Đây là bài viết Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:
122
I – Tình hình nước Pháp trước cách mạng
Chế độ quân chủ chuyên chế Buốcbông
Trước cách mạng, nước Pháp là một nước quân chủ chuyên chế phong kiến. Nhà vua nắm mọi quyền hành, hầu như không chịu một sự kiểm soát nào. Vua có quyền quyết định mọi công việc đối nội và đối ngoại, bổ nhiệm và cách chức các bộ trưởng và nhân viên nhà nước, ban hành và hủy bỏ các đạo luật, trừng phạt và ân xá… Vua Luy XVI thuộc triều đại Buốcbông lên ngôi năm 1774, thường tự coi ý muốn của chính mình là luật pháp và quyền lực của nhà vua là do Trời ban cho để trị nước.
Có thể bạn muốn biết:
Công cụ thống trị của nhà nước phong kiến gồm có quân đội, cảnh sát và nhà thờ. Hình ảnh tượng trưng nhất của nền chuyên chế là nhà tù Baxti ở Pari.
Đó là một nhà tù lâu đời và kiên cố, cao 23m, tường dày từ 1,6m đến 1,8m, có 8 ngục tối ở dưới đất dùng để giam người cùng với rắn rết.
Nhà thờ thống trị về mặt tinh thần, lợi dụng ảnh hưởng lớn trong nông dân để thần thánh hóa nhà vua, khuyên nhủ họ tuyệt đối trung thành với chính thể chuyên chế.
Tổ chức hành chính trong nước cũng tập trung vào tay vua. Vua nắm chính quyền trung ương gồm các bộ trưởng và các hội đồng giúp việc. Vua cử những quan lại thân tín nhất về làm tổng quản ở các địa phương. Những viên tổng quản có quyền hành rất lớn, là người thay mặt vua để giải quyết mọi công việc, hết sức độc đoán và hà khắc, tha hồ bóc lột quần chúng mà không bị một sự nghiêm cấm nào. Hầu hết các chức vụ trong bộ máy nhà nước đều được đem bán. Người ta chỉ cần bỏ một số tiền là trở thành quan chức và trên cương vị đó có thể bòn rút của nhân dân những món tiền lớn gấp bội. Cách tuyển lựa như vậy làm cho nhà nước trở thành một gánh nặng đối với nhân dân vì tính quan liêu, tham nhũng và bất công của nó. Hơn nữa, chế độ chuyên chế đã duy trì những đạo luật, những nguyên tắc và những tập tục phong kiến trong các cơ cấu chính quyền, cho nên nó vô cùng phức tạp và rắc rối. Toàn quốc chia làm nhiều tỉnh nhỏ, mỗi tỉnh chia thành những đơn vị nhỏ hơn. Sự phân chia khu vực đó không dựa trên đặc điểm hoặc yêu cầu về kinh tế mà thường do những nguyên nhân lịch sử. Phần lớn các tỉnh là các lãnh địa phong kiến trước kia dần dần thống nhất lại trong vương quốc Pháp, vì vậy các tỉnh vẫn duy trì tính chất riêng biệt của nó với những luật lệ, thuế khóa, giá cả và hệ thống đo lường khác nhau. Điều đó gây ra nhiều trở ngại cho việc tổ chức hành chính và phát triển kinh tế công thương nghiệp.
Từ khi lên ngôi vua, Luy XVI (1754-1793) vẫn tiếp tục tăng cường cách cai trị độc đoán và cuộc sống lãng phí của các đời vua trước.
Nhà vua sống ở cung điện Vécxai với một đám quần thần đông đúc tới gần 2 vạn người chuyên việc phục vụ cho hoàng gia và sống dựa vào bổng lộc. Bản thân vua là một con người phì nộn lười biếng và bất tài, tất cả thời gian đều dùng vào việc săn bắn. Người có ảnh hưởng lớn lao đối với công việc cai trị lại là hoàng hậu Mari Antoannet, công chúa nước Áo, một người đàn bà có nhan sắc, hách dịch và hoang phí.
Cuộc sống xa xỉ của vua và triều đình hàng năm đã tiêu phí mất 1/12 ngân sách quốc gia. Đó là một gánh nặng lớn đối với nhân dân, khiến cho có người phải kêu lên rằng “triều đình là mồ chôn của quốc gia”.
Tình trạng nông nghiệp và quan hệ ruộng đất phong kiến
Đến thế kỷ XVIII, trong khi nước Anh tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa thì Pháp vẫn còn là một nước nông nghiệp lạc hậu. 22 triệu người (90% dân số) sống bằng nghề nông. Công cụ và phương thức canh tác rất lạc hậu, một phần ba đất đai bị bỏ hoang, năng suất hàng năm rất thấp. Tình trạng sút kém đó là kết quả tất nhiên của sự duy trì chế độ phong kiến, một chế độ ăn sâu vào nông thôn nước Pháp và ngày càng trở nên lỗi thời, phản động.
Quan hệ ruộng đất phong kiến chiếm địa vị thống trị trong nông thôn. Về danh nghĩa, đất đai trong toàn quốc thuộc quyền sở hữu của vua. Nhà vua lấy ruộng đất đó phong cấp cho quần thần. Theo bậc thang của hệ thống phong kiến, ruộng đất được chuyển lần lượt sang tay các quý tộc. Mỗi quý tộc được quyền sở hữu đất đai rộng lớn, có khi cả một vùng. Nhà thờ cũng chiếm một phần ruộng đất đáng kể.
Những đất đai đó được sử dụng theo hai hình thức. Thường thường, chúa phong kiến giữ lấy một phần nhỏ làm lãnh địa. Lãnh địa được chia thành những mảnh nhỏ, phát canh cho nông dân để thu tô theo chế độ phân đôi sản phẩm hay thu một số tô cố định. Những bản khế ước lĩnh canh thường quy định thời hạn cho phép người tá điền sử dụng từ 1 đến 3 năm, có khi 5 năm, nghĩa là ba lần luân canh ba khoảnh, cũng có khi dài hơn nữa. Sau khi hết thời gian đã quy định, mảnh đất được trả về cho lãnh chúa. Ngoài lãnh địa, phần lớn đất đai được canh tác theo chế độ vĩnh điền nông nô. Đó là hình thức cơ bản của chế độ sử dụng ruộng đất ở Pháp hồi thế kỷ XVII-XVIII. Gần một nửa đất đai (thay đổi tùy theo từng tỉnh từ 30%-60%) được trao cho nông dân theo kiểu này. Nông dân lao động trên mảnh đất đó nhưng không có quyền sở hữu, phải nạp cho lãnh chúa một thứ thuế “xăng” (cens) nhất định. Khác với người tá điền, những người nông dân vĩnh điền này không phải trả lại ruộng đất cho lãnh chúa. Nếu họ vẫn đóng thuế đều thì có thể chắc chắn rằng mảnh đất đó vĩnh viễn ở trong tay họ và đời con cháu họ. Nhưng mỗi khi chết đi, con cháu họ phải nạp thuế kế thừa để tiếp tục canh tác trên mảnh đất đó.
Về mặt pháp lý, người nông dân được quyền tự do thân phận, ở một số nơi phía đông và phía bắc nước Pháp vẫn tồn tại một số ít nông nô, còn phần lớn là nông dân tự do. Họ có quyền tự do di chuyển nhà cửa, ký kết khế ước tài sản và hưởng quyền thừa kế.
Tuy vậy, đằng sau hình thức pháp lý đó vẫn là tình trạng bị phụ thuộc trong thực tế. Những người nông dân lĩnh canh bị trói buộc vào ruộng đất và quyền tư pháp của lãnh chúa, vào những đặc quyền trung cổ và phải phục vụ việc riêng cho gia đình chúa đất. Họ nạp cho lãnh chúa địa tô phong kiến (từ 1/3 đến 1/2 thu hoạch) và chịu nhiều thứ tô khác dưới hình thức siêu kinh tế. Nông dân vĩnh điển cũng không phải là những người chiếm hữu ruộng đất vô điều kiện mà ngoài thuế “xăng” nộp 1/6 (có khi đến 1/4, hoặc 1/2) số lúa thu hoạch và phải phục tùng mọi quyền lực của lãnh chúa.
Sự bóc lột những người sản xuất nhỏ – nông dân lĩnh canh và nông dân vĩnh điền – là nguồn sinh sống chủ yếu của quý tộc, tăng lữ và cung đình. Đến thế kỷ XVII, hệ thống sản xuất phong kiến ở Pháp đã phát triển tới mức độ cao và cuối cùng của nó, nghĩa là tới khi hình thức tiền tệ chiếm địa vị thống trị trong địa tô phong kiến. Những nghĩa vụ mà nông dân phải gánh vác đều được thanh toán bằng tiền. Không riêng thuế “xăng” (cens) hay địa tô phải trả bằng một số tiền cố định mà ngay cả thuế tạp dịch, thuế một phần mười đóng cho nhà thờ và các nghĩa vụ phong kiến lâu đời khác cũng được tính ra tiền. Tuy vậy, quan hệ tiền tệ trong nông thôn chưa phá vỡ tính chất kinh tế tự nhiên của nông nghiệp. Nông dân sản xuất chủ yếu để dùng, chưa phải để bán ra thị trường. Họ chỉ bán lấy tiền phần sản phẩm cần đem nộp thuế cho phong kiến. Do đó, hàng hóa do công nghiệp Pháp sản xuất ra không thể bán nhiều ở trong nông thôn được.
Khác với ở Anh hồi thế kỷ XVI-XVII, chủ nghĩa tư bản đã xâm nhập vào nông nghiệp, bọn chủ ruộng đất chuyển sang kinh doanh theo phương thức tư bản chủ nghĩa khiến cho tầng lớp quý tộc mới xuất hiện, ở Pháp hồi trước cách mạng, yếu tố tư bản chủ nghĩa trong nông thôn rất nhỏ bé. Trong nhiều vùng, đặc biệt ở các tỉnh miền Đông Bắc, một số địa chủ lớn đã thử chuyển sang mở trang trại lớn theo cách bóc lột tư bản chủ nghĩa, nhưng thường không thành công. Họ đuổi nông dân ra khỏi ruộng đất, tập trung những mảnh nhỏ thành một mảnh lớn rồi áp dụng lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa. Trong nhiều tỉnh, một phần đất đai chuyển sang tay tư bản. Trong nông dân cũng xảy ra hiện tượng phân hóa xã hội, một tầng lớp nông dân giàu có bắt đầu hình thành. Nhưng hiện tượng đó còn rất hiếm, chưa có vai trò đáng kể trong nền kinh tế-xã hội Pháp.
Như vậy, đến cuối thế kỷ XVIII, nền nông nghiệp Pháp vẫn giữ quan hệ phong kiến lạc hậu, bọn lãnh chúa vẫn khư khư ôm lấy phương thức bóc lột cũ kỹ bằng những đặc quyền phong kiến.
Trong những năm 70-80 của thế kỷ XVIII, giá cả nông sản bị sụt làm cho chúa đất bị lỗ vốn nặng nề. Để bù vào chỗ hổng đó, họ thực hiện những chính sách phản động như tăng thuế, khôi phục lại một số luật phong kiến đã bị bỏ quên từ lâu đời để bòn rút hơn nữa của cải của nông dân. Các lãnh chúa cũng bắt đầu chiếm ruộng đất của công xã. Mức độ cướp đoạt phổ biến nhất là chiếm 1/3, nhưng cũng có khi chiếm tới 1/2, 2/3 và chiếm luôn toàn bộ công điền. Kết quả là trước cách mạng, nền kinh tế nông nghiệp ngày càng suy sụp, nông dân bị phá sản phải đi lang thang để kiếm ăn, nạn đói diễn ra liên tiếp. Do đó, giải phóng khỏi ách phong kiến là một yêu cầu cấp thiết của nhân dân Pháp lúc đó và giải quyết vấn đề ruộng đất đã trở thành vấn đề cơ bản của cách mạng.
3. Sự phát triển công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa và những trở lực của nó
Cuối thế kỷ XVIII, nền công thương nghiệp Pháp đang trên đà phát triển mặc dầu còn thua kém Anh. Sản lượng công nghiệp đã đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Năm 1789, ngành ngoại thương của Pháp thu 1.826 triệu livrơ sản phẩm nông nghiệp và gần 525 triệu livrơ sản phẩm công nghiệp.
Sự phát triển của công thương nghiệp đã làm cho bộ mặt của những thành phố thời trung cổ thay đổi hẳn. Thủ đô Pari với 50 vạn dân, trong đó có 6 vạn thợ làm thuê, là một trung tâm công thương nghiệp, một thành phố nổi tiếng thế giới về sản xuất mỹ phẩm.
Dọc theo biên giới từ phía bắc xuống đến tây nam. người ta thấy nhiều trung tâm kinh tế quan trọng: Ruăng và Havrơ, nơi tập trung công nghiệp vải sợi; hải cảng Năngtơ và Boocđô trông ra Đại Tây Dương, nơi buôn bán hương liệu sầm uất với các đảo phương Đông: Macxây, cửa biển lớn trên Địa Trung Hải. Trên sông Rôn có thành phố Lyông sản xuất hàng tơ lụa và nhung nổi tiếng châu Âu. Về phía đông giáp giới nước Đức có Andat và Lôren, trù phú nguyên liệu với những lò luyện kim lớn.
Trong khi đó, chế độ phong kiến áp dụng những quy chế khắt khe như thuế nặng, sự kiểm soát chặt chẽ, sản xuất theo khuôn mẫu bắt buộc, số lượng sản phẩm và nhân công bị hạn chế.., đã ngăn cản sự phát triển công thương nghiệp. Hình thức tổ chức sản xuất công nghiệp phổ biến là công trường thủ công. Chủ công trường thường là những nhà kinh doanh công thương nghiệp, những người chủ nguyên liệu, giao công việc cho các thợ thủ công gia đình rồi thu mua sản phẩm. Hình thức công trường thủ công phân tán được áp dụng rộng rãi trong toàn quốc. Trong ngành vải sợi là công nghiệp phát triển nhất khi đó, chỉ riêng vùng Ruăng đã phải dùng tới 19 vạn thợ kéo sợi làm thủ công trong các gia đình. Công trường thủ công tập trung còn tương đối ít nhưng có một ý nghĩa kinh tế đáng kể. Ngoài những công trường của nhà nước, nhiều công ty đứng ra kinh doanh, tập trung công nhân và bước đầu sử dụng máy móc.
Số công trường dùng từ 50 đến 100 công nhân đã khá nhiều. Công ty than Anh đang thuê tới 4.000 công nhân. Công trường dệt dạ Văng Rôbe thuê hơn 1.700 công nhân, phần đông là phụ nữ. Máy dệt Gienny, máy kéo sợi Accrai đã xuất hiện trong các xưởng dệt tuy chưa nhiều lắm. Máy hơi nước, lò cao bắt đầu được sử dụng trong các ngành khai mỏ và luyện kim.
Tình hình thương nghiệp cũng phát triển nhanh chóng. Nước Pháp buôn bán với các nước châu Âu, châu Mỹ và phương Đông. Việc buôn bán với các thuộc địa chiếm một vị trí quan trọng, đặc biệt là buôn bán với quần đảo Ăngti, Máctinich, Xanh Đômingô. Pháp xuất cảng lúa mì, len, gia súc, rượu vang và các hàng xa xỉ phẩm, nhập cảng đường, thuốc lá, cà phê… Nô lệ da đen trở thành một món hàng đem lại nhiều lãi nhất. Ngành nội thương cũng bước đầu phát triển nhưng còn gặp nhiều khó khản.
Nhìn chung, cuối thế kỷ XVIII, các ngành công thương nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, yếu tố tư bản chủ nghĩa ngày càng rõ rệt. Nhưng chế độ phong kiến đã cản trở sự phát triển đó. Do việc nông dân bị bóc lột cùng cực không thể mua hàng tiêu dùng được, nên thị trường trong nước bị thu hẹp, chế độ phường hội với những quy chế ngặt nghèo của nhà nước, tình trạng riêng rẽ, cách biệt của các tỉnh với chế độ thuế khóa đo lường khác nhau; những bản hiệp ước được ký kết do quyền lợi ích kỷ của giai cấp thống trị (hiệp ước 1786 hạ mức thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Anh sang) v.v… là những trở ngại lớn đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Cho nên xóa bỏ sợi dây ràng buộc của phong kiến đối với nền công thương nghiệp đã thành một yêu cầu khách quan và tất yếu của lịch sử.
