Giai cấp công nhân và Các trào lưu XHCN trước Mác: Hành trình đấu tranh và sự cách mạng

Đây là bài viết Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và Các trào lưu XHCN trước Mác đầu thế kỉ XIX  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và Các trào lưu Xã hội chủ nghĩa trước Mác đầu thế kỉ XIX.

Tình cảnh giai cấp công nhân

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã nâng cao rõ rệt mức sản xuất

trên thế giới. Các trung tâm công thương nghiệp sầm uất mọc lên với những bến cảng tấp nập, các thành phố đồ sộ, các đường giao thông thủy bộ chằng chịt và các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại. Nhưng cùng với sự phát triển đó, cảnh tương phản giữa tư sản và công nhân ngày càng bộc lộ rõ rệt. Ở hầu khắp các nước, công nhân lâm vào tình trạng vô cùng khổ cực.

Lấy nước Anh là nơi có nên công nghiệp phát triển nhất làm ví dụ. Ngày lao động kéo dài tới 16-18 giờ. Số công nhân lớn tuổi chỉ chiếm chừng 30%, còn lại là những công nhân chưa đến tuổi trưởng thành. Tiền lương của công nhân, phụ nữ và trẻ em rẻ mạt hơn lương đàn ông. Trong hai mươi năm từ 1815 1835, tiền lương thực tế giảm sút ba lần. Điều kiện ăn ở vệ sinh rất thấp kém.

Đằng sau bộ mặt lộng lẫy của chủ nghĩa tư bản, toàn bộ sự thực về đời sống công nhân đã được Ăngghen vạch ra một cách chân thực và sinh động trong tác phẩm nổi tiếng “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh”. Sự bóc lột tàn khốc của chủ nghĩa tư bản làm cho hố ngăn cách giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân ngày càng sâu sắc và mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt. Cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản là điều không thể tránh khỏi.

Chủ nghĩa xã hội không tưởng nửa đầu thế kỷ XIX

Tình trạng khổ cực của quần chúng được phản ánh phần nào vào ý thức của một số nhân vật tiến bộ trong giai cấp có của. Họ nhận thức được mặt trái của xã hội tư bản chủ nghĩa, tìm cách xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp không có bóc lột. Họ nêu lên những luận điểm xã hội chủ nghĩa và kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội. Song đó mới là chủ nghĩa xã hội không tưởng mà người đại diện xuất sắc trong nửa đầu thế kỷ XIX là Xanh Ximông và Saclơ Phuariê ở Pháp và Rôbơ Ôoen ở Anh.

H.C. Xanh Ximông (1760-1825) xuất thân từ một gia đình quý tộc, đã tham gia cuộc chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ, có khuynh hướng tiến bộ, muốn đi tìm con đường giải phóng loài người. Quan điểm của ông được trình bày trong tác phẩm Những bức thư từ Giơnevơ (1802) và một số cuốn sách khác. Theo ông, lịch sử loài người là một quá trình tiến hóa không ngừng, chế độ sau tiến bộ hơn chế độ trước, nhưng động lực của nó là ý thức con người. Ông nhận thức được cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội giữa những người ăn không ngồi rồi tức là quý tộc với những “nhà công nghiệp” bao gồm tư sản và công nhân. Ông chủ trương xây dựng xã hội mới dưới quyền thống trị của các “nhà công nghiệp”, trong đó mọi người đều phải lao động trên cơ sở của nền đại sản xuất, được quyền hưởng thụ bình đẳng, kế hoạch hóa nền kinh tế và thủ tiêu chế độ ăn bám. Không biết đến sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, ông chủ trương biện pháp cải tạo xã hội là thuyết phục hòa bình chứ không phải bằng con đường cách mạng. Nhưng giai cấp tư sản không hề đoái hoài đến những dự thảo kế hoạch của ông gửi đến.

