Cách mạng Đức 1848: Đấu tranh vì Sự Thống nhất

Đây là bài viết Cách mạng Đức 1848  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

I – Tình hình nước Đức nửa đầu thế kỷ XIX

Tình hình kinh tế – chính trị nửa đầu thế kỷ XIX

Đến giữa thế kỷ XIX, nước Đức vẫn là một quốc gia phong kiến lạc hậu. Theo quyết nghị của hội nghị Viên (1815), đất nước này được coi là một liên bang bao gồm 31 tiểu vương quốc tách biệt nhau và 4 thành phố tự trị (Brêmen, Hămbua, Liubêch, Phrăngphua trên sông Mainơ. Cơ quan tối cao của Liên bang là Hội nghị Liên bang bao gồm đại diện các tiểu vương quốc không có mối liên hệ vững chắc, không có quyền lực thực tế. Liên bang Đức không có cơ quan lập pháp và hành pháp chung, không có quân đội, tài chính và ngoại giao chung. Toàn bộ quyền lực ở trong tay giai cấp quý tộc phong kiến của từng vương quốc. Cho nên, trên thực tế, Liên bang Đức vẫn nằm trong tình trạng bị chia cắt về hành chính, quan thuế, đo lường và tiền tệ. Tình trạng đó gây nên nhiều trở ngại đối với sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, do sự tiến bộ kỹ thuật ở châu Âu, kinh tế công thương nghiệp Đức bắt đầu phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Năm 1822, cả nước Đức mới có 2 máy hơi nước, đến năm 1847 đã sử dụng 1139 máy. Năm 1825, chiếc tàu thủy chạy bằng máy hơi nước xuất hiện trên sông Ranh. Năm 1835, đường xe lửa đầu tiên được khánh thành, mười năm sau chiều dài đường lên tới 2.300km. Giới tư bản Đức bỏ vốn vào các ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là khai mỏ và hóa chất. Các trung tâm công nghiệp mới xuất hiện: Ranh Vetxphalen, Sơlêdiên, Xắcxôni…

Trong khoảng ba mươi năm (1818-1848), dân số Béclin tăng gần gấp hai lần. Năm 1834 “Đồng minh quan thuế” được thành lập gồm 18 quốc gia Đức, tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho sự phát triển công thương nghiệp.

Trong khi đó, nông thôn vẫn duy trì quan hệ bóc lột phong kiến. Giai cấp quý tộc phong kiến nắm quyền thống trị về kinh tế và chính trị, chi phối mọi hoạt động trong nước. Do ảnh hưởng của sự du nhập kỹ thuật vào nông thôn, một bộ phận ruộng đất được chuyển sang kinh doanh theo kiểu tư bản chủ nghĩa. Trong những ấp trại này, người ta sử dụng các loại máy nông nghiệp, phân bón hóa chất và tuyển nhân công làm thuê. Tuy vậy, mọi hình thức bóc lột phong kiến vẫn không bị bãi bỏ.

Sự phân bố các lực lượng giai cấp trong xã hội

Những biến chuyển kinh tế dẫn đến sự thay đổi về phân bố lực lượng giai cấp trong xã hội. Giai cấp quý tộc phong kiến vẫn giữ địa vị thống trị trong bộ máy nhà nước. Đặc biệt là triều đình vua Phổ Phridric Vinhem III có ảnh hưởng lớn đối với các tiểu quốc vương khác. Vinhem III (17701840) không chịu thực hiện những điều đã hứa hẹn trước đây về việc ban hành hiến pháp, vẫn ngoan cố tăng cường quyền lực của chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến. Do đó, tình trạng đất nước bị chia cắt với quyền lực vô hạn của các tiểu vương quốc là một trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Giai cấp tư sản Đức ra đời và lớn lên cùng với sự phát triển của công thương nghiệp. Đặc biệt là ở miền Tây Nam giáp nước Pháp, kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh, nên giai cấp tư sản ở đây có thế lực đáng kể. Cuộc cách mạng tháng Bảy năm 1830 ở Pháp và cuộc cải cách tuyển cử năm 1832 ở Anh càng thôi thúc giai cấp tư sản Đức bước vào đấu tranh. Mục tiêu của họ là chống lại chế độ quân chủ phong kiến và tiến hành thống nhất đất nước, tạo nên thị trường dân tộc Đức.