Chế độ đẳng cấp trong xã hội phong kiến ở Pháp
Chế độ quân chủ chuyên chế bảo vệ rất chặt chẽ sự phân chia đẳng cấp trong xã hội phong kiến. Xã hội chia làm ba đẳng cấp: tăng lữ là đẳng cấp thứ nhất, quý tộc là đẳng cấp thứ hai và đẳng cấp thứ ba bao gồm tất cả những tầng lớp còn lại: tư sản, nông dân, bình dân thành thị, công nhân… Sự phân biệt giữa ba đẳng cấp đó được quy định trong công thức sau đây: “tăng lữ phục vụ nhà vua bằng những lời cầu nguyện, quý tộc bằng lưỡi kiếm, đẳng cấp thứ ba bằng của cải”. Như vậy, hai đẳng cấp trên chỉ cần dùng lời “cầu nguyện” và “lưỡi kiếm” để phục vụ nhà vua, hoàn toàn không phải đóng góp hoặc chịu một nghĩa vụ nào đối với quốc gia. Nó hợp thành những đẳng cấp có đặc quyền sống trên thuế khóa và sự bóc lột người lao động. Còn đẳng cấp thứ ba phải đóng góp của cải, phải chịu mọi thứ thuế và nghĩa vụ. Nó là đẳng cấp không có đặc quyền, một đẳng cấp thấp bị bóc lột và áp bức.
Hai đẳng cấp có đặc quyền gồm tăng lữ và quý tộc, có liên hệ chặt chẽ về dòng họ, chiếm một thiểu số trong xã hội, vào khoảng 1% dân số, nhưng lại giữ vị trí thống trị nước Pháp phong kiến và chuyên chế. Những kẻ đại diện của hai đẳng cấp này nắm tất cả các chức vụ cao cấp trong nhà nước và nhà thờ, các chức chỉ huy trong quân đội, luôn luôn ở bên vua, kiêu hãnh về dòng dõi (thường gọi là “Quý tộc cung kiếm”). Quen sống trên thành quả lao động của người khác, đồi bại và đớn hèn trong sự nhàn rỗi, không một chút lo nghĩ, bọn quý tộc và tăng lữ cao cấp từ lâu đã hoàn toàn trở thành bọn ăn bám xã hội.
Chừng mười năm trước cách mạng, trong hàng ngũ quý tộc có một số ít tư sản hóa, chuyển sang kinh doanh công thương nghiệp, bỏ vốn vào các công ty ở thuộc địa và thu được món lãi lớn. Cũng có một số quý tộc xuất thân từ đại tư sản, mua tước hiệu phong kiến, thường có vai trò trong ngành luật pháp, gọi là “quý tộc áo dài” (thường mặc áo quan tòa). Trên cơ sở kinh tế và nguồn gốc đó, quan điểm chính trị cũng có thay đổi. Họ công kích chế độ phong kiến chuyên chế, đòi cải cách xã hội theo hình thức tư bản chủ nghĩa, có khuynh hướng tự do. Nhưng những người quý tộc tự do như La Phayet, La Rôsơphôcôn… còn rất ít ỏi và trong cách mạng, họ thường đi với giai cấp tư sản.
Đằng cấp thứ ba chiếm 99% dân số nhưng bị tước đoạt mọi quyền chính trị, không được tham gia các cơ quan nhà nước, bị phụ thuộc và phải phục vụ cho các đẳng cấp có đặc quyền.
Cùng với sự phát triển của công thương nghiệp, đến cuối thế kỷ XVIII, giai cấp tư sản đã trở thành một giai cấp có thế lực kinh tế. Nó tập trung trong tay những số vốn kếch sù, những xí nghiệp công thương nghiệp, các ngành nội thương và ngoại thương, và cũng kinh doanh một số ruộng đất nhất định. Bọn quý tộc thiếu tiền để ăn chơi, buộc phải vay nợ của các nhà tư sản này. Triều đình trở thành con nợ của họ. Giai cấp tư sản vừa giàu lại vừa có học. Họ học hỏi để phục vụ cho việc kinh doanh, chống lại nhà thờ và đòi hỏi quyền lợi chính trị. Họ muốn tham gia chính quyền, muốn xóa bỏ những luật lệ ngặt nghèo của nhà nước quân chủ chuyên chế, muốn mở đường cho công thương nghiệp phát triển. Điều đó hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của đại đa số quần chúng nhân dân. Cho nên, họ trở thành kẻ đại diện quyền lợi của đẳng cấp thứ ba. Và vì địa vị kinh tế, là kẻ đại diện cho phương thức sản xuất mới, nên họ sẽ trở thành người lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản.
Giai cấp tư sản bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau. Đại tư sản nắm giữ trong tay rất nhiều của cải là những nhà triệu phú, chủ nợ cho vay nặng lãi. Họ kiếm lời trong những món tiền cho cung đình và quý tộc vay nợ. Cho nên tầng lớp đại tư sản rất gần gũi với chế độ quân chủ chuyên chế tuy rằng nó chưa nắm quyền chính trị. Yêu cầu của họ là tiến hành cải cách, mở rộng chính quyền cho họ tham gia. Đông đảo nhất là tầng lớp tư sản công thương nghiệp, hàng ngày gặp sự trói buộc của nhà nước chuyên chế đối với công việc kinh doanh nên có yêu cầu cách mạng rõ rệt hơn. Những người tiểu thương, tiểu chủ, tiểu tư sản nói chung, rất bất mãn với chế độ đương thời sẽ trở thành một trong những lực lượng cách mạng tích cực.
Nông dân là giai cấp đông đảo nhất, cùng khổ nhất trong đẳng cấp thứ ba cũng như trong xã hội. Họ chịu ba tầng áp bức của chế độ phong kiến: lãnh chúa, nhà nước và nhà thờ.
Mặc dầu chế độ nông nô đã được tuyên bố bãi bỏ vào năm 1779, nhưng vì bị gắn chặt vào mảnh ruộng của địa chủ nên họ vẫn không được tự do. Làm thuê trên đất đai của lãnh chúa, nông dân phải nộp tô thuế nặng nề. Ngoài ra, họ phải tuân theo quyền tư pháp của lãnh chúa, được tượng trưng bằng chiếc giá treo cổ đặt tại mỗi lãnh địa. Thường thường quyền này được bán cho người nào có tiền mua. Như vậy, mỗi khi bị trừng phạt, nông dân không thể kêu ai được vì họ đã trở thành miếng mồi ngon cho tên xử án và lãnh chúa xâu xé. Quý tộc có độc quyền về cối xay lúa, máy ép mía, lò bánh mì, máy ép nho… vì vậy, khi người nông dân cần xay lúa, làm mật, nướng bánh, nấu rượu… họ đều phải đóng một thứ thuế riêng cho lãnh chúa. Họ còn phải nộp tiền qua cầu, đi đường, qua đò, câu cá, giết trâu bò… Họ sẽ bị phạt nếu để ếch nhái ở ao mình kêu ầm lên ban đêm, làm cho lãnh chúa không ngủ được. Điều cực kỳ vô lý là những thứ thuế trên tồn tại từ lâu đời, cho nên dù rằng cối xay đã hỏng, cầu đã gãy không thể dùng được, nông dân vẫn phải nộp thuế. Lãnh chúa có quyền đi săn bắn băng qua những cánh đồng lúa mì của nông dân mà không phải bồi thường gì. Cái gọi là quyền tư pháp của lãnh chúa nhiều đến nỗi một luật gia phải dùng 600 trang giấy để thống kê.
Ngoài việc nộp thuế cho lãnh chúa, nông dân còn phải nộp các thứ thuế cho nhà nước như thuế thân, thuế lợi tức, thuế tài sản. Thuế muối và thuế rượu là hai thứ thuế nặng nhất.
Nhà nước không trực tiếp thu thuế mà giao cho chủ thầu. Chủ thầu sau khi nộp tiền vào ngân quỹ sẽ dùng bọn tay chân có lính đi kèm kéo vào các làng để thu thuế. Tất nhiên lối thu thuế như vậy chảng khác gì cướp bóc, vơ vét của cải của nông dân.
Nông dân còn phải nộp cho nhà thờ thuế một phần mười (tức là 1/10 số thu hoạch) và nhiều thứ tiền khác như tiền rửa tội, tiền đi lễ là những thứ lễ nghi không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của họ.
Ngoài các thứ tô thuế nộp bằng tiền hay sản vật, nông dân còn phải chịu nhiều thứ lao dịch khác cho lãnh chúa và cho nhà nước: đắp đường, xây cầu, vận tải, đài thọ cho binh lính… Kết quả là biết bao gia đình làm không đủ ăn, khổ cực vất vả và cuối cùng bị phá sản, phải rời bỏ ruộng đất, quê hương đi kiếm ăn khắp chốn. Chính vì thế mà họ căm thù chế độ phong kiến, nhiều lần nổi dậy đấu tranh và trờ thành động lực chủ yếu của cuộc cách mạng tư sản.
Tầng lớp thấp nhất ở các thành phố trong đẳng cấp thứ ba là bình dân thành thị bao gồm công nhân, thợ thủ công, những người bán hàng vặt, người hát rong, những người thất nghiệp hoặc sống bằng những nghề tạm bợ… Họ chen chúc trong những vùng ngoại ô thành phố, bị khinh miệt về sự nghèo đói và không có quyền chính trị.
Họ đã từng đấu tranh nhiều lần chống chế độ phong kiến, mong muốn một cuộc sống khấm khá hơn nhưng cuối cùng, đều bị đàn áp. Trong giai đoạn này, công nhân chưa hình thành một giai cấp, ý thức giác ngộ về quyền lợi giai cấp còn thấp kém, nên họ thường đi theo giai cấp tư sản. Họ chính là lực lượng kiên quyết nhất trong cuộc đấu tranh chống phong kiến.
Như vậy, do địa vị kinh tế và chính trị quy định, xã hội Pháp hồi cuối thế kỷ XVIII đã chia thành hai trận tuyến rõ rệt: trận tuyến phong kiến bao gồm nhà vua, tăng lữ và quý tộc; trận tuyến chống phong kiến bao gồm các tầng lớp trong đẳng cấp thứ ba, do giai cấp tư sản lãnh đạo. Ăngghen viết: “Bên cạnh sự đối lập phong kiến và giai cấp tư sản đứng ra làm đại biểu cho toàn bộ xã hội còn lại, còn có sự đối lập chung giữa người bóc lột, giữa những người giàu lười biếng và những người nghèo lao động. Chính tình trạng đó đã khiến các đại biểu của giai cấp tư sản có thể tự nhận không phải là đại biểu của một giai cấp riêng biệt nào cả mà là đại biểu của toàn thể nhân loại đau khổ”.
Trào lưu tư tưởng “Ánh sáng” ở Pháp
Từ giữa thế kỷ XVII và nhất là trong nhiều năm của thế kỷ XVIII, các nhà triết học, sử học, văn học, những người có tư tưởng tiên tiến đã liên tiếp tấn công vào thành trì quân chủ chuyên chế bằng những học thuyết mới, tiến bộ và cách mạng. Lịch sử đã gọi đó là thế kỷ “Ánh sáng”, thế kỷ chuẩn bị về tư tưởng cho một cuộc cách mạng tư sản sắp bùng nổ. Trào lưu tư tưởng Ánh sáng bao gồm nhiều khuynh hướng với những đại biểu ưu tú sau đây :
Jăng Mêliê (1664-1729) là một mục sư nông thôn, gần gũi và hiểu rõ cuộc sống khổ cực, nghèo đói của nông dân, thông cảm với những nguyện vọng của họ. Tên tuổi của ông chỉ được mọi người biết qua cuốn “Di chúc” do Vônte xuất bản sau khi ông chết. Trong đó, ông phê bình kịch liệt quan hệ xã hội phong kiến ở Pháp và phân tích tình hình giai cấp trong xã hội.
Không những chống nhà nước phong kiến chuyên chế và tôn giáo, Mêliê còn chống cả chế độ tư hữu, coi đó là nguồn gốc của mọi sự bất bình đẳng trong xã hội. Ông vẽ lên hình ảnh một xã hội lý tưởng được xây dựng trên cơ sở của chế độ sở hữu công cộng, mọi người đều có nghĩa vụ lao động. Quan điểm của ông là quan điểm cộng sản chủ nghĩa nhưng khi đó còn không tưởng, sơ khai và mang tính chất nông nghiệp, chỉ dựa vào biện pháp giáo dục quần chúng để thực hiện một cuộc cải cách xã hội.
Cuốn “Di chúc” của Mêliê là một trong những tác phẩm được chú ý nhất vào thời kỳ đó.
Tinh thần dũng cảm, ý chí chiến đấu của ông phản ánh tư tưởng và tình cảm của nhân dân Pháp, đặc biệt là của các tầng lớp dưới trong xã hội, của dân nghèo nông thôn và thành thị muốn đứng dậy đấu tranh chống áp bức. Do đó, ông đã có ảnh hưởng lớn lao trong trào lưu tư tưởng cách mạng dân chủ ở Pháp, có ảnh hưởng tới các nhà tư tưởng Ánh sáng của thế kỷ XVIII
Sác Luy Môngtexkiơ (1689-1755) xuất thân từ một gia đình quý tộc tư pháp, đã từng làm chủ tịch nghị hội (khi đó là cơ quan tư pháp) ở Boocđô nên hiểu biết rất rõ hệ thống cai trị và thực chất chế độ chuyên chế từ trung ương đến địa phương ở Pháp. Trong những tác phẩm Những lá thư Ba Tư (1721), Khảo sát về sự lớn mạnh và suy tàn của La Mã (1734) và đặc biệt là cuốn Tinh thần luật pháp (1748) ông kịch liệt chống lại chế độ phong kiến và nhà nước quân chủ cực đoan. Nghiên cứu các chế độ chính trị, ông cho rằng tổ chức nhà nước ở Anh là phù hợp với chính kiến của ông. Ông phân biệt ba loại hình thức nhà nước: độc tài, quân chủ lập hiến và cộng hòa. Ông lên án chế độ độc tài là tàn bạo, cho rằng chế độ cộng hòa là tốt đẹp, nhưng trong thực tế không thực hiện được, Theo ông, chế độ chính trị tốt nhất là nhà nước quân chủ lập hiến giống như nước Anh.
Chống lại nền quân chủ chuyên chế tập trung mọi quyền lực vào tay vua, Môngtexkiơ chủ trương phân chia ba thứ quyền lực khác nhau: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, không phụ thuộc vào nhau nhưng kiểm soát lẫn nhau. Nhà vua giữ quyền hành pháp, nghị viện giữ quyền lập pháp và các quan tòa nắm quyền tư pháp, phải độc lập đối với vua và nghị viện. Trên thực tế, các cơ chế trên đều ở trong tay giai cấp tư sản.
Quan điểm của Môngtexkiơ không phải là tiến hành cách mạng để lật đổ chế độ cũ mà chỉ là cải cách, tổ chức chính quyền cho phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của giai cấp tư sản. Nhưng trong thời kỳ chế độ chuyên chế đang thống trị dưới hình thức tàn bạo nhất ở Pháp thì tư tưởng của ông về đấu tranh chống chế độ độc tài, vạch trần bộ mặt tôn giáo, bảo vệ tư tưởng tự do, lên án những cuộc chiến tranh xâm lược… có ý nghĩa tiến bộ rất lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong trào cách mạng sau này.
Vônte (1694-1778) tên thật là Frangxoa Mari Aruê, sinh trưởng trong một gia đình giàu có, là người đại diện xuất sắc nhất của trào lưu triết học Pháp thế kỷ XVIII. Là một bậc thiên tài với khả năng hiểu biết toàn diện, Vônte đã thành công và nổi tiếng trong mọi mặt sáng tác. Ông là nhà triết học, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà sử học, nhà vật lý, nhà báo, nhà hoạt động chính trị… Trong những tác phẩm của mình, đặc biệt trong Những lá thư triết học, ông kịch liệt lên án tính chất dã man, tàn bạo, phản động và lạc hậu của chế độ chuyên chế ở Pháp và của nhà thờ Thiên chúa giáo. Bằng giọng văn châm biếm chua cay và sâu sắc, ông đã phê phán không thương tiếc tính chất thối nát của xã hội đương thời. Ông là kẻ thù không đội trời chung với chế độ độc tài phong kiến, với nhà thờ Thiên chúa. Chính vì thế mà ông đã nhiều lần bị giam vào ngục Baxti.