S. Phuariê (1772-1837) xuất thân từ một gia đình thương nhân, sớm làm quen với việc buôn bán, nên ông sớm thấy những mánh khóe xảo quyệt của giai cấp tư sản. Ông vạch trần những hoạt động gian giảo trục lợi của thương nhân, những lời lẽ hứa hẹn rỗng tuếch so với thực tế đáng thương của xã hội tư sản, phê phán bằng giọng châm biếm chua cay bộ mặt thực của chủ nghĩa tư bản. Ông nhận định tiến trình lịch sử xã hội trải qua 4 giai đoạn: mông muội, dã man, gia trưởng và văn minh. Văn minh là giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, đã biến mọi thói hư tật xấu trước đây dưới hình thức đơn giản thành phức tạp, mập mờ, hai mặt và giả dối. Ông nhận định rằng ở đó, hạnh phúc của một số người này gây ra sự đau khổ của số đông người khác: “sự nghèo khổ sinh ra từ chính bản thân sự thừa thãi”. Chế độ xã hội tương lai của Phuariê được xây dựng trên cơ sở những “phalăng” (có thể tạm dịch là công xã). Trong mỗi phalăng có nhiều bộ môn sản xuất, kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp và nông nghiệp. Lao động là nghĩa vụ, là nguồn vui và nhu cầu của tất cả mọi người, không có ai ăn bám. Sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay sẽ dần dần bị xóa bỏ. Với nhiệt tình sản xuất, của cải trong “phalăng” sẽ phong phú, được đem chia theo lao động và tài năng: 5/12 cho lao động, 4/12 cho tài năng và 3/12 cho tư bản. Cũng như Xanh Ximông, Phuariê không biết tới sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, phản đối dùng bạo lực cách mạng, ông gửi những bản kế hoạch tổ chức “phalăng” tới những nhà giàu với hy vọng chỉ cần 4.000 người bỏ tiền ra thì xã hội mới sẽ được xây dựng. Nhưng không một chính khách cũng như nhà tư bản nào chịu tiếp ông cả.

Rôbơ Ôoen (1771-1858) là nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng của nước Anh. Ông thí nghiệm xây dựng xã hội mới trong xưởng riêng của mình ở Lanac (Xcôtlen) bằng một số biện pháp: hạn chế ngày lao động đến 10 giờ rưỡi, thủ tiêu chế độ phạt tiền, đặt ra chế độ tiến thưởng, xây dùng nhà trẻ cho con công nhân…

Ông cho rằng nguồn gốc của sự nghèo khổ là do chế độ tư hữu và lao động làm thuê gây ra. Ông chủ trương xây dựng những công xã, trong đó tài sản là của chung, xóa bỏ sự nghèo khổ, lao động trở thành nghĩa vụ và hạnh phúc của mọi người, ông nhìn thấy ba trở lực lớn để xây dựng xã hội mới là chế độ tư hữu, tôn giáo và hôn nhân tư sản. Ông chủ trương đi theo con đường thuyết phục hòa bình, phản đối bạo lực cách mạng, không dựa vào lực lượng giai cấp công nhân. Những thí nghiệm sau này của ông ở châu Mỹ cũng bị thất bại càng lộ rõ những nhược điểm trong quan niệm của ông.

Xanh Xiniông, Phuariê và Ôoen là những đại biểu xuất sắc của trào lưu xã hội chủ nghĩa không tưởng trong 30 năm đầu thế kỷ XIX. Đó là “một lý luận chưa thành thục thích ứng với một nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chưa thành thục với những quan hệ giai cấp chưa thành thục”.[13] Các ông đã chỉ trích, kết tội xã hội tư bản chủ nghĩa, mơ ước xóa bỏ nó và tưởng tượng ra một chế độ xã hội tốt đẹp hơn, tìm cách thuyết phuc những người giàu để họ thấy rằng bóc lột là vô nhân đạo. Nhưng chủ nghĩa xã hội không tưởng không thể vạch ra một lối thoát thực sự. Nó không giải thích được bản chất của chế độ nô lệ làm thuê trong chế độ tư bản chủ nghĩa, không phát hiện được những quy luật phát triển của chế độ ấy và cũng không tìm thấy lực lượng xã hội có khả năng trở thành người sáng tạo xã hội mới là giai cấp công nhân. Tuy nhiên trong điều kiện lịch sử lúc đó, chủ nghĩa xã hội không tưởng là một trào lưu tư tưởng tiến bộ và trở thành một trong những nguồn gốc của học thuyết Mác.

3. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân

Giai cấp công nhân ra đời và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đời sống của họ ngày càng khổ cực do sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản, nên họ căm thù chế độ đó. Nhưng trong thời gian đầu, họ thường đi theo giai cấp tư sản để chống lại “kẻ thù của kẻ thù mình” tức là chống phong kiến. Sự tham gia tích cực và thái độ kiên quyết của công nhân trong những cuộc cách mạng tư sản là bằng chứng không thể chối cãi được. Nhưng do nhược điểm về mặt ý thức và trình độ tổ chức của công nhân, nên giai cấp tư sản thường cướp đoạt mọi thành quả cách mạng.

