Đây là bài viết Quốc tế II: Sự thành lập và Các hoạt động trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:
75
I – Sự thành lập và hoạt động của Quốc tế II cuối thế kỷ XIX
Ngày 14-7-1889, ngày kỷ niệm 100 năm phá ngục Baxti, hai hội nghị quốc tế, một của phái mácxít, một của phái “Có thể” đều khai mạc ở Pari. Đại hội của phái “Có thể” tuy có 606 đại biểu nhưng 524 đại biểu là người Pháp, những đại biểu của các đảng lớn ở châu Âu đều không có mặt. Chính vì lý do đó, đại hội do họ triệu tập không thể trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế.
Có thể bạn muốn biết:
- A Rập trong Lịch sử Thời Trung Đại: Mênh mông hành trình
- Nội chiến Mỹ 1861-1865: Cuộc Đấu tranh Quyết định
- Chiến tranh độc lập Bắc Mỹ và Sự Hình thành Nước Mỹ: Trải nghiệm đầy kỳ diệu
- Chuyển đổi từ Tự do sang Đế chế 1870-1914: Chủ nghĩa Tư bản trong Sự Phát triển
- Giai cấp công nhân và Các trào lưu XHCN trước Mác: Hành trình đấu tranh và sự cách mạng
Quốc tế II được thành lập tại đại hội do những người mácxít triệu tập. Đại hội gồm 395 đại biểu, đại diện cho hầu hết phong trào công nhân châu Âu, có cả đại biểu Mỹ, Áchentina tham dự.
Đại hội tiến hành thảo luận bốn vấn đề chính: 1 – Vấn đề hoạt động hợp pháp của giai cấp công nhân; 2 – Việc thủ tiêu đạo quân thường trực; 3 – Lấy ngày 1 tháng 5 làm ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân; 4 – Vấn đề đấu tranh kinh tế và đấu tranh chính trị.
Trong vấn đề đầu tiên, phái vô chính phủ phản đối giai cấp công nhân đấu tranh chính trị và phủ định việc lợi dụng quốc hội để đấu tranh hợp pháp. Cuộc đấu tranh chống phái vô chính phủ trở thành một nhiệm vụ quan trọng của Quốc tế II.
Đại hội đã thông qua nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường đấu tranh chính trị, tăng cường phong trào công nhân. Nghị quyết chỉ rõ việc đấu tranh hợp pháp không phải là mục đích, mà là điều kiện để thực hiện mục đích giải phóng giai cấp vô sản. Đó là biện pháp để nâng cao trình độ giác ngộ, trình độ văn hóa của giai cấp công nhân. Mục đích cuối cùng của giai cấp công nhân phải là chủ nghĩa xã hội.
Về đấu tranh kinh tế, nghị quyết nêu rõ yêu cầu làm 8 giờ một ngày, tăng lương cho công nhân, hủy bỏ chế độ trả lương bằng hiện vật là nhiệm vụ đấu tranh của tổ chức công đoàn.
Để biểu dương lực lượng sức mạnh đoàn kết của giai cấp công nhân, đại hội quyết định lấy ngày 1 tháng 5 làm ngày biểu dương lực lượng hàng năm của giai cấp công nhân, ngày Quốc tế Lao động. Về vấn đề quân thường trực, cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi. Nguyên nhân là sau chiến tranh Pháp-Phổ, các nước châu Âu đều chạy đua vũ trang. Gánh nặng chiến tranh đè lên đầu nhân dân. Đại hội đã nhất trí thông qua nghị quyết ủng hộ vũ trang toàn dân, nhưng chỉ rõ việc tăng cường quân thường trực là nguồn gốc của chiến tranh.
Đại hội Pari năm 1889 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Nó khôi phục tổ chức quốc tế của phong trào công nhân, tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho thắng lợi của chủ nghĩa Mác.
