Đây là bài viết Nước Anh (1870-1914) trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:
73
I – Sự phát triển kinh tế và sự ra đời các tổ chức lũng đoạn
Tình hình kinh tế nước Anh ba mươi năm cuối thế kỷ XIX
Trong những năm 70 của thế kỷ XIX, nước Anh còn giữ được một ưu thế đáng kể so với các nước khác về sản xuất công nghiệp. Anh xuất cảng kim loại nhiều hơn cả Đức, Mỹ và Pháp gộp lại, Nhưng cũng như các nước tư bản khác, nó lâm vào tình trạng khủng hoảng liên miên: 1878-1879, 1882-1887, 1890-1894… Những cuộc khủng hoảng đó là một trong những nguyên nhân làm cho ngôi bá chủ công nghiệp của nước Anh bị suy yếu. Mỹ và Đức dần dần vượt Anh về mặt đúc thép, sản xuất gang, tiêu thụ bông và khai thác than. Đến cuối thế kỷ XIX, nước Anh chỉ còn đứng ở hàng thứ ba trong nền sản xuất công nghiệp thế giới.
Có thể bạn muốn biết:
Như vậy, về mặt sản lượng tuyệt đối cũng như nhịp độ sản xuất, Anh đều bị sút kém so với Mỹ và Đức.
Về mặt thương nghiệp, nước Anh cũng không tránh khỏi hiện tượng giảm sút so với các nước khác. Trong 20 năm cuối thế kỷ XIX, xuất cảng của Mỹ tăng 230%, của Đức tăng 40%, thì Anh chỉ tăng 8%. Mặc dầu chính phủ Anh đã dùng mọi biện pháp (thuế quan, kích thích tinh thần dân tộc…) để hạn chế, hàng hóa của Đức vẫn chèn được hàng Anh và xâm nhập cả vào thị trường nội địa nước Anh.
Tuy nhiên, nước Anh vẫn còn giữ được ưu thế về thương mại, bảo hiểm, ngân hàng và hàng hải. Yếu tố quan trọng duy trì ưu thế đó là hệ thống thuộc địa rộng lớn. Các thuộc địa bảo đảm cho nước Anh giữ được vai trò của một “kho tàng” và một trung tâm tài chính thế giới. Số tư bản xuất khẩu sang các thuộc địa (Ấn Độ, Canada, Úc) và các vùng rộng lớn khác (Nam Mỹ, nước Mỹ và nhiều nước châu Âu) tăng lên nhanh chóng: năm 1850 là 200 triệu livrơ xtecling, 1875 là 1.100 triệu và đến 1900 lên tới gần 2 tỉ, chiếm một nửa tổng số vốn đầu tư của các nước lớn. Số vốn đầu tư đó mang lại một món lãi khổng lồ cho giai cấp tư sản Anh. Cuối thế kỷ XIX, số tiền đầu tư ở nước ngoài đã sinh lãi tới 90 triệu livrơ xtecling trong khi tiên lời do ngoại thương đem lại chỉ có 18 triệu, bằng 1 phần Nước Anh trở thành nước cho vay nặng lãi và bóc lột thuộc địa. Hậu quả tất nhiên của nó là số lớn tư bản được chuyển ra nước ngoài, vốn đầu tư ở trong nước bị giảm sút, nền công nghiệp phát triển chậm chạp. Đó là nguồn gốc của sự trì trệ trong lĩnh vực kỹ thuật, làm chậm nhịp độ sản xuất công nghiệp của nước Anh và cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng ăn bám, thối nát của chủ nghĩa tư bản Anh.
