Chế Độ Phong Kiến ở Pháp: Từ Phân Quyền Đến Tập Quyền

Đây là bài viết Sự phát triển của chế độ phong kiến ở Pháp từ phân quyền đến tập quyền  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Sự phát triển của chế độ phong kiến từ phân quyền đến tập quyền ở Pháp. [Phương Tây thời trung đại]

I. Quá trình thống nhất nước Pháp

Tình trạng chia cắt phong kiến từ thế kỷ IX – XI

Nước Pháp chính thức thành lập từ năm 843 sau hiệp ước Vécđoong. Dòng họ Carôlanhgiêng tiếp tục làm vua ở đây đến năm 98 Tiếp đó, triều Capêchiêng (987-1328) thay thế.

Do chính sách phân phong ruộng đất cho các bồi thần, và do Sáclơ Hói ban bố sắc lệnh Kiécxi (năm877) cho bồi thần được truyền thái ấp (Bênêphixơ) và chức tước cho con cháu nên đã dẫn đến tình trạng chia cắt nước Pháp thành nhiều tiểu quốc. Vua Pháp chỉ còn quản lý được một lãnh địa hẹp xung quanh Pari mà thôi.

Trong hoàn cảnh đó, do quan hệ hôn nhân và kế thừa, một phần lãnh thổ rộng lớn ở phía Tây chạy dài từ biển Măng sơ đến dãy Pirênê trở thành lãnh địa của vương triều Plăngtagiơnê của Anh. Vùng đất đai này rộng gấp 7 lần lãnh địa của vua Pháp .

Những nỗ lực của vua Pháp trong công cuộc thống nhất đất nước

Từ đầu thế kỷ XII, các vua Pháp như Lu-y VI, Philíp II, Lu-y IX, Philíp IV đã thi hành nhiều biện pháp để đề cao vương quyền, tiến tới thống nhất nước Pháp. Các biện pháp đó là:

a/ Mở rộng lãnh thổ:

– Lu-y VI (1108-1137) dựa vào giáo hội Thiên Chúa và thị dân để bắt các lãnh chúa trong lãnh địa của mình phải khuất phục.

– Philíp II (1180-1223) nhân khi ở Anh đang diễn ra sự tranh giành ngôi vua (Giôn giành ngôi của anh mình là Risớt “Tim sư tử”) đã đánh chiếm được phần lớn đất đai của Anh trên lãnh thổ của Pháp.

– Philíp IV (1285-1314) qua quan hệ hôn nhân sáp nhập được vương quốc Nava và bá quốc Sampanhơ.

Như vậy, đến đầu thế kỷ XIV, phần lớn đất đai ở Pháp đã thuộc quyền thống trị của vua Pháp.

b/ Cải cách các chế độ:

– Phi-líp II chia đất nước thành nhiều đơn vị hành chính rồi bổ nhiệm quan lại đến cai trị.

– Lu-y IX (1226-1270) cải cách về tư pháp, tài chính và quân sự để làm giảm thế lực của các lãnh chúa phong kiến, tăng cường quyền lực của chính phủ trung ương.

c/ Đấu tranh với tòa thánh La Mã:

– Nguyên nhân trực tiếp : Philíp IV thu thuế ruộng đất của giáo hội ở Pháp. Năm 1296, Giáo hoàng Bôniphaxơ VIII ra lệnh khai trừ giáo tịch những ai đòi các giáo sĩ phải nộp thuế.

– Philíp IV ra lệnh bắt sứ giả của Giáo hoàng đóng ở Pháp, đồng thời sai người sang Ý bắt giam Giáo hoàng. Năm 1303, Giáo hoàng Bôniphaxơ VIII phần tuổi già sức yếu, phần uất ức mà chết.