Giới trí thức, sinh viên, tiểu tư sản và tư sản dân chủ có thái độ cấp tiến hơn. Họ đòi hỏi một nền dân chủ thực sự và thiết, lập chế độ cộng hòa. Tháng 5-1832 sinh viên dẫn đầu nhiều cuộc biểu tình ở các thành phố lớn, thu hút 30 ngàn người tham gia “Hội nhân quyền” bí mật thành lập ở Hetxen và Đamxtat. Ngoài sinh viên và trí thức còn có nhiều thợ thủ công và dân nghèo thành thị gia nhập hội. Năm 1834, “Hội nước Đức trẻ” được thành lập. Cương lĩnh của hội đề ra việc thành lập nước Đức thống nhất, thực hiện quyền bình đẳng chính trị và xã hội, xóa bỏ đặc quyền phong kiến, ban hành quyền tự do kinh doanh công thương nghiệp, tự do báo chí và hội họp.

Đông đảo nông dân Đức sống trong tình trạng vô cùng cực khổ, gánh nặng tô thuế và các thứ nghĩa vụ phong kiến đè nặng lên đời sống của họ. Họ mong muốn có mảnh ruộng cày cấy, nhưng hầu hết đất đai tập trung trong tay bọn quý tộc. Bên cạnh những người tiểu nông và tá điền, đã bắt đầu xuất hiện công nhân nông nghiệp. Tình cảnh của họ cũng chẳng sáng sủa gì hơn vì họ vừa bị bóc lột giá trị thặng dư, vừa phải đóng góp nghĩa vụ phong kiến. Do đó, nông dân nhiều lần nổi dậy đấu tranh chống bọn quý tộc địa chủ, nhưng vì thiếu tổ chức và lãnh đạo nên không tránh khỏi thất bại.

Giai cấp công nhân ra đời và lớn mạnh theo sự phát triển của nền công nghiệp. Đó là một giai cấp mới trong xã hội, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống chế độ chuyên chế phong kiến.

Đời sống của công nhân Đức rất khổ cực, mức sống thấp hơn nhiều so với công nhân Anh và Pháp. Ngày lao động kéo dài 14-16 giờ, tiền lương rất thấp, nhất là đối với lao động phụ nữ và trẻ em, điều kiện ăn ở rất thiếu thốn, vì vậy, công nhân sớm tiến hành đấu tranh phản kháng từ hình thức phá máy, lãn công đến biểu tình bãi công. Nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa của công nhân dệt Sơlêdiên năm 1844.

Trong quá trình đấu tranh, giai cấp công nhân Đức đã thành lập những tổ chức đầu tiên của mình. Năm 1833, một số công nhân Đức ở Pari thành lập “Đồng minh nhân dân Đức”, chịu ảnh hưởng của những người cộng hòa tiểu tư sản.

Ngay sau đó, “Đồng minh những người bất hạnh” được thành lập. Mục tiêu chủ yếu của Đồng minh là thiết lập một nước Đức thống nhất theo chế độ cộng hòa dân chủ. Năm 1836, do sự bất đồng ý kiến giữa những người công nhân và phái dân chủ tiểu tư sản trong tổ chức, Đồng minh bị phân hóa. Một số người có tinh thần đấu tranh tích cực lập một hội mới là “Đồng minh những người chính nghĩa”. Lần đầu tiên, họ đưa ra yêu sách đòi xóa bỏ chế độ tư hữu, vì theo họ, đó là nguồn gốc của mọi sự bất bình đẳng trong xã hội. Những người đại biểu của đồng minh là Cac Sappo, Henrich Bauơ và Vinhem Vaitơlinh. Vaitơlinh được coi là nhà tư tưởng của “Đồng minh những người chính nghĩa”, chủ trương tiến hành cách mạng để lật đổ chế độ cũ, nhưng không nhận thức được thực chất của cuộc đấu tranh giai cấp và sứ mệnh của giai cấp vô sản.