Cùng trong thời gian này, nông nghiệp Anh lâm vào tình trạng khủng hoảng không kém. Trước những năm 70, nước Anh còn tự cung cấp được 80% lương thực thì đến đầu thế kỷ XX, gần 65% phải trông vào lúa mì nhập từ các thuộc địa và các nước khác. Lúa mì nhập từ các thuộc địa rất rẻ trong khi giá lúa mì sản xuất trong nước rất cao do chế độ thuế khóa làm cho giai cấp tư sản lao vào việc buôn bán lương thực hơn là đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Dân số ở nông thôn giảm sút trong khi dân số thành thị tăng lên rõ rệt. Theo thống kê năm 1891 thì 77% cư dân ở các thành phố và chỉ có 23% sống ở nông thôn.
Nghề buôn bán lúa mì và chuyên chở nguyên liệu từ các thuộc địa làm cho ngành hàng hải phát triển. Về mặt này, nước Anh vẫn giữ được địa vị hàng đầu: 48% trọng tải trên mặt biển được chở trên những chiếc tàu mang cờ Anh.
Sự phát triển kinh tế đầu thế kỷ XX và bước chuyển sang chủ nghĩa đế quốc
Đến đầu thế kỷ XX, nước Anh vẫn giữ địa vị hàng đầu trong nền kinh tế thương nghiệp và trong những hoạt động tín dụng thế giới. Luân Đôn đóng vai trò một trung tâm tài chính và đồng bảng Anh (livrơ stecling) vẫn là đơn vị tiền tệ thông dụng trong mậu dịch quốc tế. So với hồi cuối thế kỷ XIX, tốc độ phát triển công nghiệp có nhanh hơn, đặc biệt là các ngành đóng tàu, hóa chất, điện khí. Nhưng trong cuộc cạnh tranh tư bản chủ nghĩa, độ tăng trưởng của Anh vẫn tiếp tục lạc hậu so với các nước khác, nhất là so với Mỹ và Đức. Tỉ lệ sản phẩm của công nghiệp Anh trong toàn bộ sản lượng thế giới từ năm 1900 đến 1913 giảm sút rõ rệt: than từ 29,7% xuống 21,8%, gang từ 22,1% xuống 13%, tiêu thụ bông từ 28,5% xuống 23,2%.
Nhiều công ty lũng đoạn xuất hiện trong hầu hết các ngành công nghiệp: khai thác than, dệt, thuốc lá, hóa chất, luyện kim, vận tải. Nhưng quá trình tập trung ở Anh diễn ra nhanh và mạnh mẽ, nhất là trong ngành ngân hàng.
Năm 1913, 27 nhà ngân hàng đã tập trung trong tay một số vốn bằng 85% tổng số tư bản trong nước. Có thế lực nhất là 5 nhà ngân hàng Luân Đôn chiếm 40% số tư bản của nước Anh. Những nhà ngân hàng đều có chi nhánh ở thuộc địa.
Sự phát triển của ngân hàng thúc đẩy việc xuất khẩu tư bản. Năm 1900, nước Anh đầu tư ra bên ngoài 2 tỉ livrơ xtecling thì đến năm 1913 lên gần 4 tỉ. Năm 1899, tiền lãi của số vốn xuất khẩu là 90 triệu livrơ xtecling thì đến năm 1912 lên tới 176 triệu. Thị trường đầu tư chủ yếu của nước Anh là các thuộc địa và một số nơi như Trung Quốc, Nga, các nước Mỹ la-tinh…
II – Tình hình chính trị trong thời gian 1870-1914
Chế độ hai đảng và thực chất của cuộc đấu tranh giữa hai đảng
Trong những năm giữa thế kỷ XIX, nước Anh vẫn là nước có chế độ chính trị tương đối dân chủ hơn so với các nước tư bản khác. Nghị viện đã tiến hành hai lần cải cách tuyển cử vào năm 1832 và năm 186 Tuy vậy, đông đảo công nhân chưa có quyền chính trị, quyền thống trị trong nước ở trong tay giai cấp tư sản.