Năm 1305, Tổng giám mục Boócđô (Pháp) được cử làm Giáo hoàng hiệu là Clêmăng V. Năm 1309, Clêmăng V dời tòa thánh về Avinhông ở Đông Nam nước Pháp và đóng ở đó đến năm 1377.

d/ Triệu tập hội nghị ba cấp:

Để phê chuẩn các loại thuế mới và để tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp trong xã hội trong cuộc đấu tranh với Giáo hoàng, năm 1302, lần đầu tiên, Philíp IV triệu tập hội nghị 3 cấp:

Hội nghị 3 cấp gồm:

  • Đẳng cấp thứ nhất: Đại biểu của tầng lớp giáo sĩ.
  • Đẳng cấp thứ hai: Đại biểu của lãnh chúa phong kiến.
  • Đẳng cấp thứ ba: Đại biểu của thị dân giàu có. Mỗi lần họp hội nghị, mỗi đẳng cấp chỉ bỏ một phiếu.

Hội nghị 3 cấp chỉ là cơ quan tư vấn, nên không có quyền lập pháp.

Việc triệu tập hội nghị ba cấp toàn nước Pháp chứng tỏ nhà nước phong kiến ở Pháp đã bước vào giai đoạn quá độ từ chế độ phong kiến phân quyền tiến tới chế độ phong kiến tập quyền.

Đồng thời việc đại biểu của thị dân được tham dự hội nghị chứng tỏ thị dân đã trở thành một lực lượng quan trọng.

3. Cuộc chiến tranh trăm năm: (1337-1453)

Trong khi công cuộc thống nhất nước Pháp đang tiến triển một cách thuận lợi thì giữa Pháp và Anh xảy ra cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1337-1453, lịch sử gọi là cuộc Chiến tranh Trăm năm.

a/ Nguyên nhân:

– Nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh này là vấn đề tranh giành đất đai trên lãnh thổ nước Pháp, vì Pháp không muốn thế lực của Anh vẫn còn làm chủ một bộ phận đất đai của mình, còn Anh thì không can tâm để một vùng lãnh địa rộng lớn của mình chuyển vào tay vua Pháp.

– Nguyên nhân trực tiếp là việc tranh giành ngôi vua nước Pháp : Năm 1328, Philíp IV chết, nhánh trưởng của họ Capêchiêng chấm dứt, nhánh thứ là nhánh Valoa lên thay. Vua Anh là Et-uốt III lấy tư cách là cháu ngoại của Philíp IV đòi được kế thừa ngôi vua nước Pháp.

b/ Diễn biến của cuộc chiến tranh:

Cuộc chiến tranh khi đánh khi ngừng, có thể chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 (1337-1360)
  • Giai đoạn 2 (1369-1395)
  • Giai đoạn 3 (1415-1420).
  • Giai đoạn 4 (1422-1453).

Trong  quá  trình  ấy,  phía  Pháp  có  rất  nhiều  khó  khăn:  Ngay  trong  giai đoạn 1, ở mặt trận thì thất bại, năm 1358, ở trong nước vừa nổ ra khởi nghĩa của thị dân ở Pari do Echiên Mácxen, Hội trưởng Thương hội len dạ Pari lãnh đạo, vừa nổ ra khởi nghĩa nông dân do Guyôm Calơ lãnh đạo.

Sang giai đoạn 2, giai cấp phong kiến Pháp do mâu thuẫn với nhau đã chia thành 2 phe: phe Buốcgônhơ và phe Oóclêăng. Vì thất bại trong việc tranh giành chính quyền với phái Oóclêăng, phái Buốcgônhơ quay sang cấu kết với Anh. Do vậy đến giai đoạn 3, Anh chiếm được miền Bắc nước Pháp, trong đó bao gồm cả Pari.

Đến giai đoạn 4, quân Anh tấn công thành phố Oóclêăng để mở đường tiến xuống phía Nam. Trong hoàn cảnh đó nước Pháp đã xuất hiện một nữ anh hùng dân tộc, đó là Gian-đa. Mặc dầu Gian-đa đã chỉ huy đoàn quân giải vây cho Oóclêăng nhưng về sau bị quân Buốcgônhơ đem bán cho Anh. Gian-đa bị xử thiêu.

Cái chết của Gian-đa đã thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp. Phái Buốcgônhơ tách khỏi đồng minh với Anh.

Đến năm 1453, Chiến tranh Trăm năm kết thúc bằng thắng lợi của Pháp.