Mặc dầu đã lớn tiếng tố cáo nhà thờ, Vônte không phải là một nhà duy vật vì ông cho rằng tôn giáo là điều cần thiết đối với nhân dân. Quan điểm chính trị của ông cũng rất hạn chế. Mặc dầu kịch liệt chống chế độ chuyên chế tàn bạo, chống sự bất công, ông cũng chỉ chủ trương cải cách xã hội từ trên xuống, trông chờ vào một “vị minh quân”. Ông liên hệ rất chặt chẽ với vua Phổ Phrêđêrich II, nữ hoàng Nga Catơrin II, với vua Thụy Điển, Đan Mạch, Ba Lan và các nhà vua khác.
Tuy rằng có những nhược điểm do quan điểm giai cấp hạn chế, Vônte vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong trào lưu triết học Ánh sáng. Tin tưởng mãnh liệt vào sự thắng lợi của con người đối với những trở lực phong kiến, ông đã có ảnh hưởng lớn lao đối với tư tưởng của các nhà cách mạng, các công trình sáng tác của ông đã đóng góp một cách xuất sắc vào kho tàng kiến thức của loài người. Chính vì thế mà tên tuổi của ông gắn liền với tên tuổi của thời đại, thế kỷ XVIII ở châu Âu còn được gọi là “thế kỷ Vônte”.
Việc xuất bản bộ Bách khoa toàn thư (1751-1776) là một bước tiến lớn về mặt tư tưởng so với thời kỳ của Môngtexkiơ và Vônte. Trong nửa sau của thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến bước vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, mâu thuẫn giai cấp cực kỳ sâu sắc, làn sóng bất mãn đối với chính quyền dâng cao. Trên cơ sở đó, trào lưu tư tưởng cách mạng đã phát triển lên một trình độ khá cao. Nếu trong nửa đầu thế kỷ XVIII, tấn công vào chế độ phong kiến chỉ có từng cá nhân thì tới đây, đã có một đội ngũ đông đảo các nhà triết học, khoa học… Họ tập hợp dưới ngọn cờ cách mạng của giai cấp tư sản, là người đại biểu của những tư tưởng tiên tiến nhất. Khi đó họ tấn công vào các thành trì của chế độ phong kiến và giáo hội, mặc dầu trong nội bộ cũng có những chính kiến khác nhau, nhưng vì cùng chống kẻ thù chung nên họ đoàn kết lại dưới sự chỉ đạo của nhà triết học duy vật Dơni Didorô (17131784). Các học giả nổi tiếng của thời đại như Vônte, Môngtexkiơ, Đalămbe, Ruxô, Hônbac, Henvêtuyt… đều tham gia biên soạn bộ “Bách khoa toàn thư hay Từ điển khảo luận về khoa học, nghệ thuật và thủ công nghiệp”. Trong đó, các tác giả đề cập tới những vấn đề quan trọng về chính trị, đạo đức, nghệ thuật, triết học, kỹ thuật và nông nghiệp. Tất cả các vấn đề đều được giải thích và phân tích theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật.
Như vậy, rõ ràng là nhóm Bách khoa đã góp phần truyền bá tư tưởng duy vật chủ nghĩa, làm cho quan điểm đó giành được những thắng lợi rực rỡ và trở thành một khuynh hướng chiếm ưu thế trong triết học Pháp hồi đó, Một số tác giả nói trên, ngoài việc tham gia biên tập bộ Bách khoa toàn thư, còn viết nhiều tác phẩm khác nhau. Họ vẫn thống nhất trên vấn đề cơ bản của triết học, vẫn đứng trên lập trường duy vật chủ nghĩa đả kích mạnh mẽ vào nhà thờ và nhà nước phong kiến. Nhưng khi đó, chủ nghĩa duy vật vẫn còn là chủ nghĩa duy vật máy móc siêu hình vì trình độ khoa học tự nhiên còn rất hạn chế.
Tư tưởng của giai cấp tư sản về phương diện kinh tế được thể hiện rõ nhất trong học thuyết của phái Trọng nông (physiocrates). Đứng đầu trường phái này là Frăngxoa Kexnây (16-4-1774) với tác phẩm có giá trị là Biểu kinh tế. Trong đó ông đã cố gắng một cách đáng chú ý trong việc trình bày toàn bộ quá trình tái sản xuất tư bản chủ nghĩa, mặc dầu chưa đề ra được lý luận khoa học về tái sản xuất. Phái này cho rằng nông nghiệp là sản phẩm duy nhất của giới tự nhiên đem lại cho con người. Theo họ “sản phẩm thuần túy” – tức là sản phẩm thừa sau khi đã chi phí sản xuất, sản phẩm làm thành giá trị thặng dư – chỉ có thể sinh ra trên cơ sở sử dụng lao động làm thuê trong nông nghiệp và chăn nuôi, còn các ngành khác chỉ là thay đổi hình thức những sản phẩm do nông nghiệp cung cấp. Cho nên phái Trọng nông đòi tất cả mọi thứ thuế phải do những kẻ có ruộng đóng, còn nhà công nghiệp thì được miễn thuế. Họ chủ trương chế độ tư hữu phải được thống trị không hạn chế và đòi hỏi tự do mậu dịch, chống lại chính sách bảo hộ bằng thuế quan, chống lại những quy tắc hạn chế của phường hội, chống lại sự can thiệp của nhà nước. Như vậy, phái Trọng nông phản ánh rõ ràng tư tưởng và nguyện vọng của giai cấp tư sản Pháp hồi cuối thế kỷ XVIII. Mác viết: “Học thuyết của phái Trọng nông là một quan niệm đầu tiên có hệ thống về nền sản xuất tư bản chủ nghĩa”.[6]
Trong trào lưu triết học Ánh sáng, bên cạnh các nhà tư tưởng tư sản, còn có những nhân vật đại diện cho quyền lợi và nguyện vọng của quần chúng bình dân. Kế tục tư tưởng của Mêliê là hai nhà dân chủ Mabli (1709-1785) và Môrenly. Các ông đã nhìn thấy nguồn gốc của mọi sự khổ cực là chế độ tư hữu và nêu lên con người muốn hưởng hạnh phúc phải tiêu diệt chế độ đó. Xã hội mới sẽ được xây dựng trên cơ sở chế độ sở hữu xã hội và phân phối bình đẳng. Mabli cho rằng chỉ có quần chúng nhân dân mới là người nắm chính quyền chân chính nhất và chính quyền tối cao phải được tập trung trong tay những người đại diện của họ. Không những chống chế độ phong kiến, ông còn đồng thời chống những học thuyết kinh tế tư sản lúc đó, chống học thuyết của phái Trọng nông. Môrenly chủ trương xã hội cộng sản phải được xây dựng trên cở sở của những quy luật tự nhiên, phải coi lao động là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi thành viên trong xã hội và nhà nước sẽ đứng ra phân phối sản phẩm một cách công bằng.
Mabli và Môrenly đều không chủ trương tiến hành cách mạng mà chỉ hy vọng vào những cải cách về chính trị và xã hội để xóa bỏ sự bất bình đẳng trong xã hội. Tuy vậy, các ông cũng đã có một vai trò quan trọng trong trào lưu tư tưởng khi đó vì tính chất tiên tiến của hệ tư tưởng dân chủ.
Người đại diện xuất sắc cho tư tưởng dân chủ cách mạng trong thời kỳ Ánh sáng là Giăng Giắc Ruxô (1712-1778).
Xuất thân trong một. gia đình thợ chữa đồng hồ ở Giơnevơ, Ruxô phải chịu khổ cực từ tấm hé. Ông đã từng đi lang thang khắp chốn, trải qua nhiều nghề để kiếm ăn. Vì vậy, ông sớm nhận thức được tình cảnh khổ cực của quần chúng và chán ghét chế độ chuyên chế phong kiến.
Tên tuổi ông gắn liền với tác phẩm nổi tiếng như Luận về khoa học nghệ thuật, Luận về nguồn gốc và cơ sở của sự bất bình đẳng, Khế ước xã hội, Emilơ… Giá trị và ảnh hưởng của những tác phẩm đó không phải chỉ thu hẹp trong phạm vi một áng văn hay, một nghệ thuật điêu luyện mà là ở quan điểm xã hội và chính trị của ông. Ruxô đã nói lên quyền lợi và nguyện vọng của đại đa số quần chúng nhân dân, đặc biệt là của nông dân và tiểu tư sản.
Trong khi lên án chế độ phong kiến chuyên chế, Ruxô lên tiếng phê phán chế độ tư hữu và những quan hệ xã hội do chế độ đó sinh ra. Ông cho rằng sự bất bình đẳng là hậu quả của chế độ tư hữu và nêu lên mọi người đều phải bình đẳng. Ông vạch ra rằng nhà nước khi đó phục vụ cho bọn có của để chống những người không có của, bằng những thủ đoạn tàn ác và dã man. Tuy vậy, Ruxô không chủ trương tiêu diệt toàn bộ chế độ tư hữu vì theo ông việc đó không thể thực hiện được. Ông chủ trương điều hòa chế độ tư hữu, chuyển từ chế độ đại sở hữu sang tiểu tư hữu. Trên cơ sở đó, nếu không diệt trừ tận gốc cái xấu xa của xã hội thì cũng có thể giảm bớt đến mức tối thiểu những sự bất bình đẳng. Ông đưa ra một số cải cách: đặt thuế lũy tiến đánh vào tài sản, hạn chế quyền thừa kế gia tài… Điểm nổi bật trong quan niệm chính trị của ông là vấn đề chế độ nhà nước. Trong khi Môngtexkiơ tin tưởng vào nhà nước quân chủ lập hiến, Vônte và Điđơrô trông chờ vào một vị “minh quân” thì Ruxô chủ trương thiết lập một nhà nước cộng hòa. trong đó bảo đảm hoàn toàn chủ quyền của nhân dân, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng và tư hữu tài sản. Cương lĩnh chính trị tiến bộ của Ruxô có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình tiến triển của cách mạng Pháp, đặc biệt là trong thời kỳ Giacôbanh.
Các nhà tư tưởng Pháp, mặc dù có những quan điểm khác nhau, phản ánh quyền lợi của các giai cấp khác nhau, nhưng trong thời kỳ khủng hoảng của chế độ phong kiến, họ đều chĩa mũi nhọn vào chính quyền quân chủ chuyên chế và đòi hỏi thay thế bằng một chế độ xã hội mới. Cuộc đấu tranh đó lan tràn trên mọi lĩnh vực triết học, văn học, khoa học, nghệ thuật v.v… nhằm mở ra một chân trời mới trong lịch sử loài người. Chính vì thế mà trào lưu tư tưởng tiến bộ và cách mạng đó đã vượt ra khỏi nước Pháp, có ảnh hưởng khắp châu Âu và “những nhà duy vật Pháp vẫn làm cho thế kỷ XVIII thành ra chủ yếu là thế kỷ của nước Pháp”.[7]
6. Chế độ phong kiến khủng hoảng trầm trọng
Cuối thế kỷ XVIII, nền quân chủ chuyên chế phong kiến Pháp đã lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Năm 1787-1789, nạn khủng hoảng công nghiệp và thương nghiệp xảy ra làm ngừng trệ mọi hoạt động kinh doanh, nhiều công xưởng phải đóng cửa, nhiều công trình xây dựng phải ngừng lại, nạn thất nghiệp lan tràn… Đồng thời nạn mất mùa lại xảy ra cùng với mưa đá, những kỳ giá lạnh bất thường vào mùa đông 17881789 khiến cho vùng trồng nho bị thất thu nặng nề, khắp nơi đói kém. Trong khi đó, giai cấp quý tộc vẫn không ngừng tăng cường bóc lột, phục hồi thuế cũ, nâng cao thuế mới làm cho nông dân vô cùng khổ cực. Nạn khủng hoảng tài chính cũng xảy ra trong thời kỳ này trở thành một tai họa lớn đối với đất nước. Do việc sử dụng ngân quỹ vào các cuộc ăn chơi, hội hè, xây dựng cung điện, trang trải nợ nần cho hoàng gia…, nhà nước đã phải vay nợ tới 4 tỉ rưỡi livrơ, không thể trả được nữa. Trong khi đó, bọn chủ nợ không chịu cho vay thêm, tiền thuế cho thầu trước mấy năm đã tiêu hết khiến cho tình hình càng trở nên khốn quẫn. Nhà vua triệu tập hội nghị Thân hào (1787) gồm các nhà quý tộc và tăng lữ, đề nghị đánh thuế vào đẳng cấp có đặc quyền nhưng bị phản kháng. Nhà vua liền giải tán hội nghị Thân hào, ra lệnh triệu tập hội nghị Ba cấp gồm đại biểu của ba đẳng cấp. Hội nghị Ba cấp được thành lập từ năm 1614, bị bỏ quên trong một thời gian dài, tới nay mới được hỏi đến để giải quyết tình trạng quẫn bách của nhà nước.
Trong khi đó, căm thù chế độ phong kiến và đời sống ngày càng cùng cực, quần chúng nông dân đã nổi dậy khắp nơi. Đồng thời, công nhân ở Pari và các thành phố khác cũng đứng dậy đấu tranh giành quyền lợi, hô lớn các khẩu hiệu: “Giết chết bọn quý tộc !”, “Giết chết bọn nhà giàu”, “Giết chết bọn cố đạo”. Chỉ riêng mùa xuân năm 1789 đã có tới 800 cuộc nổi dậy của nông dân và bình dân thành thị. Tổng trưởng tài chính Nếchkê phải thú nhận rằng: “Không ở đâu có sự khuất phục, ngay cả quân đội cũng không thể tin được”. Chính quyền đã cử quân đội đến đàn áp, nhưng dập tắt nơi này lại bùng lên ở nơi khác. Nước Pháp ở trong tình trạng sôi sục lòng căm thù chế độ phong kiến, tình thế cách mạng đã chín mùi.
II – Quá trình diễn biến của cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789-1794)
Mùa hè năm 1789, nước Pháp đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng tư sản. Quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản đã đứng dậy tiến hành đấu tranh lật đổ nền quân chủ chuyên chế phong kiến, lập nên chế độ tư bản chủ nghĩa. Quá trình đó có thể chia làm ba giai đoạn :
- Giai đoạn cách mạng bùng nổ và nền thống trị của đại tư sản Lậphiến (14-7-1789 / 10-8-1792)
- Giai đoạn thống trị của phái cộng hòa tư sản Girôngđanh (10-81792 / 31-51793).
- Giai đoạn chuyên chính dân chủ cách mạng Giacôbanh (6-1793 /7-1794).
Giai Đoạn Thứ Nhất: Cách Mạng Bùng Nổ Và Nền Thống Trị Của Đại Tư Sản Lập Hiến (14 -7-1789 đến 10 -8-1792)
Cao trào cách mạng và sự sụp đổ của nền quân chủ chuyên chế phong kiến
Từ Hội nghị Ba cấp đến Quốc hội lập hiến
Ngày 5-5-1789, Hội nghị Ba cấp khai mạc tại cung điện Vecxai dưới sự chủ tọa của nhà vua, có 270 đại biểu quý tộc, 300 đại biểu tăng lữ và 600 đại biểu đẳng cấp thứ ba. Ngay từ phút đầu, những người đại diện cho đẳng cấp thứ ba đã bị đối xử khinh miệt.
Cuộc đấu tranh nổ ra trước tiên xoay quanh vấn đề cách thức bỏ phiếu và kiểm tra tư cách đại biểu. Ngày 6-5 đại biểu của hai đẳng cấp có đặc quyền họp riêng để kiểm tra tư cách đại biểu của mình và vẫn chủ trương giữ lối bỏ phiếu theo đẳng cấp: mỗi đẳng cấp chỉ bỏ 1 phiếu trong khi thông qua quyết nghị. Như vậy cho dù có đông đại biểu thế nào chăng nữa, đẳng cấp thứ ba luôn luôn ở vào thế yếu với tỉ số 1- Vì vậy họ đấu tranh cho việc kiểm tra tư cách đại biểu chung và bỏ phiếu theo đầu người.
Trong khi đó, quần chúng nhân dân bên ngoài theo dõi hội nghị, căm phẫn trước thái độ của nhà vua và hai đẳng cấp trên. Ngày 10-6, đại biểu của đẳng cấp thứ ba, linh mục Xiâyet tuyên bố mặc dầu hai đẳng cấp trên không chịu đến họp chung, đẳng cấp thứ ba, vẫn cứ tiến hành kiểm tra tư cách của tất cả các đại biểu.