Đặc điểm của chế độ chính trị ở Anh là giai cấp tư sản thực hiện quyền lực của mình thông qua chế độ hai đảng: đảng Tự do và đảng Bảo thủ. Chính quyền chỉ ở trong tay đảng này hay đảng kia mà sự khác biệt giữa hai đảng không đáng kể. Hai đảng đó nhất trí về quyền lợi cơ bản của giai cấp tư sản, về việc đàn áp phong trào quần chúng và tăng cường mở rộng thuộc địa. Những điều khác biệt giữa hai đảng chỉ thuộc vấn đề chi tiết, về biện pháp thực hiện và tranh chấp quyền lợi của bộ phận này hay bộ phận khác trong giai cấp tư sản.
Trong khoảng những năm 50-60 của thế kỷ XIX, ưu thế thuộc về đảng Tự do, đại diện lợi ích của tư sản công thương nghiệp. Nhưng từ những năm 70 trở đi, ưu thế đó chuyển sang đảng Bảo thủ, vốn là đảng đại diện cho lợi ích của bọn trùm công nghiệp nặng, quý tộc ruộng đất và tư sản ngân hàng. Vấn đề sống còn đặt ra trước mắt giai cấp tư sản Anh là tình trạng sút kém của nước Anh trên thị trường quốc tế, là sự đe dọa của các nước cạnh tranh mà chủ yếu là Đức. Đảng Tự do do Glaxtơn đứng đầu vẫn theo đuổi chính sách tự do buôn bán. Nhưng giai cấp tư sản chỉ ủng hộ chính sách này khi hàng hóa của Anh được tự do tràn lấn vào thị trường nước khác. Trong tình hình mới, phần lớn tư sản, kể cả những người đảng Tự do, ngả sang phía Bảo thủ do Đixraêli đứng đầu là đảng chủ trương bảo hộ mậu dịch bằng hàng rào quan thuế, không cho hàng nước ngoài tự do xâm nhập vào thị trường của đế quốc Anh. Đixraêli mua kênh đào Xuyê, ngăn cản Nga tăng cường ảnh hưởng ở vùng Bancăng và chiếm đảo Síp, tạo nên lợi thế cho nước Anh ở vùng Địa Trung Hải và trên đường sang châu Á.
Vấn đề Ailen gây một tác động lớn tới không khí chính trị ở Anh. Chế độ tự trị (Home rule) của Ailen được quy định trong một phạm vi rất chật hẹp, mọi quyền ngoại giao, tuyên chiến, ký hòa ước, ngoại thương, thuế khóa, quân đội, cảnh sát vẫn ở trong tay người Anh. Nhân dân Ailen chuẩn bị vũ trang chống lại chế độ thực dân Anh, giành độc lập. Cuộc chiến tranh thế giới bùng nổ (8-1914) chính phủ Anh hoãn việc thực hiện chế độ tự trị.
Sự lớn mạnh của phong trào công nhân luôn luôn là mối đe dọa đối với chính quyền tư sản. Cả hai đảng đều nhất trí trong việc ban hành những sắc luật ngăn cản đình công, bắt công nhân phải bồi thường cho chủ những thiệt hại do bãi công gây nên và khi cần thiết quân đội và cảnh sát thẳng tay đàn áp. Nhưng nước Anh có điều kiện đặc biệt là hệ thống thuộc địa rộng lớn đem lại cho giai cấp tư sản một món lợi khổng lồ. Một phần siêu lợi nhuận được dùng để mua chuộc bộ phận công nhân có kỹ thuật và biến họ thành công nhân quý tộc. Năm 1884, cuộc cải cách tuyển cử lần thứ ba được tiến hành, mở rộng quyền bầu cử cho những người ở nông thôn có nhà riêng hoặc thuê nhà với giá trên 10 đồng bảng Anh mỗi năm. Theo đó, đại đa số công nhân lớp dưới, cố nông, người đi ở và toàn thể phụ nữ đều bị gạt ra ngoài. Như vậy trải qua 3 lần cải cách tuyển cử kéo dài trong suốt 50 năm (1832-1884) chỉ có 4,5 triệu người trong số 36 triệu (12,5%) được bầu cử. Quá trình cầm quyền luân phiên giữa hai đảng Tự do và Bảo thủ về thực chất là sự tranh chấp quyền lợi giữa các nhóm tư bản. Chế độ hai đảng ở Anh là một trong những thủ đoạn thống trị của giai cấp tư sản và ngăn trở sự ra đời của một đảng công nhân độc lập.
