Đây là bài viết Nội chiến Mỹ 1861-1865 trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:
153
I – Nước Mỹ nửa đầu thế kỷ XIX – Tiền đề của cuộc nội chiến
Công cuộc di thực bành trướng đất đai và chính sách xâm lược của Mỹ
Cách mạng tư sản Mỹ giành được thắng lợi, nước Mỹ nửa công nghiệp, nửa nông nghiệp ra đời. Miền Đông Bắc nước Mỹ chủ yếu là vùng công nghiệp phát triển, miền Nam là vùng nông nghiệp đồn điền, phía tây dãy núi Alêganit là vùng đất bao la, khoảng trời rộng lớn của dân di cư. Bằng con đường mua lại đất của Pháp, Tây Ban Nha, dồn đuổi thổ dân da đỏ, nước Mỹ đã bành trướng, lập thêm 14 bang mới. Đến giữa thế kỷ XIX, nước Mỹ đã có 30 bang, diện tích rộng 4,8 triệu kilômét vuông. Dân số Mỹ ngày càng đông, nguồn di dân từ châu Âu sang ngày càng nhiều. Họ ra đi vì sự bất đồng chính trị, vì nguồn sinh kế, cũng có nơi vì nạn đói như Alien. Cuộc cách mạng 1848-1849 ở châu Âu thất bại làm cho một số đông nhân dân thất vọng ra đi tìm cuộc sống mới. Việc phát hiện ra mỏ vàng ở Caliphoócnia năm 1848 càng kích thích làn sóng di cư mạnh mẽ của dân châu Âu tìm đường đến châu Mỹ.
Có thể bạn muốn biết:
Cùng với công cuộc bành trướng đất đai về phía tây, ngay từ những năm đầu sau cuộc cách mạng, chủ nghĩa tư bản Mỹ đã mưu toan mở rộng sự thống trị của mình ở châu Mỹ Latinh. Học thuyết Mônrô ra đời tháng 2 năm 1823 nêu khẩu hiệu “châu Mỹ là của người châu Mỹ”, thực chất là “châu Mỹ của người Bắc Mỹ”. Học thuyết đó nhằm che đậy thực chất của cuộc đấu tranh sau này chống Tây Ban Nha để giành giật thuộc địa. Chiến tranh giành Mêhicô 1846-1848 là trận mở đầu cho cuộc hành quân lớn về Trung và Nam Mỹ. Mỹ định kế hoạch sáp nhập Cu Ba vào Mỹ, đưa quân đến vùng biển Uruguay, Áchentina, có ý đồ nắm toàn bộ kinh tế ở châu Mỹ. Đồng thời từ những năm 40 của thế kỷ XIX, Mỹ đã tham gia chia phần trong cuộc chiến tranh Thuốc phiện ở Trung Quốc, ký với Mãn Thanh hiệp ước Vọng Hạ năm 1844, sau đó tham gia chiến tranh Thuốc phiện lần thứ II (1854-1860), cùng đế quốc Anh và Mãn Thanh đàn áp phong trào nông dân Thái Bình Thiên Quốc. Năm 1853, Mỹ đã phái đô đốc Peri chỉ huy 4 chiến hạm đến uy hiếp buộc Nhật Bản mở cửa. Như vậy từ giữa thế kỷ XIX nước Mỹ tư bản đã trở thành một tên đế quốc đầy tham vọng muốn chiếm nhiều đất đai.
Sự phát triển công nghiệp và phong trào công nhân
Cho đến trước cuộc nội chiến, trong gần 100 năm, kinh tế Mỹ chủ yếu phát triển theo hai con đường: con đường công thương nghiệp của miền Bắc và con đường chế độ nô lệ đồn điên ở các bang miền Nam. Sự phát triển kinh tế của hai miền đã tạo ra mâu thuẫn không tránh khỏi.
Nước Mỹ tư bản chủ nghĩa có một vùng đất rộng lớn, tài nguyên vô cùng phong phú, những tàn dư phong kiến không nặng nề như ở châu Âu. Nước Mỹ còn có nguồn lao động bổ sung do dân di cư từ nhiều nước châu Âu đến làm cho thành phần cư dân đa dạng, có kỹ thuật, cần cù lao động xây dựng cuộc sống mới. Do đó, nước Mỹ đã giành được nhiều thành tựu trong sự phát triển sản xuất.
Về công nghiệp, nước Mỹ đa được thừa hưởng rất nhiều thành tựu cách mạng kỹ thuật của châu Âu và đặc biệt là của cuộc cách mạng công nghiệp Anh.
Trong những năm đầu thế kỷ XIX, ngành công nghiệp nhẹ phát triển nhanh, đặc biệt là công nghiệp dệt. Năm 1805, công nghiệp dệt của Mỹ có
4500 suốt, đến trước cuộc chiến tranh ly khai, đạt tới 5.200.000 suốt, đứng hàng thứ 2 trong công nghiệp thế giới. Vào những năm 30-40 của thế kỷ XIX, việc sử dụng máy hơi nước trong các công xưởng cũng đã trở thành phổ biến.