Trong những năm 40, Các Mác (1815- 1883) và Phriđrich Ăngghen (1820-1895) là những người đầu tiên nhận thức về vai trò vĩ đại của giai cấp vô sản. Các ông tham gia tích cực vào phong trào công nhân châu Âu, xây dựng học thuyết cách mạng và năm 1847 đã khởi thảo bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, bản cương lĩnh của giài cấp vô sản. Mác và Ăngghen đã đặt nền tảng đầu tiên cho chủ nghĩa xã hội khoa học.

3. Tình thế cách mạng

Do sự chuyển biến về kinh tế và chính trị, những mâu thuẫn cơ bản của xã hội Đức ngày càng lộ rõ. Bước vào giai đoạn cuối của chế độ phong kiến, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với chế độ quân chủ chuyên chế và mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân cùng đông đảo quần chúng lao động với giai cấp quý tộc phong kiến ngày càng trở nên sâu sắc. Thực chất, điều đó phản ánh mâu thuẫn giữa sức sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển với quan hệ sản xuất phong kiến lạc hậu đang kìm hãm sức sản xuất. Đối với các đặc điểm của tình hình nước Đức, vấn đề chủ yếu phải giải quyết là lật đổ nền quân chủ chuyên chế phong kiến, thống nhất nước Đức và xây dựng một nhà nước cộng hòa dân chủ, giải phóng giai cấp nông dân và tạo điều kiện phát triển chủ nghĩa tư bản. Đó chính là nhiệm vụ cơ bản của một cuộc cách mạng dân chủ tư sản.

Nhưng nước Đức giữa thế kỷ XIX lại xuất hiện một mâu thuẫn mới. Giai cấp công nhân Đức ngày càng lớn mạnh và bước đầu tiến hành đấu tranh giành quyền lợi cho mình. Cho nên, mâu thuẫn giữa tư sản với công nhân đã tác động mạnh mẽ vào sự phát triển của tình hình.

Vụ mất mùa và cuộc khủng hoảng công thương nghiệp năm 1847 làm cho nước Đức gặp nhiều khó khăn. Đời sống của quần chúng lao động càng thêm khổ cực. Ở nhiều thành phố, hàng ngàn ugười xuống đường chống chính phủ.

Cùng thời gian đó, Chính phủ Phổ lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính, thiếu tiền, buộc phải tìm đến giai cấp tư sản để vay. Nhà vua Phổ Phridrich Vinhem IV (1795-1861) lên ngôi từ năm 1840, phải triệu tập Hội nghị Liên bang ở Beclin ngày 11-4-1847 gồm đại biểu các tỉnh thuộc Phổ. Nhưng giai cấp tư sản dưới sự lãnh đạo của các đại biểu tư sản miền sông Ranh bắt nhà vua phải nhận điều kiện chính trị mới cho vay tiền. Vinhem IV không chấp thuận, liền giải tán Hội nghị Liên bang. Việc đó đã gây nên sự căm phẫn trong giai cấp tư sản và các tầng lớp nhân dân.

Nhiệm vụ chính của cuộc cách mạng là thống nhất đất nước xóa bỏ sự cách biệt về chính trị và kinh tế giữa các vương quốc, thống nhất quốc gia dân tộc.

Phân tích lực lượng giai cấp ở Đức lúc bấy giờ, Mác và Ăng ghen đã nhận định rằng trong điều kiện lịch sử năm 1848, giai cấp tư sản có thể lãnh đạo cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Họ đòi bãi bỏ quyền phong kiến với quý tộc, nhưng không nghĩ đến việc lật đổ chế độ chuyên chế. Họ muốn tự do đề đạt ý kiến nên đòi quyền tự do báo chí, diễn đàn và hội họp. Họ muốn lập một chính phủ toàn nước Đức để có thị trường nội địa chung, bảo đảm quyền lợi trên thị trường quốc tế. Nhưng họ chủ trương thống nhất nước Đức bằng con đường cải cách, lập chế độ lập hiến mà các vương quốc vẫn giữ nguyên quyền hạn cũ. Giai cấp tư sản Đức không muốn nổ ra một cuộc cách mạng, bởi vì chính họ không thể nào quên được cuộc khởi nghĩa của những người công nhân dệt ở Sơlêdiên và cuộc cách mạng tháng Hai ở Pháp.

