Công xã Pari 1871: Sáng tạo, Đấu tranh bảo vệ, và Sự Thất bại

Đây là bài viết Công xã Pari 1871: Sự thành lập, cuộc chiến bảo vệ, nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Công xã Pari ra đời như thế nào, trong hoàn cảnh nào? Các chính sách và tổ chức bộ máy của công xã Pari? Nguyên nhân thất bại và ý nghĩa của công xã Pari?

Đầu những năm 70 của thế kỷ XIX là thời kỳ chuyển biến quan trọng trong lịch sử thế giới. Chủ nghĩa tư bản được xác lập ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và bắt đầu chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Phong trào công nhân cũng bước vào giai đoạn mới được đánh dấu bằng cuộc cách mạng vô sản năm 1871 ở Pháp và sự thành lập Công xã Pari, nhà nước vô sản đầu tiên của giai cấp công nhân thế giới.

Công xã Pari 1871

I – Cuộc chiến tranh Pháp Phổ và sự sụp đổ của đế chế II

Cuối tháng 6-1870, Đế chế II bước vào thời kỳ khủng hoảng sâu sắc.

Khi chiến tranh Pháp-Phổ mới bắt đầu, nhân danh Quốc tế I, Mác đã gửi lời kêu gọi công nhân toàn thế giới. Trong lời kêu gọi đó, Mác phân tích tính chất của chiến tranh và nêu rõ rằng trong giai đoạn đầu, về phía Đức, cuộc chiến tranh đó là tiến bộ bởi vì Napôlêông III trong nhiều năm đã cản trở sự thống nhất nước Đức, kìm hãm sự phát triển kinh tế, văn hóa của nước Đức. Đồng thời, Mác cũng đề ra nhiệm vụ cho giai cấp công nhân Đức là phải ngăn chặn không để cho cuộc chiến tranh này trở thành chiến tranh xâm lược. Mác chỉ ra rằng chiến tranh phải được kết thúc bằng cách lật đổ Napôlêông III, nhưng không để cho nước Phổ cướp phá nước Pháp và phải đi đến ký kết hòa ước danh dự giữa nhân dân Pháp và nhân dân Đức.

Xem: Quốc tế thứ nhất

Dù rằng nền Đế chế II đã chi tiêu cho quân đội một món tiền khổng lồ, nhưng vì thiếu kế hoạch, tổ chức hỗn loạn và chỉ huy tồi nên bị thất bại. Quân đội Pháp thua hết trận này đến trận khác. Có 2 đạo quân lớn thì một bị vây hãm trong pháo đài Métdơ, một bị dồn về Xơđăng. Ngày 2-9, Napôlêông III kéo cờ trắng trên thành Xơđăng và cùng với 4 ngàn quân bị bắt làm tù binh. Sau khi nghe tin này, ngày 4-9-1870 nhân dân Pari căm phẫn đã tự phát nổi dậy tràn vào dinh Buốcbông hô lớn: “Phế truất hoàng đế”, “Nước Pháp muôn năm”, “Cộng hòa muôn năm”, đòi thành lập chế độ cộng hòa và tổ chức bảo vệ Tổ quốc. Nền Đế chế II sụp đổ. Chiều ngày 4-9 một chính phủ lâm thời tư sản được thành lập lấy tên là “Chính phủ vệ quốc”. Trong chính phủ có những người cộng hòa tư sản, phần nhiều thuộc phái hữu, và có cả những phần tử bảo hoàng nữa. Tướng Tơrôsuy, nguyên thống đốc Pari có xu hướng bảo hoàng được cử làm bộ trưởng chiến tranh và đứng đầu chính phủ mới.

Sau khi ở Pháp đã tuyên bố thành lập nước cộng hòa, nhân danh Quốc tế I, Mác lại gửi lời kêu gọi thứ hai cho công nhân toàn thế giới. Mác kêu gọi công nhân Đức hãy buộc chính phủ Phổ ký hòa ước với nước Cộng hòa Pháp không có điều kiện thôn tính đất đai và không bắt bồi thường chiến phí. Mác cũng giải thích cho công nhân Pháp thấy rằng “Chính phủ vệ quốc” là chính phủ thù địch với nhân dân Pháp, nhưng nhận định rằng trong điều kiện lúc đó, chưa thể lật đổ được chính phủ ấy ngay tức khắc khi quân thù còn đang ở cửa ngõ Pari.

Sau thất bại của Pháp ở Xơđăng, đường về Pari bỏ ngỏ, quân đội Phổ tiếp tục tiến vào thủ đô nước Pháp. Khi quân Phổ tiến về Pari và bao vây thành phố ngày 19-9 thì việc phòng ngự không phải không còn có hiệu lực vì ở Pari còn có 246.000 vệ binh biệt động và thủy quân, 125.000 vệ quốc quân sẵn sàng chiến đấu. Nhân dân yêu nước và dũng cảm muốn chiến đấu đến cùng để quét sạch quân Đức, sống chết bảo vệ thủ đô. Nhiều ủy viên của chi nhánh Quốc tế ở Pari đều có mặt trong các tiểu đoàn vệ quốc. Giai cấp tư sản thù ghét quân Đức, nhưng lại sợ quần chúng nhân dân và quân Vệ quốc. Giai cấp tiểu tư sản thì do dự. Bọn thống trị thì tìm cách giải quyết vấn đề hòa bình và chiến tranh bằng con đường đầu hàng, không chịu bảo vệ thủ đô. Nhân dân rất lo lắng cho vận mệnh nước Pháp, đòi chính phủ phải võ trang cho nhân dân.