Công nghiệp đường sắt bắt đầu phát triển với tốc độ rất nhanh. Nó là mạch vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa công nghiệp trên một vùng đất rộng hàng triệu cây số vuông. Năm 1850, Mỹ đã xây dựng xong 15.000 kilômét đường sắt, đứng hàng đầu thế giới, đến năm
1860 đã dài tới 49.287 kilômét. Những hệ thống đường xe lửa lớn tại miền bờ biển Đại Tây Dương, những trung tâm Niu Oóc, Penxinvania, Bantimo v.v… được nối với miền Tây rộng lớn. Việc cung cấp lương thực, nguyên liệu cho các trung tâm công nghiệp được giải quyết kịp thời nhờ sự phát triển của đường sắt. Năm 1860 đã có tới 460 đầu máy xe lửa chế tạo tại Mỹ.
Việc phát hiện ra mỏ vàng ở Caliphoócnia năm 1848 góp phần tạo sự kích thích cho nền kinh tế công nghiệp. Ngành khai mỏ, luyện kim đặc biệt phát triển. Sản xuất gang thép đã nhanh chóng tạo thế đứng vững trong các ngành công nghiệp của Mỹ. Từ năm 1850 đến năm 1860, sản lượng gang thép từ 600.000 tấn lên tới 988.000 tấn. Về than đá, năm 1860 sản xuất được 14,3 triệu tấn.
Do nguyên liệu gỗ phong phú, nhu cầu vận chuyển đường biển và đường sông rất lớn nên ngành đóng tàu phát triển rất nhanh. Từ trước cách mạng, công nghiệp đóng tàu của Mỹ đã từng cung cấp cho ngành hàng hải của chính quốc Anh. Bây giờ, công nghiệp đóng tàu trước nhu cầu mới càng phát triển nhanh chóng. Đến năm 1862, riêng tàu buôn bán trên biển của Mỹ đã đạt trọng tải 2,4 triệu tấn. Ngoài ra, việc vận tải đường sông cũng trở thành nhu cầu bức thiết giữa miền Đông và Tây nước Mỹ, giữa vùng đất giàu có ở trung tâm và vùng đất phát triển ở miền Đông. Sự phát triển công nghiệp đóng tàu chạy trên sông đặc biệt được chú ý từ đầu thế kỷ XIX. Tuyến đường sông Ôhaiô và Mitxixipi thành một mạng vận chuyển quan trọng đối với kinh tế nội địa.
Ngay từ năm 1850, giá trị sản lượng công nghiệp đã vượt quá giá trị sản lượng nông nghiệp. Năm 1860, Mỹ có 140.433 xí nghiệp với số vốn khoảng 1 tỉ đôla, giá trị sản lượng hàng năm gần 2 tỉ đôla. Sự hình thành các trung tâm công nghiệp đã bắt đầu. Niu Inglân chiếm 2/3 xí nghiệp vải và len, Penxinvania thành trung tâm luyện kim. Điều đáng chú ý là công nghiệp chế tạo máy đã trở thành một ngành công nghiệp quan trọng. Năm 1817, xuất hiện nhà máy chế tạo máy hơi nước. Đến giữa thế kỷ XIX, số nhà máy chế tạo máy móc đã tăng lên đáng kể. Sản xuất công nghiệp của Mỹ đã đứng hàng thứ 4 trên thế giới sau Anh, Pháp, Đức.
Tư bản Mỹ phát triển nhanh chóng đòi hỏi sức lao động rất lớn, chúng đã bóc lột triệt để sức lao động của cả trẻ em và phụ nữ. Năm 1820 có 1/2 số công nhân chưa đến tuổi thành niên. Ngày công thường kéo dài từ 12 giờ đến 13 giờ, tiền công rất thấp. Đối với trẻ em, tiền công chỉ bằng 1/10 người lớn. Sự tồn tại chế độ nô lệ đã làm cho bọn tư bản có đối tượng so sánh để tăng cường áp bức bóc lột công nhân, ở các trung tâm dệt, nữ công nhân phải sống trong những trại riêng bị canh giữ nghiêm ngặt. Khi những người công nhân ốm đau, già yếu họ không có tiền trả những khoản chi phí sinh hoạt liền bị nhốt vào các trại giam.
Đói khổ, thất nghiệp, chết chóc thành hiện tượng phổ biến trong đời sống công nhân Mỹ. Sự bành trướng về miền Tây, việc xây dựng đường sắt, đào kênh đã chôn vùi rất nhiều công nhân người Ailen và công nhân da đen.
Năm 1836, nạn thất nghiệp trong công nghiệp dệt lan tràn. Năm 1857, cuộc khủng hoảng kinh tế làm cho ngay cả công nhân luyện kim và công nhân các ngành chế tạo máy móc cũng thất nghiệp.
