Lịch Sử Lưỡng Hà Cổ Đại: Những Khoảnh Khắc Quan Trọng

Đây là bài viết Lịch sử Lưỡng Hà cổ đại  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Tổng quan về Lịch sử Lưỡng Hà cổ đại.

I. Địa lý và cư dân.

Lưỡng Hà là miền nằm giữa hai sông: sông Tigrơ ở phía Đông và sông Ơphơrát ở phía Tây. Cả hai sông này bắt nguồn từ miền rừng núi Acmêria chảy qua lãnh thổ nước Irắc ngày nay rồi đổ ra vịnh Ba Tư.

Về mùa xuân, tuyết ở cao nguyên Acmêria tan làm nước hai sông Tigrơ và Ơphơrát dâng cao gây nên lũ lụt làm ngập cả một vùng rộng lớn. Chính nhờ nước lụt, đất đai ở đây không ngừng được bồi đắp và trở nên màu mỡ. Do lượng phù sa rất nhiều nên sau mấy nghìn năm bờ biển của vịnh Ba Tư phải lùi xa gần 200 km. Vì vậy, hai dòng sông Tigrơ và Ơphơrát vốn đổ ra biển bằng hai cửa sông khác nhau đã nhập lại thành một dòng trước khi ra biển.

Về địa hình, Lưỡng Hà là một vùng mà khắp mọi phía không có núi non hiểm trở che chắn, vì vậy nơi này đã trở thành một địa bàn để nhiều tộc khác nhau đến thành lập quốc gia của mình .

Cư dân xưa nhất ở Lưỡng Hà là người Xume. Đến thiên niên kỷ III TCN, người Ác-cát thuộc tộc Xêmít cũng đến định cư ở Lưỡng Hà. Cuối thiên kỷ III TCN một chi nhánh của người Xêmít là người Amôrít cũng tràn vào Lưỡng Hà. Trong qúa trình ấy, các tộc này đã đồng hóa với nhau.

II. Các quốc gia ở Lưỡng Hà cổ đại

Từ khi bắt đầu xuất hiện nhà nước vào đầu thiên kỷ III TCN đến cuối thiên kỷ I TCN, ở Lưỡng Hà đã tồn tại các quốc gia sau đây:

Những thành bang của người Xume

Vào khoảng đầu thiên kỷ III TCN, ở miền Nam Lưỡng Hà, nơi cứ trú của người Xume, do sự phát triển cảu lực lượng sản xuất, do sự phân hóa giàu nghèo, đã xuất hiện nhiều nhà nước nhỏ lấy một thành thị làm trung tâm gọi là thành bang. Người đứng đầu những thành bang ấy gọi là Patêxi (vua).

Giữa các thành bang ấy thường diễn ra những cuộc đấu tranh để dành đất đai và nguồn nước. Đến giữa thiên kỷ III TCN, trong số các thành bang ở miền Nam Lưỡng Hà nổi bật nhất Lagát. Bằng nhiều cuộc chiến tranh liên tiếp, Lagát đã chinh phục được nhiều thành bang lân cận.

Tuy vậy trong nội bộ Lagát, vì Patêxi chiếm đoạt tài sản của đền miếu và tăng cường áp bức bóc lột nhân dân nên đã diễn ra một cuộc đấu tranh do Urucaghina lãnh đạo. Sau đó, Urucaghina được lên làm Patêxi.

Urucaghina đã tiến hành một cuộc cải cách nhằm giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội, do đó Lagát càng hùng mạnh.

Không lâu sau đó, Lagát bị thành bang Umma ở phía Bắc đánh bại. Tiếp đó Umma còn chinh phục được nhiều thành bang khác và thống nhất toàn bộ miền Nam Lưỡng Hà.

Accát thống nhất Lưỡng Hà .

Thành bang Accát do người Xêmít thành lập ở phía bắc Xume. Đến thời vua Xácgông (2369 – 2314 TCN), Accát trở htành một quốc gia hùnh mạnh. Xácgông đã thi hành nhiều chính sách để phát triển kinh tế và lực lượng quân sự, Sau đó tấn công các thành bang ở phía Nam, chinh phục được vùng Xume và lần đầu tiên thống nhất được toàn bộ Lưỡng Hà.

Tiếp đó Xácgông còn chiếm được các vùng xung quanh, lập thành một quốc gia lớn mạnh, Xácgông tự xưng là “vua của bốn phương” .

Đến thời kỳ thốnh trị của Naramxin (2290 – 2254 TCN) Accát lại càng hùng mạnh. Naramxin tiếp tục mở rộng lãnh thổ ra xung quanh và ngạo nghễ tự xưng là “Naramxin thần thánh, thần hùng cường của Accát”.

Tuy vậy sau khi Naramxin chết, Accát bị suy yếu, toàn bộ Lưỡng Hà bị người Guti chinh phục và thống trị trong một thời gian khá dài.

3. Vương triều III của Ua. (2132 – 2024 TCN)

Sau khi người Guti bị đánh đuổi, quyền thống trị ở Lưỡng Hà chuyển sang tay vương triều III của Ua, một thành bang cổ xưa của Xume. Phạm vi thống trị của vương triều này cũng rất rộng.