Dưới thời Đế chế đã có 60 tiểu đoàn vệ quốc. Do đòi hỏi kiên quyết của giai cấp công nhân trong tình thế lúc đó, chính phủ buộc phải tổ chức thêm 200 tiểu đoàn vệ quốc quân trong đó đa số là công nhân, thợ thủ công và công chức nhỏ. Phong trào kháng chiến của nhân dân Pháp, đặc biệt là nhân dân Pari lên rất mạnh.

Trong khi nhân dân Pháp tích cực kháng chiến thì giai cấp tư sản ngày càng đi sâu vào con đường phản bội. Ngày 27-10, tướng Bađen chỉ huy 15 vạn quân Pháp bị bao vây ở Mátdơ đã đầu hàng nhục nhã. Tin thành Mátdơ đầu hàng làm dư luận trong nước xôn xao: Nhân dân Pari và vệ quốc quân tập hợp trước tòa thị chính hô lớn: “Đả đảo Tơrôsuy! Không đàm phán!” và đến chiều thì chiếm đóng tòa thị chính. Trong khi đó, Bộ trưởng ngoại giao của chính phủ tư sản là Giuynlơ Phavrơ bí mật thỏa thuận với Bixmác về những điều khoản hòa ước mà thực chất là sự đầu hàng “Chính phủ Vệ quốc” đã lộ nguyên hình là một chính phủ phản quốc.

Cuộc đàm phán giữa chính phủ Tơrôsuy với Đức bắt đầu ở Vecxai từ ngày 23-4-187 Đến ngày 28, Chính phủ Pháp ký hiệp định đình chiến, chấp nhận những điều kiện của Phổ. Theo quy định của điều khoản đình chiến, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ được tổ chức vào ngày 8-2-1871 để Quốc hội mới đứng ra ký kết hòa ước. Mặt khác, giai cấp thống trị muốn bầu cử Quốc hội để củng cố chính quyền chống lại cuộc đấu tranh của nhân dân. Kết quả, bầu vào Quốc hội phần lớn là bọn phú nông, tu sĩ, đại địa chủ, vì thế trong số 750 nghị viên thì đã có đến 450 người thuộc phái bảo hoàng, không thừa nhận chính thể cộng hòa mà định khôi phục chế độ quân chủ. Chie được cử làm Thủ tướng chính phủ và Giuynlơ Phavrơ làm Bộ trưởng ngoại giao. Chie gặp Bixmác, ngày 28-2 ký những điều khoản tiên quyết của hòa ước: nước Pháp phải trả khoản bồi thường chiến tranh là 5.000 triệu phrăng, những pháo đài của Pari bị quân Đức chiếm đóng cho tới lúc Pháp nộp 500 triệu đầu tiên, còn những quân phía đông bị chiếm đóng cho đến khi Pháp trả hết khoản bồi thường, phải nhường tỉnh Andát và một phần ba tỉnh Lôren, quân Phổ tiến vào chiếm đóng Pari.

Trước hành động phản quốc của Chie và Quốc hội Boócđô hôm trước ngày quân Phổ tiến vào thủ đô, dân chúng và quân đội vệ quốc Pari đã chiếm và di chuyển đến Môngmáctơrơ và Benlơvinlơ 227 đại bác và súng liên thanh do bọn đầu hàng bỏ lại trong các khu phố mà quân Phổ sắp đến. Chính vì tinh thần dũng cảm đáng khâm phục đó mà quân Phổ chỉ dám chiếm đóng một góc nhỏ của thành phố Pari và chỉ ở lại 62 giờ.

Trong cuộc đấu tranh chống bọn phản động ngày 15-2, 215 trong số 270 tiểu đoàn vệ quốc đã thành lập “Liên minh quân đội vệ quốc” và bầu ra cơ quan lãnh đạo của nó ở từng đơn vị, đứng đầu là Ủy ban trung ương quân vệ quốc, ủy ban trung ương gồm đại biểu của tất cả các đơn vị, có cả những người xã hội và những hội viên của Quốc tế I. Ủy ban là một tổ chức dân chủ, có quan hệ với giai cấp công nhân. Ngày 24-2, ủy ban trung ương tổ chức một cuộc biểu tình tuần hành lớn trước nhà tù La Baxti để kỷ niệm nền Cộng hòa thứ hai và để ngăn chặn hoạt động của lực lượng phản cách mạng.

Trung tuần tháng 3-1871, Quốc hội hạ lệnh tước vũ khí quân vệ quốc. Một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định giữa chính phủ Vecxai và Pari cách mạng bắt đầu và đó chính là nguyên nhân trực tiếp nổ ra cuộc cách mạng ngày 18-3-1871.

Chiến tranh Pháp–Phổ

Chiến tranh Pháp–Phổ

II – Cuộc cách mạng 18 tháng 3 và sự thành lập công xã Pari

Cuộc cách mạng 18 tháng 3 và cuộc bầu cử Hội đồng Công xã

3 giờ đêm 17 rạng ngày 18-3, chính phủ Chie cho quân đi chiếm các vị trí chiến lược thuộc tả ngạn sông Xen, đồng thời có những phân đội được điều đến những kho đại bác của Pari. Mục tiêu tấn công chủ yếu là đồi Môngmáctơrơ ở phía bắc Pari để chiếm lấy trọng pháo của quân vệ quốc bố trí ở đây. Đến 5 giờ rưỡi, quân chính phủ tiến được lên đồi và chiếm đại bác, nhưng không chuyển đi được. Trong khi đó, chuông báo động và kèn tập họp quân vệ quốc nổi lên. Nhân dân Pari, đông đảo phụ nữ và vệ quốc quân kéo đến, tiến lên đồi bao vây chật đội quân này. Binh lính trong đội quân của chính phủ ngả về phía nhân dân, tước vũ khí của các sĩ quan và quay súng bắn chết tại chỗ tên tướng chỉ huy. Quân chính phủ bắt tay thân thiện với quân vệ quốc và nhân dân Pari.