Ngày 17-6, sau khi kiểm tra xong, các đại biểu của đẳng cấp thứ ba tự tuyên bố thành lập Hội đồng dân tộc. Đó là một quyết nghị táo bạo vì lần đầu tiên, họ không cần đến nhà vua và chuyển quyền lập pháp về tay đẳng cấp thứ ba. Nhà vua phản kháng bằng cách đóng cửa cung điện không cho các đại biểu đến họp (20-6). Trước thái độ đó, nhân dân đã cùng các đại biểu của mình đi đến họp tại Phòng đánh cầu. Ở đây, họ thông qua một nghị quyết quan trọng, thề sẽ không giải tán và sẽ họp ở bất cứ nơi nào cho đến khi thảo xong hiến pháp.
Ngày 23-6 các đại biểu của ba đẳng cấp lại được triệu tập về cung điện Vécxai. Nhưng sau khi đọc diễn văn, nhà vua ra lệnh phân tán về làm việc theo từng đẳng cấp. Không một ai trong đẳng cấp thứ ba rời khỏi chỗ ngồi. Nhân dân bên ngoài ùa vào cùng các đại biểu. Mặc dầu được lệnh canh gác nghiêm ngặt, quân cảnh vệ vẫn để cho quần chúng ra vào vì chính họ đã ngả về phía cách mạng.
Ngày 9-7, Hội đồng dân tộc tự tuyên bố thành Quốc hội lập hiến để xác định quyền của mình trong việc ban hành luật lệ nhà nước. Vẫn giữ thái độ ngoan cố, nhà vua quyết định thải hồi Nếchkê là viên bộ trưởng tài chính của giới tư sản và thay thế bằng bá tước Đơ Brơtơi, nổi tiếng với lời nguyền: “Nếu như cần phải đốt Pari thì chúng ta sẽ đốt Pari”. Quân đội được điều động về thủ đô, sẵn sàng nhả đạn vào quần chúng.
Cuộc khởi nghĩa 14-7-1789 ở Pari
Ngày 12-7, tin Đơ Brơtơi được cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và việc nhà vua tập trung quân đội gây nên một làn sóng công phẫn trong các giới ở Pari. Quần chúng lao động và những người tư sản cách mạng tự vũ trang bằng mọi thứ vũ khí thô sơ: súng, dao, dáo, mác… Binh lính chuyển sang phía nhân dân trừ những đơn vị có lính đánh thuê ngoại quốc.
Các cử tri ở Pari quyết định thành lập một cơ quan chính quyền thành phố mới gọi là ủy ban thường trực và tổ chức lực lượng vũ trang dân binh là Vệ quốc quân. Ngày 14-7 quần chúng cách mạng chiếm được hầu hết cơ quan và các vị trí quan trọng trong thành phố. Pháo đài cuối cùng phải giải quyết là nhà tù Baxti, có hào sâu ngăn cách, có cầu treo và đại bác… Ủy ban thường trực không hể nghĩ đến hành động quân sự đối với Baxti. Nhưng quần chúng gồm những người thợ nề, thợ mộc, thợ giày, thợ nhuộm, những người buôn bán nhỏ, nông dân ngoại thành… đã bao vây nhà tù, dựng lên công sự và tấn công trực tiếp. Sau 4 giờ chiến đấu, những người cách mạng ùa vào, pháo đài Baxti thất thủ.
Việc chiếm ngục Baxti đánh dấu sự thắng lợi của cách mạng. Tòa thành kiên cố, sừng sững hàng trăm năm tượng trưng cho nền quân chủ chuyên chế hà khắc tưởng như bất di bất dịch, trong khoảnh khắc đã rơi vào tay quần chúng nhân dân cách mạng.
Như vậy, ngày 14-7-1789 đã được vĩnh viễn ghi vào lịch sử vinh quang của nhân dân Pháp, trở thành ngày quốc khánh của dân tộc Pháp đã làm rung động toàn bộ cơ cấu chính quyền phong kiến trong cả nước và có tiếng vang mạnh mẽ tới châu Âu và châu Mỹ.
Cao trào cách mạng trong toàn quốc
Thắng lợi cách mạng ở Pari được củng cố chắc chắn là nhờ phong trào đấu tranh của đại đa số nông dân trong toàn quốc. Tháng 7 và tháng 8, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ ở các địa phương: không trả tô, đốt nhà địa chủ, thủ tiêu đặc quyền phong kiến, xử tử những tên địa chủ gian ác. Những cuộc khởi nghĩa nổ ra trên quy mô lớn ở các tỉnh Andat, Phrăngsơ Côngtê (phía đông), Lyông, Noócmăngđi… Nông dân nghèo khổ đã đóng góp tích cực vào cuộc cách mạng nông thôn này.
Đồng thời, các thành phố cũng tiến hành phá tan bộ máy chính quyền cũ, trong lịch sử gọi là Cách mạng thị chính. Tin tức từ Pari đưa tới làm cho nhân dân các địa phương phấn khởi, đứng dậy đập phá nhà cửa các viên tổng trấn, ùa vào tòa thị chính và thủ tiêu các văn khế phong kiến, trao chính quyền cho những người tư sản giàu có ở địa phương. Các đội Vệ quốc quân ở Pari và các tỉnh được thành lập.
Sự kiện chiếm ngục Baxti, phong trào cách mạng của nông dân, cuộc Cách mạng thị chính ở các thành phố là những đòn đả kích mạnh mẽ vào chế độ phong kiến chuyên chế, đem lại thắng lợi căn bản cho cách mạng. Chính quyền mới của giai cấp tư sản được thành lập, thay thế cho hệ thống chính quyền quân chủ phong kiến.
Chính quyền Lập hiến và những hoạt động của nó
Sau khi lật đổ nền quân chủ chuyên chế, chính quyền chuyển vào tay phái Lập hiến. Phái này đại diện cho quyền lợi của tầng lớp đại tư sản và quý tộc tư sản hóa bao gồm các chủ ngân hàng, chủ thuyền buôn, các nhà công nghiệp và thương nghiệp lớn. Họ chiếm địa vị quan trọng trong Quốc hội lập hiến, trong các cơ quan chính quyền ở Pari và các tỉnh. Vệ quốc quân ở trong tay bá tước La Phayét, một người tư sản tự do đã từng tham gia chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ và chủ trương cải cách tư sản. Có uy tín lớn trong Quốc hội lập hiến là hầu tước Mirabô, một nhà hùng biện lỗi lạc nhưng lại là một nhà chính trị chống chế độ dân chủ.
Bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” (8-1789)
Ngay từ những ngày đầu của cách mạng và nhất là do ảnh hưởng của phong trào nhân dân, phái Lập hiến chiếm đa số trong Quốc hội bắt tay vào việc soạn bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền”.
Ngày 26-8-1789, Quốc hội lập hiến thông qua bản Tuyên ngôn gồm 17 điều khoản.
Tuyên ngôn nêu lên quyền tự do bình đẳng của con người, khẳng định chủ quyền thuộc về nhân dân, ban hành các quyền tự do tư sản đồng thời khẳng định quyền sở hữu tài sản tư nhân. Nó thể hiện tính chất tiến bộ và cách mạng. Đó là một cương lĩnh thấm nhuần tư tưởng của các nhà triết học Pháp thế kỷ XVIII, kết tinh lại trong khẩu hiệu nổi tiếng: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp và châu Âu, chủ quyền tối cao được tuyên bố thuộc về nhân dân cùng với những quyền tự do dân chủ khác. Quyền lực của nhà vua cùng chế độ đẳng cấp trong xã hội phong kiến bị bãi bỏ. Những kết luận xác đáng và cách mạng đó chính là dấu vết in sâu không thể xóa mờ được của cuộc đấu tranh quần chúng, là những thành quả do quần chúng sáng tạo nên.
Trong thời kỳ mà nền quân chủ phong kiến chuyên chế đang thống trị ở châu Âu, những quyền lợi cơ bản của con người bị tước đoạt một cách tàn tệ thì bản Tuyên ngôn chính là một văn kiện lịch sử tiến bộ, là lời kêu gọi nhân dân bị áp bức đứng dậy đấu tranh.
Những chính sách của Quốc hội lập hiến. Hiến pháp 1791
Về chính sách ruộng đất, Hội đồng tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn các trật tự phong kiến. Những đặc quyền phong kiến cơ bản như thuế xăng (cens), tô hiện vật, tô lao dịch, thuế thừa kế ruộng đất… chỉ được bãi bỏ sau khi nông dân đã chuộc cho chúa đất một món tiền nặng nề quá sức mình. Số tiền chuộc gấp 20 lần tiền tô hàng năm và phải nộp một lần. Ruộng đất của nhà thờ được bán theo từng ấp trại lớn, trả tiền trong 4 năm. Về thực tế, nông dân không có tiền để được “giải phóng” theo các điều khoản trên.
Trong chính sách công thương nghiệp, Quốc hội quyết định bãi bỏ quy chế phường hội, cho phép tự do buôn bán lúa mì, cấm nhập cảng sợi lanh và các vật liệu kiến trúc để khuyến khích sản xuất trong nước.
Những chính sách đó làm cho đến năm 1790, ở nước Pháp đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của sự hưng thịnh về kinh tế. Nhưng đồng thời, cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, rút giờ làm việc xuống 12 giờ cũng tăng lên. Các hội công nhân xuất hiện: “Hội những người bạn của nhân loại” của công nhân in Pari, “Hội ái hữu” của thợ mộc Pari với hàng ngàn hội viên, có quỹ tương tế và lớp dạy nghề. Công nhân đã tham gia vào các câu lạc bộ chính trị và có ý thức liên hệ với công nhân ở các tỉnh. Để hạn chế phong trào công nhân, Quốc hội lập hiến thông qua đạo luật Sapơliê ngày 14-6-1790, quy định: Nếu những công nhân cùng nghề nghiệp mà bàn bạc với nhau, giao ước với nhau cự tuyệt lao động hay đòi hỏi lao động với một giá cả nhất định, thì sự bàn bạc và giao ước đó đều bị coi là trái với hiến pháp; vi phạm vào tự do và tuyên ngôn nhân quyền… Những người đó bị tước quyền công dân trong một năm và bị xử phạt 500 livrơ.
Từ tháng 5 đến tháng 6-1790 Quốc hội chú ý tới việc tổ chức hành chính theo quy chế mới. Pari chia thành các phân khu, toàn quốc chia làm 83 quận có diện tích gần bằng nhau với cơ cấu tổ chức thống nhất, xóa bỏ thuế quan nội địa… Những biện pháp đó có ý nghĩa tiến bộ lớn vì nó đã gạt bỏ được những nhân tố kìm hãm sự phát triển của công thương nghiệp, xóa bỏ ranh giới giữa các khu vực và góp phần rất lớn vào việc hoàn thành quá trình hình thành dân tộc Pháp.
Trong chính sách đối với nhà thờ, Quốc hội lập hiến quyết định tịch thu tài sản nhà thờ làm tài sản quốc gia và đem bán. Đến tháng 11-1790, Quốc hội quyết định giáo hội Pháp phải phục tùng quốc gia, không được lệ thuộc vào Vaticăng về mặt hành chính, các linh mục và giám mục phải do bầu cử, ăn lương của nhà nước. Các công việc hộ tịch trước kia thuộc giáo hội, nay chuyển sang nhà nước. Đó là một chính sách tiến bộ.
Năm 1791, Quốc hội ban hành hiến pháp mới, quy định chế độ quân chủ lập hiến ở nước Pháp. Nhà vua được tuyên bố là người đứng đầu nhà nước, là tư lệnh tối cao các lực lượng lục quân và hải quân, có quyền phê chuẩn hay bác bỏ các đạo luật, bổ nhiệm hay cách chức các bộ trưởng, các sứ thần và nhân viên ngoại giao, các tư lệnh quân đội… Vua có quyền phủ quyết đình chỉ, nghĩa là hủy bỏ các sắc lệnh đang thi hành. Quốc hội lập pháp là cơ quan tối cao ban hành pháp luật. Hiến pháp quy định chế độ tuyển cử chia công dân thành hai loại: công dân tích cực và công dân tiêu cực tùy theo tài sản của họ. Những người không có tài sản, quần chúng nhân dân lao động bị coi là “công dân tiêu cực”. Quyền bầu cử chỉ dành cho các “công dân tích cực” tức là những người từ 25 tuổi trở lên, không làm thuê cho ai, phải có tên trong danh sách Vệ quốc quân và phải trả một số thuế trực thu ít nhất bằng ba ngày lương. Những điều kiện đó đã gạt ra ngoài hàng chục triệu người lao động. Năm 1791, trong số 26 triệu dân, chỉ có 4 triệu 28 vạn người là “công dân tích cực”. Điều kiện ứng cử càng khắt khe. Những người muốn được bầu vào các hội đồng hàng quận phải nộp thuế bằng 150 đến 200 ngày công nếu ở thành thị, hoặc phải có những thu hoạch về đất đai ít nhất từ 150 đến 400 ngày công nếu ở nông thôn.
Như vậy, hiến pháp 1791 đã vi phạm những nguyên tắc “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” nêu ra trong “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền”, đã tước đoạt quyền lợi chính trị của đa số quần chúng là những người tham gia tích cực vào cuộc cách mạng, chỉ bảo vệ quyền lợi cho một thiểu số hữu sản trong xã hội.
3. Phong trào quần chúng năm 1789-1791 và những hoạt động của câu lạc bộ chính trị
Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân
Các chính sách của Quốc hội lập hiến ngày càng tỏ ra rằng tầng lớp đại tư sản nắm chính quyền không muốn giải quyết yêu cầu của quần chúng và không kiên quyết đối với thế lực phản động. Bất bình trước thái độ đó, hàng loạt cuộc đấu tranh liên tiếp bùng nổ.
Mùa thu năm 1789, những người thợ nề, thợ giày, những người bán hàng ở Pari lần lượt nổi dậy đòi cải thiện đời sống nhưng đều bị đàn áp. Mạnh mẽ nhất là cuộc khởi nghĩa của nhân dân Pari ngày 5 và 6-10-178 Mặc dầu tuyên bố nhân nhượng cách mạng, Luy XVI và vợ là Mari Antoannét vẫn tiếp tục lãnh đạo phe phản động trong triều đình. Luy XVI không chịu phê chuẩn các đạo luật được Quốc hội thông qua đêm 4-8 cũng như không chấp thuận “Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền”. Những đơn vị quân đội có xu hướng bảo hoàng được điều về Vécxai nhằm chuẩn bị phản công cách mạng. Tin tức về những hành vi phản bội này đã gây một làn sóng công phẫn rất lớn. Giá cả đột nhiên tăng vọt lên và việc thiếu bột mì trong các cửa hiệu ngày càng làm tăng lòng căm thù của quần chúng lao động. Ngày 4-10, nhân dân vây quanh cung điện nhà vua, hô to: “Đả đảo bọn giáo sĩ”, “Giết chết bọn quý tộc”, “Giết chết hoàng hậu”, kêu gọi tiến về Vécxai để bắt vua phải về Pari chịu sự kiểm soát của nhân dân và buộc chính phủ phải cung cấp bột mì. Cuộc đấu tranh kéo dài đến sáng ngày 6-10, sau một vụ xung đột đổ máu với quân cảnh vệ, nhân dân ùa vào cung điện Vécxai, buộc Luy XVI phải lập tức rời Vécxai về cung điện Tuynlơri (Pari) giữa vòng vây của quần chúng. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa rất lớn: nó phá tan âm mưu giải tán Quốc hội lập hiến và phá tan kế hoạch phản công của phe phản cách mạng. Nhưng áp lực của quần chúng cũng làm cho giai cấp tư sản run sợ. Quốc hội lập hiến ban hành sắc lệnh 21-10-1789 tuyên bố “tình trạng chiến tranh” khi có khởi nghĩa và cho phép quân đội dùng vũ khí để chống lại.
Những biến cố cách mạng ảnh hưởng rất lớn đến quân đội. Họ thành lập các ủy ban binh lính nổi dậy trong nhiều đơn vị, phản đối bọn sĩ quan phản động mà tuyệt đại đa số là thuộc tầng lớp quý tộc. Đặc biệt quan trọng là cuộc khởi nghĩa của 4 trung đoàn ở thành phố Năngxy, kéo dài từ 28 đến 31-8-1790 nhưng bị đàn áp khốc liệt, cứ 7 người thì một người bị treo cổ.