Sự xuất hiện của máy móc không cải thiện đời sống công nhân, thậm chí nhờ đó mà bọn chủ tăng cường bóc lột, thải thợ ra khỏi xưởng, nạn thất nghiệp lan tràn. Tưởng rằng máy móc là nguồn gốc của tình trạng đó, công nhân nhiều nơi tiến hành đấu tranh bằng cách đập phá máy móc. Tất nhiên cuộc đấu tranh đó không đem lại kết quả gì ngoài sự tăng cường đàn áp của giai cấp thống trị. Qua kinh nghiệm của nhiều lần thất bại và sự trưởng thành về ý thức, phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng được nâng cao.

Trong những năm 20 – 30 của thế kỷ XIX, công nhân Anh đấu tranh đòi giành quyền tuyển cử. Đặc điểm của phong trào này là nó tiến hành đồng thời với cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản công thương nghiệp đòi tham gia vào chính quyền mà từ sau năm 1688 tầng lớp quý tộc mới chiếm ưu thế. Giai cấp tư sản khôn khéo lợi dụng phong trào công nhân để làm áp lực với chính quyền. Năm 1832, dưới áp lực của quần chúng, Quốc hội Anh phải thông qua đạo luật cải cách tuyển cử. Theo đó, điều kiện tài sản của cử tri được hạ thấp đến mức tầng lớp tư bản hạng lớn có thể tham gia bầu cử. Còn công nhân, tiểu tư sản và tư sản hạng trung vẫn không được hưởng quyền lợi gì.

Pháp, cuộc khởi nghĩa Lyông có ảnh hưởng lớn đầu tiên của công nhân Pháp. Năm 1831, công nhân dệt đứng dậy khởi nghĩa nhân việc bọn chủ khước từ yêu sách đòi tăng lương. Họ nêu khẩu hiệu “Sống có việc làm hay chết trong chiến đấu”. Sau những trận kịch chiến trên đường phố, họ làm chủ thành phố trong ba ngày liền. Nhưng do trình độ còn non kém, họ không biết phải tiếp tục làm gì, nên bị quân đội trở lại đàn áp nhanh chóng. Cuộc khởi nghĩa lần thứ hai xảy ra vào năm 1834 còn nêu khẩu hiệu chính trị trên những lá cờ đỏ: “Cộng hòa hay là chết”, chứng tỏ bước trưởng thành của giai cấp công nhân. Cả hai cuộc khởi nghĩa Lyông đều bị thất bại, nhưng nó đánh dấu sự lớn mạnh của công nhân Pháp, lần đầu tiên bước lên vũ đài chính trị với tư thế của một giai cấp độc lập, chống trực tiếp kẻ thù của mình là giai cấp tư sản bằng biện pháp bạo lực. Nhưng nó cũng để lộ ra nhược điểm về trình độ giác ngộ và tổ chức, thiếu vai trò của lý luận tiên phong và đảng tiên phong của giai cấp. Cuộc khởi nghĩa Lyông được công nhân ở các trung tâm công nghiệp khác nổi dậy hưởng ứng, tuy lẻ tẻ nhưng kéo dài suốt những năm 30 – 40 của thế kỷ XIX.

Cùng trong thời gian này, nhiều tổ chức của công nhân Pháp ra đời, trong đó ảnh hưởng lớn lao là “Hội các mùa” của Ôguýt Blăngki (18051881). Ông là một nhà cách mạng đầy nhiệt huyết, cống hiến suốt đời cho sự nghiệp giải phóng người lao động. Trong 76 năm sống và đấu tranh, ông đã bị giam trong tù 40 năm, quá nửa đời người. Nhưng sau mỗi lần ra tù, ông càng cương quyết đi theo chí hướng của mình. Ông chịu ảnh hưởng của quan điểm Babớp, tin tưởng tuyệt đối là tương lai sẽ thuộc về chủ nghĩa cộng sản và chủ trương tiến hành những cuộc khởi nghĩa vũ trang để thiết lập chuyên chính cách mạng. Sai lầm của ông là ở chỗ không thấy được vai trò của lý luận cách mạng và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, không liên hệ với quần chúng mà chỉ dựa vào hoạt động có tính chất âm mưu của một số người. Âm mưu bạo động năm 1839 bị bại lộ, ông bị bắt nhưng hoạt động của phái Blăngki còn có ảnh hưởng lớn cho tới những ngày Công xã Pari (1871).