Số lượng công nhân ngày càng tăng lên nhanh chóng theo nhịp độ công nghiệp, ở Mỹ năm 1860 đã có tới 1,3 triệu công nhân. Cuộc sống đói khổ và bị áp bức bóc lột nặng nề làm cho giai cấp công nhân Mỹ sớm giác ngộ đấu tranh. Ngay từ năm 1786, công nhân in ở Philađenphi đã bãi công đòi tiền công tối thiểu hàng tuần. Năm 1799, công nhân đóng giầy bãi công chống việc giảm lương. Việc đình công đấu tranh chống chủ tư bản trở thành hiện tượng phổ biến, từ năm 1833-1837 ở Mỹ có tới 168 cuộc bãi công, đạt quy mô thành phố.
Phong trào đấu tranh của công nhân đã dẫn tới sự thành lập các công đoàn bảo vệ quyền lợi và chỉ đạo đấu tranh. Tổ chức liên minh công nhân viên toàn quốc xuất hiện năm 183 Các công đoàn, hội công nhân các ngành đường sắt, in… đều xuất hiện trong thời kỳ này.
Tháng 6-1852, tổ chức mác-xít đầu tiên “Đồng minh những người cộng sản” thành lập ở Niu Oóc. Cuốn “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của Mác-Ăngghen đã đến tay những người công nhân Mỹ. Hoạt động của phong trào công nhân Mỹ sôi nổi hẳn lên. “Hội liên hiệp công nhân Mỹ” và “Câu lạc bộ cộng sản” thành lập ở Niu Oóc (1851), Câu lạc bộ cộng sản đã tuyên bố mục đích của họ là thực hiện nước cộng hòa thế giới.
3. Sự phát triển kinh tế nông nghiệp và “con đường kiểu Mỹ”
Nước Mỹ bước vào thời kỳ phát triển với đặc trưng nông nghiệp là ở miền Bắc và Tây Bắc, nền kinh tế trại chủ nhỏ chiếm ưu thế, sản xuất phục vụ thị trường công nghiệp. Nhưng ở miền Nam, nền nông nghiệp nằm trong tay các chủ đồn điền lớn dựa trên sự bóc lột nô lệ da đen.
Từ sau cách mạng, phong trào di cư rộng lớn đã biến vùng Tây Bắc thành khu chăn nuôi cừu, lợn và sản xuất lúa mì. Từ năm 1840-1860, chỉ trong vòng 20 năm, việc sản xuất lương thực ở các bang Tây Bắc tăng gấp 3 lần. Ngành chăn nuôi do đó phát triển mạnh đặc biệt là lợn và cừu. Sicagô thành nơi tập trung nhiều lò mổ thịt lợn, ướp để xuất khẩu và là trung tâm bán lúa mì của Mỹ.
Từ năm 1820, những di dân nông nghiệp được mua những mảnh đất từ 80 acrơ đến 160 acrơ. Họ được vay vốn kinh doanh đến khi đạo luật cư trú ra đời (1862), làn sóng di dân càng lớn vì được cấp không những mảnh đất đến 160 acrơ. Người trại chủ canh tác trên mảnh đất bằng sức lao động của chính mình và gia đình, làm hàng hóa nông phẩm bán ra thị trường. Nó tạo nên con đường phát triển nông nghiệp khác với nhiều nước châu Âu, được gọi là con đường kiểu Mỹ.
Ở miền Nam, các đồn điền trồng bông phát triển nhanh. Bông trở thành loại cây trồng có lợi ích kinh tế hàng đầu ở đồn điền miền Nam. Vùng đất màu mỡ của Alabama và Mitxixipi rất thuận lợi cho nghề trồng bông. Luđiana và Tếchdát cũng chiếm vị trí quan trọng trong ngành sản xuất này. Năm 1808 sản lượng bông đạt 3.650.000 phun, đến 1860 sản lượng bông lên tới 1.920.500.000 phun.
Bên cạnh những đồn điên trồng bông là đồn điền trồng mía. Chính cơ sở này làm cho công nghiệp sản xuất đường phát triển. Năm 1744 ở Ludiana có 762 đồn điền mía, sản lượng đường năm 1860 lên tới 856 tấn. Ở Nam Carôlinna và Gioocgia lúa gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Năm 1820-1850 tăng lên 3 lần. Nghề thuốc lá có cơ sở lâu đời, đáp ứng nhu cầu xuất cảng sang các nước châu Âu. Từ 1850-1860 sản lượng thuốc lá cũng tăng gấp 2 lần. Thuốc lá Viếcginia được coi là loại hàng quý trên thị trường thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế nông nghiệp tư bản chủ nghĩa Mỹ gắn liền với kinh tế trại chủ và kinh tế đồn điền. Nó đem lại nguồn sản phẩm dồi dào và phong phú nhưng cũng phải trả giá bằng mồ hôi và xương máu của hàng vạn người thổ dân da đỏ và nô lệ da đen.