Mác và Ăngghen viết “Những yêu sách của Đảng Cộng sản Đức” là bản cương lĩnh chính trị của Đồng minh những người cộng sản nhằm giải quyết triệt để những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân chủ tư sản Đức, tạo ra tiền đề cho giai cấp vô sản giành chính quyền, chuyển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

II – Cách mạng 1848 ở Đức

Những sự kiện cách mạng ở miền Nam nước Đức

Cuối tháng 2-1848, cuộc cách mạng bắt đầu từ miền Nam nước Đức, trước hết ở Bađen rồi lan dần sang các miền sông Ranh, ở Vuyếtthembec, Baye. Cuộc khởi nghĩa ở Bađen chống chính quyền phong kiến giành được thắng lợi bước đầu: chính phủ buộc phải công nhận quyền tự do báo chí, võ trang toàn dân, bãi miễn các bộ trưởng phản động và trao quyền cho các đại biểu của giai cấp tư sản tự do.

Ở Vuyếtthembec, nhất là ở những nơi đã xảy ra cuộc chiến tranh nông dân Đức năm 1525, nông dân phát huy truyền thống cách mạng, nổi dậy kéo đến dinh của bọn địa chủ quý tộc, đốt phá lâu đài, giấy tờ ràng buộc họ về thuế má và đòi hủy bỏ những đặc quyền phong kiến. Yêu cầu cấp thiết đối với giai cấp nông dân là tiêu diệt trật tự phong kiến và các thứ sưu dịch phong kiến đè lên đời sống của họ.

Ngày 3-3-1848, giai cấp công nhân tổ chức cuộc biểu tình lớn ở Khuên, đòi ban bố quyền phổ thông đầu phiếu, tự do ngôn luận, vũ trang nhân dân và bãi bỏ quân đội cũ, tự do lập hội, bảo vệ lao động v.v…

Trên các đường phố ở Muynsen, công nhân và sinh viên dựng chướng ngại vật đòi thải hồi các bộ trưởng phản động.

Những cuộc nổi dậy ở miền Nam nước Đức đã thu được một số thắng lợi nhất định buộc giai cấp phong kiến phải thay các chính phủ phản động cũ bằng nội các tư sản tự do.

Kế tiếp các sự kiện cách mạng trên, khắp các thành phố và nông thôn Đức đều nổi dậy đấu tranh và đông đảo công nhân, nông dân ngày càng được lôi cuốn vào phong trào cách mạng. Có ảnh hưởng lớn đến tình hình toàn nước Đức là cuộc cách mạng ở Béclin.

Cách mạng tháng 3 ở Béclin

Vào những ngày đầu tháng 3, ở Phổ và Bắc Đức cũng xảy ra nhiều cuộc đấu tranh. Những cuộc hội họp sôi nổi của công nhân, thợ thủ công, sinh viên và các tầng lớp thuộc giai cấp tiểu tư sản đã được tổ chức ở Béclin để thảo luận những tin thắng lợi của cách mạng ở Pari, ở Tây và Nam Đức. Những đơn thỉnh cầu được gửi lên nhà vua, đòi ân xá tù chính trị, đòi lập cơ quan đại diện của nhân dân và thành lập Bộ Lao động. Nhưng Phriđrich Vinhem IV đã lờ đi, tăng cường binh lính và dùng cảnh sát đàn áp các cuộc biểu tình. Cảnh xô xát giữa binh lính và nhân dân xảy ra khắp nơi.