Sau Đại hội Pari, phong trào công nhân châu Âu đạt được những thành tích đáng kể dưới ảnh hưởng của Quốc tế II. Năm 1890, chính quyền phản động Đức buộc phải xóa “đạo luật đặc biệt” và trong cuộc tuyển cử, giai cấp công nhân Đức đã giành được thắng lợi lớn. Ngày 1 tháng 5 năm 1890, lần đầu tiên ở nhiều thành phố châu Âu, công nhân biểu dương lực lượng rầm rộ thu hút hàng chục vạn người tham gia. Phong trào công nhân ở Pháp, ở Anh phát triển mạnh mẽ. Công nhân đã ghi vào chương trình đấu tranh đòi ngày làm 8 giờ. Tập hợp, giáo dục và tiến lên vì mục đích đấu tranh cuối cùng là giành lấy quyền quản lý xã hội, thực hiện chuyên chính vô sản – đó chính là nhiệm vụ cao cả của các chính đảng công nhân trong giai đoạn này.
Trong thời kỳ đầu của Quốc tế II, Ăngghen trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh về tư tưởng trong Quốc tế II. Đấu tranh chống phái vô chính phủ trở thành nội dung đấu tranh tư tưởng chính từ Đại hội I ở Pari (1889) qua Đại hội II ở Bruyxen, Đại hội III ở Xuyrích và kết thúc căn bản tại Đại hội IV ở Luân Đôn (1896).
Ở Đại hội lần II Bruyxen, những vấn đề của Đại hội Pari lại được đưa ra thảo luận.
Về vấn đề chủ nghĩa quân phiệt, Liepnếch đã vạch ra một cách đúng đắn rằng chiến tranh là một tội ác, là con đẻ của bản thân chế độ tư bản. Ông kêu gọi giai cấp công nhân toàn thế giới kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt, chống những liên minh chính trị âm mưu gây chiến. Đồng thời, ông kêu gọi giai cấp công nhân phải hoạt động tích cực và có hiệu quả vì sự toàn thắng của chủ nghĩa xã hội. Phái vô chính phủ chống lại những ý kiến của Liepnếch. Họ chủ trương công nhân sẽ dùng bãi công để phản đối chiến tranh bất chấp tình huống như thế nào. Liepnếch đại biểu cho những người mácxit đã chỉ rõ cuộc tổng bãi công cũng như cuộc cách mạng hoàn toàn không tùy thuộc ý muốn chủ quan của giai cấp công nhân.
Một vấn đề được phái vô chính phủ đặc biệt quan tâm là vấn đề bãi công. Những người mácxít đã kêu gọi giai cấp công nhân tập hợp lực lượng đấu tranh chống bọn tư bản. Hình thức bãi công, tẩy chay được coi là một biện pháp có hiệu quả trong việc giải phóng lao động khỏi ách nô lệ. Nhưng đồng thời, những lãnh tụ Đức lại đề ra ý kiến cần thận trọng khi áp dụng biện pháp này. Thái độ dè dặt đó đã tạo cơ hội cho bọn vô chính phủ lên án những nhà xã hội dân chủ là quá say mê con đường nghị trường, không dám dùng biện pháp quyết liệt.
Thời kỳ sau Đại hội Bruyxen được đánh dấu bằng sự tăng cường đấu tranh chống chủ nghĩa vô chính phủ. Hội nghị xã hội quốc tế họp ngày 263-1893 đã thông qua một nghị quyết quan trọng về những điều kiện cho phép các đảng và các tổ chức đến họp lần sau. Nghị quyết vạch rõ rằng tất cả các đảng, các tổ chức xã hội phải thừa nhận sự thành lập đảng công nhân và sự cần thiết hoạt động chính trị thì mới được tham gia đại hội. Đây chính là biện pháp ngăn chặn phái vô chính phủ tham gia phá hoại các đại hội công nhân.