9 giờ sáng, các lực lượng của chính phủ thất bại hoàn toàn. Đại bác vẫn giữ nguyên trong tay quân vệ quốc, quân chính phủ ở Pari vội vã lui quân.

Trưa ngày 18-3, ủy ban trung ương quân vệ quốc ra lệnh cho các tiểu đoàn tiến vào trung tâm thành phố và chỉ sau mấy tiếng đồng hố đã chiếm được các cơ quan chính phủ, các trại lính và tòa thị chính. Trước sự thất bại bất ngờ và nhanh chóng đó, chiều ngày 18-3, Chính phủ Chie hoảng sợ, vội chạy về Vecxai và điều về đây số quân còn lại với mưu đồ sẽ tập hợp lại lực lượng để phản công Pari. Đến 10 giờ đêm, cờ đỏ cách mạng đã tung bay trên tòa thị chính và trên khắp các công sở ở Pari.

Đó là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền tư sản bị lật đổ. Ủy ban trung ương quân vệ quốc trở thành Chính phủ lâm thời.

Lúc bấy giờ phong trào không có dự tính trước cho nên không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Ngay từ khi tiến hành chiếm đóng các cơ quan quan trọng, ủy ban trung ương quân vệ quốc không nghĩ tới việc chiếm nhà Bưu điện và nhà Ngân hàng Pháp, không tiếp tục tấn công vào Vecxai để đập tan quân chính phủ trong lúc Chie chưa kịp củng cố lực lượng, ủy ban vội vã ấn định tổ chức cuộc tuyển cử vào ngày 26-3, mà đáng lẽ công việc trọng yếu nhất lúc này là lo chống lại cuộc phản công của quân Chính phủ. Chính trong lúc ủy ban trung ương lo việc tổ chức tuyển cử thì bọn phản động Vecxai đã lợi dụng thời gian rất ngắn ngủi đó tổ chức lại lực lượng.

Ngày 26-3, nhân dân Pari tiến hành bầu cử Hội đồng Công xã trong không khí tưng bừng nhộn nhịp. Ngày 28 công bố kết quả bầu cử, Hội đồng long trọng tuyên bố thành lập. 85 đại biểu trúng cử, trong đó có 25 công nhân. Đó là tỉ lệ từ trước đến thời đó chưa từng có trong một chính phủ được bầu theo phương thức tuyển cử phổ thông như vậy. 15 đại biểu của các tầng lớp tư sản trúng cử nhưng đã sớm từ chức ngay và trên thực tế họ không tham gia Hội đồng Công xã. Bộ phận đại biểu còn lại thì phần lớn gồm các nhà trí thức, bác sĩ, giáo viên, nhà báo, luật sư, công chức. Có gần 30 đại biểu là hội viên của Quốc tế I trong Hội đồng Công xã. Như vậy Hội đồng Công xã gồm có đại biểu của nhân dân lao động và trí thức tiến bộ Pari. Tuy công nhân không chiếm được đa số, nhưng họ là những chiến sĩ thật sự và quen thuộc của nhân dân, trung kiên và có khả năng trong việc phục vụ lợi ích của những người lao động.

Trong Hội đồng Công xã, nhiều lãnh tụ lỗi lạc, nhiều nhà tổ chức ưu tú xuất thân từ giai cấp công nhân hay dân nghèo đã nổi hật lên như Đuyvan thợ đúc, là tướng của Công xã đồng thời là ủy viên ủy ban quân sự; Tétxơ thợ khắc phụ trách bưu điện; Vaclanh, người phụ trách hậu cần rồi chỉ huy ủy ban quân sự đã hy sinh anh dũng trong những phút cuối cùng của Công xã; Luydơ Misen người chỉ huy kiên cường đội nữ dân quân, được tôn danh hiệu “Nàng trinh nữ đỏ”… Hàng nghìn người vô sản khác giữ trách nhiệm lãnh đạo trong các cơ quan hành chính mới ở Pari và các tiểu đoàn quân vệ quốc.

Tham gia lãnh đạo Công xã còn có nhiều ngoại kiều lỗi lạc như Đômbơrốpxki, người Ba Lan làm tư lệnh tả ngạn và sau này làm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Công xã; như Êlidavêta Đimitơriêva, người Nga, chịu trách nhiệm về công tác tổ chức lao động cho phụ nữ; Phrăngken, người Hung, ủy viên phụ trách tài chính, lao động công thương nghiệp.

Trong những ngày cuối tháng 3, do ảnh hưởng của cuộc cách mạng ở Pari, nhiều trung tâm công nghiệp lớn của Pháp như Lyông, Xanh Echiên, Lơ Cơrơdô, Mácxây, Tuludơ, Nácbon và Limôgiơ, nhân dân lao động đã khởi nghĩa, giành chính quyền và thành lập công xã địa phương. Nhưng những công xã này, không có sự chỉ huy thống nhất, hoạt động lẻ tẻ, rời rạc nên chỉ tồn tại được gần 10 ngày. Do đó, công xã ở các địa phương không thể trở thành lực lượng hỗ trợ cho Pari cách mạng.