Tin cách mạng ở Viên bùng nổ, Méttécnich bị đổ được truyền đến Beclin làm nhân dân thêm nức lòng và đẩy cuộc đấu tranh lên cao. Vua hoảng sợ trước tình hình đấu tranh và làn sóng cách mạng của nhân dân nên ngày 17-3 phải nhượng bộ, hứa sẽ bãi bỏ việc kiểm duyệt báo chí, sửa đổi hiến pháp, cải tổ Liên bang Đức và triệu tập quốc hội liên bang vào ngày 2 Ngày 18-3, nhà vua dự định tuyên bố những lời đã hứa đó trước cung điện, Từ sáng sớm ngày 18-3, nhân dân kéo từng đoàn lớn biểu tình đi đến hoàng cung. Mãi đến 2 giờ chiều hôm đó, nhà vua mới công bố dự án cải cách, nhưng nhân dân không thỏa mãn vì yêu sách của họ đòi quân đội phải rút khỏi thủ đô không được thực hiện. Khi những người dự biểu tình hô lớn “quân đội cút đi” thì hàng loạt súng bắn vào quần chúng. Lập tức công nhân hô hào đấu tranh và tất cả đoàn biểu tình đứng lên cướp vũ khí, lập chiến lũy chống lại 14.250 binh lính và 36 khẩu đại bác. Cuộc đấu tranh kéo dài 14 giờ liền. Binh lính dần dần ngả về nhân dân, không bắn vào nhân dân theo lệnh của bọn chỉ huy. Nhân dân buộc nhà vua phải nhượng bộ, ra lệnh cho quân lính rút khỏi Béclin. Cuộc cách mạng tháng Ba ở Béclin đã tỏ rõ sức mạnh của giai cấp công nhân. Do thắng lợi của cách mạng, nhà vua buộc phải thành lập nội các tư sản tự do, đứng đầu là thủ tướng Cămhauden nguyên thủ lĩnh của tư sản tự do vùng sông Ranh và Handêman chủ xưởng, giữ chức Bộ trưởng Bộ tài chính. Như vậy là tư sản tự do chiếm địa vị quan trọng trong nội các. Nhưng họ vẫn để nguyên bộ máy quan liêu cảnh sát cũ và quân đội vẫn nằm trong tay bọn địa chủ quý tộc. Không có sĩ quan và viên chức cũ nào bị thải hồi. Ở các vương quốc, địa chủ quý tộc vẫn nắm quyền thống trị. Yêu cầu vũ trang toàn dân không những không được thực hiện mà bọn tư sản tự do lại đồng tình với nhà vua không vũ trang cho giai cấp công nhân. Về nhiệm vụ của nội các, Cămhauden tuyên bố rằng: “Chúng tôi là kẻ bảo hộ cho vương triều”.

3. Quốc hội Phrăngphua và giai đoạn thoái trào của cách mạng

Ngày 18-5-1848 Quốc hội toàn Đức khai mạc lần đầu tiên ở Phrăngphua (bên sông Mainơ). Cuộc bầu cử tiến hành ngày 2-4 đi ngược lại ý muốn của quần chúng, không có một đại biểu nào của công nhân và chỉ có một đại biểu nông dân. Tư sản tự do chiếm tuyệt đại đa số.

Tất cả mọi người đều hướng về Phrăngphua chờ đợi, hy vọng. Hầu hết các thành phố đều tổ chức các cuộc biểu tình, đòi thành lập nước Cộng hòa Đức tự do, dân chủ và thống nhất. Những cuộc nổi dậy trước đây kể cả cuộc cách mạng tháng 3 ở Béclin nhiều hay ít đều mang tính chất địa phương cục bộ, còn những cuộc biểu tình lần này có tính chất toàn quốc.

Cuộc khởi nghĩa tháng Sáu ở Pari thất bại thúc giục bọn phong kiến phản động Đức chuyển sang thế phản công.

Cuộc khởi nghĩa tháng Mười ở Viên thất bại đã làm nghiêng cán cân có lợi cho bọn phản cách mạng. Sự kiện đó có ảnh hưởng đến thế phản công của thế lực phản động ở Đức.

Ngày 20-6, nội các Cămhauden bị đổ. Tháng 9, Hanđêman bị cách chức. Nhà vua lập nội các gồm bọn quan liêu và sĩ quan do tướng Pơphuen là kẻ đã giết nhiều người trong phong trào giải phóng dân tộc ở Ba Lan giữ chức thủ tướng. Cũng trong thời gian này, 50.000 quân lính được lệnh tập trung ở Béclin. Những cuộc chiến đấu giữa quần chúng và công nhân, nông dân, thợ thủ công xảy ra ở khắp nơi. Khi tin thất bại của cuộc khởi nghĩa tháng Mười ở Viên lan đến Béclin, nhà vua lập tức thải hồi các bộ trưởng, giải tán quốc hội Phổ để lập lại chế độ cũ, lập nội các do bá tước Branđenbua và Manthoiphen đứng đầu.