Chính sách mở rộng thuộc địa
Đến trước những năm 70 của thế kỷ XIX, nước Anh là một quốc gia có thuộc địa rộng lớn nhất thế giới, Sau nhiều năm tiến hành chiến tranh xâm lược tàn bạo, chủ nghĩa thực dân Anh đã xây dựng được cơ sở vững chắc ở Ấn Độ, Ôxtrâylia, Canada, và nhiều nơi khác. Nhưng đến khi địa vị bá quyền công nghiệp bị giảm sút, các đế quốc trẻ đang ra sức cạnh tranh thì vấn đề thuộc địa càng có ý nghĩa cấp thiết đối với giai cấp tư sản.
Lịch sử ba mươi năm cuối thế kỷ XIX của nước Anh gắn liền với những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa. Hai đảng Tự do và Bảo thủ, trong khi luân phiên cầm quyền và tranh cãi về nhiều vấn đề khác thì lại hoàn toàn nhất trí trong vấn đề này.
Ở châu Á, thực dân Anh tăng cường bóc lột Ấn Độ, biến nơi đó thành thị trường tiêu thụ hàng hóa, cung cấp lương thực và nguyên liệu, xuất khẩu tư bản của giai cấp tư sản Anh. Nữ hoàng Victôria của nước Anh được tôn làm Nữ hoàng Ấn Độ (năm 1876). Điều đó có ý nghĩa khẳng định Ấn Độ là một bộ phận không tách rời của đế quốc Anh. Dưới ách thống trị của thực dân Anh, kinh tế Ấn Độ bị kìm hãm, đời sống quần chúng vô cùng cực khổ. Trong 10 năm (1896-1906) có 10 triệu người Ấn bị chết đói. Tuổi thọ trung bình của người Ấn Độ thời đó chỉ có 24 tuổi.
Từ năm 1819, nước Anh đã chiếm đảo Xingapo và biến nơi đó thành căn cứ hải quân ở vùng Đông Nam Á. Anh cũng đã giành được từ tay người Hà Lan bán đảo Malắcca và âm mưu chiếm toàn bộ Mã Lai. Trong những năm 70 – 80, Anh tiến hành xâm lược các vương quốc miền Tây Mã Lai và đến năm 90 thì biến Mã Lai thành thuộc địa dưới hình thức “Liên bang các vương quốc Mã Lai”. Cùng thời gian này, Anh nhiều lần tấn công Miến Điện. Cuộc chiến tranh xâm lược Miến lần thứ ba (năm 1885) đã chấm dứt nền độc lập của Miến và biến nước này thành một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh.
Năm 1878 Anh vẫn mở cuộc hành quân vào Apganixtan. Cùng năm đó, nước Anh tuyên bố đặt nền bảo hộ ở Bắc Calimantan và chiếm phần đông nam Tân Ghinê.
Từ giữa thế kỷ XIX, thực dân Anh đóng vai trò là kẻ khởi xướng công cuộc chinh phục Trung Quốc. Sau hai lần chiến tranh Thuốc phiện quân Anh đã can thiệp vào việc đàn áp Thái bình Thiên quốc, trấn áp phong trào khởi nghĩa Nghĩa hòa đoàn và tiếp tay cho bọn phản động chống lại cuộc Cách mạng Tân Hợi (năm 1911).