Nhưng ở đại hội Quốc tế lần thứ III họp ở Xuyrích ngày 6-8-1893, bọn vô chính phủ lại tới dự đại hội và tuyên bố họ cũng hoạt động chính trị. Phái vô chính phủ lấy việc ám sát vua Alếchxăng II làm ví dụ, xem đó như một hành động chính trị và đòi tham dự đại hội. Những người mácxit buộc phải đề nghị thêm vào nghị quyết lời bàn về tiêu chuẩn hoạt động chính trị. Đại hội nêu rõ, ám sát là hành động khủng bố cá nhân, không phải là hoạt động chính trị của giai cấp công nhân nhằm đấu tranh cho mục tiêu cuối cùng giành lấy chính quyền. Căn cứ vào điểm giải thích bổ sung, đại hội đã không thừa nhận quyền đại biểu hợp pháp của phái vô chính phủ.
Trong khi đặt lại vấn đề đấu tranh nghị trường, đại hội đã nhắc lại luận điểm có tính nguyên tắc của Mác là chỉ có sự hoạt động chính trị mới là phương tiện để đi đến giải phóng giai cấp vô sản. Giai cấp công nhân các nước phải lựa chọn hình thức đấu tranh chính trị và kinh tế xã hội để tập hợp lực lượng và phát triển, song trong bất cứ trường hợp nào, hoạt động chính trị cũng không thể là cái cớ để thỏa hiệp hay liên minh có hại đến nguyên tắc và hoạt động độc lập của các đảng xã hội.
Vấn đề thuộc địa lần đầu tiên được đề cập trong đại hội IV họp ở Luân Đôn ngày 27-71896. Lãnh tụ các đảng công nhân lúc bấy giờ đã có ý kiến đúng đắn, khi cho rằng cần lên án chính sách thuộc địa của chủ nghĩa tư bản vì với bất cứ lý do nào, chủ nghĩa thực dân chỉ là nhằm mở rộng khu vực bóc lột tư bản chủ nghĩa, phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản.
Đại hội lần IV lên án bọn vô chính phủ và đuổi phái này khỏi Quốc tế II, đặt ra ngoài hàng ngũ phong trào công nhân có tổ chức.
Năm 1895, Ăngghen mất, gây nên một tổn thất lớn đối với phong trào công nhân. Bọn cơ hội xét lại dần dần chiếm ưu thế trong Quốc tế II. Chủ nghĩa đế quốc đã tạo những tiền đề xã hội cho chủ nghĩa cơ hội tồn tại và phát triển. Cuối thế kỷ XIX, các đảng trong Quốc tế II dần dần thành những đảng cải lương.
II – Quốc tế II đầu thế kỷ XX
Sau khi Ăngghen mất (1895), phái cơ hội bắt đầu tấn công vào chủ nghĩa Mác một cách trắng trợn. Chủ nghĩa cơ hội dần dần chiếm ưu thế trong Quốc tế II. Becxtainơ trở thành người cầm đầu phái xét lại thời đó.
E. Bécxtainơ (1850-1932) xuất bản cuốn sách lấy tên là “Tiền đề của chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ của Đảng Xã hội dân chủ”. Trong cuốn sách đó Becxtainơ tuyên bố học thuyết Mác đã lỗi thời, chứng minh mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản có chiều hướng hòa hoãn. Becxtainơ bênh vực chủ nghĩa đế quốc, chứng minh rằng các tổ chức lũng đoạn xuất hiện sẽ làm cho chủ nghĩa tư bản có thể tránh được khủng hoảng.
Đối với phong trào công nhân, Becxtainơ chủ trương: “Phong trào là tất cả, mục đích cuối cùng là không đáng kể”, phủ nhận quan điểm giai cấp công nhân phải làm cách mạng, phủ nhận chuyên chính vô sản. Becxtainơ đã sửa đổi chủ nghĩa Mác về các mặt triết học, kinh tế chính trị học, về học thuyết đấu tranh giai cấp.
Việc chủ nghĩa xét lại xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XIX đòi hỏi phong trào công nhân phải có đối sách của mình, và cần thiết phải có một lãnh tụ chỉ đạo phong trào. Nhưng lúc bấy giờ, đảng Xã hội dân chủ Đức đang say sưa với những thắng lợi đạt được trong cuộc bầu cử quốc hội nên đã thỏa hiệp với những quan điểm sai lầm của chủ nghĩa xét lại. Vào những năm 1898-1899 một số lãnh tụ phái tả trong các đảng công nhân như Pơlêkhanốp, Bêben, Rôda Lucxembua, Pôn Laphácgơ có lên tiếng phê phán chủ nghĩa xét lại Becxtainơ, nhưng cuộc đấu tranh không triệt để, kết quả rất hạn chế.
