Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất: Anh Quốc thế kỷ XVIII

Đây là bài viết Cách mạng công nghiệp ở Anh thế kỷ XVIII (Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất)  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Sau cuộc cách mạng tư sản giữa thế kỷ XVII, nước Anh đã có những chuyển biến căn bản về mặt chính trị và kinh tế. Trong suốt thế kỷ XVIII và 30 năm đầu thế kỷ XIX, ở Anh đã diễn ra một quá trình cách mạng, tuy không sôi nổi như những ngày nội chiến, nhưng đánh dấu một bước ngoặt trong sự phát triển sản xuất. Đó là cuộc cách mạng công nghiệp tư bản chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử.

I – Chế độ chính trị ở Anh sau cách mạng

Cuộc cách mạng tư sản Anh giữa thế kỷ XVII đã đem lại thắng lợi cho liên minh tư sản và quý tộc mới. Chính biến 1688-1689 càng củng cố quyền thống trị của những giai cấp mới và thiết lập nên một nhà nước quân chủ lập hiến. Vua là người đứng đầu nước nhưng không điều khiển công việc quốc gia. Tổ chức có quyền hành thực tế là nghị viện và trong đó, quyền thống trị thuộc về đảng nào chiếm được đa số ghế.

Thượng viện ở trong tay bọn đại quý tộc mới có uy lực hơn hạ viện do dân cử ra. Cuộc bầu cử hạ nghị viện cũng tiến hành theo những quy tắc rất hạn chế, trong số 7 triệu dân Anh, chỉ 25 vạn người có quyền tuyển cử. Gần một nửa số nghị viên ở hạ nghị viện là những người được bầu ra từ những “thị trấn hoang tàn”. Đó là những vùng rất ít dân cư, thường bầu cử theo ý muốn của chúa đất. Khi mảnh đất được bán đi thì người chủ mới được thay thế chủ cũ làm nghị viên đại biểu của nơi đó. Ghế nghị viên được mua đi bán lại, nhà giàu mua chuộc cử tri và có khi mua hẳn cả lá phiếu bầu cử. Không những quần chúng lao động mà ngay cả các tầng lớp trung gian cũng bị tước đoạt quyền chính trị.

Trong thời gian từ 1689 đến 1760, quyền thống trị phần lớn ở trong tay đảng Uých (Whig). Đây là đảng đại diện cho quyền lợi của bộ phận quý tộc mới, giàu có nhờ việc mua những tài sản, đất đai phong kiến trong thời cách mạng và có liên hệ chặt chẽ với đại tư sản thương nghiệp, chủ ngân hàng và chủ đồn điền ngoài nước. Đôi khi, đảng Tôry (Tory), đảng của đại địa chủ, lên nắm chính quyền nhưng chẳng bao lâu lại bị đảng Uých thay thế. Hai đảng Uých và Tôry thay nhau quản lý công việc nhà nước, tranh chấp nhau để chiếm ưu thế trong nghị viện. Tuy đại biểu cho lợi ích của những tập đoàn khác nhau, hai đảng đó đều nhất trí bảo vệ quyền lợi giai cấp tư sản và quý tộc. Chế độ hai đảng ở nước Anh bắt đầu ra đời từ đây, nhằm duy trì quyền thống trị của giai cấp tư sản.

Quyền lực của nghị viện ngày càng lớn làm cho ngai vàng dần dần trở thành hư vị. Viện cơ mật từ chỗ là cơ quan tư vấn của nhà vua biến thành nội các, quản lý công việc trong nước. Nhà vua không tham gia những buổi họp của nội các mà quyền chủ tọa thuộc về thủ tướng. Chế độ nội các được củng cố, thủ tướng và nội các không chịu sự ràng buộc của nhà vua, chỉ chịu trách nhiệm trước nghị viện. Khi không được đa số nghị viện tín nhiệm thì nội các đổ và thủ tướng phải từ chức. Thủ tướng và nội các là người của đảng chiếm đa số trong nghị viện, do đảng đó cử ra và được nó ủng hộ. Như vậy, nước Anh đã hình thành một hệ thống tổ chức nhà nước mới khác hẳn với nền quân chủ chuyên chế. Đó là hình thức nhà nước quân chủ lập hiến điển hình mà sau này, nhiều nước khác lấy nó làm kiểu mẫu.