Một hướng xâm lược quan trọng của chủ nghĩa thực dân Anh trong thời kỳ này là châu Phi. Việc nước Anh mua cổ phần trên kênh đào Xuyê có ý nghĩa lớn đối với việc xác lập quyền làm chủ trên con đường hàng hải sang châu Ấ (trước đây, Anh đã chiếm eo biển Gibranta và đảo Manta trên Địa Trung Hải). Năm 1882, lấy cớ bảo vệ kênh Xuyê quân Anh tràn vào Ai Cập, chiếm đóng toàn bộ đất nước này.
Cuộc chiến tranh xâm lược Xuđan diễn ra rất tàn khốc. Năm 1881, nhân dân Xuđan dưới sự lãnh đạo của nhà truyền đạo Hồi giáo Môhamet Atmet tiến hành cuộc “chiến tranh thiêng liêng” chống ách thống trị thực dân Anh. Cuộc khởi nghĩa lan ra khắp cả nước. Năm 1884, nghĩa quân nổi dậy ở Khactum và năm sau tiêu diệt được lực lượng quân Anh cùng với viên toàn quyền Anh ở đó. Năm 1896, cuộc chiến tranh Xuđan tái diễn, thực dân Anh đặt được nền thống trị ở đây sau những vụ tàn sát đẫm máu.
Ở Xuđan, quân Anh chạm trán với Pháp đang đóng ở làng Phasôđa trên bờ sông Nin trắng. Trước áp lực ngoại giao hết sức kiên quyết của Anh, Pháp phải nhượng bộ và chịu rút lui.
Cùng trong những năm 80 và 90. Anh hoàn thành việc xâm chiếm Nigiêria, Xômali, Kênia, Tandania, Uganda và Dandiba.
Cuộc chiến tranh xâm lược ở Nam Phi gắn liền với tên tuổi của tên trùm thực dân Xêxin Rôđơ chủ trương lập một đường dây gồm các thuộc địa từ Nam Phi lên phía bắc đến Ai Cập, sang phía đông đến Ấn Độ và Miến Điện; đặt một đường xe lửa từ thành Cáp (mũi Hy vọng) qua thủ đô Ai Cập là Cairô đến Cancutta ở Ấn Độ (kế hoạch 3C). Rôđơ đã tiến hành đánh chiếm vùng phía bắc sông Limpôpô, thành lập Nam Rôđêdi và mở rộng sang bên kia sông Dămbơri, thành lập Bắc Rôđêdi. Rôđơ được cử làm thủ tướng thuộc địa Cáp, chỗ dựa của cuộc bành trướng của thực dân Anh ở Trung và Nam Phi.
Cho đến cuối thế kỷ XIX, hầu hết Nam Phi ở trong tay Anh. Chỉ còn hai nước cộng hòa Tơrăngxvan và Orănggiơ của người Bôơ – những di dân Hà Lan đã sống lâu đời trên vùng này – là giữ được độc lập. Hai nước đó nằm trên đường nối của kế hoạch 3C nên thực dân Anh cố tâm thanh toán. Cuộc chiến tranh Anh – Bôơ là một trong những cuộc chiến tranh đế quốc đầu tiên nhằm chia lại thế giới. Đến năm 1902 thực dân Anh làm chủ hầu hết miền Nam châu Phi.
Giai cấp tư sản Anh cũng dòm ngó châu Mỹ latinh nhưng vấp phải sức kháng cự của Mỹ. Do áp lực của Mỹ, chính phủ Anh buộc phải đưa vụ tranh chấp biên giới giữa Guyana (thuộc Anh) với Vênêxuêla (1895) ra Tòa án quốc tế xét xử. Điều đó chứng tỏ ảnh huởng của Anh ở đây chưa đáng kể.
Những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa của thực dân Anh tiến hành song song với những hoạt động bành trướng của các đế quốc khác. Cho đến năm 1900, diện tích các đất đai thuộc Anh lên tới 33 triệu km2 với số dân là 370 triệu người. Với “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn” đó. Lênin đã nêu lên rằng: Chủ nghĩa đế quốc Anh là “chủ nghĩa đế quốc thực dân”.