Sự hoàn thành việc thống nhất nước Pháp và việc hình thành dân tộc Pháp:

– Cuộc Chiến tranh Trăm năm để lại cho nước Pháp nhiều hậu quả nặng nề: nền kinh tế bị tàn phá, cư dân bị giảm sút khoảng 1/3, nhưng thắng lợi cuối cùng đã đẩy nhanh việc thống nhất nước Pháp, vì trở ngại chính của công cuộc thống nhất là thế lực Anh trên đất Pháp đã bị loại bỏ.

Giờ đây ở Pháp còn một số lãnh địa chưa thuộc quyền thống trị của vua Pháp, trong đó mạnh nhất là công quốc Buốcgônhơ. Năm 1447, nhân dịp Công tước xứ này là Sáclơ bị tử trận khi đi đánh Thụy Sĩ, vua Pháp là Lu-y XI (1461- 1483) đã nhập được vùng này vào bản đồ nước Pháp.

Đến năm 1491, con của Lu-y XI là Sáclơ VIII (1483-1498) thông qua quan hệ hôn nhân đã sáp nhập nốt công quốc Brơtanhơ vào nước Pháp.Việc thống nhất nước Pháp hoàn thành.

– Song song với sự thành lập nhà nước tập quyền trung ương, ở Pháp đã bắt đầu xuất hiện những tiền đề của việc hình thành dân tộc. Những tiền đề đó là: lãnh thổ chung, sinh hoạt kinh tế chung, tiếng nói chung và tâm lý chung biểu hiện ở văn hóa

Đến cuối thế kỷ XV, nước Pháp đã thống nhất (lãnh thổ chung), Pari trở thành trung tâm kinh tế của cả nước, tiếng nói vùng Pari đã phát triển thành ngôn ngữ chung, đồng thời một số tác phẩm văn học biểu hiện tình cảm và nguyện vọng chung của người Pháp cũng đã xuất hiện.

II. Quá trình phát triển của chế độ quân chủ chuyên chế

Chế độ quân chủ chuyên chế thời Phrăng xoa I:

Trong quá trình thống nhất nước Pháp Lu-y XI và Sáclơ VIII đã đặt cơ sở đầu tiên cho chế độ quân chủ chuyên chế. Đến thời Phrăng xoa I (1515-1547) chế độ quân chủ chuyên chế được xác lập hoàn toàn.

Chế độ quân chủ chuyên chế ở Tây Âu là biểu hiện của sự liên minh tạm thời giữa giai cấp quý tộc phong kiến, tầng lớp giáo sĩ và giai cấp tư sản mới ra đời.

Biểu hiện cụ thể của chế độ quân chủ chuyên chế thời Phrăng xoa I:

  • Phrăng xoa I thực tế trở thành người đứng đầu giáo hội ở Pháp: Phrăng xoa I có quyền chỉ định các giáo phẩm ở Pháp như Tổng giám mục, Giám mục, Linh mục, đồng thời nhà vua được quyền hưởng phần lớn thu nhập của giáo hội ở Pháp.
  • Phrăng xoa I tự mình nắm lấy quyền lập pháp, ý chí của nhà vua tức là pháp luật.
  • Nhà vua là người đứng đầu bộ máy nhà nước. Những viên quan cai trị các địa phương cũng do nhà vua bổ nhiệm.

Do sự lớn mạnh của quyền lực nhà vua, trong suốt thời trị vì của Phrăng xoa I, Hội nghị 3 cấp không được triệu tập một lần nào.

Cuộc chiến tranh tôn giáo

Từ năm 1562-1598, ở Pháp diễn ra một cuộc chiến tranh giữa 2 tập đoàn phong kiến đại biểu cho 2 giáo phái Cựu giáo (đạo Thiên Chúa) và Tân giáo (đạo Tin Lành). Lịch sử gọi là cuộc chiến tranh Huygơnô.

Cuộc chiến tranh này chia làm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 (1562-1572).
  • Giai đoạn 2 (1572-1576).
  • Giai đoạn 3 (1576-1598).

Trong quá trình chiến tranh, các quý tộc Tân giáo liên minh với các thành thị miền Nam lập thành một tổ chức chính trị gọi là “Liên minh Tân giáo”. Về thực chất, đó là một nhà nước cộng hòa có chính phủ, tòa án, và có một lực lương quân đội gồm 20.000 người.