Nhưng con đường phát triển nông nghiệp kiểu tư bản Mỹ không thể dung nạp chế độ nô lệ đồn điền miền Nam và bản thân những người nô lệ ngày càng đông sẽ đấu tranh đòi giải phóng. Mâu thuẫn trên sẽ dẫn nước
Mỹ đến một cuộc nội chiến không tránh khỏi. Cuộc đấu tranh nhằm quét sạch những tàn dư của chế độ nô lệ, của phương thức sản xuất lạc hậu mở đường cho chủ nghĩa tư bản Mỹ phát triển.
Chế độ nô lệ và mâu thuẫn xã hội
Sự phát triển kinh tế đồn điền đã thúc đẩy việc buôn bán nô lệ da đen từ châu Phi sang Mỹ. Năm 1790 nô lệ da đen có 697.000 người nhưng đến năm 1861 đã lên tới 4 triệu.
Sau chiến tranh giành độc lập, Hiến pháp Mỹ đã mặc nhiên công nhận sự tồn tại của chế độ nô lệ. Đó chính là sự thỏa hiệp giữa chủ nô và tư bản hai miền Nam Bắc. Chủ nô đã đưa được đại diện của mình lên làm Tổng thống trong nhiều nhiệm kỳ và nhờ đó đã bảo vệ được chế độ nô lệ đồn điền ở miền Nam. Nhưng công nghiệp ngày càng phát triển, sự thắng thế của chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã dần mâu thuẫn với chế độ đồn điền nô lệ. Quyền lợi giữa hai tập đoàn tư bản công thương nghiệp và chủ nô miền Nam không thể điều hòa được nữa. Cuộc đấu tranh đã diễn ra trên hai vấn đề cơ bản có liên quan với nhau là việc khống chế khu đất mới xây dựng và việc nắm quyền chi phối chính phủ Liên bang. Việc cạnh tranh với các nước tư bản châu Âu đã đặt vấn đề phát triển chủ nghĩa tư bản trong công nghiệp và nông nghiệp của Mỹ một cách bức thiết.
Đến những năm 50 của thế kỷ XIX, kinh tế đồn điền ở miền Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng. Việc sản xuất bông ở Ấn Độ đã làm cho Mỹ mất độc quyền về bông trên thế giới. Trong các đồn điền, chủ nô không chịu cải tiến công cụ và cải tạo đất đai. Họ chủ yếu dựa vào việc vắt máu nô lệ để sinh lợi nhuận. Đất ngày càng bạc màu cằn cỗi, chế độ nô lệ đã ngăn trở những người di dân da trắng tự do vào miền Nam. Sự tồn tại chế độ nô lệ ảnh hưởng đến cơ sở phát triển công nghiệp, và chính bản thân chủ đất cũng ngày càng thiếu đất.
Để giải quyết vấn đề thiếu đất đai mầu mỡ, nhiều chủ nô muốn đi về hướng tây, phát triển chế độ đồn điền ở đó. Phía tây là miền đất dự trữ rộng lớn, mầu mỡ. Chủ kinh doanh miền Bắc muốn đi về phía tây để trồng ngô, lúa mì và nuôi gia súc. Họ muốn biến vùng này thành vùng hậu cần cho công nghiệp. Chủ nô muốn vào vùng đất mới với mục đích thay thế vùng đất bạc màu ở miền Nam, muốn tiếp tục phát triển chế độ nô lệ. Mâu thuẫn về hướng phát triển phía tây ngày càng gay gắt. Chủ công nghiệp miền Bắc hướng tới một nền công nghiệp tự chủ và có thể cạnh tranh. Họ muốn bảo đảm thị trường quan thuế nội địa để bảo vệ và khuyến khích nền công nghiệp trong nước. Chính lúc đó, chủ nô đóng chặt cửa thị trường miền Nam không cho hàng hóa miền Bắc vào, nhưng lại mở cửa nhập hàng hóa của Anh.
Ở miền Nam, các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên miên.
Ở Ludiana nổ ra cuộc khởi nghĩa của nô lệ năm 1741-1792, ở Viếcginia năm 179 Mùa xuân năm 1800 gần 1000 nô lệ tập trung ở Risơmen thuộc bang Viếcginia tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng dưới sự lãnh đạo của Gơrâybien. Năm 1822 có cuộc khởi nghĩa của nô lệ ở Nam Carôlinna. Năm 1831 cuộc nổi dậy do Toocne lãnh đạo. Năm 1857 một trại chủ người da trắng Giôn Brao đã lãnh đạo nô lệ đánh chiếm kho vũ khí ở Viếcginia, nhưng cuối cùng cũng bị trấn áp.
