Mục Tiêu Kinh Tế Vĩ Mô Cơ Bản: Hướng Dẫn Đến Sự Phồn Thịnh

Đây là bài viết Các mục tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Mục tiêu tổng quát

Thành tựu kinh tế vĩ mô của một đất nước thường được đánh giá theo 3 dấu hiệu chủ yếu: Ổn định, tăng trưởng và công bằng xã hội.

Sự ổn định kinh tế là kết quả của việc giải quyết tốt những vấn đề kinh tế cấp bách như lạm phát, suy thoái, thất nghiệp trong thời kỳ ngắn hạn. Nhược điểm lớn nhất của nền kinh tế thị trường là tự động tạo ra các chu kỳ kinh doanh, sản lượng thực tế dao động lên xuống xung quanh trục sản lượng tiềm năng, nền kinh tế luôn luôn có xu hướng không ổn định. Khi nền kinh tế ở trạng thái có mức sản lượng thực tế cao hơn mức sản lượng tiềm năng thì đi kèm theo nó là mức thất nghiệp thấp, lạm phát cao và ngược lại. Khoảng cách giữa mức sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng được gọi là chênh lệch sản lượng, độ lệch này càng lớn thì hai thái cực thất nghiệp và lạm phát cũng càng nghiêm trọng. Vì vậy, với mục tiêu ổn định là làm sao cho sản lượng được duy trì ở mức sản lượng tiềm năng để đồng thời tránh được cả lạm phát và cả thất nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế là mong muốn làm cho tốc độ tăng của sản lượng đạt được mức cao nhất mà nền kinh tế có thể thực hiện được. Một nền kinh tế phát triển ổn định chưa chắc đã có được một tốc độ tăng trưởng nhanh. Một nước có tốc độ tăng trưởng chậm thì có nguy cơ tụt hậu và nếu tăng trưởng nhanh thì có thể có khả năng đuổi kịp và vượt các nước đi trước. Vì vậy mục tiêu tăng trưởng là mục tiêu thứ hai sau mục tiêu ổn định. Vấn đề đặt ra là muốn có được tăng trưởng thì cần phải có chính sách thúc đẩy quá trình tạo vốn, tăng năng suất lao động nhằm tăng khả năng sản xuất của nền kinh tế và tăng nhanh sản lượng tiềm năng.

Công bằng trong phân phối vừa là vấn đề xã hội, vừa là vấn đề kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, hàng hóa được phân phối cho những người có nhiều tiền mua nhất, chứ không phải là theo nhu cầu lớn nhất. Như vậy, ngay cả khi một cơ chế thị trường đang là hiệu quả thì nó cũng có thể dẫn tới sự bất bình đẳng lớn. Người ta có nhiều tiền không chỉ do lao động chăm, lao động giỏi mà còn có thể do nhiều yếu tố như hưởng tài sản thừa kế, trúng xổ số… Do vậy, cần phải có chính sách phân phối lại thu nhập như sử dụng thuế lũy tiến – đánh thuế người giàu theo tỷ lệ cao hơn người nghèo, xây dựng hệ thống hỗ trợ thu nhập nhằm giúp đỡ cho người già cả, người tàn tật, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp y tế… Tức là biện pháp thu thuế sẽ lấy đi một số hàng hóa và dịch vụ của một nhóm người, thu hẹp khả năng mua sắm của họ và việc chi tiêu các khoản thuế sẽ tăng thêm việc tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của nhóm dân cư khác. Do đó, biện pháp thu thuế và chi tiêu của Chính phủ sẽ ảnh hưởng tới việc phân phối cho ai trong nền kinh tế.

Để có thể đạt được sự ổn định, tăng trưởng và công bằng, các chính sách kinh tế vĩ mô phải hướng tới các mục tiêu cụ thể sau:

Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu về sản lượng:

Sản lượng quốc gia – thường được ký hiệu là Y – là giá trị của toàn bộ sản phẩm cuối cùng mà một quốc gia có thể tạo ra trong một thời kỳ nhất định. Theo hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA), sản lượng quốc gia được biểu hiện bằng các chỉ tiêu cụ thể như GDP, GNP,…  Trong thực tế, xét tại một thời điểm nào đó thì sản lượng của một nền kinh tế có thể tăng, giảm với tốc độ nhanh hoặc chậm, tuy nhiên, nếu xét trong dài hạn thì nó thường có xu hướng tăng lên.

Mục tiêu về sản lượng của các quốc gia là đạt được sản lượng thực tế cao, tương ứng với mức sản lượng tiềm năng; tốc độ tăng trưởng cao, vững chắc và đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.

Trong đó, sản lượng tiềm năng được hiểu là mức sản lượng tối đa mà một quốc gia đạt được trong điều kiện toàn dụng nhân công và không gây ra lạm phát.

Toàn dụng nhân công có nghĩa là sử dụng hết lao động muốn đi làm, điều này có nghĩa là trong thực tế, tại mức lao động toàn dụng nhân công nền kinh tế vẫn có thất nghiệp và được gọi là thất nghiệp tự nhiên.

Tăng trưởng kinh tế là sự tăng thêm hay sự gia tăng về quy mô sản lượng thực tế của một nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). 