Các câu lạc bộ chính trị
Đóng một vai trò lớn lao trong những năm cách mạng là các câu lạc bộ chính trị, những trung tâm dùng để thảo luận các vấn đề quan trọng mà toàn quốc đang chú ý.
Từ những năm đầu của cách mạng, câu lạc bộ Giacôbanh đã có ảnh hưởng đáng kể. Ban đầu, thành phần rất phức tạp. Nó bao gồm nhiều nhóm chính trị khác nhau, từ những lãnh tụ phái quý tộc tự do đến những người dân chủ tư sản, từ những đại biểu của Quốc hội lập hiến đến những người của các tổ chức khác nữa. Qua những biến động lớn trong xã hội, nội bộ câu lạc bộ Giacôbanh bị phân hóa.
Phái hữu đoạn tuyệt với Giacôbanh, thành lập một tổ chức mới gọi là câu lạc bộ Phơiăng, tập hợp những kẻ đại diện cho phái quân chủ lập hiến và quý tộc đại tư sản câu kết với nhau chống lại cách mạng.
Phái tả gồm những người cách mạng, trung thành với tư tưởng của Giăng Giắc Ruxô, có chi nhánh ở nhiều địa phương. Lãnh tụ của phái Giacôbanh là Rôbexpie (1858-1894) một trạng sư được bầu làm đại biểu trong Hội nghị Ba cấp, nổi tiếng với những bài diễn văn kêu gọi đấu tranh đầy dũng khí. Phái Giacôbanh sẽ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình diễn biến của cách mạng.
Câu lạc bộ Coođơliê thành lập năm 1790 là một câu lạc bộ nhân dân, mang tên chính thức là “Hội những người bạn của nhân quyền và dân quyền”, có những hội viên xuất sắc như Mara (1743-1793) một nhà bác học, y học, vật lý học và là một nhà báo nổi tiếng với tờ báo “Người bạn dân”, cơ quan chiến đấu của phái dân chủ cách mạng, trạng sư Đăngtông, nhà báo Êbe… sau này đều trở thành các lãnh tụ xuất sắc của Giacôbanh.
Một số trí thức có khuynh hướng dân chủ tập trung trong nhóm Xã hội hâm mộ tư tưởng của Ruxô, kết nạp nhiều thợ thủ công, công nhân và đại diện của tầng lớp bình dân. Đứng đầu nhóm này là Fôsê và Bôngvin, phản ánh tư tưởng của những người nghèo khổ trong xã hội, chủ trương chia đều ruộng đất, không ai không có ruộng cày. Chính tư tưởng của nhóm Xã hội sau này được thể hiện bởi phái “Điên dại”, bởi những người cộng sản chủ nghĩa không tưởng Babơp và Buônarôti.
Các câu lạc bộ nhân dân được phát triển rộng rãi ở các tỉnh và các thành phố. Một ủy ban trung ương các câu lạc bộ được thành lập ở Pari và đã đưa kiến nghị đòi Quốc hội lập hiến phải bác bỏ việc phân chia công dân tích cực và tiêu cực.
Cuộc đấu tranh chống âm mưu của bọn phản cách mạng và tình trạng “Tổ quốc lâm nguy”
Âm mưu phản cách mạng của Luy XVI và bọn quý tộc
Ngay sau khi ngục Baxti thất thủ, bọn quý tộc phản cách mạng lần lượt bỏ trốn khỏi nước Pháp. Em vua là bá tước Actoa và bè lũ triều thần trốn ra nước ngoài đặt trung tâm liên lạc bọn quý tộc di cư ở Côblenxơ (Đức) trông chờ sự giúp đỡ của các nước châu Âu.
Trong khi đó, Luy XVI vẫn không ngừng tìm cách chống đối cách mạng. Do sự liên lạc bí mật với triều đình nước ngoài, đêm 20 rạrg 21-61791, Luy và vợ trốn khỏi Pari. Nhưng trên đường đi, chúng đã bị bắt tại thành phố Varen. Sáng 21-6, nhân dân Pari biết tin vua bỏ trốn liền ùa vào cung điện Tuynlơri, tự vũ trang, đòi đem xử Luy XVI và đòi tuyên bố thành lập nền cộng hòa. Các tỉnh và các thành phố khác được tin này cũng tự vũ trang chuẩn bị chống bọn phản cách mạng. Nhưng chính quyền lập hiến tìm cách bao che cho tên vua phản động và đàn áp những cuộc biểu tình của quần chúng. Nhờ đó, Luy XVI vẫn giữ được ngôi vua cho đến tháng 8-1792.
Bọn phong kiến Áo và Phổ ra tuyên bố sẵn sàng điều quân can thiệp vào nước Pháp cách mạng. Điều đó báo trước chiến tranh nhất định sẽ xảy ra và nhân dân Pháp hiểu rằng tự mình phải cầm lấy vũ khí để chiến đấu cho nền tự do và độc lập của Tổ quốc, chống lại sự xâm lược của liên minh phản động gồm các nước phong kiến quân chủ châu Âu.
Quốc hội lập pháp và phản ứng của quần chúng
Theo Hiến pháp 1791, Quốc hội lập pháp được bầu ra trong điều kiện cử tri rất hạn chế, đã khai mạc ngày 1-10-179 Không một thành viên nào của Quốc hội lập hiến được tham gia Quốc hội mới. Các đại biểu đại và trung tư sản chiếm ưu thế trong Quốc hội.
Phái tả bị thiểu số rõ rệt, chiếm 136 trong tổng số 345 ghế, nội bộ lại không thuần nhất. Đa số của phái này, tuy chủ yếu là tư sản công thương nghiệp địa phương và trong một mức độ nào đó còn có cả tư sản ruộng đất, có liên hệ với các giới tư sản miền Nam và Đông Nam nước Pháp. Họ được bầu ở các vùng trồng nho quận Girôngđơ nên thường gọi là những người Girôngđanh do nhà báo Brixô đứng đầu. Chỉ có một bộ phận nhỏ trong phái tả là cấp tiến nhất do những người dân chủ tư sản đại diện, chủ trương cải cách xã hội, kinh tế và chính trị sâu sắc để phục vụ quyền lợi các tầng lớp nhân dân rộng rãi, bao gồm cả tư sản loại nhỏ và vừa ở thành thị và nông thôn. Họ là những người Giacôbanh. Trong Quốc hội, bao giờ họ cũng ngồi ở chỗ cao nhất phía tả nên được gọi là Phái Núi. Là thiểu số trong Quốc hội, nhưng họ lại có một chỗ dựa chắc chắn ở bên ngoài là câu lạc bộ Coođơliê, những người cách mạng nhất trong câu lạc bộ Giacôbanh do Rôbexpie lãnh đạo và được đại đa số quần chúng ủng hộ. Do đó họ hiểu sâu sắc sự cần thiết của cuộc cải cách xã hội căn bản. Sức mạnh của họ chính là ở mối liên hệ với quần chúng nhân dân đông đảo bên ngoài Quốc hội.
Phái hữu với 246 ghế thuộc nhóm Phơiăng chiếm đa số trong Quốc hội lập pháp không giải quyết được vấn đề gì căn bản có lợi cho quần chúng. Không thỏa mãn trước chính sách ruộng đất, nông dân nhiều vùng đứng dậy đấu tranh đòi Quốc hội ban hành các sắc lệnh mới. Đồng thời, những cuộc đấu tranh về lương thực liên tiếp nổ ra trong suốt nửa sau của năm 1791 và mùa xuân 179 Quần chúng, nhất là nông dân, đấu tranh chống nạn đầu cơ lúa mì và chống việc tăng giá hàng hóa. Ở Pari và các thành phố, công nhân và dân nghèo đập phá các cửa hiệu, chống việc tăng giá quá mức các mặt hàng thiết yếu như bông, bột mì, đường… Làn sóng công phẫn lan tràn khắp miền Bắc và miền Nam nước Pháp. Tình hình đó chứng tỏ lòng bất mãn của nhân dân đối với Quốc hội lập pháp, đã khiến cho Chính phủ lập hiến của phái Phơiăng bị đổ. Ngày 23-3-1792, nhà vua buộc phải lập chính phủ mới bao gồm nhiều bộ trưởng phái Girôngđanh.
Nguy cơ chiến tranh và cao trào bảo vệ Tổ quốc trong quần chúng
Đầu năm 1792, chiến tranh đã trở thành một vấn đề nóng bỏng trước mắt làm cho mọi người phải quan tâm. Song thái độ của mỗi tầng lớp lại khác nhau tùy theo quan điểm chính trị của họ. Bè lũ phản động đứng đầu là Luy XVI hy vọng nước Pháp cách mạng sẽ thất bại trong cuộc chiến tranh, nhờ đó sẽ hồi phục toàn bộ chế độ chuyên chế và trật tự phong kiến. Bọn quý tộc di cư và giáo sĩ phản động tập hợp thành một đội quân 15 ngàn người sẵn sàng tấn công nước Pháp cách mạng. Nhóm Phơiăng có thái độ không thống nhất, vừa muốn tiến hành những cuộc chiến tranh nhỏ với bọn quý tộc di cư và các nước đối thủ nhỏ, dễ thắng lợi, gây được uy thế chính trị, lại vừa sợ những cuộc xung đột lớn với các cường quốc châu Âu. Phái Girôngđanh, đại diện cho đại tư sản công thương thấy rằng chiến tranh không chỉ là một phương tiện tự vệ mà còn là một con đường giành lấy những món lợi kinh tế ở châu Âu và giành lấy ưu thế chính trị trong nước. Phái Núi cũng như nhiều hội viên các câu lạc bộ dân chủ cách mạng hiểu rất rõ sự cần thiết của một cuộc chiến tranh tự vệ. Nhưng trong hoàn cảnh mà quyền lực chính trị đang ở trong tay đối thủ của họ và quyền chỉ huy quân sự thuộc về bọn sĩ quan phản cách mạng thì chiến tranh hết sức nguy hiểm. Rôbexpie vạch mặt bọn phản động đang nằm trong nước và đòi hỏi phải tiêu diệt chúng trước khi tiến hành chiến tranh.
Những người Girôngđanh là bộ phận tuyên truyền tích cực nhất cho chiến tranh. Ngày 20-4-1792, nước Pháp tuyên chiến với Áo. Việc nước Pháp tuyên chiến trước hoàn toàn không thay đổi tính chất của cuộc chiến tranh.
Lênin đã khẳng định “Tất cả mọi người đều coi chiến tranh đó là chiến tranh chính nghĩa, tự vệ và chiến tranh đó cũng thật sự là như thế. Nước Pháp cách mạng tự vệ chống châu Âu quân chủ phản động”.
Nhưng ngay từ trước, hoàng hậu Mari Antoannét đã bí mật chuyển cho nước Áo toàn bộ kế hoạch của chiến dịch. Quân Pháp do tướng tá phản động chỉ huy bị thua phải rút lui.
Luy XVI lợi dụng quyền phủ quyết đình chỉ do Hiến pháp 1791 quy định đã không phê chuẩn sắc lệnh thành lập đội quân tình nguyện 20 vạn người, thải hồi các bộ trưởng Girôngđanh và gọi phái Phơiăng ra cầm quyền.
Trước tình hình đó, lòng yêu nước của toàn dân dâng cao, bao trùm khắp nước. Hàng vạn công nhân và thợ thủ công Pari biểu tình có vũ khí, tố cáo nhà vua phản bội. Trước áp lực của quần chúng, Luy XVI giả dối hứa hẹn sẽ không vi phạm Hiến pháp. Ngày 11-7 Quốc hội lập pháp buộc phải tuyên bố “Tổ quốc lâm nguy” và ra lệnh động viên quân tình nguyện. Hưởng ứng lời kêu gọi, hàng vạn quần chúng tự vũ trang, tình nguyện tham gia quân đội. Đội quân tình nguyện tiến về Pari, hát vang bài ca “Hành khúc của đội quân sông Ranh” đầy khí thế chiến đấu. Bản anh hùng ca đó được gọi là bài “Mácxâye” trở thành bài ca chiến đấu cách mạng, quốc ca của nhân dân Pháp. Hội nghị các ủy viên 48 phân khu Pari nắm lấy chính quyền cách mạng ở thủ đô và lấy tên là Công xã Pari. Từ ngày 58, các phân khu Pari bắt đầu chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, cuộc đấu tranh cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới.
Giai Đoạn Thứ Hai: Nền Thống Trị Của Tư Sản Cộng Hòa Girôngdanh (Từ 10 Tháng 8-1792 Đến 2 Tháng 6-1793)
Cuộc khởi nghĩa nhân dân và sự thành lập nền cộng hòa
Cuộc khởi nghĩa 10-8-179 Nền quân chủ lập hiến sụp đổ
Đêm ngày 9 rạng ngày 10-8, thành phố Pari ầm vang tiếng súng, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa mới. Các đội vũ trang nhân dân kéo đến cung điện Tuynlơri. Các Công xã cách mạng được thành lập, nắm toàn bộ chính quyền trong thành phố. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở các cổng cung điện giữa nhân dân với đội cảnh vệ của nhà vua. Cuối cùng, sau một đợt tấn công ào ạt, nhân dân chiếm được cung điện, bắt giam Luy XVI và phế truất khỏi ngôi vua mặc dầu Quốc hội tìm cách che chở. Một sắc lệnh thành lập “Hiệp hội dân tộc” để thay thế cho Quốc hội lập pháp được ban bố với chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu cho tất cả nam giới từ 21 tuổi trở lên. Chế độ quân chủ lập hiến bị sụp đổ hoàn toàn. Chính phủ mới được thành lập (gọi là Hội đồng hành pháp lâm thời) gồm phần lớn các bộ trưởng phái Girôngđanh. Chỉ có Đăngtông, bộ trưởng tư pháp là người của phái Giacôbanh… Như vậy, cuộc khởi nghĩa nhân dân ngày 10-8-1792 chẳng những đã lật đổ nền quân chủ lập hiến và ngôi vua mà còn chấm dứt sự thống trị của bọn đại tư sản phản động. Phái Phơiăng bộc lộ hoàn toàn thái độ phản cách mạng và tiếp tay cho bọn xâm lược.
Công xã Pari và các chiến thắng quân sự
Ngày 19-8, 80 vạn quân Phổ vượt biên giới tràn vào lãnh thổ Pháp và hạ thành
Vecđoong ngày 2- Cửa ngõ Pari bị mở toang. Các thế lực phản động châu Âu (Áo, Phổ, Anh, Tây Ban Nha…) câu kết thành liên minh chống Pháp. Ngay trong hàng ngũ tướng lĩnh và sĩ quan quân đội Pháp cũng còn nhiều phần tử bảo hoàng phản động có liên hệ với bọn quý tộc di cư. Số phận nước Pháp thực là nguy kịch. Trước tình hình đó, Công xã Pari lên tiếng động viên nhân dân đứng dậy bảo vệ Tổ quốc. Lời hiệu triệu của Công xã bay đi khắp nơi: “Hãy cầm lấy vũ khí ! Hỡi nhân dân, hãy cầm lấy vũ khí ! Quân thù đã tới ngưỡng cửa!”. Các tiểu đoàn tình nguyện được thành lập rất nhanh. Già trẻ, lớn, bé mỗi người một việc đều tham gia cứu nước. Trong giờ phút nguy nan, những người Girôngđanh do dự, muốn bỏ chạy khỏi Pari, nhưng những người Giacôbanh tỏ ra kiên quyết và dũng cảm. Trong khi các đạo quân tình nguyện tiến ra mặt trận, Công xã tiến hành trấn áp bọn phản cách mạng. Chỉ trong ba ngày đầu tháng 9, nhân dân đã xử tử hơn 1.000 tên phản động. Cuộc khủng bố đó chính là những hành động cần thiết để tự vệ của nhân dân nhằm bảo đảm cách mạng thắng lợi.
Ngày 20-9, trên một ngọn đồi ở làng Vanmy (tỉnh Sămpanhơ) một trận ác chiến đã diễn ra giữa quân Pháp và Phổ. Lần đầu tiên quân Phổ phải bỏ chạy. Chiến thắng Vanmy làm nức lòng nhân dân, cục diện chiến tranh thay đổi hẳn. Quân Pháp tấn công vào Bỉ, xâm chiếm vùng trung lưu sông Ranh (Phổ) và chiếm Savoa (đông nam nước Pháp). Nước Pháp đã được cứu thoát nhờ tấm lòng ái quốc nhiệt thành của hàng triệu người dân và nhờ sự lãnh đạo kiên quyết của Công xã và nhóm Giacôbanh.