Như vậy mâu thuẫn giữa tư bản công thương nghiệp với chủ nô miền Nam ngày càng gay gắt. Những nhà tư bản miền Bắc muốn tập trung quyền lực ở trung ương để thống nhất điều khiển sự phát triển kinh tế, đòi phải đánh thuế cao các hàng công nghiệp nhập có hại cho nền sản xuất của địa phương. Trái lại những chủ đồn điền, đặc biệt những chủ kinh doanh bông muốn hạ thấp quan thuế xuất khẩu. Sự thỏa hiệp trong thời gian đầu sau cách mạng giữa tư bản công thương nghiệp và chủ nô là cần thiết, dựa trên điều kiện phát triển của kinh tế Mỹ lúc bấy giờ. Nhưng đến những năm 50-60 của thế kỷ XIX, vấn đề khai thác miền Tây và khuynh hướng phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và xã hội không cho phép chế độ nô lệ tồn tại nữa thì cuộc đấu tranh giữa hai bên trở nên gay gắt.
Cuộc di thực về phía tây vào thế kỷ XIX ngày càng mạnh mẽ. Số người dân di thực gồm đủ loại: trại chủ, công nhân thất nghiệp, dân di cư sang Mỹ sau cách mạng 1848 ở châu Âu. Những người này cần đất và cần tự do, muốn thiết lập trang trại ở miền đất phía tây. Họ chống lại chủ nô muốn chiếm đất phía tây và muốn biến họ thành nô lệ. Họ bị chèn lấn khổ sở mặc dù nhà nước bán đất rẻ. Năm 1855, nhà nước bán tới 15 triệu acrơ, nhưng bọn chủ nô đã ngăn trở việc giải quyết vấn đề ruộng đất theo hướng dân chủ. Cuộc đấu tranh chống chế độ nô lệ, chống chủ nô trở thành cuộc đấu tranh sống mái giữa hai thế lực tiến bộ và bảo thủ.
Lực lượng tham gia đấu tranh chống chế độ nô lệ không còn hạn chế trong những người nô lệ da đen vì quyền sống còn của mình, mà đã lan sang người da trắng, kể cả những người giàu có và chủ tư bản. Họ đấu tranh vì con đường phát triển của mình.
Đối với giai cấp công nhân Mỹ, họ là tầng lớp xã hội gần nhất với những người nô lệ về thân phận. Họ cũng nhận thức được rằng: Nước Mỹ nơi mà “ở đó lao động da đen bị sỉ nhục và đầy đọa, thì lao động da trắng cũng không được giải phóng.”
Chính với những lý do trên, cuộc nội chiến của nước Mỹ 1861-1865 trở thành cuộc đấu tranh nhằm giải quyết những nhu cầu của sự tiến bộ lịch sử.
II – Cuộc nội chiến Mỹ 1861-1865
Cuộc đấu tranh gay gắt – Abraham Lin côn trúng cử Tổng thống
Do sức mạnh của công nghiệp thắng lợi, ưu thế hoàn toàn thuộc về các nhà tư bản miền Bắc, điều này đã làm lay chuyển tận gốc chế độ nô lệ ở Mỹ. Giữa thế kỷ XIX, các cuộc nổi dậy của nô lệ ngày càng nhiều, việc nô lệ bỏ trốn khỏi đồn điền trở thành phổ biến. Bọn chủ nô muốn cứu vãn tình thế, đòi chính quyền các bang miền Bắc phải bắt và trao trả cho chủ nô ở miền Nam những nô lệ chạy trốn. Nắm chính quyền thông qua đảng Dân chủ chiếm đa số trong hai viện, chủ nô miền Nam khống chế quyền hành pháp, sử dụng quyền lực để duy trì quyền lợi.
Cuộc đấu tranh của hai phe ngày càng gay gắt vào năm 1850 xoay quanh việc quyết định Nêbraxka và Kandơt, một vùng đất mới được khai khẩn, sẽ theo chế độ nô lệ đồn điền hay trang trại. Các trại chủ và dân tự do đã đấu tranh kiên quyết chống lại ý muốn có tính chất bảo thủ của các chủ đồn điền. Theo thỏa thuận Mitxuri năm 1820 thì vĩ tuyến 36°30 sẽ chia đôi hai miền và cho phép hai bên tùy ý lựa chọn chế độ mình tuân thủ. Cuộc đấu tranh đã dẫn tới việc hình thành hai chính phủ địa phương, hai viện lập pháp đối lập. Lúc này, chính quyền trung ương do chủ nô khống chế đã tìm mọi cách giành thắng lợi cho chủ nô. Cuộc đấu tranh đã nổ ra gay gắt vào năm 1854 trong dịp bầu cử Hội đồng địa phương Kandớt. Các chủ nô đã dùng lực lượng vũ trang khủng bố để giành lá phiếu, các trại chủ cũng dùng vũ trang chống lại. Cuộc đấu tranh kéo dài trong 4 năm 1854-1858 dẫn tới thắng lợi của chủ nô.
Vào tháng 5 năm 1857 lại xảy ra sự kiện có tác động đến cuộc đấu tranh, đó là vụ kiện của một người da đen tên là Đret Scot. Anh ta đã sống lâu năm ở bang tự do nhưng tòa án đã quyết định Đrét Scot không có quyền khởi tố với lý do anh ta là tư hữu của chủ nô không có quyền công dân và như vậy chế độ nô lệ mặc nhiên được công nhận là chế độ phổ biến trên toàn nước Mỹ. Những trại chủ phe cộng hòa đại diện tư tưởng chống đối thấy đã đến lúc hành động quyết liệt.