Chính hình thức tổ chức nhà nước đó, trong thời kỳ đầu có tác dụng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa. Chế độ quân chủ chuyên chế đã bị gạt bỏ, chính phủ mới lo đáp ứng yêu cầu của giai cấp tư sản, thi hành nhiều biện pháp tích cực về kinh tế. Về mặt đó, nó đóng vai trò tiến bộ, quan hệ sản xuất phù hợp với sức sản xuất mặc dầu đối với quần chúng nhân dân nó vẫn tiến hành bóc lột và đàn áp họ.

II – Quá trình tích lũy nguyên thủy ở nước Anh

Lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến, cuộc cách mạng tư sản Anh đã xóa bỏ được những trở ngại đối với sức sản xuất mới. Những yếu tố kinh tế tư bản chủ nghĩa có điều kiện thuận lợi, phát triển mạnh mẽ. Quá trình tích lũy nguyên thủy diễn ra suốt thế kỷ XVII và XVIII là những tiền đề của sự chuyển biến trong nền công nghiệp Anh.

Sự chuyển biến căn bản trong chế độ ruộng đất

Một trong những điều kiện quan trọng nhất chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp là sự chuyển biến trong chế độ ruộng đất hay còn gọi là cuộc cách mạng nông nghiệp.

Trong suốt thế kỷ XVI và XVII, ở Anh đã từng diễn ra hiện tượng địa chủ bao chiếm ruộng đất công xã và đuổi nông dân ra khỏi đất đai canh tác của họ. Đến thế kỷ XVIII, quá trình đó được tiến hành trên quy mô lớn. Nếu trong hai thế kỷ trước, vương triều Tuyđo và Schiua ra lệnh cấm rào đất thì tới nay, Nghị viện Anh lại công khai cho phép bọn địa chủ chiếm cứ đất đai của công xã và đuổi nông dân đi nơi khác.

Trong 60 năm đầu thế kỷ XVIII, chính phủ han hành 208 điều luật cho phép địa chủ chiếm 312 ngàn mẫu Anh. Trong 40 năm sau, 2.000 điều luật của chính phủ làm cho công điền bị rào thêm 3.180 ngàn mẫu Anh, nhiều gấp 10 lần so với trước.

Như vậy, luật về rào đất công là sự cướp đoạt ruộng đất được nghị viện hợp pháp hóa.

Kết quả đầu tiên của sự chuyển biến trong nông nghiệp là sự phát triển của chế độ trang trại. Chủ đất không trực tiếp canh tác mà trao ruộng đất cho những người trại chủ với giao kèo dài hạn là 99 năm. Theo đó, trại chủ có nhiệm vụ phải nộp một phần hoa lợi hoặc tiền cho chủ đất. Như vậy là những nhà tư bản nông nghiệp kinh doanh ruộng đất theo phương thức tư bản chủ nghĩa, bóc lột công nhân nông nghiệp làm thuê, sử dụng công cụ cải tiến mới nhất, cải tạo chất đất và nâng cao năng suất mùa màng. Kinh tế trang trại phù hợp với sự phát triển chung của chủ nghĩa tư bản, bảo đảm nhu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp và nhu cầu về lương thực cho các thành phố.

Hậu quả thứ hai vô cùng quan trọng của sự chuyển biến trong nông nghiệp là đã tạo nên một lực lượng công nhân đông đảo phục vụ cho công nghiệp. Nông dân bị đuổi ra khỏi ruộng đất, hai bàn tay trắng phải đem bán sức lao động. Một bộ phận trở thành công nhân nông nghiệp, còn phần lớn đổ ra thành thị làm việc trong các xưởng hoặc công xưởng thủ công. Họ là đội quân hậu bị lớn lao cho sự phát triển của nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa và đó là một trong những tiền đề cơ bản của quá trình tích lũy nguyên thủy.