Những người mácxít Nga đã dẫn đầu cuộc đấu tranh chống khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa. Lênin đã vạch trần những sai lầm của chủ nghĩa Becxtainơ và tác hại to lớn của nó đối với sự nghiệp của giai cấp công nhân. Người đã phân tích nguồn gốc kinh tế và xã hội của chủ nghĩa xét lại, kiên quyết đấu tranh để loại trừ chủ nghĩa cơ hội ra khỏi hàng ngũ đảng công nhân.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh tư tưởng trong Quốc tế II đã diễn ra gay gắt và phức tạp. Những vấn đề chính thảo luận trong các đại hội là :
- Phương pháp giành chính quyền.
- Vấn đề thuộc địa.
- Vấn đề thái độ đối với cách mạng Nga 1905
- Về chủ nghĩa quân phiệt và nguy cơ chiến tranh.
Một trong những vấn đề quan trọng thuộc về chiến lược và sách lược của các Đảng xã hội được thảo luận trong Quốc tế II là vấn đề thái độ của công nhân đối với nghị viện và chính phủ tư sản, vấn đề chính quyền của giai cấp công nhân.
– Về vấn đề đấu tranh nghị trường, vấn đề giành chính quyền của giai cấp vô sản, các lãnh tụ Quốc tế II say sưa với thắng lợi đạt được trong các cuộc bầu cử ở các nước tư bản, tuyên truyền con đường hòa hợp cải lương, chỉ chủ trương đấu tranh hợp pháp. Họ coi đấu tranh nghị trường, tham gia chính phủ tư sản là biện pháp duy nhất và chủ yếu đem lại khả năng giành quyền thống trị cho giai cấp công nhân. Thực ra, họ chỉ tiến hành đấu tranh đòi cải cách vụn vặt mà hy sinh quyền lợi lâu dài của giai cấp công nhân, lừa dối giai cấp công nhân. Đa số các lãnh tụ Quốc tế II đã lộ rõ lập trường đầu hàng, không dám đề ra những hình thức đấu tranh cách mạng giành lấy chính quyền, thiết lập nền chuyên chính vô sản.
– Vấn đề thuộc địa được đề cập nhiều trong các đại hội ở Luân Đôn (1896), Pari (1900), Stútga (1907). Hồi đó, các nước đế quốc đang tiến hành các cuộc chiến tranh xâu xé, thị trường, chiến tranh Anh-Bôơ, chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, chiến tranh trấn áp Nghĩa hòa đoàn ở Trung Quốc v.v… Đối với các hành động quân sự có liên quan đến tình hình quốc tế này, tổ chức công nhân toàn thế giới – Quốc tế II – không thể làm ngơ được. Họ phải tỏ rõ thái độ của giai cấp công nhân.
Đại hội Pari (1900) đã có quyết nghị đứng đắn, lên án chính sách thuộc địa của các nước đế quốc. Nghị quyết kêu gọi đấu tranh chống lại những cuộc phiêu lưu thuộc địa, kêu gọi thành lập các đảng Xã hội ở các thuộc địa và thống nhất hành động với các đảng ấy. Đại biểu của phong trào công nhân Anh đã tố cáo việc đế quốc Anh gây chiến với Bôơ (Nam Phi).
Đến đại hội Stútga (1907), vấn đề thuộc địa trở thành vấn đề tranh luận sôi nổi nhất và qua đó đã lột trần bộ mặt thật của các đại biểu cơ hội-xét lại.
Các đại biểu cơ hội là Vancôn, Fônma, Bécxtainơ đã bênh vực chủ nghĩa thực dân, bênh vực chính sách xâm lược của bọn đế quốc. Họ cho rằng chế độ thuộc địa có thể tồn tại và nên tồn tại trong chế độ tư bản chủ nghĩa để “khai hóa” các nước lạc hậu. Theo họ, những người xã hội cũng có thể và cần phải thực hiện “chính sách thuộc địa xã hội chủ nghĩa”. Bécxtainơ trơ tráo cho rằng sự “bảo hộ của các dân tộc văn minh” đối với “các dân tộc không văn minh” là cần thiết.