Hai năm sau, tháng 10 năm 1859, một trại chủ ở Viếcginia tên là Giôn Brao đã đứng lên khởi nghĩa đòi xóa bỏ chế độ nô lệ. Quân khởi nghĩa chiếm kho vũ khí, tấn công các đồn điền, bắt các chủ nô làm con tin, đòi giải phóng nô lệ. Giôn Brao và các con định biến cuộc khởi nghĩa thành cuộc tấn công toàn diện, đánh đổ chính quyền. Nhưng lực lượng nghĩa quân ít, chính quyền Oasinhtơn đem quân đến tiêu diệt gần hết nghĩa quân, Giôn Brao bị thương nặng và bị bắt, sau đó bị xử tử. Trước khi bị hành hình, Giôn Brao đã khẳng định ý chí của mình trước cuộc đấu tranh vì giải phóng tự do. Ông nói: “Tôi tin rằng chỉ có máu mới rửa sạch được tội ác của xứ sở tội lỗi này”.
Những phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đã tác động mạnh mẽ đến hai phe. Cuộc bầu cử Tổng thống năm 1860 là sự kiện phản ánh mâu thuẫn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã phát triển đến cao độ.
Đảng Dân chủ ra đời năm 179 Trong nửa đầu thế kỷ XIX., đảng này thể hiện lợi ích của chủ đồn điền miền Nam và giai cấp tư sản ngân hàng, thương nghiệp miền Bắc. Đảng còn bao gồm cả tầng lớp tiểu tư sản thành thị và các phácmơ phản đối chính sách của đại tư sản. Đến năm 1860 Đảng Dân chủ phân hóa: bộ phận những người dân chủ miền Bắc gồm đại tư sản và chủ nô muốn củng cố nền kinh tế và địa vị của mình, họ phản đối việc duy trì chế độ nô lệ ở miền Bắc và miền Tây, bộ phận những người dân chủ miền Nam, đại diện cho lực lượng chủ đồn điền bảo thủ, phản động, họ chủ trương duy trì chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc. Trong hàng ngũ chủ nô còn có một bộ phận ôn hòa hơn, đại diện cho các chủ nô vùng biên giới và một số bang miền Nam. Cuộc đấu tranh phân hóa chính là sự phản ánh tình hình xã hội vào trong Đảng Dân chủ. Đảng bị phân chia lực lượng trong các cuộc bầu cử Tổng thống.
Đảng Cộng hòa thành lập năm 1851, bao gồm những người của Đảng tự do ruộng đất (Free soil Party) thành lập vào cuối năm 40 của thế kỷ XIX, và một số người thuộc Đảng Dân chủ tách ra. Cánh hữu của Đảng này đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản và các trại chủ miền Bắc, họ chủ trương hạn chế chế độ nô lệ. Họ tích cực trong việc khai khẩn đất phía tây, thi hành chính sách quan thuế bảo đảm quyền lợi giai cấp tư sản Mỹ. Cánh tả của Đảng này gồm những đại biểu cấp tiến tiểu tư sản, những “phácmơ” và tư sản thành thị. Chủ trương của họ là đòi giải phóng nô lệ và cấp không những vùng đất phía tây cho những người không có đất. Đảng Cộng hòa tuy không hoàn toàn nhất trí với nhau nhưng nó có sức mạnh của quần chúng và xu thế lịch sử tiến bộ do nền sản xuất quyết định. Nó đã giành được ưu thế ngay từ đầu. Lãnh tụ của phía Cộng hòa và giai cấp tư sản công nghiệp là Abraham Lincôn (Abraham Lincoln).
Abraham Lincôn (1809-1865) xuất thân từ một trại chủ nghèo ở Kentắcki. Bị bọn chủ nô ức hiếp, gia đình ông chạy sang miền Tây để sống. Thuở nhỏ ông phải lao động vất vả, nhưng nhờ có trí thông minh và lòng dũng cảm, ông đã trở thành lãnh tụ của xu hướng mới. Năm 1848, ông được bầu vào Quốc hội, đến 1860 được Đảng Cộng hòa đưa ra tranh cử Tổng thống và ông đã thắng.
Diễn biến của cuộc nội chiến
Giai cấp chủ nô mất ưu thế trong chính quyền lập tức chống đối. Ngày 20-12-1860, bang Carôlinna Nam tuyên bố tách ra khỏi Liên bang. Sau đó, tháng 2-1861 sáu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam cũng tuyên bố ly khai. Những bang ly khai đã mở đại hội ở Môngômêri (bang Alabama) quyết định thành lập chính phủ riêng và bầu đại tá Đêvít chủ nô ở miền Nam bang Mitxixipi làm Tổng thống. Về sau có thêm 4 bang nữa gia nhập Hiệp bang, thủ đô đặt ở Ríchmôn (Richmon) thuộc bang Viếcginia. Chính phủ Hiệp bang ra lệnh lập một đạo quân 10 vạn để chống lại chính phủ trung ương.