Người chịu ảnh hưởng của Blăngki là Têôdo Đêzami (1803-1850), nêu lên ba yếu tố cơ bản của chế độ cộng sản là “sở hữu chung, lao động chung, giáo dục chung”. Giăng Giăc Piô (1809-?) là một linh mục có khuynh hướng tương tự. Các ông đều mắc những sai lầm giống Blăngki.

Trong những năm 30 – 40 luồng tư tưởng xã hội chủ nghĩa tiểu tư sản lan tràn trong công nhân Pháp. Những đại biểu của trào lưu đó là Luy Blăng và Pruđông.

Luy Blăng (1811-1882) là một nhà báo, nhà sử học và nhà chính trị. Ông phê phán kịch liệt chế độ tư bản nhưng không nhìn thấy thực chất của cuộc đấu tranh giai cấp, do dó không hiểu rằng nhà nước tư sản là công cụ thống trị và bóc lột những người lao động. Ông chủ trương công nhân đấu tranh giành quyền tuyển cử và cải cách dân chủ, thành lập các “hội sản xuất” với sự giúp đỡ của nhà nước là có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng con đường hòa bình. Quan điểm đó làm cho công nhân rời bỏ đấu tranh giai cấp, ảo tưởng vào sự điều hòa với giai cấp tư sản. Hoạt động sau này của Luy Blăng – về thực tế – đã phá hoại cuộc cách mạng 1848 của công nhân Pari.

Prudông (1809-1868) là một nhà văn, nhà kinh tế học và xã hội học đã từng lên tiếng phê phán chủ nghĩa tư bản theo quan điểm và lập trường tiểu tư sản. Pruđông mơ tưởng chế độ tiểu tư hữu tồn tại mãi mãi, mà chỉ cần tẩy rửa những nhân tố xấu xa trong xã hội tư bản. Pruđông chủ trương thành lập nhà “ngân hàng nhân dân”, phát tín dụng không lấy lãi để giúp cho công nhân có tư liệu sản xuất và trở thành thợ thủ công; thành lập nhà “ngân hàng trao đổi” để cho nhân dân tiêu thụ sản phẩm của mình một cách “công bằng” mà không đụng chạm tới chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa. Pruđông cũng phản đối mọi hình thái nhà nước, kể cả hình thức chuyên chính vô sản. Ông trở thành một trong những người đầu tiên đề xướng chủ nghĩa vô chính phủ.

Êchiên Cabê (1788-1856) được mọi người biết, đến qua cuốn tiểu thuyết xã hội và triết học “Con đường đi tới Icari” xuất bản năm 1840. Icari là một xã hội lý tưởng, không có bóc lột, mọi người đều lao động và bình đẳng. Nền kinh tế của Icari sẽ được trang bị bằng máy móc và kỹ thuật hiện đại. Ông là một nhà cộng sản chủ nghĩa không tưởng, chủ trương dùng biện pháp hòa bình, tin tưởng ở sự điều hòa giai cấp giữa người giàu và người nghèo, chưa thấy được vai trò của giai cấp công nhân, do đó hạn chế sự phát triển độc lập của giai cấp công nhân.

Những trào lưu tư tưởng đó thể hiện bước phát triển sơ khai của phong trào công nhân, đồng thời để lộ ra nhiều nhược điểm, đặc biệt là sự thiếu liên hệ với quần chúng, chưa nhìn thấy lực lượng của giai cấp vô sản, chưa nêu lên được yêu cầu thành lập Đảng vô sản, chuyên chính vô sản và cách mạng vô sản. Những vấn đề cơ bản đó sẽ được giải quyết trong học thuyết cộng sản khoa học của Mác-Ăngghen và được kiểm nghiệm trong thực tế cách mạng.