Sắc lệnh đầu tiên của Còng xã quyết định bãi bỏ quân đội thường trực cũ – một đội quân nhà nghề được sử dụng để chống lại nhân dân – và thay thế bằng lực lượng vũ trang nhân dân. Công xã cũng thủ tiêu bộ máy cảnh sát cũ. Việc giữ gìn an ninh trật tự trong thành phố do công nhân vũ trang đảm nhiệm.

Như vậy, giai cấp vô sản Pari đã thực hiện điều quan trọng nhất của cách mạng vô sản tức là tổ chức và vũ trang cho tất cả những bộ phận nghèo nhất, bị bóc lột trong nhân dân để họ tự mình trực tiếp nắm lấy tất cả những cơ quan chính quyền Nhà nước, để họ tự mình tổ chức những cơ quan của chính quyền này.

Công xã đã thay bộ máy chính quyền của giai cấp tư sản theo kiểu nghị viện bằng cách thành lập chính quyền của giai cấp công nhân dựa trên cơ sở dân chủ vô sản, thực sự vì quyền lợi của đa số bị bóc lột chống lại thiểu số đi bóc lột. Cơ quan tối cao của Nhà nước, là Hội đồng Công xã do phổ thông đầu phiếu bầu ra. Công xã quy định những ủy viên nào không được nhân dân tín nhiệm nữa thì có thể bị bãi miễn và cán bộ nhân viên Nhà nước được lĩnh lương ngang với mức lương trung bình của công nhân. Hội đồng Công xã ban bố luật pháp và tổ chức 10 ủy ban để thi hành pháp luật. Các ủy ban này đều chịu trách nhiệm trước Hội đồng Công xã, mỗi ủy ban do một ủy viên của Hội đồng làm chủ tịch. Như vậy là chính ngay những ủy viên của Hội đồng Công xã đã tự mình thi hành những luật pháp do Hội đồng ban bố.

Như vậy, Công xã đã thiết lập được một chính phủ ít tốn kém nhất bằng cách hủy bỏ hai nguồn chi tiêu lớn là quân đội thường trực và hệ thống quan lại cũ. Tất cả các cơ quan chủ yếu của Nhà nước được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Công xã. Công xã không chỉ là một cơ quan đại nghị mà còn nắm cả quyền lập pháp lẫn quyền hành pháp. Hội đồng Công xã trở thành một cơ quan hành động và chịu sự giám sát từ dưới lên của quần chúng nhân dân.

Công xã ra sắc lệnh tách nhà thờ ra khỏi những hoạt động của Nhà nước, các tăng lữ không được can thiệp vào công việc của chính quyền, hủy bỏ ngân sách về tôn giáo. Những tài sản của các thánh hội tôn giáo, động sản hay bất động sản, đều coi là tài sản quốc gia. Tất cả trường học đều thoát khỏi mọi sự quản lý của nhà thờ về mặt ý thức hệ và chương trình giáo dục. Nhà nước vô sản có ý thức quan tâm đến lực lượng đông đảo trong xã hội là giai cấp nông dân và cố gắng thiết lập liên minh công nông. Trong hoàn cảnh bị bao vây, Công xã dùng đến khinh khí cầu rải xuống nông thôn 10 vạn tờ truyền đơn kêu gọi nông dân, dưới ký tên “Những. người công nhân Pari”. Trong những tờ truyền đơn ấy, những người vô sản Pari nói rõ tính chất chung giữa lợi ích của vô sản và của nông dân. Nhưng việc xây dựng khối liên minh công nông gặp nhiều trở ngại, do sự tuyên truyền xuyên tạc của chính phủ Chie và báo chí phản cách mạng, chúng đã chia rẽ và đối lập những người lao động thành thị với những người lao động nông thôn, ví dụ chúng tung tin rằng các chiến sĩ Công xã chủ trương thủ tiêu bất cứ quyền sở hữu nào làm cho nông dân lo ngại. Mặt khác, do quân Phổ và quân Vecxai bao vây chặt Pari, nên Công xã không thể liên hệ được với các tỉnh.

Chính quyền Công xã Pari còn thể hiện rõ tính chất vô sản quốc tế. Có rất nhiều ngoại kiều tham gia vào phong trào Công xã. Công xã đã chấp nhận Phrăngken và giao cho ông trách nhiệm quan trọng trong Hội đồng Công xã. Công xã tỏ lòng tín nhiệm đưa Đômbơrốpxki đảm đương chức vụ lãnh đạo của những người bảo vệ Pari. Chính những người Pháp lãnh đạo Công xã cũng đã hiểu rằng chủ nghĩa quốc tế vô sản phải hòa một cách tự nhiên và lôgích với chủ nghĩa yêu nước. Ngay từ đầu, Công xã lấy ngọn cờ đỏ làm “cờ của nền Cộng hòa thế giới”, và lá cờ đỏ tượng trưng cho cách mạng lần đầu tiên trở thành cờ của một quốc gia. Công xã còn quyết định phá đổ cột Văngđôm không chỉ vì căm thù chế độ độc tài của Napôlêông III mà còn vì tình hữu nghị anh em giữa các dân tộc.

Mác cũng như Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Công xã Pari, trong hoạt động của mình, đã dựa vào sáng kiến vô cùng to lớn.của quần chúng nhân dân. Công xã đã thực hiện nguyên tắc dân chủ tập trung. Hội đồng Công xã đã tiếp thu những sáng kiến của quần chúng thông qua các tổ chức Công đoàn, phụ nữ, các câu lạc bộ và báo chí. Lênin nói rằng, Công xã sở dĩ thực hiện được những thành tích to lớn là “nhờ sự nhạy cảm của quần chúng đã giác ngộ một cách thiên tài”.