Ngày 5-12, nhà vua ra sắc lệnh giải tán quốc hội Beclin, đồng thời ban hành hiến pháp theo chế độ hai viện. Bản hiến pháp này trên mọi mặt đều nhằm mở rộng quyền hạn của nhà vua, mở rộng các quyền hạn của bọn địa chủ, quân đội quý tộc. Như vậy là bọn phản động đã thắng cách mạng vì sự phản bội của giai cấp tư sản.

Cuộc vận động hiến pháp đế chế (mùa xuân 1849)

Vấn đề cơ bản của cách mạng Đức là thống nhất đất nước vẫn chưa được giải quyết. Ngày 28-3-1849 Quốc hội Phrăngphua công bố bản hiến pháp từ lâu họ đã dự thảo và bàn cãi. Bản hiến pháp về căn bản phù hợp với quyền lợi của đại tư sản và phần nào mang tính chất tự do tư sản. Theo hiến pháp thì nước Đức thống nhất tất cả các vương quốc, thành lập một chính phủ liên bang, theo chế độ quân chủ lập hiến do hoàng đế đứng đầu, ngôi vua cha truyền con nôi. Các vương quốc vẫn giữ chủ quyền riêng. Quốc hội đế quốc gồm hai viện: một viện đại biểu chính phủ và một viện dân biểu do đầu phiếu bầu lên. Mọi đặc quyền đẳng cấp của bọn quý tộc được tuyên bố bãi bỏ. Quyền tự do tư sản như ngôn luận, báo chí, hội họp được công bố, nhưng những quyền đó lại không có gì để bảo đảm cả, quyền tư hữu tài sản không bị xâm phạm. Nhìn chung, bản hiến pháp mang đẩy mâu thuẫn, khuynh hướng phong kiến quân chủ lẫn lộn với khuynh hướng tư sản tự do và dân chủ tư sản, Xét cho cùng hiến pháp tuy có nhiều thiếu sót nhưng đối với nước Đức phong kiến và chia cắt thì đó là một tiến bộ, được coi như một bước tiến đến thống nhất.

Thái độ của các vương quốc đối với hiến pháp khác nhau. Một số vương quốc nhỏ thừa nhận hiến pháp. Các vương quốc lớn như Phổ, Baye, Hanôvơ, Dăcden thì phản đối. Vua Phổ ngả về các vương quốc lớn để củng cố địa vị lãnh đạo của mình trong đế quốc, rút các đại biểu bảo thủ ủng hộ nhà vua khỏi quốc hội Phrăngphua. Quốc hội chỉ còn 150 đại biểu trong tổng số 831, trở nên hoàn toàn bất lực. Từ đó diễn ra cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ hiến pháp vào tháng 5-1849.

Cuộc khởi nghĩa bắt đầu ở Đrétxđen, thủ đô vương quốc Dăcden vào ngày 3-5 khi nhà vua không chịu công nhận hiến pháp. Sau đó các cuộc nổi dậy nổ ra ở khắp nơi, ở Railan, Vétxphalen, Baye, Bađen v.v.. và cuối cùng kết thúc ở Rátxtat vào ngày 23-7-1849.

Cuộc khởi nghĩa ở Bađen có quy mô lớn nhất, lôi cuốn nhân dân, thợ thủ công, tiểu tư sản và 20 vạn binh lính. Khắp nơi gửi đến Bađen đội nghĩa quân của mình để ủng hộ cuộc khởi nghĩa. Mặc dầu quân khởi nghĩa và quần chúng nhân dân đấu tranh rất dũng cảm, tập trung hơn

13.000 nghĩa quân chiến đấu trong hai ngày liền chống lại đội quân mạnh gấp 6 lần, cách mạng vẫn thất bại.

Quốc hội Phrăngphua hoàn toàn bất lực, và sự thất bại của cuộc cách mạng làm cho quốc hội dễ dàng bị giải tán. Sau khi trấn áp cuộc khởi nghĩa, bọn phản cách mạng thẳng tay đàn áp, khủng bố nghĩa quân. Các tòa án quân sự hoạt động khắp nơi. Sự bắn giết không thông qua tòa án trở thành một hiện tượng thường xuyên.

Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa ở miền Tây Nam nước Đức và việc giải tán quốc hội Đức đã kết thúc cuộc cách mạng đầu tiên của nước Đức. Vấn đề cơ bản của cuộc cách mạng Đức là thống nhất đất nước vẫn chưa được giải quyết.

Xem: Cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com