Cuộc cách mạng nông nghiệp còn có tác dụng lớn tới thị trường trong nước. Sản phẩm nông nghiệp tăng lên nhờ việc sử dụng máy móc và cải tiến kỹ thuật. Người công nhân nông nghiệp sản xuất ra của cải không phải để tự cấp như trước. Họ chỉ được lĩnh lương và dùng tiền lương mua bán các vật phẩm cần thiết. Số công nhân công nghiệp và dân cư thành thị tăng lên đòi hỏi việc mua bán lương thực và các thứ nông sản khác cũng tăng lên. Do đó, thị trường trong nước không ngừng mở rộng, góp phần quan trọng vào sự phát triển công thương nghiệp.

Như vậy, trong suốt thế kỷ XVI, XVII và nhất là XVIII, cuộc cách mạng nông nghiệp ở nước Anh đã đóng vai trò quan trọng và trở thành cơ sở của quá trình tích lũy nguyên thủy. Nó tách nông dân khỏi tư liệu sản xuất và tạo nên một đội ngũ công nhân làm thuê trong các cơ sở công nghiệp, chuyển chế độ ruộng đất phong kiến sang chế độ trang trại tư bản chủ nghĩa và mở rộng thị trường trong nước. Tuy nhiên, cuộc cách mạng nông nghiệp ở Anh không đem lại lợi ích cho nông dân và thậm chí tiến tới tiêu diệt giai cấp đó. Khoảng năm 1750, giai cấp yeomanry (nông dân tự do) không còn nữa.

Sự bành trướng thuộc địa và việc buôn bán nô lệ da đen

Quá trình tích lũy nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản không chỉ dựa vào sự tước đoạt tài sản của nông dân mà còn được tiến hành bằng cách xâm lược và bóc lột nhân dân thuộc địa, buôn bán nô lệ da đen.

Nước Anh bắt đầu bành trướng thuộc địa từ hồi thế kỷ XVI, XVII. Việc di dân sang Bắc Mỹ và cuộc chinh phục Ấn Độ được thực hiện trong thời gian này. Nhưng phải đến thế kỷ XVIII, nước Anh mới chiếm được địa vị hàng đầu trên mặt biển sau khi đã đánh bại các địch thủ Tây Ban Nha và Pháp. Hệ thống thuộc địa được mở rộng trên quy mô lớn. Ở châu Âu, nước Anh đã chiếm được Ailen Gibranta, khống chế con đường từ Đại Tây Dương đến Địa Trung Hải. Ở châu Mỹ, nước Anh chiếm 13 thuộc địa dọc bờ biển Đại Tây Dương lan rộng tới sông Mitxixipi, Canada và một số hòn đảo vùng biển Caribê. Ở Tây Phi, những vùng phì nhiêu của sông Xênêgan và Gămbia miền duyên hải dọc vịnh Ghinê đều dưới quyền thống trị của người Anh.

Đầu thế kỷ XVII, nước Anh mở đầu cuộc xâm lược châu Đại Dương. Trong suốt một thế kỷ, người Anh đánh đuổi thổ dân và di cư sang khai thác nơi đó. Với hệ thống thuộc địa to lớn, ngoài việc sử dụng làm căn cứ quân sự và khống chế các đường hàng hải, giai cấp tư sản Anh còn ra sức vơ vét, bóc lột quần chúng nhân dân địa phương. Thương nhân Anh mang từ các thuộc địa nhiệt đới nhiều hàng hóa quý như hương liệu, hồ tiêu, chè, thuốc, cao su… về bán ở thị trường châu Âu với giá rất cao. Nhờ đó, họ thu được những món lợi khổng lồ. Nhưng món hàng nhiều lãi và vô nhân đạo hơn cả là việc buôn bán người da đen.

