lập nên làm Calipha. Triều Abát thành lập. Năm 762, triều Abát dời đô từ Đamát (ở Xiri) sang Bátđa (ở Irắc).
Thời kỳ thống trị của triều Abát là thời kỳ phát triển nhất về mọi mặt của đế quốc A Rập nhưng đồng thời đây cũng là thời kỳ mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn bộ tộc hết sức gay gắt dẫn đến sự tan rã của đế quốc A Rập.
Ngay sau khi Abu Lơ Abat mới lên làm Calipha, người A Rập ở Tây Ban Nha không thừa nhận chính quyền của họ Abát. Đến năm 929, họ chính thức thành lập một nước riêng gọi là nước Calipha Coócđôba.
Các tổng đốc ở Marốc, Tuynidi và Angiêri, Ai Cập, Xiri, Palextin, Iran, Trung Á đều thành lập những nước độc lập.
Năm 969, ở Ai Cập chính thức thành lập nước Calipha Cairô. Do vậy, phạm vi thống trị của triều Abát chỉ còn lại vùng xung quanh Bátđa mà thôi.
b/ Sự diệt vong của đế quốc A Rập:
Trong hoàn cảnh đế quốc A Rập đang tan rã nhanh chóng, người Tuyếc Xen Giúc sau khi chiếm được Trung Á đã tiến quân chinh phục Iran và đến năm 1055 thì chiếm được Bátđa. Người Tuyếc cũng theo đạo Hồi nên thủ lĩnh của họ chỉ bắt Calipha A Rập phong cho mình danh hiệu Xuntan (nghĩa là người có quyền uy) còn Calipha thì vẫn được duy trì với chức năng Giáo trưởng.
Năm 1132, nhân khi thế nước của người Tuyếc Xengiúc suy yếu, Calipha khôi phục được chính quyền của mình nhưng lãnh thổ càng bị thu nhỏ.
Giữa thế kỷ XIII, quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Hulagu (em Hốt Tất Liệt) chinh phục Iran, đến năm 1258, Bátđa cũng bị chiếm. Calipha A Rập tuy đã đầu hàng vẫn bị giết hại. Triều Abát diệt vong. Đế quốc A Rập đến đây kết thúc. Từ đó, một vùng đất đai rộng lớn bao gồm Ápghanixtan, Iran, Irắc, miền Đông Tiểu Á vốn nằm trong bản đồ đế quốc A Rập trở thành lãnh thổ của quốc gia Hulagu mà về sau gọi là Hãn quốc Ilơ.
(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới trung đại)
Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com