Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: Nền tảng của Cuộc Cách mạng

Đây là bài viết Nội dung Tuyên ngôn của Đảng cộng sản  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Tóm tắt Nội dung Tuyên ngôn của Đảng cộng sản:

Trong lời mở đầu, Mác và Ăngghen nói lên mục đích khi viết “Tuyên ngôn” là “công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình” để đập lại câu chuyện hư truyền của giai cấp tư sản về “bóng ma cộng sản”.

Chương I, nêu lên một cách khái quát quy luật phát triển cơ bản của xã hội tư sản, vạch rõ lợi ích đối lập giữa giai cấp tư sản và vô sản và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản.

Trước hết Mác và Ăngghen vạch ra quy luật phát triển của lịch sử từ sau chế độ công xã nguyên thủy là lịch sử đấu tranh giai cấp. Xã hội tư sản ra đời từ trong lòng chế độ phong kiến đã bị diệt vong hoàn toàn, không xóa bỏ đối kháng giai cấp mà chỉ là đem những giai cấp mới, điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế cho những giai cấp, điều kiện áp bức và những hình thức đấu tranh xưa kia mà thôi. Tuy nhiên, tính chất, đặc biệt của thời đại đã làm đơn giản những đối kháng giai cấp. Xã hội chia thành hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau là tư sản và vô sản.

Mác và Ăngghen nêu lên quy luật phát triển của chủ nghĩa tư bản, đánh giá vai trò của giai cấp tư sản về mặt chính trị và kinh tế. Trong công cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến, giai cấp tư sản đã phát huy tác dụng tích cực trong việc xác lập nhà nước tư bản chủ nghĩa và tạo nên một lực lượng sản xuất đồ sộ hơn tất cả lực lượng sản xuất của những chế độ trước kia gộp lại.

Nhưng sự phát triển mạnh mẽ của sức sản xuất lại dần dần trở thành một yếu tố đưa giai cấp tư sản đi vào con đường diệt vong. Mâu thuẫn giữa sức sản xuất có tính chất xã hội và quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ngày càng bộc lộ rõ ràng bởi những cuộc khủng hoảng chu kỳ ngày càng trầm trọng mà giai cấp tư sản không thể nào khắc phục nổi.

Giai cấp vô sản phát triển cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Họ buộc phải đem bán sức lao động để kiếm sống và do đó, dưới con mắt nhà tư bản, họ chỉ là một món hàng được đem bán như bất cứ hàng hóa nào khác, họ bị phụ thuộc vào máy móc, chịu sự bóc lột thặng dư của giai cấp tư sản nên ngày càng bị bần cùng.

Trong điều kiện bị bóc lột cùng cực như vậy, giai cấp vô sản tất phải đứng lên đấu tranh. Ban đầu chỉ là những hành động phản kháng của người công nhân riêng rẽ, rồi đến cuộc đấu tranh của công nhân cùng một xưởng, và sau chót là công nhân cùng một ngành hay một vùng chống lại người tư sản trực tiếp bóc lột họ. Họ dùng những hình thức bạo động tự phát như đập phá máy móc, đốt cháy công xưởng… Giai cấp vô sản khi đó còn là một đám quần chúng phân tán chưa nhìn thấy bản chất của toàn bộ giai cấp tư sản. Cho nên những thắng lợi giành được đều không thuộc về họ mà rơi vào tay giai cấp tư sản.

Sau này, khi sự bóc lột tăng, đời sống công nhân bấp bênh, điều kiện lao động tập trung, thì trình độ giác ngộ của giai cấp vô sản càng được nâng cao. Sự xung đột cá nhân giữa công nhân và tư sản ngày càng có tính chất xung đột giữa hai giai cấp. Công nhân liên hợp lại chống bọn tư sản để bảo vệ và cải thiện đời sống. Họ lập đoàn thể để lãnh đạo phong trào đấu tranh. Từ chỗ đề ra các yêu sách kinh tế, họ nêu lên những yêu sách chính trị, có ý thức giác ngộ rõ ràng hơn.