Như vậy lúc này nước Mỹ có 2 Tổng thống, 2 Chính phủ, 2 Quốc hội và 2 hệ thống quân đội đối lập. Chính phủ Hiệp bang miền Nam ra tuyên bố thừa nhận quyền chiếm hữu nô lệ, và coi nô lệ là tình trạng tự nhiên của người da đen. Cuộc chiến tranh bắt đầu và được gọi là chiến tranh ly khai. Ngày 12-4-1861, chiến tranh nổ ra ở Carôlinna Nam, rồi diễn ra ác liệt ở trên biển, dọc sông Mitxixipi, trên đất các tiểu bang miền Nam dọc Đại Tây Dương.
Những tàu chiến của phe Liên bang Bắc phong tỏa các hải cảng phía nam, không cho tàu Anh và tàu các bang miền Nam ra vào. Nhưng ban đầu lực lượng quân sự của Hiệp bang miền Nam đã giành được ưu thế. Với những tàu có tốc độ cao hơn mua của Anh, các tàu chiến của Hiệp bang đã đánh đắm khá nhiều tàu chiến của phe Liên bang miền Bắc.
Ở mặt trận trên biển, phe Liên bang bị thiệt hại nặng, nhưng ở trận tuyến dọc sông Mitxixipi lại giành được thắng lợi nhờ tài chỉ huy của tướng Gran. Quân Liên bang đã chiếm được Oócliân (1862) và thành phố Vichhớc (1863). Hai bang Tếchdát và Akandát bị cô lập.
Nhờ chiếm được lưu vực sông Mitxixipi, quân miền Bắc đã bao vây chủ lực của Hiệp bang ở phía đông.
Phía bờ biển đông, chiến tranh đã diễn ra bất lợi cho trại chủ và tư sản Liên bang. Nguyên nhân thất bại ban đầu chủ yếu là do Lincôn và phe phái không dứt khoát sử dụng những biện pháp quyết liệt. Tư sản công thương miền Bắc muốn tiến đến một giải pháp ôn hòa hơn. Nhưng quá trình phát triển của chiến tranh và xu thế đòi hỏi của quần chúng buộc giai cấp tư sản công thương nắm quyền chỉ huy quân đội Liên bang phải chấp nhận biện pháp quyết liệt.
Đầu tháng 7 năm 1863, sau trận Gentibớc, phe Liên bang giành được thắng lợi. Tình thế quân sự đã hoàn toàn có lợi cho miền Bắc. Năm 1864, Lincôn tái cử Tổng thống, tướng Gran được Lincôn bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân đội. Cuộc đấu tranh liên tiếp giành được thắng lợi, và vào mùa xuân 1865 cuộc tấn công thủ phủ Richmôn đã diễn ra quyết liệt. Tướng Sơman tấn công chiếm Gióocgia, đánh lên Xavanna dọc bờ biển đông nam cùng phối hợp với cánh quân chủ lực của Tổng tư lệnh Gran tấn công Richmôn. Ngày 3-4-1865, quân đội Liên bang chiếm Richmôn. Thủ phủ của Hiệp bang bị mất, một tuần sau, tướng Li (Lee). Tổng chỉ huy quân đội các bang miền Nam cùng với 280.000 quân đầu hàng.
Cuộc nội chiến kết thúc. Trong cuộc chiến tranh này, cả hai phe mất chừng 60 vạn quân. Quân đội phe Liên bang giành được thắng lợi cuối cùng, hy sinh tới 36 vạn người.
Chế độ nô lệ được tuyên bố hủy bỏ. Abraham Lincôn ký sắc lệnh giải phóng nô lệ. Năm 1862, Lincôn ký lệnh cấp đất ở miền Tây cho dân di cư, mỗi người được 160 acrơ (khoảng 65 ha), được canh tác trong 5 năm đầu không phải nộp thuế. Nhờ vậy, số đông người di cư, kể cả người da đen mới được giải phóng có đất để sinh sống. Nhưng cuộc đấu tranh giữa các phe phái tư sản và chủ nô vẫn còn diễn ra vô cùng quyết liệt. Chính trong lễ mừng chiến thắng 14-4-1865, Tổng thống Lincôn bị ám sát.