Công xã Paris

Những chính sách kinh tế, xã hội của Công xã

Công xã quyết định giao cho công nhân quản lý tất cả những xí nghiệp và công xưởng mà bọn chủ đã chạy trốn khỏi Pari. Ủy ban lao động do Hội đồng Công xã thành lập chăm lo việc tổ chức sản xuất và thu xếp công ăn việc làm cho những người thất nghiệp. Toàn bộ công việc của nhà máy đặt dưới quyền kiểm soát của công nhân. Công nhân hợp tác với chính quyền xây dựng kế hoạch sản xuất và nội quy trong xưởng. Đối vối những xưởng mà bọn chủ còn ở lại thì Công xã quản lý nhà máy thông qua việc kiểm soát tiền lương. Hội đồng Công xã ra sắc lệnh cấm bọn chủ không được dùng hình thức cúp phạt đối với công nhân. Mặc dầu chủ xưởng phản đối quyết liệt sắc lệnh cấm làm việc đêm trong các xưởng bánh mì ban bố ngày 20-4 vẫn được thi hành.

Công xã đề ra chế độ ngày làm 8 giờ (nhưng chưa kịp thực hiện) đồng thời ra sắc lệnh tăng lương cho công nhân, quyết định hạ lương những viên chức trước đây đã lĩnh quá nhiều. Lương bổng được sắp xếp theo năng lực chuyên môn.

Đến tháng 5, Công xã ban hành đạo luật quy định giá bánh mì, các loại thịt bò, thịt cừu. Những công dân nghèo có đồ vật đã đem cầm tại các nhà cầm đồ đều được trả lại, tiền thuê nhà được hoãn trả, công nhân rời bỏ những nhà hầm tối tăm, ẩm thấp và được đến ở tại các dinh thự của bọn quý tộc và bọn tư sản đã trốn đi Vecxai. Công xã ra sắc lệnh bảo đảm quyền công dân của phụ nữ, vạch kế hoạch xây dựng các nhà giữ trẻ và vườn trẻ cho con em công nhân.

Về văn hóa giáo dục, Công xã quyết định lập hệ thống giáo dục thống nhất thực hiện việc tách giáo dục khỏi nhà thờ, đồng thời lựa chọn giáo viên mới thay thế cho lớp cũ mà đa số là cha cố, quyết định tăng lương cho giáo viên lên gấp 2, 3 lần so với trước. Công xã ra sắc lệnh thi hành chế độ giáo dục bắt buộc và không mất tiền, cấp phát đồ dùng học tập cho học sinh các trường. Ngày 12-5 còn quyết định lập 2 trường chuyên nghiệp, trong đó 1 trường dành riêng cho nữ sinh về mĩ nghệ, ứng dụng nghệ thuật vào công nghiệp, ủy ban giáo dục được thành lập để chăm lo công tác giáo dục.

Ngày 21-5, Công xã quyết định thủ tiêu kinh doanh nghệ thuật tư nhân và giao các rạp hát cho Hội nghệ sĩ sân khấu quản lý. Nhằm phục vụ khán giả mới, các rạp hát giảm giá vé xuống rất nhiều. Những di sản nghệ thuật thời trước được quý trọng. Những viện bảo tàng của Pari được khôi phục để bảo tồn vốn cổ, đồng thời để tổ chức các cuộc triển lãm của Công xã, của quốc gia và quốc tế ở Pari. Hội liên hiệp các nghệ sĩ Pari được thành lập. Công xã tuy tồn tại rất ngắn ngủi nhưng về mặt văn học đã có nhiều tác phẩm ra đời, những nhà văn, đồng thời là chiến sĩ như Ogien, Pôchiê, Luydơ, Misen, Giuyn Valet… Đó là bước mở đầu của trào lưu văn học vô sản cách mạng trong lịch sử. Nổi bật là bài thơ Quốc tế của Ogien Pôchiê được sáng tác ngay trong những ngày khởi nghĩa, sau được phổ nhạc và trở thành bài ca đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản quốc tế.

Tất cả những biện pháp có tính chất xã hội chủ nghĩa được Công xã ban hành chính là do kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Hội đồng Công xã với các tổ chức công nhân, các tổ chức quần chúng, với quần chúng công nhân và nhân dân lao động.

Toàn bộ hoạt động trên chứng tỏ Công xã là một Nhà nước kiểu mới một nhà nước vô sản. Công xã Pari là biểu hiện đầu tiên về chuyên chính vô sản, nhưng nó là nền chuyên chính chưa đầy đủ và chưa vững chắc. Vấn đề chủ yếu là các chiến sĩ Công xã còn thiếu một đảng vô sản lãnh đạo. Tính kỷ luật, tính tổ chức của họ còn yếu. Giai cấp công nhân lại không được chuẩn bị, chưa được rèn luyện, phần đông chưa hiểu rõ ràng mục đích của cuộc đấu tranh, không có một ý niệm thật rõ rệt về nhiệm vụ của mình và những phương sách để thực hiện nhiệm vụ đó; chưa xây dựng được khối liên minh công nông. Mặt khác cũng do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ mà Công xã mắc phải một số thiếu sót trong hành động. Tuy vậy nó vẫn là kiểu mẫu đầu tiên của chính quyền vô sản.