Giai cấp vô sản, trong quá trình đấu tranh dần dần nhận thức được vai trò lịch sử của mình. “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng”. Đó là vì :

Thứ nhất, giai cấp vô sản có liên hệ chặt chẽ với hình thức sản xuất tiên tiến, gắn liền với nền đại sản xuất. Cho nên họ là giai cấp có tiền đồ nhất, lớn mạnh cùng với sự phát triển của đại công nghiệp.

Thứ hai, mục đích chủ quan của giai cấp vô sản phù hợp với sự phát triển khách quan của lịch sử. Mâu thuẫn nội bộ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tất sẽ đưa chế độ đó đến chỗ diệt vong. Mục đích của giai cấp vô sản là lật đổ chủ nghĩa tư bản phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Điều đó quyết định tính tất thắng và vai trò có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản.

Thứ ba, giai cấp vô sản không có chút tài sản gì nên họ triệt để đấu tranh chống tư sản. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt đó họ không mất gì ngoài xiềng xích nô lệ cả.

Thứ tư, giai cấp tư sản có trong tay một bộ máy nhà nước đồ sộ với cảnh sát và quân đội. Muốn chiến thắng nó, cần phải có một tổ chức. Giai cấp vô sản chính là một lực lượng có tổ chức, là một đội quân đông đảo, hùng mạnh và tập trung trong các xưởng máy lớn. Điều kiện lao động đó tạo ra cho họ một ý thức tổ chức kỷ luật vững vàng.

Thứ năm, trong khi tiến hành đấu tranh chống ách tư bản, giai cấp vô sản không chỉ mưu lợi ích riêng cho mình nên được sự ủng hộ của tất cả các tầng lớp nhân dân lao động để chống lại bọn tư bản bóc lột.

Do những nguyên nhân trên, giai cấp vô sản không phải chỉ là giai cấp chịu đau khổ mà còn là một giai cấp cách mạng, đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lật đổ chủ nghĩa tư bản, là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản, giải phóng cho toàn nhân loại.

Kết thúc phần phân tích một cách sâu sắc trên quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử xã hội tư bản chủ nghĩa và sự đối kháng giai cấp trong xã hội đó, Mác và Ăngghen khẳng định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư bản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”

Trong chương II, Mác và Ăngghen nêu lên muốn hoàn thành sứ mệnh lịch sử chôn vùi giai cấp tư sản và xây dựng xã hội mới, giai cấp vô sản phải có một chính đảng vô sản, một nền chuyên chính vô sản và phải dùng những biện pháp bạo lực cách mạng.

Phân biệt ranh giới giữa người cộng sản và giai cấp vô sản, Mác và Ăngghen nêu lên rằng người cộng sản không đối lập, không tách rời khỏi toàn thể giai cấp vô sản mà là “đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào”. Về thực tiễn, người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất, lôi cuốn tất cả các bộ phận khác tiến hành cách mạng. Về lý luận, người cộng sản là người giác ngộ quyền lợi giai cấp, được trang bị học thuyết cách mạng, có nhận thức sáng suốt về điều kiện, bước đi và kết quả chung của phong trào vô sản, nhờ đó có thể lãnh đạo cách mạng đi lên. Người cộng sản còn là người có tinh thần quốc tế, coi trọng và bảo vệ lợi ích chung của toàn thể giai cấp vô sản.

Đặc điểm nổi bật của Đảng vô sản là tính giai cấp, tính tiên phong và tính tổ chức kỷ luật. Cuộc cách mạng vô sản chủ yếu còn đang diễn ra trong phạm vi từng nước, nếu muốn giành được thắng lợi, giai cấp vô sản phải giương cao ngọn cờ dân tộc, dân chủ thì mới đoàn kết được nhân dân nước mình vùng dậy đấu tranh. Mác viết: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”. Cho nên họ vẫn có tính chất dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giành được thắng lợi trong cuộc cách mạng vô sản. Chính ở đây, Mác và Ăngghen đã xây dựng nên những lý luận cơ bản và trọng yếu của học thuyết về chuyên chính vô sản và cách mạng vô sản. Muốn xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa thì điều trước tiên là phải xóa bỏ chính quyền tư sản, xây dựng chính quyền vô sản. “Tuyên ngôn” chỉ ra mục đích trước mắt của những người cộng sản là tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền. Muốn giành được chính quyền và sử dụng chính quyền đó vào mục đích của giai cấp vô sản thì phải trải qua cách mạng vô sản, phải dùng bạo lực cách mạng. Chính quyền, nói cho đúng ra là “bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác”, cho nên sau khi nắm được chính quyền, giai cấp vô sản “phải dùng bạo lực tiêu diệt chế độ sản xuất cũ”. Trong các công trình sau này, Mác, Ăngghen và Lênin không ngừng phát triển học thuyết về chuyên chính vô sản nhằm xây dựng chính quyền vô sản và giải phóng người lao động.