Ua đã ban bố một bộ luật mà ngày nay đã phát hiện được một số đoạn. Đó là bộ luật cổ nhất trong lịch sử thấ giới.

Như vậy, dưới thời vương triều III, Ua đã trở thành một nước lớn mạnh, nhưng đến cuối thế kỷ XXI TCN, Ua bị suy yếu và bị liên quân của Elam (một bộ tộc ở phía đông) và Mari (một thành bang ở phía bắc) đánh bại.

Cổ Babilon

Babilon là một thành phố do người Amôrít (một chi nhánh của người Xêmít) thành lập ở miền trung Lưỡng Hà. Trong thời kỳ đầu, Babilon còn tương đối yếu,nhưng đến nửa sau thế kỷ XVIII TCN, dưới thời vua Hammurabi (1792 – 1750 TCN), Babilon trở thành một quốc gia hùng mạnh nổi tiếng trong lịch sử Lưỡng Hà cổ đại.

Hammurabi là một nhà chính trị rất khôn khéo, đã lần lượt đánh bại các thành bang xung quanh, thống nhất được hầu hết vùng Lưỡng Hà. Trên cơ sở đó Hammurabi đã xây dựng bộ máy nhà nước chuyên chế tập quyền trung ương .

Đặc biệt Hammurabi đã ban hành bộ luật gọi là bộ luật Hammurabi. Bộ luật này khắc trên một cột đá, được một nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện năm 190 Đây là bộ luật cổ được giữ lại tương đối nguyên vẹn.

Luật Hammurabi gồm ba phần: Mở đầu, nội dung và kết luận.

Phần mở đầu nói về sức mạnh thần thánh của Hammurabi và mục đích ban bố bộ luật.

Phần nội dung bao gồm 282 điều luật về dân sự và hình sự, trong đó phần lớn đầ cập đến các mặt kinh tế xã hội như ruộng đất, nô lệ, địa tô, vay nợ, gia đình v.v…

Phần kết luận nhắc lại công đức của Hammurabi và yêu cầu đời sau phải nghiêm chỉnh thi hành bộ luật.

Tân Babilon

Từ giữa thế kỷ VII TCN, Atxêri bắt đầu suy yếu. Nhân tình hình ấy, năm 626 TCN, một tướng lĩnh người Canđê, một chi nhánh của người Xêmít tên là Nabôpôlaxa, người đã từng phục vụ chính quyền Atxiri và hình như được cử làm Tổng đốc của Atxiri ở miền Nam Babilon đã tuyên bố Babilon độc lập. Để phân biệt với Cổ Babilon, quốc gia này đã được gọi là Tân Babilon.

Ngay sau đó, Tân Babilon liên minh với nước Mêđi ở phía đông bắc cùng tấn công Atxiri. Năm 605 TCN, Atxiri bị diệt vong. Đất đai của Atxiri bị chia làm hai phần: Nửa phía bắc thuộc về Mêđi, nửa phía Nam thuộc về Tân Babilon.

Để tăng thêm tình hữu nghị giữa hai nước Nabôpôlaxa đã hỏi công chúa Mêđi cho con trai của mình là Nabusôđônôxo. Năm 604 TCN, Nabôpôlaxa chết. Nabusôđônôxo (604-562 TCN) lên nối ngôi. Đây là thời kỳ thịnh vượng nhất của Tân Babilon.

Do một số nơi như Phênixi, Do Thái v.v… vốn nằm trong bản đồ Atxiri nhưng nay dựa vào Aicập không chịu khuất phục Tân Babilon nên Nabusôđônôxo đã mở nhiều cuộc tấn công và đã chiếm được những nước này. Ở trong nước, Nabusôđônôxođã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc nguy nga như thành Babilon, đến miếu, tháp, đặc biệt là vườn hoa trên không. Cũng như Kim tự tháp của Ai Cập, vườn hoa trên không của Babilon được coi là một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại.

Năm 562 TCN, Nabusôđônôxo chết, từ đó tình hình nội bộ Tân Babilon không được ổn định. Năm 538 TCN, Tân Babilon bị Batư tiêu diệt.

6. Ba Tư.

Trong khi Tân Babilon suy yếu, ở Iran bắt đầu xuất hiện nước Ba Tư.

Năm 550 TCN, Ba Tư đánh bại Mêđi, Babilon cũng trở thành mục tiêu chinh phục của Ba Tư.

Năm 538 TCN, quân Ba Tư tấn công và chiếm được thành Babilon.

Babilon trở thành một bộ phận của đế quốc Ba Tư.

Năm 328 TCN, đế quốc Ba Tư bị quân Alếchxăng Makêđônia tiêu diệt. Từ đó Babilon và cả Tây Á bị nhập vào đế quốc Makêđônia. Sau khi Alếcxăng chết, đế quốc Makêđônia bị phân chia, vùng Lưỡng Hà nằm trong bản đồ của vương triều Xêlơcút ở Tây Á.

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới cổ đại)

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com