Anh, sau cuộc cải cách tuyển cử năm 1832, giai cấp tư sản có phần thỏa mãn, rời bỏ cuộc đấu tranh. Còn giai cấp vô sản chưa được hưởng một chút quyền chính trị nào thì vẫn không ngừng đấu tranh cho việc tham gia tuyển cử. Phong trào Hiến chương phát triển trong những năm 30 – 40 của thế kỷ XIX đánh dấu một bước phát triển lớn lao của công nhân Anh và có ảnh hưởng tới phong trào công nhân châu Âu và Bắc Mỹ.

Tổ chức lãnh đạo phong trào Hiến chương là Hội Công nhân Luân Đôn thành lập năm 1836 do một người thợ thủ công là Lôvét đứng đầu. Tháng 5-1838, Hội công bố bản Hiến chương 6 điểm đòi: Thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu (đối với nam giới 21 tuổi trờ lên), Phân chia khu vực bầu cử bình đẳng, 3. Bỏ phiếu kín, Xóa bỏ mọi hình thức thuế đối với điều kiện ứng cử nghị viên, Trả lương cho nghị viên, 6. Hàng năm bầu cử quốc hội.

Đó là cương lĩnh cải cách dân chủ của công nhân. Tuy không bao hàm những yêu cầu kinh tế xã hội nhưng nó được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng công nhân, vì nếu thực hiện được thì nó tạo điều kiện nhất định cho việc cải thiện đời sống. Nhiểu cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra ở các trung tâm công nghiệp để thảo luận hiến chương.

Cao trào Hiến chương lần thứ nhất diễn ra vào tháng 5-183 Bản kiến nghị mang 1.125.000 chữ ký được đệ trình lên nghị viện. Công nhân chủ trương đấu tranh bằng hòa bình nếu có thể được, bằng vũ lực nếu không còn cách nào khác. Nghị viện đã bác bỏ kiến nghị, quần chúng công nhân, chuyển sang đấu tranh bạo lực. Một cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Bơcminham ngày 15 tháng 6 nhưng bị đàn áp. Trước tình hình đó, Hiệp hội kêu gọi tổng bãi công khổng lồ trong toàn quốc vào ngày 12-8 được gọi là “Tháng thiêng liêng” Nhưng cánh hữu đã bác bỏ quyết nghị đó, kêu gọi công nhân chỉ nên mít tinh và biểu tình một cách hòa bình thôi. Sự phân hóa tư tưởng trong giới lãnh đạo gây ảnh hưởng tai hại cho phong trào và đến mùa thu, Hiệp hội đã từng được thừa nhận là kẻ dẫn đầu cuộc đấu tranh, tuyên bố giải tán.

Cao trào Hiến chương lần thứ hai diễn ra năm 1842 là năm nền kinh tế Anh bị sa sút, đời sống quần chúng khổ cực, có tới hơn một triệu người thất nghiệp. Ngày 2 tháng 5, một bản kiến nghị mới được đệ trình lên nghị viện với 3.315.752 chữ ký. Kiến nghị đề cập tới những vấn đề xã hội, vạch trần chế độ chính trị ở Anh là “một bên thì độc đoán, còn bên kia là nô lệ nhục nhã”, nêu lên tình trạng khốn cùng trong đời sống công nhân. Kiến nghị đòi thủ tiêu ách áp bức của Anh đối với Ailen vì công nhân đã thấy được mối liên hệ bóc lột của giai cấp tư sản đối với nhân dân Anh và Ailen. Một lần nữa nghị viện bác bỏ kiến nghị. Đáp lại thái độ đó, phong trào bãi công bắt đầu từ các xưởng dệt ở Mantretxtơ lan ra các trung tâm công nghiệp và dần dần mang tính chất tổng bãi công trong toàn quốc. Yêu cầu chủ yếu của các cuộc bãi công là đòi thực hiện Hiến chương. Cuộc bãi công thể hiện rõ tính chất chính trị và nâng phong trào công nhân lên mức khởi nghĩa vũ trang. Chính phủ tiến hành đàn áp, bắt bớ để dập tắt phong trào. Tuy vậy, cao trào Hiến chương của quần chúng cũng buộc nghị viện phải thông qua đạo luật rút ngày lao động của công nhân xuống 10 giờ. Đó là sự lùi bước đầu tiên về nguyên tắc và trên thực tế của giai cấp tư sản trước cuộc tấn công của công nhân.