Đến thế kỷ XVIII, Bắc Mỹ trở thành một thị trường tiêu thụ rất hấp dẫn đối với bọn buôn người da đen. Khi đó, kinh tế đồn điền và khai khoáng phát triển mạnh đòi hỏi nhiều nhân lực. Thổ dân Inđian bị dồn về phía tây và bị sát hại cực kỳ dã man không chịu làm cho chủ mới. Vì vậy, bọn thực dân phải tìm kiếm sức lao động ở nơi khác và cuối cùng, chúng đã thấy ở châu Phi. Bồ Đào Nha là nước đầu tiên buôn bán người da đen và trong suốt hai thế kỷ XV-XVI, nó trở thành một trung tâm buôn người của thế giới.

Sau khi hạ được đối thủ cạnh tranh là Tây Ban Nha và Pháp, Anh chiếm địa vị hàng đầu trong ngành mậu dịch bỉ ổi này. Số tàu Anh chở người da đen nhiều gấp ba lần các nước khác. Trong khoảng 15 triệu nô lệ được đem bán ở Bắc Mỹ thì Anh là nước bán nhiều nhất.

Nhờ đó, thương nhân Anh thu được những món lãi lớn, vơ vét tiền bạc trên xương máu nhân dân châu Phi.

Chính những cuộc xâm lược đẫm máu ở các thuộc địa, đặc biệt là ở Ấn Độ và việc buôn bán đầy tội ác nô lệ da đen đã làm cho giai cấp tư sản Anh tích lũy vốn để phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, tạo nên tiền đề điều kiện thứ hai cho sự ra đời của chủ nghĩa tư bản.

III – Bước đầu của cuộc cách mạng công nghiệp

Sự chuyển biến từ công trường thủ công đến sản xuất cơ khí

Sự bành trướng hệ thống thuộc địa đạt tới mức độ chưa từng có và cuộc cách mạng ruộng đất ở Anh trong thế kỷ XVII-XVIII đã mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đòi hỏi một khối lượng sản phẩm công nghiệp lớn mà nền sản xuất công trường thủ công không thể đáp ứng nổi. Khi đó, tiền đề điều kiện cho sự ra đời của chủ nghĩa tư bản cũng dần dần hình thành: tư bản được tích lũy bằng cách bóc lột nông dân và nhân dân thuộc địa, sức lao động dồi dào nhờ việc tước đoạt ruộng đất và đuổi hàng ngàn vạn dân cày ra khỏi nhà cửa của họ. Xuất phát từ yêu cầu khách quan của xã hội và từ những điều kiện sẵn có, nước Anh bước vào giai đoạn “cách mạng công nghiệp”.

Khởi điểm của cuộc cách mạng công nghiệp là sự xuất hiện máy móc và thực chất của nó là cuộc cách mạng về kỹ thuật, là sự nhảy vọt từ lao động thủ công sang lao động bằng máy móc. Cho nên sự phát triển của công trường thủ công chính là một quá trình chuẩn bị để sáng tạo ra máy móc. Trong các công trường thủ công ở Anh, lao động đã đạt tới trình độ phân công rất hoàn thiện. Động tác lao động được đơn giản hóa đến mức độ máy móc có khả năng thay thế hai bàn tay con người. Công cụ lao động cũng được chuyên môn hóa và được cải tiến. Điều đặc biệt quan trọng là từ trong các công trường thủ công xuất hiện nhiều công nhân và nhà kỹ thuật lão luyện, có khả năng phát minh ra máy móc mới và sử dụng nó vào sản xuất. Những thành tựu về số học, vật lý học, hóa học, động lực học… cũng giúp cho họ hiểu được bản chất quá trình phát triển của sự vật mà người ta đang nghiên cứu.

Trong thế kỷ XVIII, những phát minh khoa học, kỹ thuật không chỉ xuất hiện ở nước Anh mà còn ở nhiều nước khác. Nhưng nó được áp dụng có kết quả ở Anh và dẫn đến cuộc cách mạng công nghiệp vĩ đại, chính vì khi đó, chỉ có nước Anh là nước đã hình thành những tiền đề kinh tế cần thiết.