III – Chiến đấu bảo vệ công xã Pari

Sau ngày 18 tháng 3, chính phủ Chie hầu như không có quân đội trong tay. Trốn thoát về Vecxai, Chie tập hợp lại một cách khó khăn mới được chừng 12.000 quân đã mệt mỏi, mất tinh thần, sẵn sàng đào ngũ. Chie đã lợi dụng thời gian rảnh tay không có sự tấn công của lực lượng cách mạng để chuẩn bị chiến tranh đánh lại Pari. Quân số được bổ sung bằng những viện binh của các tỉnh, vì vào cuối tháng 3, phong trào ở các tỉnh đã thất bại. Nhờ đó, quân số của Vecxai đã lên tới 65.000 người.

Các lực lượng của Pari lúc thành lập Công xã có chừng 10 vạn chiến sĩ vệ quốc quân. Sau tăng lên gần 20 vạn, nhưng trong số đó chỉ có 2 hay 3 vạn người được luyện tập. Ngoài ra phải tính đến sự đóng góp đáng kể của những ngoại kiều, có khi gồm cả một đội quân như đội quân người Bỉ, người Ý, người Ba Lan v.v… tham gia cuộc đấu tranh vũ trang của Công xã. Về phương tiện chiến đấu, Công xã có hơn 40 vạn khẩu súng trường, 1.740 khẩu đại bác, quân nhu cũng có nhiều. Nhưng sử dụng được ít, một phần do bọn phản động phá hoại, một phần không có pháo thủ nên chỉ có 320 khẩu đại bác được sử dụng. Việc cung cấp vũ khí và đạn dược thường rất chậm chạp.

Ngày 2 tháng 4, quân Vecxai bắt đầu tấn công Pari. Các chiến sĩ Công xã, nam nữ công nhân thủ đô đã chiến đấu rất dũng cảm, biểu hiện khí thế anh hùng cách mạng và sự hy sinh cao cả. Nhưng những cố gắng phản công của các chiến sĩ không tránh khỏi thất bại vì tổ chức quân sự còn yếu, chuẩn bị chưa đầy đủ, sử dụng pháo kém, kỷ luật của quân vệ quốc còn lỏng lẻo và lãnh đạo quân sự thì lại không tập trung.

Trong tháng 4 và đầu tháng 5, quân Vecxai đã chiếm được phần lớn các pháo đài ở phía tây và phía nam Pari. Từ trung tuần tháng 4, Pari bị bắn phá liên tiếp. Bọn phá hoại, gián điệp hoạt động ngay trong nội thành mà Công xã không kiên quyết tiêu diệt, không kịp thời đóng cửa các báo chí phản động. Mãi đến đầu tháng 4, Công xã mới bắt đầu bắt giữ những tên tay sai của Vecxai. Công xã thiếu cảnh giác để cho bọn gián điệp của Chie luồn vào các đoàn thể, kể cả Chi nhánh Quốc tế Pari để chúng chui vào tận Bộ tổng tham mưu. Chúng còn tổ chức việc đánh cắp bản đồ các lũy chướng ngại và các pháo đài, tổ chức việc mở cửa Pari khi quân Vecxai tiến vào. Bọn phản động phá nổ một xưởng đúc đạn và phạm nhiều tội ác khác. Công xã còn mắc sai lầm không đụng đến nhà ngân hàng Pháp là nơi còn giữ những món tiền khổng lồ để cho bọn quản lý nhà băng chuyển tiền cho Chie.

Trong khi chiến sự đang diễn ra ở Pari thì đại diện của Chie ký với Bixmác một hòa ước nhục nhã ngày 10-5-1871 tại Phrăngxoa trên sông Mainơ. Theo hòa ước đó, Pháp nhượng cho Đức vùng Andát và một phần vùng Loren, phải trả một khoản bồi thường chiến tranh là 5.000 triệu phrăng. Mặc dầu Bixmác cướp bóc nước Pháp như vậy, nhưng kẻ bại trận và kẻ thắng trận, giai cấp tư sản Pháp và bọn địa chủ Phổ, Chie và Bixmác đã câu kết với nhau để tiêu diệt cách mạng Pari. Theo sự cầu xin của Chie, Bixmác thả 10 vạn tù binh Pháp, giúp cho Chie sử dụng số tù binh ấy vào việc tấn công tiêu diệt Pari cách mạng. Sau khi ký hòa ước, Bộ chỉ huy tối cao của quân đội Phổ đã cho quân Vecxai đi qua phòng tuyến quân Phổ để tiến công công xã ở mặt bắc là nơi Công xã không để phòng. Bộ chỉ huy quân Phổ còn tham dự tích cực và có hệ thống cùng các tướng lĩnh Vecxai bàn luận tất cả các chi tiết về việc vây hãm và tấn công Pari.

Ngày 20 tháng 5 quân Vecxai bắt đầu tổng tiến công vào thành phố. Bọn tay sai của Chie hoạt động trong thành phố đã chỉ điểm cho chúng biết một khu vực không có phòng thủ của Công xã.

Ngày hôm sau, 21 tháng 5 quân Vecxai tràn vào Pari qua cửa XanhClu. Từ đó diễn ra một cuộc chiến đấu ác liệt ở các đường phố mà sử sách gọi là “Tuần lễ đẫm máu” kéo dài từ 21 đến 28- Giai cấp công nhân đã chiến đấu anh dũng, có nhiều năng lực kỳ diệu. Quân thù tiến đến đâu chiến lũy mọc đến đấy. Các chiến sĩ Công xã bảo vệ từng khu phố, từng căn nhà, từng tấc đất. Tuy lực lượng rất chênh lệch, nhưng những người anh hùng của Công xã thà hy sinh trong cuộc chiến đấu chứ không chịu khuất phục. Trên chiến lũy, Đômbrốpxki đã hy sinh oanh liệt. Đặc biệt là cuộc đề kháng ở các khu phố công nhân đã diễn ra rất quyết liệt, ở đây có gần 1 vạn nữ công nhân và trẻ em nắm chắc tay súng chiến đấu bảo vệ chính quyền, bảo vệ tự do.