Rõ ràng bọn cơ hội trong Quốc tế II đã công khai thừa nhận và ủng hộ chính sách nô dịch dân tộc của chủ nghĩa đế quốc, chống lại nguyên tắc về quyền dân tộc tự quyết, về quyền đấu tranh vì độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức. Những quan điểm của các lãnh tụ cơ hội xét lại Quốc tế II hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa Mác về vấn đề thuộc địa.
Lênin dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng Bônsêvích, lần đầu tiên tham dự đại hội Stútga đã kiên quyết vạch trần luận điểm về “chính sách thuộc địa xã hội chủ nghĩa”, về vai trò “khai hóa” của bọn tư bản áp bức bóc lột hàng triệu nhân dân lao động ở các thuộc địa.
Cuộc đấu tranh về vấn đề thuộc địa, trong đại hội Stútga đã diễn ra gay go, quyết liệt. Cuối cùng, nghị quyết lên án chính sách thuộc địa một cách đúng đắn do Lênin và những người mácxít dự thảo đã được thông qua với tỉ lệ 127 phiếu thuận so với 108 phiếu chống.
– Trong cuộc Cách mạng dân chủ tư sản Nga năm 1905, giai cấp công nhân Nga dưới sự lãnh đạo của Lênin và Đảng Bônsêvích đã phát triển những hình thức đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản. Cuộc Cách mạng Nga 1905 có ảnh hưởng to lớn đến phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế. Những vấn đề cơ bản của cách mạng Nga đồng thời cũng là những vấn đề cơ bản của cách mạng thế giới, có ý nghĩa lớn về lý luận cũng như về thực tiễn. Đó là vấn đề quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng dân chủ tư sản, vấn đề liên minh công nông, vấn đề cách mạng không ngừng từ cách mạng dân chủ tư sản chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa v.v…
Trước những vấn đề cơ bản đó, những người lãnh đạo Quốc tế II bị phân chia làm 3 phái:
Phái xét lại-cải lương công khai như Becxtainơ thì cực lực phản đối quyền lãnh đạo của đảng vô sản và giai cấp vô sản trong cách mạng dân chủ tư sản. Đồng thời Becxtainơ kiên quyết bác bỏ tư tưởng cách mạng dân chủ chuyển ngay sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như vậy hầu như trên toàn bộ vấn đề quan trọng hàng đầu của cuộc cách mạng Nga, họ đều phản đối.
Phái giữa đứng đầu là Cauxky, ban đầu cho rằng sự thắng lợi của những người xã hội chủ nghĩa rất có thể có được nếu như biết dựa vào quyền lợi chung của giai cấp vô sản và nông dân. Đó là quan điểm tương đối đúng đắn. Nhưng ngay sau khi cách mạng 1905 bùng nổ, Cauxky đã đi theo quan điểm cơ hội cho rằng: giai cấp vô sản chỉ có thể giành được địa vị lãnh đạo tạm thời thôi, còn muốn giành được thắng lợi hoàn toàn thì giai cấp vô sản phải biến mình thành đa số trong nhân dân. Lênin trong nhiều tác phẩm của mình đã bác bỏ luận điểm trên. Phái giữa đã giữ thái độ bàng quan trước sự can thiệp của nước ngoài và sự trấn áp tàn bạo của Nga hoàng. Họ chống lại hình thức bãi công chính trị của giai cấp vô sản.
Thực ra, phái giữa về bàn chất là đại biểu của chủ nghĩa cơ hội giấu mặt, khoác áo mácxít để chống lại những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác. Đó cũng là tư tưởng của những phần tử công nhân quý tộc, tiểu tư sản nhằm tìm một giải pháp thứ ba thỏa hiệp quyền lợi giai cấp vô sản với quyền lợi của giai cấp tư sản, thực chất là bảo vệ giai cấp tư sản.