III – Phong trào công nhân và Xã hội chủ nghĩa
Trong những năm 50 – 60 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa nghiệp đoàn chiếm địa vị thống trị trong phong trào công nhân Anh. Nghiệp đoàn chỉ kết nạp những công nhân có kỹ thuật, được trả lương cao và do đó, chỉ bao gồm tầng lớp công nhân quý tộc. Lãnh tụ của các nghiệp đoàn hầu hết là những phần tử cơ hội chủ nghĩa, được giai cấp tư sản “ưu đãi” nên luôn luôn đứng trên lập trường tư sản, đối lập với chủ nghĩa xã hội và cách mạng xã hội, tìm cách đưa công nhân đi vào con đường cải lương, thỏa hiệp và biến họ thành cái đuôi của giai cấp tư sản.
Những cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp trong những năm 70 – 80, sự suy sụp về địa vị bá quyền công nghiệp của nước Anh làm cho đời sống quần chúng sút kém đã gây một tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Anh. Từ những năm 70 đã bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh của công nhân cơ khí, công nhân mỏ đòi ngày làm 8 giờ và của công nhân nông nghiệp. Từ trong cao trào đấu tranh này, ý thức độc lập của công nhân dần dần được nâng cao, tạo tiền đề cho việc tổ chức những nghiệp đoàn mới, có sự tham gia của đông đảo công nhân không có kỹ thuật. Phong trào nghiệp đoàn mới phát triển rất nhanh được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo quần chúng công nhân và do đó, nó tiến hành nhiều cuộc bãi công thắng lợi.
Những hoạt động của các nghiệp đoàn gặp sự phản ứng của những người “Liên minh xã hội dân chủ”, thành lập năm 1884, lấy việc đấu tranh cho đại biểu công nhân vào nghị viện là mục đích chủ yếu, diễn thuyết về cách mạng nhưng lại không có một đường lối chiến lược và sách lược nào cụ thể.
Năm 1885, từ trong Liên minh xã hội dân chủ tách ra một cánh tả “Liên minh xã hội chủ nghĩa” trong đó có Elênôva Ivơlinh (con gái của Mác) và Tôm Man, người lãnh đạo công nhân khuân vác Luân Đôn. Năm 1890, Liên minh tan rã.
Cùng năm 1884, “Hội Phabiêng” được thành lập. Những người sáng lập là nhà văn, nhà báo, nhà khoa học… thuộc giới trí thức tư sản, không có chút liên hệ với công nhân. Họ tuyên truyền chủ nghĩa xã hội tư sản, chủ trương tiến hành những cuộc cải cách như mở rộng quyền bầu cử, nhấn mạnh vai trò Nhà nước trong việc điều hòa quan hệ giữa tư bản và lao động, chữa “bệnh xã hội” bằng những bài văn đả kích, lôi kéo công nhân xa rời chủ nghĩa Mác. Do khả năng tuyên truyền, phái Phabiêng gây được một ảnh hưởng nhất định trong phong trào nghiệp đoàn và sau này trở thành bộ tham mưu tư tưởng của Công đảng Anh.
Đến năm 1893, đại hội của những đảng địa phương thành lập Đảng Công nhân độc lập (I.W.P). Những người lãnh đạo đảng có thái độ thù địch với cách mạng, không thừa nhận tư tưởng mácxit và các nguyên tắc xây dựng đảng vô sản. Trong thực tế, họ đưa đảng đi vào con đường cơ hội.
Như vậy là đến cuối thế kỷ XIX, phong trào công nhân Anh vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa cơ hội, chưa thiết lập được chính đảng cách mạng của mình.