Ngày 27-5, bọn Vecxai chiếm được khu công nhân Benlơvin. Gần 200 chiến sĩ Công xã rút vào cố thủ trong nghĩa địa Perơ Lasedơ. Bị vây từ 4 giờ sáng, nhưng cho đến 6 giờ chiều các chiến sĩ Công xã vẫn đánh bật mọi cuộc tấn công và khi cổng bị phá đổ thì các chiến sĩ Công xã không khuất phục, dùng gươm giáo quyết chiến với quân thù qua từng nấm mồ cho đến người cuối cùng bị tàn sát dưới bức tường của nghĩa địa, mà từ đó được gọi là “Bức thành chiến sĩ Công xã”. Để kỷ niệm sự kiện anh hùng đó, hàng năm nhân dân lao động Pari tổ chức kỷ niệm Công xã bằng cách đặt hoa tại “Bức thành chiến sĩ Công xã”.

Ngày 28 tháng 5, chiến lũy cuối cùng ở ngã tư của hai phố Rămponnô và phố Tuốcti thuộc khu vô sản lọt vào tay quân địch. Vecxai đã thắng, cuộc kháng cự của Pari bị thất bại.

IV – Nguyên nhân thất bại, bài học kinh nghiệm và ý nghĩa lịch sử của công xã Pari

Nguyên nhân thất bại của Công xã

Sáu tháng trước khi nổ ra cuộc Cách mạng ngày 18 tháng 3 và thành lập Công xã Pari, Mác đã ngăn ngừa công nhân Pháp rằng cuộc bạo động mưu toan lật đổ chính phủ lúc này sẽ là một hành động điên cuồng. Nhưng tháng 3-1871, khi thấy phong trào nhân dân có tính chất quần chúng và giai cấp vô sản nhất trí vùng dậy khởi nghĩa thì Mác theo dõi phong trào đó với thái độ hết sức chú ý của một người đang tham dự vào sự biến vĩ đại, ca ngợi công nhân Pari anh hùng, nhiệt liệt chào mừng cách mạng vô sản và coi trọng sáng kiến lịch sử của quần chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mác không thấy trước những điều kiện chủ quan và khách quan bất lợi cho cách mạng vô sàn Pháp lúc bấy giờ.

Những điều kiện bất lợi khi đó là :

– Về khách quan, chủ nghĩa tư bản đang trên đà phát triển và lực lượng đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước trên thế giới chưa trở thành mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa tư bản.

– Về chủ quan, nước Pháp chưa có đảng của giai cấp công nhân, công nhân không được chuẩn bị, thiếu rèn luyện, phần đông không có một ý niệm thật rõ rệt về nhiệm vụ của mình và về những phương sách để thực hiện những nhiệm vụ đó.

Công xã là một trang sử ghi đậm nét những hành động anh hùng rất đáng khâm phục và đã xây dựng nên một Nhà nước kiểu mới, nền chuyên chính của giai cấp vô sản. Nhưng Công xã đã phạm một số khuyết điểm có thể coi là nguyên nhân trực tiếp đưa đến thất bại.

Sau ngày 18-3, đáng lẽ hoàn thành thắng lợi ở Pari bằng một cuộc tấn công cương quyết vào Vecxai thì Công xã đã trì hoãn và để cho chính phủ Vecxai có thì giờ tập hợp được lực lượng phản công Pari. Công xã đã thiếu kiên quyết trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, đã quá “rộng lượng” đối với kẻ thù.

Công xã không kịp thời trấn áp, không xử trí bằng những phương pháp quyết liệt đối với bọn phản cách mạng, trừng trị quá chậm và không đầy đủ đối với báo chí phản động. Công xã ban hành sắc lệnh về những người bị bắt làm con tin sau khi bọn tướng tá của Vecxai đem hành hình không xét xử những chiến sĩ của Công xã, nhưng mãi đến thời kỳ “Tuần lễ đẫm máu”, Công xã mới áp dụng lệnh đó thì không kịp nữa.

Về mặt kinh tế, sai lầm của Công xã là không nhanh chóng tịch thu nhà ngân hàng của bọn tư sản ngay trong lúc Công xã đang rất cần tiền, lại để cho bọn phản động sử dụng tiền ngân hàng chống lại nhân dân.

Về mặt quân sự, Công xã chưa chú ý đến việc huấn luyện, tổ chức, trang bị cho các lực lượng vũ trang. Việc lãnh đạo quân sự không được tập trung mà lại có hai cơ quan phụ trách là Ủy ban quân sự của Công xã và ủy ban trung ương quân vệ quốc. Vì thiếu sự liên minh chặt chẽ giữa công nhân với nông dân nên lực lượng cách mạng không thể áp đảo được lực lượng phản động. Mặc dù công nhân đã có những cố gắng nhất định để xây dựng khối liên minh giữa lao động thành thị và nông thôn, nhưng Công xã đang bị bao vây, hơn nữa công nhân cũng chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc liên hệ với nông dân nên không thực hiện được sự liên minh đó.