Phái Tả là phái cách mạng có đại biểu như Rôda Lúcxembua, Clara Xétkin, và Lênin. Họ kiên quyết bảo vệ những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác chống lại mọi trào lưu cơ hội chủ nghĩa trong phong trào công nhân.
Trong sinh hoạt thường kỳ của Quốc tế II, vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt, chống chiến tranh đã thành vấn đề thời sự nóng hổi lúc bấy giờ. Ở đại hội Stútga, cuộc đấu tranh cho một nghị quyết đúng đắn về chủ nghĩa quân phiệt đã xảy ra quyết liệt và những người mácxít đã giành được thắng lợi. Lênin tham gia tiểu ban dự thảo nghị quyết về chống chủ nghĩa quân phiệt và chiến tranh.
Trong Đại hội Stútga đã có đến 4 bản dự thảo phản ánh những ý kiến phức tạp của hội nghị về vấn đề này.
Giôrét – đại biểu phái đa số của Đảng Xã hội Pháp, nêu lên nguyên tắc “bảo vệ đất nước bị tấn công” làm điều kiện để hành động. Theo ông thì trong cuộc chiến tranh, nước bị tấn công “có quyền được sự ủng hộ của giai cấp công nhân toàn thế giới”. Ông lấy luận điểm “chiến tranh phòng ngự” và “tấn công” làm tiêu chuẩn để định tính chất của một cuộc chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa và chỉ nêu vấn đề chống chủ nghĩa tư bản chung chung. Giôrét không nhận thức được rằng bọn đế quốc có thể bằng đủ mọi cách, mọi thủ đoạn khiêu khích mị dân, kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi để phát động một cuộc chiến tranh tội lỗi dưới chiêu bài “bảo vệ Tổ quốc”.
Ghexdơ, đại biểu cho phái thiểu số của Đảng Xã hội Pháp đưa ra luận điểm chiến tranh là con đẻ tất yếu của chủ nghĩa đế quốc và không thể nào ngăn ngừa được. Nhưng ông chỉ nêu lên những nguyên lý chung chung chống chủ nghĩa tư bản mà không có một biện pháp cụ thể nào.
Phônma, đại biểu của chủ nghĩa cơ hội Đức tuyên bố không cần thiết có hoạt động đặc biệt gì để chống lại chủ nghĩa quân phiệt.
Écvê, đại diện phái vô chính phủ trong Đảng Xã hội Pháp, chủ trương khi chiến tranh bùng nổ thì quần chúng công nhân sẽ dùng hình thức bãi công, đào ngũ và khởi nghĩa để chống lại, Lênin đã châm biếm gọi biện pháp chống chiến tranh của Écvê là biện pháp của mấy “ông tướng ỳ”.
Lênin đã phê phán Écvê không hiểu chiến tranh là sản vật của chủ nghĩa tư bản. Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa các nước đế quốc đi áp bức nô dịch các dân tộc thì tất yếu sẽ dẫn tới những cuộc chiến tranh chống áp bức. Đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Giai cấp vô sản quốc tế không thể không tham gia ủng hộ cuộc chiến tranh đó.
Lênin nói rõ việc dùng phương pháp bãi công, khởi nghĩa để chống chiến tranh đế quốc, điều đó không tùy thuộc ở sự quyết định trước của các nhà cách mạng, mà là tùy thuộc ở điều kiện khách quan của cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng chính trị do chiến tranh gây ra. Thực tế quan điểm dùng khởi nghĩa, bãi công để chống chiến tranh sẽ đưa giai cấp công nhân vào thế bị động.
Bêben đại biểu của Đảng Xã hội dân chủ Đức, đã vạch rõ nguyên nhân của chiến tranh trong xã hội tư bản đương thời. Dự án nêu lên nguồn gốc của chiến tranh là hậu quả của cuộc cạnh tranh thị trường thế giới, nô dịch các dân tộc. Chiến tranh chỉ loại trừ khỏi đời sống khi chủ nghĩa tư bản bị tiêu diệt.