Năm 1848, do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế mấy năm trước và ảnh hưởng của cao trào cách mạng châu Âu, những người thuộc phái Hiến chương lại tiến hành cuộc đấu tranh lần thứ ba. Mặc dầu chính phủ ngăn cấm, công nhân vẫn biểu tình ngày 10-4 để đưa lên quốc hội bản kiến nghị mới gồm hơn 5 triệu chữ ký. Nhưng công nhân đã bị đàn áp.

Trong điều kiện lịch sử lúc đó, phong trào Hiến chương là “một phong trào cách mạng vô sản to lớn đầu tiên thực sự có tính chất quần chúng và có hình thức chính trị”.

Ở Đức, cùng với sự phát triển của công nghiệp, giai cấp công nhân Đức ngày càng lớn mạnh về số lượng và ý thức giác ngộ. Năm 1800 có chừng 85 nghìn công nhân, năm 1830 lên 450 nghìn và năm 1848 là 900 nghìn, trong đó có khoảng 180 nghìn phụ nữ và 100 nghìn trẻ em. Phần lớn công nhân Đức còn làm việc trong những xưởng nhỏ nửa thủ công hay các công trường thủ công. Điều đó hạn chế mức phát triển về ý thức giai cấp và trình độ chính trị của công nhân. Hơn nữa, chịu sự kiểm soát khắt khe của nhà nước quý tộc cảnh sát, những nhà cách mạng đều buộc phải bỏ ra nước ngoài để hoạt động. Năm 1836, họ thành lập “Đồng minh những người chính nghĩa” mang nhiều quan điểm không tưởng và nguyên tắc tổ chức còn chịu ảnh hưởng của lối hoạt động âm mưu của Blăngki.

Người hoạt động nổi bật của Đồng minh khi đó là Vinhem Vaitơlinh (1808-1871). Ông xuất thân từ một gia đình thợ may và bản thân ông cũng từng làm việc trong xưởng may. Vaitơlinh chủ trương thiết lập xã hội mới bằng những cuộc bạo động của quần chúng bị áp bức nói chung, chứ không phải bằng cách giành chính quyền về tay giai cấp công nhân. Người đóng vai trò quan trọng trong những cuộc bạo động là quần chúng nghèo khổ nhất, thất vọng nhất, kể cả bọn côn đồ, lưu manh. Ông không hiểu được rằng chỉ có giai cấp vô sản được tổ chức thành chính đảng và được trang bị bằng những quan điểm khoa học về chủ nghĩa cộng sản mới có thể hoàn thành được sứ mệnh giải phóng loài người khỏi ách áp bức.

Đời sống của công nhân Đức vô cùng khổ cực. Ngoài ách bóc lột tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân Đức vẫn phải đeo trên vai mình gánh nặng của ách thống trị phong kiến, vì vậy, công nhân đã nhiều lần đứng dậy đấu tranh, nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa của thọ dệt Sơlêdiên năm 184 Mùa hè năm đó, công nhân nhiều xưởng và công trường thủ công dệt ở vùng Sơlêdiên đấu tranh đòi tăng lương, phá hủy nhà cửa của bọn tư sản. Chính quyền địa phương kéo quân lính đến đàn áp và đập tan cuộc khởi nghĩa. Tuy thất bại, sự kiện Sơlêdiên chứng tỏ rằng giai cấp công nhân ở Đức cũng như ở Anh và Pháp đã bước đầu tiến hành đấu tranh cho quyền lợi giai cấp của mình. Cuộc khởi nghĩa Sơlêdiên được sự đồng tình của công nhân các quốc gia Đức, Tiệp và nhiều nơi khác, Nó có tác dụng góp phần vào việc làm thức tỉnh và đoàn kết giai cấp công nhân Đức.

KẾT LUẬN

Cùng với sự ra đời và lớn mạnh của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân đã xuất hiện và ngày một phát triển. Bị áp bức bóc lột tàn khốc, công nhân đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp mình. Những phong trào đấu tranh trong những năm 30 – 40 của thế kỷ XIX chứng tỏ rằng giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị với tư thế của một giai cấp độc lập. Nhưng vì chưa có tổ chức vững mạnh và không được trang bị bằng lý luận khoa học, công nhân chưa thể giành được thắng lợi. Các trào lưu xã hội chủ nghĩa không tưởng không thể đáp ứng được yêu cầu của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên tình hình trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của chủ nghĩa Mác và dẫn đến cao trào cách mạng mới năm 1848.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com