Năm 1900, các nghiệp đoàn tổ chức hội nghị đại biểu cùng với sự tham gia của hội Phabiêng. Đảng Công nhân độc lập và Liên minh xã hội dân chủ để thành lập “ủy ban đại biểu công nhân”. Nhiệm vụ của ủy ban là đưa ra các ứng cử viên công nhân và vận động cho họ vào nghị viện.
Năm 1905, ủy ban đổi tên là Đảng lao động thường gọi là Công đảng.
Việc thành lập Công đảng đánh dấu một bước phát triển của phong trào công nhân Anh, phản ánh xu thế vươn tới một tổ chức thống nhất và độc lập của công nhân. Nhưng những người lãnh đạo Công đảng không chịu thừa nhận cương lĩnh xã hội chủ nghĩa, thu hẹp phạm vi hoạt động của công nhân trong việc bầu cử nghị viện, cố sức hòa giải những cuộc tranh chấp giữa chủ và thợ.
Năm 1911, cánh tả của đảng Công nhân độc lập và đảng Xã hội dân chủ (được đổi tên từ Liên minh xã hội dân chủ năm 1907) triệu tập một cuộc họp cánh tả, thành lập đảng Xã hội Anh. Cương lĩnh của đảng Xã hội tuyên bố nhiệm vụ lãnh đạo phong trào công nhân đi theo chủ nghĩa xã hội và chuẩn bị cho việc thành lập đảng kiểu mới. Nhưng chủ nghĩa bè phái, việc xa rời phong trào nghiệp đoàn đã hạn chế khá năng lãnh đạo của Đảng Xã hội đối với quần chúng công nhân.
IV – Nước Anh chuẩn bị chiến tranh thế giới
Sự phát triển kinh tế Anh 1870-1914 luôn luôn gặp sự cạnh tranh của các đế quốc khác, chủ yếu là Đức. Mâu thuẫn Anh-Đức ngày càng gay gắt vì việc Đức đòi chia lại thị trường thế giới, âm mưu giành giật lại thuộc địa của Anh, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của đế quốc Anh.
Sự kình địch giữa hai đế quốc biểu hiện tập trung trong cuộc chạy đua vũ trang chuẩn bị chiến tranh thế giới. Anh ra sức duy trì ưu thế trên mặt biển bằng những tàu chiến bọc sắt có trọng tải 18 ngàn tấn và đóng thêm rất nhiều tàu để thực hiện khẩu hiệu “hai tàu chống một”. Nhưng quân phiệt Đức cũng đuổi kịp, đóng những thiết giáp hạm mới có tính năng không kém.
Chính phủ Anh còn phải lo lắng đến vấn đề điều hoà quan hệ ngoại giao. Năm 1901, Anh từ bỏ việc đòi kênh đào Panama để hòa hoãn với Mỹ. Năm 1904, Anh hòa hoãn với Pháp về việc thôi không dòm ngó thuộc địa của nhau ở châu Phi. Năm 1907, Anh hòa hoãn với Nga, tạm ngừng cuộc tranh chấp ảnh hưởng ở vùng Cận đông và Iran. Mặc dầu có những sự thỏa thuận đó, chính phủ Anh khôn khéo không ký một bản thỏa hiệp chính thức nào nhằm không bó tay mình vào các điều khoản cụ thể. Tuy vậy, Anh cũng ký hiệp ước tay đôi AnhPháp và Anh-Nga, hình thành phe Hiệp ước, được sự ủng hộ của Mỹ.
Ở trong nước, giới cầm quyền Anh tuyên truyền tư tưởng sô-vanh nhằm chuẩn bị dư luận cho chiến tranh. Chính phủ bí mật tăng ngân sách quân sự (1914 tăng gấp 3 lần so với 1904), xây dựng căn cứ hải quân, chuẩn bị kho dự trữ cùng các đội quân viễn chinh. Đến những năm đầu thế kỷ XX, việc chuẩn bị chiến tranh ngày càng ráo riết. Nguy cơ của cuộc chiến tranh giữa Anh và Đức ngày càng tới gần.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com