Hiệp hội dân tộc và sự thành lập nền Cộng hòa
Một ngày sau chiến thắng Vanmy, 21-9, Hiệp hội dân tộc khai mạc.
Giữa những tràng vỗ tay nhiệt liệt, Hiệp hội tuyên bố bãi bỏ chính quyền nhà vua và thiết lập nền Cộng hòa mở đầu kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Pháp. Từ đó, mọi văn kiện, tài liệu đều ghi “Năm thứ nhất Cộng hòa Pháp”.
Hiệp hội có 750 đại biểu. Cánh hữu là phái Girôngđanh chiếm 200 ghế. Cánh tả là phái Giacôbanh (phái Núi) chiếm 100 ghế. Còn đại đa số là những đại biểu không có quan điểm rõ rệt, được người đương thời đặt tên là phái “Đồng lầy”, chỗ dựa của Girôngđanh.
Tháng 12-1792, Công xã được bầu lại. Phái Girôngđanh tìm cách lợi dụng các thắng lợi quân sự và dựa vào sự ủng hộ của phái Đồng lầy để đánh bại đối thủ là Giacôbanh. Nhưng thành phần của Công xã mới không kém tính chất cách mạng, bao gồm những đại biểu kiên quyết và tiên tiến nhất.
Cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt trong thời kỳ Girôngdanh
Mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phái Giacôbanh và Girôngđanh.
Phái Giacôbanh đại diện cho những người tư sản dân chủ cách mạng, chủ yếu là tư sản lớp dưới, liên minh với tiểu tư sản và các tầng lớp bình dân như tiểu chủ, thợ thủ công, công nhân thủ công trường và nông dân. Trong một giai đoạn nhất định, phái tư sản dân chủ cách mạng hòa thành một khối với những người lao động thành thị và quảng đại quần chúng nông dân, cố gắng thúc đẩy cách mạng tiến xa hơn nữa cho tới khi giải quyết được những vấn đề dân chủ tư sản hiện còn đang đặt ra trước mắt. Trong hoàn cảnh cách mạng đang ở chiều hướng đi lên, phái Giacôbanh đã nhất trí với nhân dân ở lòng kiên quyết bảo vệ và thúc đẩy cách mạng tiến tới, tiêu diệt thù trong giặc ngoài. Sức mạnh của phái Giacộbanh chính là ở mối liên hệ của họ với nhân dân.
Trái lại, phái Girôngđanh, đại diện cho quyền lợi của các tầng lớp tư sản công thương nghiệp và tư sản ruộng đất. Họ đã nắm được chính quyền, đã đoạt được những thành quả của cuộc khởi nghĩa 10-8 nên họ không muốn cách mạng tiến xa hơn nữa, sợ hãi sự phát triển của lực lượng quần chúng sẽ uy hiếp đến quyền lợi và địa vị của họ. Cho nên họ trở thành lực lượng bảo thủ, dần dần chuyển sang lập trường đối địch trước những đòi hỏi của quần chúng.
Điều đó làm cho sự xung đột giữa phái Girôngđanh và Giacôbanh là điều không thể tránh khỏi.
Cuối năm 1792, số phận của nhà vua trở thành một vấn đề tranh chấp quyết liệt vì người ta phát hiện một tủ sắt giấu trong bức tường điện Tuynlơri những tài liệu của Luy XVI thông đồng bí mật với nước ngoài và bọn di cư nhằm phản bội Tổ quốc. Phái Giacôbanh đứng về lập trường của Công xã và đại đa số quần chúng đòi xử tử vua. Ngược lại, phái Girôngđanh muốn cứu vãn vua liền đề nghị đưa ra Hiệp hội dân tộc với hy vọng đa số đại biểu sẽ khoan hồng. Thực chất, đây không phải là vấn đề đối xử với cá nhân Luy XVI mà là thái độ chính trị đối với cách mạng và nền quân chủ. Dưới áp lực của quần chúng, tháng 121792, tòa án của Hiệp hội dân tộc quyết định xử tử vua. Ngày 21-1-1793, Luy XVI lên đoạn đầu đài.
Làn sóng công phẫn trong nhân dân. Phái “Điên dại”
Chiến tranh làm cho tình trạng kinh tế nước Pháp sa sút hẳn. Thị trường trong và ngoài nước bị thu hẹp, sản xuất sút kém, tín phiếu lạm phát quá nhiều nên sụt giá nhanh chóng, công nhân và thợ thủ công không có lương. Trong khi đó, bọn phú nông, địa chủ và bọn con buôn đầu cơ tích trữ lúa mì, bán đắt lên gấp ba lần. Đời sống trong các thành phố trở nên cực kỳ khó khăn. Từ tháng 9- 1792, nhiều nơi đã xảy ra các vụ phá kho hoặc đánh cướp các xe lúa mì. Công nhân đấu tranh đòi tăng lương và quy định giá cả.
Vấn đề căn bản của cách mạng là vấn đề ruộng đất vẫn không được
giải quyết. Nông dân không đủ sức chuộc lại ruộng đất bằng những món tiền quá lớn. Hiệp hội dân tộc thông qua những sắc lệnh tháng 8-1792, quy định chia ruộng đất của bọn di cư và ruộng công nhưng đều không được thực hiện. Năm 1792-1793, nhiều cuộc nổi dậy của nông dân lại bùng nổ trong khắp nước Pháp. Có nơi nông dân tự ý chia công điền. Cuộc đấu tranh giữa nông dân nghèo với tầng lớp nông dân khá giả cũng bắt đầu phát triển.
Như vậy, chính phủ Girôngđanh đã không thực sự giải quyết những yêu cầu cấp bách của quần chúng. Cho nên, làn sóng bất mãn ngày càng dâng cao, làm lung lay nền thống trị của giai cấp đại tư sản.
Quyền lợi của quần chúng được phản ánh rõ rệt trong nhóm những người vận động nhân dân như Giắccơ Ru, Lơclee, Vaclê… Họ bị chính quyền Girôngđanh thù ghét, gán cho biệt hiệu phái “Điên dại” và từ đó nó cũng trở thành một danh từ lịch sử khi nói tới họ. Phái “Điên dại” là nhóm tả nhất trong phái dân chủ cách mạng, đại diện cho quyền lợi của tầng lớp dân nghèo – tiền vô sản. Dưới một hình thức mơ hồ, có khi mâu thuẫn, các yêu sách của họ phản ánh ý nguyện chưa tự giác của những tầng lớp đang muốn thoát khỏi ách bóc lột, đi tìm một trật tự xã hội cao hơn, tốt đẹp hơn. Họ muốn san bằng tài sản, chia đều của cải mà không tiêu diệt chế độ tư hữu. Họ đòi quy định giá tối đa và khủng bố bọn gian thương đầu cơ. Yêu sách của họ dừng lại ở chỗ đòi hỏi một chế độ phân phối công bằng chứ chưa tấn công vào cơ sở chế độ tư hữu tài sản.
Chính quyền Girôngđanh căm ghét và truy nã họ. Những người Giacôbanh lúc đầu không tán thành chính sách giá tối đa. Nhưng sau thấy rằng nếu không ủng hộ những yêu cầu của dân nghèo thì không thể nào chiến thắng kẻ thù được, họ liền hưởng ứng và làm áp lực đối với Hiệp hội dân tộc. Cho nên đối với Giacôbanh thì việc ủng hộ phái “Điên dại” chỉ là vấn đề sách lược. Ngày 4-5-1793, Hiệp hội ra sắc lệnh quy định giá lúa mì trong toàn quốc. Đó là kết quả đầu tiên của việc tạm thời nhích lại gần phái “Điên dại” của những người Giacôbanh.
3. Sự sụp đổ chính quyền Girôngđanh
Những đạo quân cách mạng Pháp tiến vào Bỉ, Đức. Các vương quốc Đức, Savoa, Nixơ giương cao khẩu hiệu “Hòa bình với lều gianh, chiến tranh với lâu đài” được nhân dân các địa phương hoan nghênh nhiệt liệt. Trái lại, bọn cầm quyền nước Anh và các nước quân chủ châu Âu lo sợ vì cách mạng Pháp đang đe dọa tới thị trường của Anh và làm rung chuyển nền thống trị phong kiến chuyên chế ở các nước châu Âu.
Năm 1793, các nước Anh, Áo, Phổ, Hà Lan, Tây Ban Nha, vương quốc Napôli, Xacđênha và các quốc gia Đức nhỏ liên minh lại để chống nước Pháp cách mạng. Kẻ cầm đầu và cổ vũ liên minh là nước Anh, muốn bóp chết cách mạng Pháp để chiếm lấy thị trường, các thuộc địa của Pháp. Đế chế Nga hoàng ủng hộ liên minh, tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Pháp tháng 2-1793. Như vậy nước Cộng hòa Pháp non trẻ cùng một lúc phải đương đầu với âm mưu phản loạn bên trong và liên minh phong kiến bên ngoài. Tháng 3-1793, bọn phong kiến phản động nổi dậy ở Văngđê. Các sĩ quan Girôngđanh đầu hàng quân địch ở nhiều nơi, các quý tộc phong kiến câu kết với Girôngđanh nổi loạn, nhất là ở Lyông, tàn sát hàng chục hội viên Giacôbanh. Tỉnh thế trở nên vô cùng nguy kịch.
Ngay từ tháng 3, những người “Điên dại” đã yêu cầu đuổi bọn Girôngđanh ra khỏi Hiệp hội. Nhưng mãi đến khi chính sách phản động Girôngđanh lộ rõ, phái Giacôbanh mới ủng hộ những yêu sách trên. Dưới áp lực của phái Giacôbanh, các Tòa án đặc biệt trừng trị bọn phản cách mạng được thành lập, chính sách giá tối đa được ban hành. Ủy ban khởi nghĩa được thành lập. Ngày 31-5 ủy ban kêu gọi nhân dân khởi nghĩa. Nhân dân có vũ trang bao vây Hiệp hội và đuổi các đại biểu Girôngđanh ra khỏi Hiệp hội. Những tin tức về các cuộc phiến loạn của bọn
Girôngđanh ở các địa phương đưa về càng làm cho quần chúng Pari sôi sục căm thù. Ngày 2-6 Hiệp hội bị bao vây bởi đại bác của quân Vệ quốc và hàng vạn quần chúng buộc phải ra lệnh bắt 22 đại biểu Girôngđanh. Chính quyền Girôngđanh sụp đổ, chuyển sang tay phái Giacôbanh. Cuộc khởi nghĩa ngày 31-5 đến 2-6 một lần nữa thể hiện ý chí kiên cường và sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân quyết tâm thúc đẩy cách mạng đi lên. Một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển cao hơn của cách mạng Pháp bắt đầu.
Giai Đoạn Thứ Ba: Nền Chuyên Chính Dân Chủ Cách Mạng Giacôbanh (từ ngày 2-6-1793 đến 27-7-1794)
Sự thành lập chính quyền chuyên chính dân chủ Giacôbanh
Tình hình nguy kịch của nước Cộng hòa Pháp vào mùa hè 1793
Chính quyền Giacôbanh được thiết lập trong điều kiện hết sức nguy kịch. Quân đội Pháp vẫn tiếp tục thất bại. Quân đồng minh phong kiến vượt qua biên giới tràn vào đất nước. Quân Anh bao vây các hải cảng, xâm chiếm đảo Coócxơ. Vụ phiến loạn Văngđê cùng với các cuộc nổi dậy của bọn Girôngđanh lan tràn khắp miền Tây Nam, Đông Nam và miền Nam nước Pháp, chiếm tới 60 trong số 83 quận. Nền Cộng hòa dường như đang đứng bên bờ vực thẳm.
Trong những ngày đầy đe dọa đó, quần chúng nhân dân một lần nữa biểu lộ lòng kiên quyết sắt đá, ý chí kiên cường và tinh thần giác ngộ chính trị sâu sắc. Xu hướng của Đăngtông, người lãnh đạo ủy ban an ninh vẫn muốn tìm cách thỏa hiệp với Girôngđanh, bị phê phán kịch liệt. Những người Giacôbanh cách mạng đứng đầu là Rôbexpie, Mara, Xanh Giuyt, đã thấy rõ rằng muốn cứu thoát nền Cộng hòa thì phải vận động đông đảo nhân dân tham gia cuộc đấu tranh để tiêu trừ thù trong giặc ngoài.
Chính sách ruộng đất của chính quyền Giacôbanh
Qua hai giai đoạn trước, những quyền lợi thiết thân của nông dân vẫn chưa được thỏa mãn. Cho nên, chỉ một ngày sau khi nắm chính quyền, những người Giacôbanh phải giải quyết ngay vấn đề ruộng đất.
Ngày 3-6, Hiệp hội dân tộc thông qua sắc lệnh quy định đất đai tịch thu của bọn di cư được chia làm nhiều mảnh nhỏ và bán theo lối trả tiền dần trong 10 năm. Sắc lệnh còn quy định việc chia cho mỗi bần nông một acpen đất (gần nửa ha) trong số đất đai của bọn di cư, nếu nơi đó không có công điền.
Ngày 10-6, Hiệp hội ra sắc lệnh chia hẳn đất công xã cho nông dân, và điều chỉnh để cho mỗi người đều có một mảnh ruộng bằng nhau.
Ngày 17-7, Hiệp hội ra sắc lệnh hoàn toàn thủ tiêu các quyền phong kiến, nông dân được giải phóng khỏi mọi thứ đóng góp cho quý tộc mà không phải bồi thường. Các khế ước, văn tự phong kiến bị đốt, việc tàng trữ giấy tờ đó bị coi là tội nặng, có thể bị tù khổ sai.
Các đạo luật ruộng đất có một ý nghĩa lịch sử to lớn. Chỉ trong hai tháng, những người Giacôbanh đã giải quyết được một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà các chính phủ trước đó không làm được trong hàng năm trời. Nó phá hoại tận gốc chế độ phong kiến, biến tầng lớp nông dân trước kia phụ thuộc vào phong kiến thành những người tiểu tư hữu tự do, và thiết lập chế độ kinh tế tiểu nông. Nó tạo nên những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nước Pháp.
Chính sách ruộng đất của chính quyền Giacôbanh là biện pháp cách mạng nhất trong lịch sử các cuộc cách mạng tư sản. Tầng lớp tiểu nông đông đảo do chính sách đó tạo nên đã trở thành thành trì vững chắc cho nước Pháp cách mạng, thành lực lượng sáng tạo những chiến công huy hoàng cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1793-1794.
Hiến pháp 1793 và hệ thống chuyên chính dân chủ cách mạng Giacôbanh
Chỉ sau 2 tuần lễ chuẩn bị, ngày 24-6-1793, Hiệp hội dân tộc thông qua một bản hiến pháp mới, bản hiến pháp Cộng hòa đầu tiên trong lịch sử nước Pháp. Trước hiến pháp có một bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” mới do Rôbexpie khởi thảo. Tuyên ngôn nêu rõ mục đích của xã hội là vì hạnh phúc chung và chính phủ có nhiệm vụ phải “bảo đảm những quyền tự nhiên và không thể xâm phạm” là quyền Tự do, Bình đẳng, An ninh và Sở hữu. Công dân được quyền tự do tín ngưỡng, lao động, ngôn luận, kiến nghị…
Hiến pháp 1793 xóa bỏ chế độ phân loại công dân tích cực và tiêu cực, quy định người Pháp, nam giới đến 21 tuổi đều được đi bầu cử quốc hội. Quốc hội được bầu lại hàng năm vào ngày 1- Các dự luật được quốc hội thông qua sẽ đưa cho nhân dân thảo luận trong các cuộc họp cơ sở.
Hiến pháp quy định một Hội đồng hành pháp gồm 24 người do quốc hội lập pháp cử ra. Hàng năm một nửa số thành viên của Ủy ban được đổi mới.
Hiến pháp 1793 phản ánh và đánh dấu một giai đoạn mới, một giai đoạn cách mạng cao hơn. Nó tuyên bố trước toàn thế giới những nguyên tắc tự do và dân chủ, một nền dân chủ tư sản tiến bộ hơn hẳn hiến pháp năm 179 Nó được nhân dân nhiệt liệt đón chào như một thắng lợi lớn của cách mạng.