Những phát minh kỹ thuật trong các ngành công nghiệp

Công nghiệp len dạ là ngành công nghiệp phát đạt và lâu đời nhất ở Anh. Nhưng máy móc không xuất hiện đầu tiên ở đó mà lại ở ngành công nghiệp bông vải mới ra đời. Đó là vì trong công nghiệp len dạ vẫn duy trì chế độ phường hội, chịu nhiều điều hạn chế của những quy chế trước đây. Còn ngành bông vải là ngành công nghiệp trẻ tuổi, chủ yếu phân tán ở nông thôn, ít chịu sự ràng buộc của những quy chế cũ nên có thể phát triển mạnh mẽ.

Tại sao cách mạng công nghiệp lại diễn ra đầu tiên ở Anh

Khi đó, trong ngành bông vải cũng như các ngành công nghiệp khác, lao động thủ công chiếm ưu thế. Thao tác chủ yếu của ngành này là kéo sợi và dệt vải. Sản phẩm lao động của công nhân kéo sợi là đối tượng lao động của công nhân dệt. Nhu cầu về vải tăng lên buộc kỹ thuật dệt vải phải cải tiến.

+ Năm 1733, nhà kỹ thuật Giôn Cây phát minh ra thoi bay. Trước kia, người thợ dệt phải dùng tay đẩy con thoi chạy qua hàng sợi thì tới nay, họ chỉ cần dùng sức chân là có thể đẩy con thoi chạy đi, chạy lại được. Thoi bay làm cho năng suất lao động tăng lên gấp đôi, đòi hỏi phải tăng mức sản xuất sợi. Nhu cầu về sợi đó đòi hỏi phải có máy thay thế cho hai bàn tay của con người.

+ Năm 1765, người thợ dệt Giêm Hacgrivơ phát minh ra máy kéo sợi mang tên con gái ông là Giênny. Máy Giênny vẫn phải quay bằng tay, nhưng trước đây chỉ có một cọc suốt thì nay đã lên tới 1618 cọc suốt mà vẫn do một công nhân điều khiển. Nhờ vậy, sợi được sản xuất ra nhiều hơn trước. Trước kia một người thợ dệt cần ba người thợ kéo sợi luôn tay mới đủ, thì tới nay sợi lại nhiều quá sức làm của thợ dệt. Có thể coi máy kéo sợi Giênny là phát minh đầu tiên làm thay đổi sâu sắc tình hình trước đây của lao động Anh; vì nó mở đầu cho sự phân công lao động giữa việc kéo sợi và việc dệt vải trong xã hội.

+ Năm 1769, máy kéo sợi chạy bằng sức nước ra đời mang tên Accraitơ. Hai năm sau, Accraitơ xây dựng xưởng dệt đầu tiên của nước Anh ở Manxextơ. Ưu điểm lớn của máy Accraitơ là dùng sức nước để giải phóng quá trình sản xuất khỏi sự hạn chế của sức người nhưng còn rất thô sơ. Lợi dụng ưu điểm của máy Giênny và máy Accraitơ, công nhân Xariiyen Crơmton đã cải tiến chiếc máy tới trình độ cao hơn, làm cho sợi vừa nhỏ vừa chắc. Nhờ những phát minh trên, ngành kéo sợi phát triển mạnh mẽ, năng suất lao động tăng lên gấp bội. Do đó nó dẫn tới tình trạng mất cân bằng: vải dệt không tiêu thụ hết sợi đã sản xuất, và đòi hỏi một bước tiến mới trong ngành dệt.

+ Năm 1785, kỹ sư Etmôn Accraita sáng tạo ra máy dệt. Máy dệt đã đưa tốc độ sản xuất tăng lên tới 39 lần. Đồng thời, quá trình tẩy trắng, nhuộm màu, in hoa cũng được cải tiến vì việc áp dụng những kinh nghiệm mới về hóa học vào xưởng dệt.

Những máy móc chạy bằng sức nước buộc các công xưởng phải xây dựng cạnh bờ sông. Như vậy, nhà máy bị phụ thuộc vào điều kiện địa lý và thời tiết vì tới mùa đông, sông đóng băng, máy phải ngừng lại. Do đó, phải tiến tới một thứ máy có sức phát động độc lập, không chịu ảnh hưởng của những yếu tố thiên nhiên.