Năm 1589, vương triều Valoa kết thúc, Hăngri đơ Nava thuộc họ Buốcbông, một nhánh họ gần với vua Pháp được cử lên làm vua. Triều Buốcbông (1589-1792) bắt đầu.

Hăngri đơ Nava vốn theo Tân giáo. Để tranh thủ sự ủng hộ của nhiều thế lực, năm 1593, ông đổi theo Cựu giáo. Năm 1594, ông cử hành lễ gia miện lấy hiệu là Hăngri IV.

Năm 1598, Hăngri IV ban hành sắc lệnh Năngtơ, trong đó qui định:

  • Mọi người được tự do tín ngưỡng.
  • Tín đồ Tân giáo và Cựu giáo bình đẳng trước pháp luật.
  • Những thành phố do Tân giáo kiểm soát được hưởng quyền tự trị tức là có chính quyền và quân đội của mình.

Cuộc chiến tranh tôn giáo đến đây kết thúc.

3. Sự phát triển của chế độ quân chủ chuyện chế nửa đầu thế kỷ XVII:

a/ Những chính sách của Hăngri IV:

Hăngri IV là một trong những ông vua lỗi lạc của nước Pháp. Ông đã thi hành nhiều chính sách tích cực để phát triển kinh tế và đề cao quyền lực của chính phủ trung ương.

– Hăngri IV hết sức khuyến khích sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, lại còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển công thương nghiệp. Chính dưới thời Hăngri IV, năm 1604, Công ty Đông Ấn Độ của Pháp được thành lập. Pháp còn chiếm được một số đất đai ở Canađa, trong đó có Kêbếch chiếm được năm

– Song song với những biện pháp phát triển kinh tế, Hăngri IV thi hành nhiều chính sách khôi phục chế độ quân chủ chuyên chế như khống chế giáo hội Pháp, thẳng tay trừng trị nhũng quý tộc phong kiến chống đối. Từ khi ông làm lễ gia miện năm 1594 đến khi ông chết (1610), Hội nghị ba cấp không hề được triệu tập.

Năm 1610, Hăngri IV bị một tên thích khách thuộc phe Cựu giáo ám sát trên đường phố Pari.

b/ Risơliơ và sự phát triển chế độ quân chủ chuyên chế ở Pháp :

Sau khi Hăngri IV bị giết chết, Lu-y XIII (1610-1643) mới 9 tuổi lên nối ngôi. Trước tình hình ấy nhiều quý tộc phong kiến nuôi âm mưu chống lại chính quyền trung ương và tỏ ra rất hống hách.

Trong khi đó, phe Tân giáo vẫn là một lực lượng đáng kể. Họ có địa bàn riêng, có chính quyền tự trị và có lực lượng vũ trang riêng.

Trong hoàn cảnh ấy, nước Pháp xuất hiện một nhà chính trị tài năng. Đó là Risơliơ (1585-1642). Năm 1624, Risơliơ được làm Tể tướng, đồng thời được phong làm Hồng y giáo chủ.

Risơliơ tự xác định cho mình có 3 nhiệm vụ:

  • Làm tan rã phe Tân giáo.
  • Giảm bớt sự kiêu ngạo của các quý tộc.
  • Đề cao uy danh của vua Pháp ở các nước láng giềng.

Kết quả, năm 1627, Risơliơ tự mình đem quân đi tấn công La Rôsen (Trung tâm của phe Tân giáo) bao vây thành phố này trong 15 tháng. Cuối cùng, La Rôsen phải đầu hàng. Năm 1629, Risơliơ ban bố “Sắc lệnh ân huệ” cho tín đồ Tân giáo được tự do tín ngưỡng nhưng quyền tự trị của họ bị thủ tiêu.

Risơliơ thẳng tay trừng trị những quý tộc có âm mưu chống đối chính quyền nhà vua.

Đối với bên ngoài, Risơliơ tích cực thi hành chính sách xâm chiếm thuộc địa, đã chiếm được một số cứ điểm ở châu Mỹ và châu Phi.

Như vậy, đến giữa thế kỷ XVII, nước Pháp đã trở thành một nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền và là một quốc gia hùng mạnh ở Tây Âu.

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới trung đại)

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com