Hiến pháp năm 1793 được thông qua nhưng không thực hiện. Trong điều kiện hết sức nguy kịch của nền Cộng hòa, thù trong giặc ngoài câu kết hòng bóp nghẹt nước Pháp, chính quyền Giacôbanh quyết định tạm hoãn việc thi hành hiến pháp nhằm ngăn ngừa kẻ địch lợi dụng những điều khoản dân chủ. Đó là một biện pháp đúng đắn vì hoàn cảnh đang đòi hỏi tăng cường chuyên chính đối với các thế lực phản động.
Chính quyền cách mạng dựa chắc chắn vào các tổ chức nhân dân mà những người Giacôbanh có vai trò cực kỳ quan trọng. Các chủ trương, dự luật, các biện pháp chính trị đều được thảo luận trong câu lạc bộ Giacôbanh trước khi đưa ra Hiệp hội dân tộc. Quần chúng nhân dân có thể tham gia ý kiến về đường lối, chính sách thông qua các ủy ban cách mạng gồm 12 người do nhân dân bầu ra ở các địa phương. Ở Trung ương, cơ quan điều hành có chức năng như chính phủ gồm 21 ủy ban, quan trọng nhất là ủy ban an ninh có nhiệm vụ trấn áp bọn phản động, thành lập lực lượng vũ trang nhân dân, tăng cường nền chuyên chính cách mạng. Mối liên hệ giữa Hiệp hội dân tộc và chính quyền Giacôbanh với nhân dân, việc nhân dân ủng hộ chính phủ cách mạng là nguồn lực lượng chủ yếu, là cơ sở và điều kiện tồn tại của nền chuyên chính dân chủ cách mạng. Lênin chỉ ra rằng: “Những người Giacôbanh hồi năm 1793 đã đi vào lịch sử như một tấm gương vĩ đại đấu tranh cách mạng chân chính chống giai cấp bóc lột, do giai cấp những người lao động và những người bị áp bức làm chủ toàn bộ chính quyền nhà nước tiến hành”.[9]
Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc
Chính sách “khủng bố đỏ” của chính quyền Giacôbanh
Những hoạt động phản cách mạng của bọn bảo hoàng và Girôngđanh ngày càng tăng cường, những cuộc ám sát xảy ra liên tiếp. Ngày 13-71793, Mara – một trong những nhà hoạt động xuất sắc của câu lạc bộ Giacôbanh – bị giết ngay tại nhà mình. Ba ngày sau, thị trưởng Công xã Lyông cũng bị sát hại.
Đáp lại những hành động đó, Hiệp hội dân tộc thông qua một loạt sắc lệnh tăng cường đàn áp bọn phản cách mạng, ra lệnh bắt hoặc kiểm tra các phần tử khả nghi. Hoàng hậu Mari Antoannét cùng nhiều tên phản động khác bị xử tử, tài sản bị tịch thu. Hiệp hội cử xuống các địa phương những ủy viên có quyền hành tuyệt đối để thanh trừ bọn phản động trong các cơ quan và lập lại trật tự cách mạng. Bọn đầu cơ và gian thương, các bộ trưởng Girôngđanh đều bị đưa ra tòa. Các tòa án cách mạng được tổ chức lại, quá trình xử án được rút gọn hơn, nhằm giải quyết nhanh chóng các trường hợp phạm tội. Những biện pháp tăng cường chuyên chính đó là những đòn tấn công vào thế lực phản cách mạng và củng cố hậu phương.
Đồng thời, việc thực hiện các sắc lệnh về ruộng đất đã thỏa mãn một phần lớn nông dân khiến cho họ không ủng hộ bọn phiến loạn nữa và đứng lên bảo vệ nước Cộng hòa. Phái Girôngđanh mất cơ sở rất nhanh ở các địa phương, thành trì của chúng ở miền Nam là Lyông bị chiếm lại, các đội nông dân vũ trang tiến hành trấn áp chúng. Trung tâm phản động của bọn bảo hoàng ở Văngđê bị bao vây chặt chẽ. Chính quyền cách mạng chuyển sang thế tấn công. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, nền chuyên chính Giacôbanh đã đập tan về căn bản lực lượng phản động trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chiến thắng ngoài mặt trận.
Thành lập quân đội cách mạng và những thắng lợi quân sự
Dựa theo sáng kiến của quần chúng ngày 23-8-1793 Hiệp hội dân tộc thông qua sắc lệnh tổng động viên toàn quốc. Nước Pháp cách mạng sôi sục với tinh thần ái quốc. Chỉ trong đợt động viên đầu tiên, 42 vạn người tình nguyện tòng quân. Đầu năm 1794 có tới 60 vạn. Các đội quân dự bị, nửa vũ trang được thành lập ở các địa phương. Quân đội thiếu thốn quần áo, lương thực, giày dép nhưng đầy tinh thần dũng cảm, hy sinh.
Các ngành công nghiệp đều hướng về phục vụ quốc phòng: các nhà máy, công trường thủ công sản xuất súng trường, đại bác, gươm dáo… Các nhà khoa học nổi tiếng như Bectôlê, Lavoadiê… tham gia tích cực vào công tác này. Có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu các nguyên lý chiến thuật mới và tổ chức hệ thống phòng thủ là Lada Cacnô, một nhà toán học, một công trình sư có tên tuổi và Xanh Giuyt một lãnh tụ trẻ tuổi nhất của phái Giacôhanh. Quân đội cách mạng đã đề bạt lên hàng chỉ huy các nhân vật tài ba xuất thân từ quần chúng lao động: người chăn ngựa Hôsơ trở thành trung tướng, chỉ huy một quân đoàn khi mới 25 tuổi; người tiểu thương Giuôcđăng từ một hạ sĩ trở thành Tư lệnh quân đoàn miền Bắc khi mới 31 tuổi; tướng Clêbe là con một người thợ đục đá, tướng Macxô là một người đi viết thuê… Chế độ ưu đãi đối với các thanh niên dòng dõi qúy tộc hay đại tư sản trong chức vụ sĩ quan đã bị bãi bỏ.
Hai chiến thắng lớn vào tháng 9 và tháng 10 ở miền Đông Bắc nước Pháp đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh. Quân Áo bị tan rã, quân Anh và các nước tiểu quốc Đức phải rút lui. Chưa thắng được hoàn toàn, song nước Pháp đã bắt đầu thoát được cơn khủng hoảng quân sự. Đến đông xuân 1793-1794 quân Pháp chuyển sang thế chủ động. Tulông được giải phóng khỏi tay quân Anh. Andat thoát khỏi tay quân Phổ và Áo. Miền Đông được khôi phục, quân thù bị quét sạch khỏi lãnh thổ nước Pháp.
3. Sự tan rã của liên minh Giacôbanh. Sự thất bại của phái “Điên dại”
Trong những ngày đầu của nền chuyên chính Giacôbanh, tình hình trong nước rất khó khăn. Lợi dụng tình trạng chiến tranh, bọn con buôn ra sức tích trữ đầu cơ các loại lương thực và các đồ dùng cần thiết. Giá cả tăng lên, tín phiếu sụt giá nhanh chóng, các thành phố thiếu bánh mì. Đạo luật giá tối đa về lúa mì ban hành ngày 4-5-1793 không được áp dụng. Những người ”Điên dại” do Giăccơ Ru đứng đầu tiêu biểu cho quyền lợi của dân nghèo đòi hỏi phải ngăn chặn đầu cơ, xử tử bọn buôn gian bán lận, tịch thu tài sản và lương thực của chúng, quy định giá tối đa đối với tất cả các loại hàng hóa. Những yêu sách của phái “Điên dại” có tiếng vang rộng rãi trong quần chúng. Nhưng khi họ lên tiếng công kích hiến pháp 1793, đòi phải thêm điều khoản xử tử bọn gian thương, thậm chí đòi thực hiện ngay hiến pháp thì về căn bản những yêu sách đó không phù hợp với quyền lợi của giai cấp tư sản, ngay cả đối với phái Giacôbanh. Trong điều kiện xã hội đòi hỏi tăng cường chuyên chính để tiêu diệt thù trong giặc ngoài, việc yêu cầu thực hiện ngay hiến pháp là một sách lược sai lầm khiến cho tất cả các phe phái trong Giacôbanh từ hữu sang tả lợi dụng cớ đó, nhất trí đàn áp họ. Tháng 9-1793 Giắccơ Ru lãnh tụ của phái “Điên dại” bị bắt. Sau đó ông tự tử. Từ đấy phái “Điên dại” bị tan rã. Việc tiêu diệt phái “Điên dại” chính là sự cắt đứt sợi dây liên hệ giữa phái Giacôbanh với đông đảo quần chúng, làm cho họ dần dần xa rời những người Giacôbanh.
Giữa lúc đó, một cuộc biểu tình lớn của nhân dân gồm công nhân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị bùng nổ (4-5 tháng 9-1793). Họ nêu lên những khẩu hiệu của phái “Điên dại” được những người Giacôbanh phái tả như Êbe, Sômét ủng hộ. Chính quyền Giacôbanh chấp nhận những yêu sách của quần chúng, ủy ban công an được tổ chức lại, tăng cường trấn áp bọn phản động, củng cố lực lượng quân đội và tòa án cách mạng. Ngày 29-9, Hiệp hội dân tộc ban hành sắc lệnh tối đa cho tất cả các sản phẩm cần dùng chủ yếu trên đất Pháp. Nhưng đồng thời, Hiệp hội cũng quy định tiền lương tối đa cho công nhân quá thấp so với giá cả thực tế. Đạo luật Sapơliê vẫn được duy trì. Điều đó làm cho đời sống của quần chúng không cải thiện được bao nhiêu.
Mâu thuẫn nội bộ và sự tan rã của liên minh Giacôbanh
Trong suốt quá trình đấu tranh chống ngoại xâm và nội phản, nội bộ nhóm Giacôbanh đã xảy ra sự phân hóa ngày càng rõ rệt.
Mặc dù có nhiều biện pháp ngăn ngừa của chính quyền Giacôbanh, chiến tranh cũng đã tạo thời cơ làm giàu cho bọn thương nhân và phú nông. Họ đầu cơ, tích trữ lương thực, hàng hóa, vàng bạc và tài sản quốc gia. Họ làm giàu rất nhanh chóng trên xương máu của các chiến sĩ và mồ hôi của quần chúng lao động, dần dần hình thành một lớp tư sản mới. Đại diện cho tầng lớp này là Đăngtông, người mà phái “Điên dại” đã từng tố cáo. Sự do dự lừng chừng của ủy ban an ninh bộc lộ ngày càng rõ thái độ khuynh hữu của Đăngtông. Ngày 10-7, Hiệp hội dân tộc quyết định cải tổ ủy ban, loại trừ Đăngtông, đưa vào những người kiên quyết như Xanh Giuyt, Cutông… do Rôbexpie đứng đầu.
Cánh tả Giacôbanh gồm có những phần tử kiên quyết cách mạng hơn, tiếp thu nhiều yêu sách của phái “Điên dại” sau khi phái này bị tan vỡ. Đứng đầu là Êbe (nên cánh tả còn được gọi là phái Êbe), Sômét… Họ đòi kiên quyết thi hành sắc lệnh quy định giá tối đa, thẳng tay trừng trị bọn đầu cơ, đòi chia đất và các ấp trại lớn cho những người không có đất, quốc hữu hóa các công xưởng… Họ lãnh đạo các Công xã tổ chức bán rẻ và phát phiếu bánh mì cho nhân dân, tìm mọi phương tiện để khắc phục nạn khủng hoảng. Đồng thời trong một số vấn đề, họ lại biểu lộ tính chất quá tả, đòi hỏi thi hành nhiều biện pháp mạo hiểm không phù hợp với tình hình lúc đó như đòi đóng cửa các nhà thờ, bắt các thầy tu, khủng bố gắt gao trên quy mô lớn.
Nhưng hạt nhân lãnh đạo phái Giacôbanh do Rôbexpie đứng đầu cho rằng đường lối duy nhất đúng đắn là giữ vững khối liên minh, cùng một lúc diệt trừ cả hai khuynh hướng “hữu” và “tả” mà họ cho là nguy hiểm để bảo vệ sự thống nhất ban đầu.
Sự khác biệt giữa hai phái ngày càng bộc lộ. Nhưng trong thời gian chiến tranh, những người Giacôbanh thấy rõ rằng muốn thắng lợi phải liên minh với quần chúng nhân dân bao gồm cả dân nghèo thành thị và nông thôn. Do đó, họ phải chấp nhận một số yêu sách của nhân dân quy định giá tối đa, truy nã bọn đầu cơ, tịch thu lương thực tích trữ… Điều đó đã gây nên sự bất mãn trong giai cấp tư sản và tầng lớp phú nông là những người mới làm giàu nhờ chiến tranh. Họ chịu đựng những chính sách của phái Giacôbanh như một chế độ tạm thời và bắt buộc trong lúc bị đe dọa bởi nguy cơ phục hồi chế độ phong kiến. Điều đó chứng tỏ phái Giacôbanh là một liên minh không vững chắc, bao gồm nhiều tầng lớp có quyền lợi khác nhau. Chỉ cần có những thắng lợi đầu tiên ngoài mặt trận, những dấu hiệu chứng tỏ nước Pháp đã thoát nạn thì mỗi nhóm phái lại tỏ ra cương quyết bảo vệ quyền lợi riêng tư, mâu thuẫn nội bộ của phái Giacôbanh bộc lộ.
Sự thất bại của việc thực hiện đạo luật tháng Văngtô (tháng Gió)[10] là một trong những biểu hiện đầu tiên của mâu thuẫn đó.
Ngày 26-2 và 3-3-1794 (ngày 8 và 13 tháng Văngtô), Hiệp hội giao cho Ủy ban an ninh và ủy ban công an xét lại các vụ bắt bớ sau 1-5-1789 để quyết định tha những người vô tội và xử bọn phản cách mạng. Tài sản của bọn phản cách mạng sẽ bị tịch thu và đem chia cho những người yêu nước chưa có đất. Sắc lệnh tháng Văngtô rõ ràng phản ánh khuynh hướng bình đẳng của quần chúng dân chủ trong cách mạng tư sản. Nó sẽ đẩy cho cách mạng đi xa hơn trên con đường thực hiện mơ ước bình đẳng của Ruxô, sẽ làm cho số người tiểu tư hữu tăng lên rất nhiều, nhất là ở nông thôn. Vì vậy, nó được nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt. Những người Giacôbanh phái tả coi đó là một trong những chính sách dân chủ và tích cực nhất của cách mạng.
Nhưng đại tư sản và phú nông đã thấy ngay đó là một nguy cơ dẫn đến chỗ phá sản. Cho nên chúng phá hoại ngấm ngầm trong các cơ quan và trong Hiệp hội dân tộc. Bọn “Đồng lầy” và những phần tử tư sản không muốn cách mạng tiến xa hơn nữa là những kẻ phá hoại dữ dội nhất. Kết quả là trên thực tế, sắc lệnh tháng Văngtô không được thi hành.
Tháng 3-1794 khi quân đội đã giành được thế chủ động căn bản trên các chiến trường thì cuộc đấu tranh nội bộ liên minh Giacôbanh càng trở nên gay gắt.
Ngày 4-3, phái Êbe cố gắng gây ra một cuộc khởi nghĩa ở Pari, đòi thi hành triệt để chính sách khủng bố và thực hiện các yêu sách kinh tế xã hội. Cuộc đấu tranh đó không những nhằm chống phái Đăngtông mà còn trực tiếp tấn công vào chính quyền do Rôbexpie đứng đầu. Nhưng kế hoạch khởi nghĩa không được quần chúng ủng hộ vì họ đang vui mừng trước các sắc lệnh tháng Văngtô và chờ đợi việc thực hiện nó. Ngay Sômét và các Công xã cũng không tán thành khởi nghĩa. Cho nên Êbe bị thất bại trước sự đàn áp của Rôbexpie. Sau đó, Êbe và các thủ lĩnh cánh tả đều bị bắt và bị đưa lên máy chém. Sáu ngày sau khi tấn công vào phái Êbe, chính quyền Giacôbanh chuyển sang tiêu diệt phái Đăngtông. Ngày 30-3, Đăngtông và một số bè bạn thân cận bị bắt, bị kết tội phản bội cách mạng và bị xử tử. Tầng lớp tư sản rất bất mãn trước vụ án này.