+ Năm 1769, một thực nghiệm viên của trường Đại học Anh là Giêm Oát tìm ra nguyên tắc của máy hơi nước và đến năm 1784 thì áp dụng vào công xưởng một cách hoàn thiện. Việc áp dụng máy hơi nước trong công nghiệp gây nên một chuyển biến lớn: tốc độ sản xuất và năng suất lao động tăng lên rõ rệt. Đồng thời, các xưởng lớn sử dụng đông đảo công nhân xuất hiện tại nhiều miền nước Anh. Vượt ra ngoài phạm vi ngành bông vải, máy hơi nước còn được áp dụng và có tác động lớn trong nghề làm len, dệt lanh, nghề tơ tằm và các ngành công nghiệp nhẹ khác.

Nhờ có những phát minh mỗi năm một hoàn thiện ấy, lao động bằng máy đã thắng lao động bằng chân tay trong các ngành chủ yếu của công nghiệp Anh.

Mô hình động cơ hơi nước của James Watt

Mô hình động cơ hơi nước của James Watt

Sự tiến bộ về kỹ thuật trong các ngành công nghiệp nhẹ đặt ra một vấn đề lớn cho nền kinh tế là phải sản xuất nhiều máy mới. Muốn thế phải phát triển các ngành luyện kim và chế tạo cơ khí.

+ Năm 1735, Abraham Đacbi phát minh ra phương pháp nấu than cốc từ than đá để luyện gang. Đó là một phát minh đặc biệt quan trọng vì rừng rậm ở nước Anh đã bị cắt trụi, than gỗ không còn bao nhiêu và đến năm 1756, thì được cải tiến hoàn thiện hơn. Năm 1784 Cooctơ xây lò luyện gang dùng nguyên liệu khoáng sản để sản xuất gang thép. Những phát minh đó làm khả năng sản xuất đồ kim loại tăng lên và các ngành khai mỏ phát triển.

Người ta xây dựng những lò cao lớn gấp 50 lần so với lò cũ và đơn giản hóa việc nấu chảy quặng bằng cách dùng luồng khí nóng cháy. Nhờ vậy mà sắt sản xuất ra rẻ đến mức độ nhiều đồ dùng bằng gỗ trước đây có thể thay thế bằng sắt. Việc xuất hiện hàng loạt cầu sắt ở vùng Yooc (1788) và những cột nhà, bệ máy bằng sắt đã chứng tỏ điều đó. Đồng thời các mỏ đồng, mỏ thiếc, mỏ chì… cũng được khai thác. Ngành luyện kim và khai mỏ phát triển tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc xây dựng công nghiệp nặng. Tuy nhiên, ngành chế tạo máy móc vẫn còn ở trong tình trạng thủ công. Phải mất một thời gian dài mới có thể làm cho ngành cơ khí trở thành cơ sở cho toàn bộ nền công nghiệp nặng của nước Anh.

Xe lửa chạy bằng động cơ hơi nước

Xe lửa chạy bằng động cơ hơi nước

IV – Những hậu quả của cuộc cách mạng công nghiệp Anh

Sự biến đổi trong công nghiệp và các thành thị

Đến cuối thế kỷ XVIII, cuộc cách mạng công nghiệp vẫn chưa kết thúc. Phải trải qua một thời gian dài chuyển biến trong các ngành giao thông vận tải và chế tạo máy móc nó mới hoàn thành vào những năm 60 của thế kỷ XIX. Tuy mới là bước đầu, nó cũng đã góp phần rất lớn trong sự phát triển các ngành công nghiệp. Khối lượng hàng hóa do máy móc chế tạo tăng lên rõ rệt. Đặc biệt là khối lượng bông nhập cảng để cung cấp cho công nghiệp dệt tăng lên gấp nhiều lần.