Nhưng dự án của Bêben có nhược điểm là thực tế chỉ nhấn mạnh biện pháp đấu tranh bằng con đường nghị trường, lên án tính chất ăn cướp hiếu chiến của giai cấp tư sản. Ông đưa khái niệm chiến tranh “tự vệ” và chiến tranh “tấn công” vào dự án một cách không rõ ràng.
Để khỏi phân tán lực lượng, những người Xã hội dân chủ cánh tả không đưa ra nghị quyết riêng mà ủng hộ nghị quyết của Bêben. Lênin và những lãnh tụ cánh tả trong Quốc tế II đã đề nghị sửa đổi, bổ sung vào dự án của Bêben một số điều cơ bản. Dự án nghị quyết này được thông qua.
Vấn đề đấu tranh chống nguy cơ chiến tranh còn được tranh luận tại đại hội lần thứ VIII của Quốc tế II họp ở Copenhagen tháng 8 năm 19 Nhưng nghị quyết về vấn đề này nhắc lại những luận điểm ở đại hội Stútga, nêu thêm nhiệm vụ phải kiên quyết chống ngân sách quân sự trong các nghị viện, đòi áp dụng chế độ trọng tài để xem xét các cuộc xung đột giữa các nước. Đại hội cũng yêu cầu các Đảng xã hội tổ chức công nhân các nước biểu tình, thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí chống chiến tranh.
Nhưng về thực tế, phần đông lãnh tụ Quốc tế II chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa cơ hội-xét lại đã không thi hành những nghị quyết đúng đắn của đại hội. Cụ thể là những người xã hội không hề tổ chức biểu tình đoàn kết khi xảy ra cuộc chiến tranh Ý-Thổ năm 19111912 cũng như cuộc khủng hoảng lần thứ hai về vấn đề Marốc 191 Trong thực tiễn, các Đảng Xã hội không thực hiện những nghị quyết đã được thông qua ở Đại hội Stútga và Copenhagen.
Sau đại hội Copenhagen, nguy cơ chiến tranh thế giới ngày càng đến gần. Những phát súng báo hiệu đã nổ ra ở những cuộc chiến tranh Ý-Thổ Nhĩ Kỳ (1911-1912), chiến tranh Ban Căng, khủng hoảng Marốc. Trong tình hình đó, Quốc tế II triệu tập một cuộc họp bất thường ở Balơ (1912).
Đại hội Balơ 1912 ra bản tuyên ngôn có tính chất lịch sử của phong trào công nhân quốc tế. Đó là lời kêu gọi công nhân các nước chống chiến tranh, đoàn kết tạo nên sức mạnh chống chủ nghĩa đế quốc.
Nhưng khi chiến tranh thế giới lần thứ I bùng nổ các lãnh tụ Quốc tế II đã đưa tổ chức này đến chỗ phá sản. Những lãnh tụ các đảng Xã hội dân chủ Đức, Pháp bỏ phiếu tán thành ngân sách chiến tranh. Công đảng Anh ủng hộ vô điều kiện giai cấp tư sản trong cuộc chiến tranh. Bọn Mensêvích thì hết sức tâng bốc chính sách chiến tranh của Nga hoàng. Chính những hành vi phản bội trên đã làm cho Quốc tế II bị phá sản hoàn toàn.
Chỉ có Đảng Bônsêvích Nga dưới sự lãnh đạo của Lênin đã thực hiện một cách sáng tạo đường lối cách mạng trên nguyên lý của chủ nghĩa Mác. Lênin và Đảng Bônsêvích đề ra khẩu hiệu “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng” và nhờ thực hiện chủ trương đó đã giành thắng lợi to lớn trong cuộc Cách mạng tháng Mười năm 191 Sau Cách mạng tháng Mười, chính Lênin và Đảng đã dựa trên nguyên tắc quốc tế vô sản thành lập Quốc tế III năm 1919, với nhiệm vụ lịch sử mở đường một giai đoạn cách mạng thắng lợi của phong trào công nhân quốc tế.
Xem thêm: Quốc tế I
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com