III – Nước Mỹ sau cuộc nội chiến
Sau thắng lợi của phe Liên bang trong cuộc nội chiến, tình hình nước Mỹ trở nên khá phức tạp. Anđriu Giônxơn thay Lincôn làm Tổng thống (1865-1869). Ông là người thuộc phái ôn hòa không muốn thi hành những biện pháp dân chủ triệt để. Nhưng việc giải phóng nô lệ đã trở thành vấn đề hiện thực. Tổng thống Lincôn từ ngày 1-1-1863 đã tuyên bố xóa bỏ vĩnh viễn chế độ nô lệ. Và trong những năm kế tiếp, tiểu bang Mitsuri và một số tiểu bang khác đã lần lượt đưa ra đạo luật giải phóng nô lệ. Tuy vậy phải đến trung tuần tháng 12 năm 1865, nghị viện mới bỏ phiếu chấp thuận việc sửa đổi điều thứ 13 trong hiến pháp như sau: “Không một chế độ nô lệ nào, không một hình thức miễn cưỡng nào, trừ khi để trừng phạt một trọng tội mà hệ thống pháp lý đúng đắn công nhận bị can đã phạm, có thể tồn tại ở Mỹ, cũng như ở bất cứ nơi nào thuộc thẩm quyền quốc gia này”.
Những người da đen bắt đầu được tham gia cơ quan lập pháp, hành chính, ở miền Nam, một vài nơi họ đã chiếm đồn điền, chia ruộng đất.
Tuy vậy, lực lượng phản động muốn duy trì chế độ phân biệt chủng tộc vẫn hoành hành. Dã man và hết sức phản động là bọn thực hiện chính sách khủng bố thông qua tổ chức “3K”.
Bản chất hành động của tổ chức này là tính kỳ thị người da đen. Những đảng viên 3K tuyên bố bảo vệ quyền “tối cao” của người da trắng. Nhiều chủ đồn điền muốn thi hành những đạo luật phi lý cấm người da đen có quyền tư hữu ruộng đất, cấm họ học hành và làm việc trí óc, cấm hội họp, cấm kết hôn với người da trắng. Họ tìm mọi cách tàn sát người da đen hết sức dã man.
Trước đòi hỏi của phong trào quần chúng, năm 1868 Quốc hội thông qua việc sửa đổi điều 14 của Hiến pháp quy định quyền bầu cử của người da đen, nhưng vẫn trừ người da đỏ, mãi đến năm 1870 Hiến pháp Mỹ mới thừa nhận quyền bầu cử của tất cả nam giới không kể màu da. Phụ nữ vẫn không có quyền bầu cử. Và trong cuộc sống bình thường, sự kỳ thị chủng tộc vẫn chế ngự đời sống xã hội ở nhiều nơi trên đất Mỹ tiến bộ, nó không giải phóng những người lao động mà là thay thế chế độ nô lệ cũ bằng chế độ nô lệ lao động làm thuê tinh vi hơn, che đậy hơn.
IV – Kết luận
Cuộc nội chiến Mỹ 1861-1865 về bản chất là cuộc cách mạng giải phóng xã hội tiếp theo cuộc chiến tranh giành độc lập. Cuộc đấu tranh nhằm mục đích chống bọn chủ nô và những khuynh hướng bảo thủ đòi duy trì và phát triển chế độ nô lệ tàn bạo. Những lực lượng tiến bộ của giai cấp tư sản công thương nghiệp miền Bắc, quần chúng nhân dân lao động và nô lệ đã tham gia cuộc đấu tranh quyết liệt này.
Trong cuộc đấu tranh tự giải phóng có tới 180.000 người da đen đứng về phía Liên bang chống lại quân đội Hiệp bang miền Nam. Trong thời gian chiến tranh đã có tới 50.000 nô lệ da đen bỏ trốn để thoát khỏi chế độ nô lệ, hoặc tham gia chiến đấu tích cực chống lại chủ nô. Những binh sĩ da đen hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng lên tới 37.000 người. Công cuộc giải phóng nô lệ đã động viên cao độ lòng dũng cảm hy sinh và năng lực của người da đen. Có nhiều người trong họ đã trở thành sĩ quan chỉ huy.
Nhiệm vụ hàng đầu của cuộc chiến tranh là xóa đi một phương thức sản xuất ngáng trở xã hội phát triển, cụ thể là phải giải phóng nô lệ. Abraham Lincôn ngay từ đầu của cuộc chiến tranh đã tập hợp lực lượng dưới khẩu hiệu “giải phóng nô lệ” và với chiến thắng của lực lượng Liên bang, hiến pháp công bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ này.
Sự giải phóng nô lệ cùng với yêu cầu ruộng đất đã được đặt ra một cách cụ thể. Những người nô lệ vừa được giải phóng được chia đất ở miền Tây. Đạo luật về phân cấp đất cho người di cư năm 1862 là giải pháp dân chủ và tiến bộ trong chính sách ruộng đất ở Mỹ.
Kết quả to lớn của cuộc nội chiến là chế độ nô lệ bị xóa bỏ, con đường phát triển tư bản kiểu Mỹ trong nông nghiệp được mở rộng, cơ sở cho sự phát triển công nghiệp được tạo nên một cách đầy hứa hẹn. Nhờ vậy, cuối thế kỷ XIX nước Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp, nhanh chóng đưa nước Mỹ lên vị trí hàng đầu của các nước tư bản trên thế giới.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com