Đầu thế kỷ XVIII, nước Anh nhập không quá 1 triệu livrơ bông. Vậy mà đến năm 1764 đã nhập 3,8 triệu và 1789 lên tới 32,4 triệu. Về da, tính riêng một trung tâm Lancatsia, năm 1788 sản xuất 75 nghìn tấm và đến năm 1817 lên tới 490 nghìn tấm. Tốc độ phát triển của các ngành công nghiệp nặng cũng tăng lên nhanh chóng. Về gang, năm 1720 chỉ sản xuất 18 nghìn tấn, đến 1802 đã lên 250 nghìn tấn. Về than đá, năm 1750 là hơn 4 triệu tấn, đến 1795 lên tới 10 triệu tấn.

Sự phát triển của công nghiệp làm thay đổi bản đồ địa lý kinh tế của nước Anh. Luân Đôn trở thành một trung tâm thương mại với 80 vạn dân, là thành phố đầu tiên của châu Âu tiến lên con đường công nghiệp hóa và trở thành thị trường của thế giới. Nếu trước đây, phần lớn trung tâm công thương nghiệp và các vùng đông dân cư tập trung ở miền Đông Nam thì trong thời gian cách mạng công nghiệp, một bộ phận quan trọng của nền kinh tế được chuyển về phía tây bắc. Ở đó nhiều nhà máy được xây dựng gần mỏ than và mỏ sắt, dần dần hình thành những thành phố mới, Manxextơ, Biêcminhham, Livecpun và nhiều thành phố khác trở thành những trung tâm công nghiệp mới của nước Anh.

Sự ra đời của giai cấp vô sản và cuộc đấu tranh ban đầu.

Cuộc cách mạng công nghiệp không chỉ làm thay đổi lực lượng sản xuất mà còn gây nên một sự chuyển biến sâu sắc trong quan hệ xã hội. Ngay nội bộ giai cấp tư sản cũng bị phân hóa dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng này. Trong thời kỳ công trường thủ công, chiếm ưu thế trong giai cấp tư sản là các nhà kinh doanh thương nghiệp và vàng bạc liên minh với quý tộc mới. Cùng với sự phát triển của việc sử dụng máy móc, giai cấp tư sản công nghiệp trưởng thành, có quyền lợi mâu thuẫn với tư sản và quý tộc trên như đòi hỏi bỏ chế độ công ty độc quyền, chế độ quan thuế, đòi tự do mậu dịch và cải cách chế độ tuyển cử.

Những biến đổi xã hội cơ bản nhất là sự ra đời của giai cấp vô sản công nghiệp. Trong thời kỳ công trường thủ công, công nhân công trường thủ công, thợ thủ công gia đình và những người nửa vô sản khác chưa hình thành một giai cấp. Họ chưa thoát ly khỏi thủ công nghiệp cũng như nông nghiệp. Họ phân tán trong nhiều phường hội và nhiều địa phương nhỏ hẹp. Quyền lợi của các phường hội và các địa phương lại tách rời nhau. Chỉ từ khi xây dựng nền công nghiệp đại cơ khí, trong các nước tư bản chủ nghĩa mà trước hết là nước Anh, giai cấp vô sản công nghiệp mới hình thành. Họ thường tập trung trong các thành thị, các công xưởng, không có liên hệ với thủ công nghiệp và nông nghiệp, quyền lợi khác xa với phường hội. Sự hình thành một giai cấp vô sản cách mạng nhất và có tổ chức nhất trong lịch sử phải trải qua một quá trình lâu dài. Đến cuối thế kỷ XVIII quá trình đó cũng chỉ mới bắt đầu ở nước Anh.

Khi máy có thể giảm bớt lao động bằng cơ bắp thì lao động phụ nữ và trẻ em được sử dụng rộng rãi. Tiền lương của họ rất thấp so với lương nam giới. Chủ nghĩa tư bản với những ống khói ngất trời, những thành phố sầm uất cũng không làm cho đời sống của người lao động tốt đẹp hơn. Phần lớn công nhân đến 40 tuổi đều bị mất khả năng lao động, cũng có người đến 45 tuổi nhưng hầu như không ai sống tới 50.