Trong thực tiễn, một trong những thước đo quan trọng nhất về tổng sản lượng của nền kinh tế là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Có hai loại chỉ tiêu GDP: GDP danh nghĩa được xác định theo giá thị trường, được dùng để đánh giá sự biến động về sản lượng hàng hóa và dịch vụ trong năm; trong khi đó, GDP thực tế sẽ được tính toán theo giá gốc (hay còn gọi là giá cố định, giá so sánh) để phản ánh sự thay đổi về sản lượng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế giữa các năm. Như vậy, GDP thực tế không chịu ảnh hưởng của sự biến động giá cả nên những thay đổi của GDP thực tế chỉ phản ánh sự thay đổi của sản lượng hàng hóa và dịch vụ, do đó, để đo lường tăng trưởng kinh tế, người ta thường sử dụng chỉ tiêu GDP thực tế.

Các số liệu thống kê về GDP được tính toán và công bố rộng rãi tại Việt Nam, để tham khảo các số liệu này, một trong những nguồn dữ liệu cung cấp tương đối đầy đủ, cập nhật, chính xác nhất là nguồn Tổng cục Thống kê. Hộp 1.1 dưới đây minh họa cho tốc độ tăng GDP của Việt Nam trong giai đoạn từ 2005.

Hộp 1. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2019

Trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có xu hướng được phục hồi và thúc đẩy. Nếu như tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2009 ‐ 2013 chỉ đạt 5,75%, thì trong giai đoạn 2014‐2018, tốc độ tăng trưởng bình quân đã lên tới 6,55%. Những nỗ lực tái cơ cấu kinh tế trong nhiều năm qua đã mang lại tác động tích cực về phía cung, môi trường kinh doanh trở nên thông thoáng hơn, giảm bớt các rào cản/chi phí pháp lý không cần thiết đối với hoạt động kinh doanh. Mặt khác, chất lượng tín dụng được cải thiện, dòng vốn tín dụng hướng nhiều hơn tới các lĩnh vực sản xuất và khu vực tư nhân đã kích thích tổng cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, cùng với các xu thế mới của cuộc cách mạng công nghiệp mới, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,… đã tạo ra những động lực để thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

2. Mục tiêu về việc làm:

Mục tiêu quan trọng tiếp theo liên quan đến việc tạo ra công ăn việc làm trong nền kinh tế. Phần lớn mọi người dân trong nền kinh tế đều mong muốn có khả năng tìm được việc làm ổn định, với mức thu nhập cao mà không phải tìm hoặc chờ đợi quá lâu. Như vậy, mục tiêu về việc làm sẽ đạt được nếu như nền kinh tế đạt được các tiêu chí như: Tạo được nhiều việc làm tốt; Hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp (và duy trì ở mức thất nghiệp tự nhiên); Cơ cấu việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo; Cơ cấu việc làm có sự phù hợp cả về không gian và thời gian;…

Để đo lường thất nghiệp, một trong những chỉ tiêu rất quan trọng là tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm đo lường số người thất nghiệp trong tổng số lực lượng lao động xã hội. Chi tiết về chỉ tiêu này sẽ được đề cập đến trong chương tiếp theo. Tại Việt Nam, số liệu về việc làm, thất nghiệp cũng được cung cấp tương đối đầy đủ thông qua Tổng cục Thống kê.

2.3. Mục tiêu về giá cả:

Mục tiêu tiếp theo của kinh tế học vĩ mô là duy trì giá cả ổn định trong phạm vi thị trường tự do. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả được xác định bởi quy luật cung cầu trong một mức độ cao nhất có thể, Chính phủ sẽ tránh không kiểm soát giá cả của từng mặt hàng riêng lẻ. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ kiểm soát không để mức giá chung lên xuống quá nhanh để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các hộ gia đình. Như vậy, các mục tiêu về giá cả cụ thể sẽ là: Kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả trong điều kiện thị trường tự do; Duy trì tốc độ lạm phát ổn định ở mức 2% – 5% (đây là mức lạm phát vừa phải, kích thích sản xuất); Chú ý đến vấn đề giảm phát.

Thước đo phổ biến nhất của mức giá chung là chỉ số giá tiêu dùng (viết tắt là CPI). Sự thay đổi trong mức giá chung gọi là tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ này phản ánh tốc độ tăng/giảm của mức giá chung của thời kỳ này so với thời kỳ khác.

2. Mục tiêu kinh tế đối ngoại:

Trong xu thế hội nhập, hầu hết các quốc gia đều hoạt động trong tình trạng mở cửa với thế giới, nghĩa là nền kinh tế có nhiều giao dịch với các nước khác. Từ đó, các mục tiêu về kinh tế đối ngoại mà các quốc gia hướng tới sẽ bao gồm: Ổn định tỷ giá hối đoái; Cân bằng cán cân thanh toán quốc tế và mở rộng chính sách đối ngoại trong ngoại giao với các nước trên thế giới;…

Trong đó, Tỷ giá hối đoái là giá cả tiền tệ của một đồng tiền này được tính bằng tiền tệ của một đồng tiền khác. Khi tỷ giá hối đoái không ổn định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư quốc tế, do đó, các quốc gia phải có chính sách ổn định được tỷ giá hối đoái.

Cán cân thanh toán quốc tế là báo cáo có hệ thống về tất cả các giao dịch kinh tế giữa một nước và phần còn lại của thế giới. Cán cân thanh toán quốc tế thường phản ánh theo ngoại tệ, do đó nó phản ánh toàn bộ lượng ngoại tệ đi vào và đi ra khỏi lãnh thổ một nước. Tình trạng cán cân thanh toán phản ánh kho dự trữ quốc tế của một nước, do đó, sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh khi cán cân thanh toán bị mất cân đối.

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com