Kết thúc chương II, “Tuyên ngôn”, nêu lên một số biện pháp cụ thể mà nhà nước vô sản phải tiến hành nhằm tiêu diệt chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, xây dựng chế độ sở hữu công cộng và thiết lập chế độ xã hội mới.

Trong chương III, để phát triển và bảo vệ chân lý của chủ nghĩa cộng sản khoa học, Mác và Ăngghen phê phán các loại quan điểm xã hội chủ nghĩa không mang tính giai cấp vô sản. Tuy vậy, các ông rất chú ý tới chủ nghĩa xã hội không tưởng mà đại biểu xuất sắc là Xanh Ximông, Phuariê và Ôoen. Những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng nhìn thấy đối kháng giai cấp trong xã hội, họ đả kích cơ sở xã hội đương thời và có những kết luận tích cực về xã hội tương lai. Nhưng họ không nhìn thấy vai trò và tính chất cách mạng của giai cấp vô sản mà chỉ muốn cải tạo xã hội theo những kế hoạch chủ quan, muốn thực hiện bằng biện pháp hòa bình với những cuộc thí nghiệm luôn luôn thất bại. Tuy vậy, những lập luận của các nhà XHCN không tưởng cũng khơi gợi nhiều sáng kiến mới về việc xây dựng xã hội mới. Vì thế, CNXH không tưởng Pháp thời đó được coi như một cội nguồn của học thuyết Mác.

Trong chương IV, Mác và Ăngghen đề ra những nguyên lý cơ bản về sách lược của Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh cho dân chú và chủ nghĩa xã hội.

Về mặt lý luận và thực tiễn, người cộng sản tự đặt cho mình nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. Nhưng trong hoàn cảnh xã hội chằng chéo nhiều mâu thuẫn thì không riêng gì giai cấp vô sản chịu đau khổ mà còn có nhiều tầng lớp khác nhau chịu đau khổ vì ách áp bức bóc lột hoặc vì quyền lợi bị đe dọa, nên bất mãn với chế độ đương thời. Cho nên, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản có thể thắng lợi hay không, là ở chỗ giai cấp vô sản có đoàn kết được xung quanh mình quần chúng nhân dân bị bóc lột hay không, có tranh thủ được những lực lượng chống đối chính quyền tư sản đương thời hay không. “Tuyên ngôn” chỉ ra rằng “những người cộng sản đều ủng hộ mọi phong trào cách mạng chống trật tự xã hội và chính trị hiện có”, vì vậy, nhiều khi giai cấp vô sản phải liên minh cả với một bộ phận cấp tiến trong giai cấp tư sản. Nhưng sự ủng hộ và liên minh đó không phải trả bằng bất cứ giá nào mà phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Trong khi đấu tranh chung với giai cấp tư sản, Đảng Cộng sản không quên phê phán tính chất không triệt để của người bạn đồng hành tạm thời đó. Đồng thời, giáo dục cho giai cấp vô sản nhận thức đẩy đủ mục đích cuối cùng của mình là đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản. Họ phải bảo đảm tính chất độc lập về chính trị và tổ chức của mình để có thể tiếp tục đưa cách mạng đi xa đến thắng lợi hoàn toàn.

Bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” kết thúc. Những người cộng sản “công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ tất cả trật tự xã hội hiện có. Mặc cho giai cấp thống trị run sợ khi nghĩ đến một cuộc cách mạng cộng sản. Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Trong cuộc cách mạng ấy, họ giành được cả một thế giới về mình. “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại !”

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com