Chính vì vậy, họ phải đứng lên đấu tranh đòi hỏi quyền lợi và địa vị con người. Ban đầu, họ rất căm thù máy móc, tiến hành phá máy, phá xưởng. Họ không hiểu rằng nguồn gốc của mọi sự đau khổ không phải là máy mà là chủ nghĩa tư bản sử dụng máy. Từ những hành động phá máy lẻ tẻ ban đầu, họ dần dần tập hợp đông đảo và có tổ chức hơn. Vào những năm 70 của thế kỷ XVIII, hàng ngàn công nhân ở các trung tâm Manxextơ, Bôxtơn, Blêchkbo… tham gia đấu tranh. Nhưng những cuộc đấu tranh đó còn mới ở giai đoạn sơ khai, tự phát. Giai cấp thống trị tìm mọi cách trấn áp. Năm 1769, nghị viện ban hành sắc lệnh xử tử tất cả những người phá máy và phá xưởng. Nhưng những biện pháp đó không thể nào ngăn nổi quá trình phân hóa ngày càng rõ rệt giữa hai giai cấp lớn đối lập nhau trong xã hội: tư sản và vô sản. Do địa vị kinh tế và ý thức chính trị, giai cấp vô sản ngày càng lớn mạnh và đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp họ.

V – Các phát minh trong cách mạng công nghiệp lần thứ nhất

Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất diễn ra đầu tiên ở Anh bắt đầu từ những phát minh máy móc trong ngành dệt (những năm 60 thế kỷ 18), sau đấy lan sang Mỹ, Pháp, Đức…(kéo dài đến giữa thế kỷ 19). Dưới đây là các phát minh, sáng chế trong lĩnh tực khoa học tự nhiên thời kỳ này:

Thời kì đầu (1708-1835):

1709: Abraham Draby phát minh lò cao

1712: Newcomen chế tạo động cơ hơi nước dung trong hầm mỏ

1733: John Kay áp dụng máy dệt cơ khí

1759: Nhà máy sản xuất đồ sứ của Wedgwood bắt đầu hoạt động tại Anh

1764: Hargreaves phát minh máy xe sợi Jenny

1769: Thomas Arkwright phát minh máy xe sợi chạy bằng sức nước

1769: James Watt chế tạo xe chạy bằng hơi nuớc

1773: Arkwright xây dựng nhà máy sợi đầu tiên

1773: Chiếc cầu bằng gang đầu tiên được xây ở Coalbrookdale (Anh). Eli Whitney phát minh máy tỉa hạt bông ở Mỹ.

Thời kì sau (1836-1913):

1837: Samuel Morse nghĩ ra mã Morse

1838: Brunel đóng tàu thủy hơi nước Great Western

1842: James Nasmyth sáng chế búa hơi đầu tiên

Những năm 1850: Các thành phố công nghiệp ở Anh được nối với nhau bằng kênh đào và đường sắt

1851: “Đại triển lãm” được tổ chức ở điện Crystal

1856: Bessemer phát minh ra lò chuyển Bessemer

1859: Giếng dầu đầu tiên được khoan ở Pennsylvania (Mỹ)

1867: Nobel phát minh ra thuốc nổ

1868: Georges Leclanché, người Pháp, phát minh ra pin khô

1869: Mendeleyev lập ra bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học

1870: Kênh đào Suez hoàn tất giúp việc đi lại sang Ấn Độ dễ dàng

1875: Bell thực hiện cuộc gọi điện thoại đầu tiên

1877: Nikolaus Otto sáng chế động cơ xăng bốn kì

1877: Lắp đặt tổng đài điện thoại công cộng đầu tiên

1882: Nhà máy thủy điện đầu tiên được xây

1885: Sản xuất những chiếc ôtô đầu tiên tại Đức

1887: Dunlop phát minh ra lốp bơm hơi

1896: Marconi phát minh hệ thống rađiô đầu tiên

1900: Cả Mỹ và Đức vượt Anh về sản lượng thép

1903: Anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên có động cơ và có điều khiển

1909: Leo Baekeland phát minh chất dẻo đầu tiên là bakelit

Nguồn tham khảo: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục; 

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com