Bài học kinh nghiệm của công xã

Công xã để lại những bài học kinh nghiệm lớn, rất quan trọng, nhất là bài học về vấn đề nhà nước của giai cấp vô sản. Qua việc phân tích nguyên nhân và khuyết điểm chủ yếu đã đưa Công xã đến thất bại, có thể rút ra những bài học lớn sau đây:

a/ Công xã Pari đã cho giai cấp công nhân thấy rõ sự cần thiết xây dựng một chính đảng tiên phong của giai cấp công nhân. Chỉ có chính đảng của giai cấp vô sản nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác, biết giáo dục và tổ chức giai cấp công nhân một cách bền bỉ và có phương pháp, mới có thể đánh giá tình hình khách quan và chủ quan một cách đúng đắn, vận dụng các hình thức đấu tranh thích hợp tiến đến thắng lợi.

b/ Kinh nghiệm của Công xã xác nhận rằng khi giai cấp vô sản đã nắm chính quyền thì không thể nào không đập tan bộ máy nhà nước cũ để xây dựng những cơ quan nhà nước mới của giai cấp vô sản.

c/ Kinh nghiệm của Công xã đã chỉ rõ giai cấp vô sản phải xây dựng nhà nước kiểu mới như thế nào. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Mác và Ăngghen đã đặt vấn đề này nhưng chưa có biện pháp giải quyết. Công xã Pari đã cho thấy rằng phải phá hủy bằng bạo lực bộ máy Nhà nước tư sản và thay vào đó một bộ máy nhà nước mới, tức là phải thay chuyên chính tư sản bằng chuyên chính vô sản, đó là kinh nghiệm căn bản nhất của Công xã Pari, là tư tưởng cơ bản của học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Mác-Lênin.

d/ Kinh nghiệm Công xã chỉ ra rằng giành được chính quyền đã là việc khó, nhưng giữ vững chính quyền lại là việc khó hơn. Muốn củng cố chính quyền, một mặt là phải hết sức mở rộng dân chủ, tăng cường mối liên hệ chặt chẽ giữa chính quyền với quảng đại quần chúng nhân dân, biết dựa vào nhân dân, nhưng mặt khác không được lơ là cảnh giác, không thể không kiên quyết trong việc trấn áp bọn phản cách mạng, không thể không quan tâm đến việc củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.

e/ Muốn giành chính quyền và muốn củng cố được chính quyền cách mạng phải không ngừng tăng cường khối liên minh công nông. Giai cấp vô sản muốn đạt được thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành chính quyền thì không thể thiếu được điều kiện liên minh công nông. Sau khi giành được chính quyền lại càng phải hết sức chú trọng tăng cường khối công nông liên minh mới có thể củng cố và giữ vững được nhà nước của mình. Kinh nghiệm thực tế của Công xã Pari đã chỉ rõ rằng chính quyền đã về tay giai cấp vô sản, song vì không thực hiện được sự liên minh công nông vững chắc nên cuối cùng bị thất bại.

Trên đây chỉ là những bài học lớn về một số vấn đề cơ bản của cách mạng. Còn có thể tìm thấy ở Công xã rất nhiều kinh nghiệm quý báu về chiến lược, sách lược; về thời cơ cách mạng, về nghệ thuật quân sự, về vũ trang đấu tranh, và nhiều vấn đề khác. Những kinh nghiệm của Công xã đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển lý luận chủ nghĩa xa hội khoa học. Do đó, Mác, Ăngghen, Lênin thường chú ý đến kinh nghiệm của Công xã Pari.

3. Ý nghĩa lịch sử của Công xã Pari

Công xã Pari là cuộc cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản. Trong cuộc cách mạng đó, mặc dù giai cấp vô sản Pháp chưa đủ thành thục, nhưng nó đã thể hiện lực lượng của mình trong việc đánh đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và chứng tỏ rằng, giai cấp vô sản là kẻ lĩnh sứ mệnh lịch sử đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản đến thắng lợi hoàn toàn.

Công xã đã sáng tạo hình thức chính quyền mới dựa trên cơ sở dân chủ vô sản và hoạt động vì lợi ích của đa số bị áp bức chống lại bọn bóc lột. Đó thực sự là một nhà nước kiểu mới, một mẫu hình của chính quyền vô sản.

Công xã Pari là biểu hiện cao độ của sự gắn bó chặt chẽ tính dân tộc,tính giai cấp và tính quốc tế của công nhân và những người lao động Pháp, được sự ủng hộ của phong trào vô sản châu Âu và nhân dân thế giới.

Xem: Quốc tế I sau khi Công xã Pari thất bại

Câu hỏi thường gặp:

Vì sao Công xã Pari là nhà nước kiểu mới?

TL: Công xã Pa-ri la nhà nước kiểu mới vì do nhân dân bầu lên thực hiện nhiều chính sách tiến bộ, phục vụ quyền lợi của nhân dân lao động, bảo đảm làm chủ của nhân dân, khác với các hình thức nhà nước trước kia là công cụ thống trị, bóc lột nhân dân.

Công xã Paris tồn tại trong bao nhiêu ngày?

TL: 72 ngày, từ 18/3/1871 đến 28/5/1871

Nguyên nhân cơ bản nhất làm cho Công xã paris bị thất bại?

TL: Giai cấp vô sản Pháp chưa có chính đảng lãnh đạo.

Bài học lớn nhất được rút ra từ Công xã paris là gì?

TL: Bài học lớn nhất được rút ra từ Công xã Pa-ri là Phải có chính Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com