Cuối cùng, Sômét cũng bị bắt và bị xử tử vào ngày 13-4 mặc dầu ông không tham gia cuộc bạo động của Êbe. Việc khủng bố Êbe, Sômét và những người phái tả đã làm cho Rôbexpie mất chỗ dựa trong quần chúng nhân dân.
Cuộc khủng hoảng nội bộ đã dần dần làm cho chính quyền Giacôbanh rơi vào thế cô lập, lực lượng cách mạng bị suy yếu. Quyền lực tập trung vào tay “bộ ba” Rôbexpie, Xanh Giuyt và Cutông. Rôbexpie không có một chỗ dựa chắc chắn trong xã hội. Lênin chỉ ra rằng Hiệp hội dân tộc “đưa ra những dự định đại quy mô, mà lại không có chỗ dựa cần thiết để thực hiện, không biết ngay cả phải dựa vào giai cấp nào để áp dụng biện pháp này hay biện pháp khác”.[11] Vì vậy, sự tan rã của nền chuyên chính Giacôbanh trở thành điều không thể tránh khỏi.
Chiến thắng ngoài mặt trận đã đẩy nhanh quá trình đó. Chiến dịch mùa xuân 1794 đem lại nhiều thắng lợi cho nước Pháp, ở Ý, quân Pháp tiến vào Giênôva, ở Tây Ban Nha quân Pháp vượt qua dãy núi Pyrênê; ở miền Bắc và Đông Bắc, quân Áo bị thất bại nặng nề. Ngày 26-6 các lực lượng chủ yếu của đồng minh phong kiến bị tan rã tại Flơruýt sau một trận kịch chiến. Chiến thắng Flơruýt không những đã tiêu trừ được nguy cơ ngoại xâm mà còn mở ra một con đường hành quân rộng lớn cho quân đội Pháp. Chỉ trong hai tuần sau, quân Pháp đã chiếm xong Bỉ và tiến tới biên giới Hà Lan. Nhưng cũng từ sau chiến thắng đó hoạt động phản cách mạng của bọn tư sản tăng cường, nền chuyên chính Giacôbanh bước vào con đường tan rã.
Âm mưu phản cách mạng và cuộc đảo chính ngày 9 tháng Tecmiđo
Mùa hè năm 1794, cuộc đấu tranh ngấm ngầm chống Rôbexpie ngày càng lộ rõ. Các dự án sắc lệnh do Rôbexpie và Cutông thảo nhằm tăng cường chuyên chính và trưng thu toàn bộ vụ mùa năm 1794 gặp sự chống đối kịch liệt trong Hiệp hội dân tộc. Sợi dây bí mật luồn vào các Ủy ban nhà nước, vào tận hành lang của Hiệp hội dân tộc đã tập hợp các phần tử chống Rôbexpie lại: dư đảng của Đăngtông, dư đảng của Êbe và phái “Đồng lầy”. Một bộ phận đáng kể của giai cấp tư sản thành thị và nông dân khá giả đã chuyển sang lập trường chống đối. Trong khi đó, quần chúng công nhân vẫn tiếp tục đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống quy định lương tối đa và luật Sapơliê.
Ngày 26-7 (ngày 8 tháng Tecmiđo – tháng Nóng), trong phiên họp của Hiệp hội dân tộc, bài diễn văn của Rôbexpie được hoan nghênh nhiệt liệt. Tối hôm đó, ông đọc lại ở câu lạc bộ Giacôbanh và được sự ủng hộ của đại đa số hội viên, ông quyết định củng cố nền chuyên chính và tăng cường trấn áp các lực lượng đối lập từ hữu sang tả. Bọn “Đồng lầy” tưởng chừng thất bại nên hoang mang. Nhưng các phần tử phản cách mạng càng kiên quyết trong âm mưu lật đổ Rôbexpie.
Hôm sau, ngày 9 tháng Tecmiđo, tại Hiệp hội dân tộc, Xanh Giuyt đọc báo cáo một cách bình tĩnh và chắc chắn. Bọn phản động cắt ngang, hô bắt Rôbexpie, Xanh Giuyt, Cutông và những người lãnh đạo khác. Đến chiều, tin đó lan ra khắp Pari. Các Công xã và câu lạc bộ Giacôbanh kêu gọi nổi dậy dẹp bọn phản động. Quần chúng và các đội vệ quốc quân bao vây Hiệp hội dân tộc. Trong khi bị bọn phản động dẫn đến sở cảnh sát, Rôbexpie đã thoát khỏi tay chúng. Các đồng chí của ông cũng dần dần được giải thoát. Đến tối, họ họp nhau ở trụ sở Công xã. Trong giờ phút quyết liệt, quần chúng đòi hỏi phải có những hành động khẩn trương và quyết liệt thì Rôbexpie và Công xã lại dao động, do dự và chậm chạp. Họ không còn có những quyết định sáng suốt và kịp thời nhự những ngày 10-8-1792, 31-5 và 2-61793 nữa.
Trong khi đó, bọn phản cách mạng hành động rất nhanh chóng. Chúng tuyên bố đặt Rôbexpie và các đồng chí của ông ra ngoài vòng pháp luật. Chúng tự vũ trang và điều động các đơn vị quân đội đáng tin cậy trở về Pari. Đến đêm, chúng tấn công trụ sở Công xã. Rôbexpie và những người thân cận lại bị bắt. Ngày hôm sau, Rôbexpie, Xanh Giuyt, Cutông và 18 người nữa bị giết không xét xử. Nền chuyên chính Giacôbanh tan rã hoàn toàn.
III – Tính chất và ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng tư sản Pháp
1/ Cuộc cách mạng cuối thế kỷ XVIII ở Pháp là một cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Tiếp theo cách mạng Anh, đây là một cuộc cách mạng tư sản vĩ đại đã lật đổ nền quân chủ chuyên chế phong kiến cùng với mọi quan hệ và lề thói thối nát của nó. Cách mạng tư sản Pháp đã tuyên bố một chế độ chính trị của xã hội mới ở châu Ấu với cơ cấu tổ chức mới và các quyền tự do dân chủ. Cách mạng đã đập tan quan hệ ruộng đất phong kiến, giải phóng nông dân khỏi sợi dây ràng buộc cổ truyền của những nghĩa vụ phong kiến, tạo nên một tầng lớp nông dân tiểu tư hữu đông đảo, mở đường cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ. Và do đó, chế độ tư bản chủ nghĩa đã xác lập trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Nó trở thành cuộc cách mạng có ảnh hưởng lớn trong phạm vi châu Âu và có ý nghĩa lớn lao đối với thời đại.
2/ Trong cuộc cách mạng đó, do địa vị kinh tế và xã hội quy định mà giai cấp tư sản là giai cấp thực tế đã lãnh đạo phong trào. Nhưng chỉ có tinh thần dũng cảm, kiên cường, ý chí bất khuất của quần chúng nhân dân, cách mạng mới có thể thắng lợi. Quần chúng nhân dân lao động chính là người chủ động, là lực lượng chủ yếu trong các biến cố lịch sử 14-7-1789, 5 và 6-10-1789, 10-8-1792, 31-5 và 2-6-1793, là đội quân xung kích tiến hành đấu tranh quyết liệt, cách mạng lại bước lên một bước mới cao hơn. Ba giai đoạn của cuộc cách mạng chính là ba bậc thang thể hiện con đường phát triển của nó từ thấp đến cao, theo chiều hướng đi lên mà nền chuyên chính Giacôbanh là đỉnh cao nhất.
Sở dĩ như vậy, chính là vì những người Giacôbanh, trong một mức độ đáng kể, đã nhìn thấy và biết phát huy lực lượng của quần chúng. Sự tham gia của quần chúng là cơ sở và điều kiện tồn tại của nền chuyên chính, của khối liên minh.
3/ Cuộc cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII có tác dụng rất tolớn nhưng không khỏi mang tính chất hạn chế. Cách mạng tư sản Pháp không hề có ý định tiêu diệt chế độ bóc lột mà vẫn tiếp tục duy trì chế độ tư hữu, không giải phóng hoàn toàn người lao động khỏi ách áp bức giai cấp. Song dẫu sao, đó cũng là một sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển của nước Pháp cũng như của thế giới.
IV – Nền thống trị của giai cấp tư sản phản cách mạng (1794-1815)
Thời kỳ Đốc chính (1794-1799)
Cuộc chính biến ngày 9 tháng Tecmiđo đã chuyển chính quyền từ tay phái tư sản cách mạng Giacôbanh sang tay phái tư sản phản cách mạng. Đó là những người mới giàu có trong thời gian cách mạng và chiến tranh nhờ những hoạt động buôn gian bán lận, đầu cơ tích trữ, tham ô công quỹ, chiếm đoạt ruộng đất, ăn bớt trong khi cung cấp cho mặt trận. Họ tiến hành xóa bỏ nhiều thành quả cách mạng như thủ tiêu luật giá tối đa, bãi bỏ các đạo luật Văngtô, khủng bố người cách mạng, đóng cửa câu lạc bộ. Hiến pháp 1795 hạn chế các quyền tự do dân chủ, trở lại chế độ bầu cử gián tiếp với điều kiện tài sản rất cao, thiết lập “Ủy ban Đốc chính” tập trung chính quyền vào tay 5 người. Đứng đầu ủy ban Đốc chính là Bara, một cựu sĩ quan quý tộc, một nhà chính trị vô nguyên tắc và dễ bị mua chuộc đã từng vơ vét nhiều của cải bằng cách hối lộ và biển thủ.
Dưới chế độ Đốc chính, đời sống quần chúng bị sa sút nghiêm trọng. Hai cuộc khởi nghĩa của công nhân Pari ngày 1-4 và 20-5-1794 với khẩu hiệu “Bánh mì và hiến pháp 1793” bị đàn áp. Năm 1796, phong trào cách mạng của “Những người bình đẳng” xuất hiện ở Pari dưới sự lãnh đạo của F.E.Babơp (1760-1797). Ông xuất thân từ tầng lớp bình dân thành thị, đã từng tham gia tích cực vào cuộc cách mạng 178 Cương lĩnh của ông dựa trên nguyên tắc bình đẳng, hủy bỏ chế độ tư hữu, mọi người đều tham gia “Công xã”, cùng có nghĩa vụ lao động và cùng có quyền hưởng thụ như nhau. Ông chủ trương tiến hành cách mạng của những người lao động. Đó là một bước tiến lớn trong quan niệm cộng sản chủ nghĩa không tưởng. Song nó còn mang nhiều nhược điểm như sự phân chia sản phẩm bình quân tuyệt đối không thể khuyến khích sản xuất phát triển, biện pháp bạo lực chỉ dựa trên hoạt động của một nhóm người có tính chất âm mưu và không phát động quần chúng, chưa thấy vai trò của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, Kế hoạch bạo động năm 1796 bị lộ, Babơp bị bắt và bị xử chém, phong trào tan rã. Tuy nhiên, tư tưởng Babơp có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử sau này ở Pháp.
Chế độ Thủ lĩnh (1799-1804) và nền Đế chế I (1804-1815)
Hoảng sợ trước phong trào quần chúng đang âm ỉ và lo lắng việc bọn phong kiến Buôcbông phục hồi, giai cấp tư sản mong có một chính quyền mạnh mẽ theo kiểu độc tài Crômoen ở nước Anh. Viên tướng trẻ Napôlêông Bônapactơ (1769-1821) nổi tiếng về tài quân sự là người được giai cấp tư sản chú ý tới. Cuộc chính biến ngày 18 Bruyme (tháng Sương mù) tức 9-11-1799 đã chấm dứt thời kỳ Đốc chính, thiết lập chế độ Thủ lĩnh (17991804) và tiếp theo là nền Đế chế thứ nhất (1804-1815) do Bônapactơ đứng đầu tự xưng là Hoàng đế Napôlêông I. Nếu cuộc chính biến Técmiđo mở đầu cho thời kỳ tư sản phản cách mạng ở Pháp thì cuộc chính biến ngày 18 Bruyme lại thúc đẩy thêm một bước quá trình đó và dẫn tới sự thiết lập chế độ quân chủ.
Vì quyền lợi của giai cấp tư sản, chính phủ Napôlêông I tiếp tục cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ ở châu Âu. Từ đây, cuộc chiến tranh do nước Pháp tiến hành đã thay đổi tính chất: từ chiến tranh tự vệ, chính nghĩa biến thành chiến tranh xâm lược phi nghĩa.
Dựa vào lực lượng quân đội hùng mạnh, Napôlêông đã đánh tan liên tiếp 5 liên minh chống Pháp do Anh và Áo tổ chức. Trải qua nhiều trận chiến đấu, Napôlêông giành được thắng lợi to lớn. Đến năm 1812, đế quốc Napôlêông được mở rộng, có 75 triệu dân, gần bằng nửa số dân lục địa châu Âu và gấp ba lần dân số nước Pháp hồi đó. Biên giới của đế quốc bành trướng khá rộng; nước Bỉ, Hà Lan, miền tả ngạn sông Ranh, toàn bộ miền Bắc Hải, Xavoa, Nixơ, phần lớn miền Bắc và Trung Ý, các tỉnh miền Iliri… đều sáp nhập vào đế quốc Pháp. Xung quanh biên giới ở phía đông và phía nam là một vành đai các nước chư hầu, các nước liên minh do anh em dòng họ Bônapactơ trị vì hoặc do những người thân cận của Napôlêông cầm quyền.
Mặc dầu chiếm được ưu thế quân sự ở Tây Âu, Pháp vẫn không hạ nổi địch thủ chính của mình là Anh. Chính sách bao vây kinh tế Anh của Napôlêông trong khoảng 1806-1309 hoàn toàn thất bại vì sự lạc hậu của nền công thương nghiệp Pháp so với Anh.
Trận chiến đấu quyết định có tác dụng ngăn chặn và đập tan kế hoạch bá chủ thế giới đã diễn ra ở nước Nga năm 181 Dưới sự chỉ huy tài tình của viên tướng Nga Cutudôp, các lực lượng quân đội và dân binh Nga đã chặn đứng con đường tiến quân của Napôlêông tại trận Bôrôdinô nổi tiếng (7-8-1812). Sau khi để cho Napôlêông tiến vào Matxcơva quân Nga phản công đánh đuổi quân Pháp ra khỏi bờ cõi và cùng với phong trào đấu tranh của các dân tộc châu Âu, truy kích Napôlêông đến tận sào huyệt. Sự thất bại về quân sự cùng với tình trạng khủng hoảng trong nước – quần chúng bất mãn, giai cấp tư sản mệt mỏi vì chiến tranh – đã làm cho đế quốc Napôlêông sụp đổ. Đầu năm 1814, Napôlêông bị đầy ra đảo Enbơ (Địa Trung Hải). Vương triều Buốcbông cùng bọn quý tộc di cư đi theo lưỡi gươm của đội quân đồng minh phong kiến châu Âu trở về nước Pháp. Em của Luy XVI lên ngôi là Luy XVIII định phục hồi toàn bộ chế độ quân chủ và đòi lại ruộng đất mà chế độ Giacôbanh đã bán cho nông dân. Điều đó làm cho mọi tầng lớp nhân dân bất mãn. Lợi dụng thời cơ, Napôlêông từ đảo Enbơ dẫn quân trở về nước Pháp, được quần chúng hưởng ứng, tiến thẳng đến Pari. Một lần nữa, triều đình Buốcbông sau 100 ngày phục hồi phải bỏ trốn. Nhưng các lực lượng đồng minh phong kiến hợp sức đánh bại Napôlêông lần cuối cùng tại trận Oatéclô (6-1815). Napôlêông bị đầy ra đảo Xanh Hêlen (Đại Tây Dương) và Luy XVIII lại trở về Pari. Thế là sau
25 năm, thế lực phong kiến Pháp lại được phục hồi mở đầu giai đoạn Trung Hưng (18151830). Nhưng đó chỉ là sự thay đổi bộ phận trong thượng tầng kiến trúc chính trị của nhà nước. Còn cơ sở kinh tế tư bản chủ nghĩa – kể cả chế độ ruộng đất mới thực hiện trong thời kỳ Giacôbanh vẫn được duy trì, không một lực lượng nào có thể xóa bỏ được. Về mặt chính trị, vương triều Buốcbông cũng chịu sự hạn chế của hiến pháp. Cuộc đấu tranh giữa thế lực phong kiến phục hồi với quần chúng nhân dân và giai cấp tư sản dẫn tới cách mạng tháng Bảy năm 1830, lật đổ hoàn toàn nền thống trị của dòng họ Buốcbông.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com