Đây là bài viết Phong trào cách mạng 1848-1849 ở Đế quốc phong kiến Áo trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:
53
Phong trào cách mạng 1848-1849 ở Đế quốc phong kiến Áo.
Có thể bạn muốn biết:
- Chủ nghĩa Cộng sản khoa học: Từ ý tưởng đến Hiện thực
- Nước Pháp 1870-1914: Hành trình từ Chiến trường đến Công nghiệp
- Giai cấp công nhân và Các trào lưu XHCN trước Mác: Hành trình đấu tranh và sự cách mạng
- Từ Tần đến Thanh: Hành trình Lịch sử Trung Quốc thời trung đại (221 TCN – 1840)
- Cách Mạng Nêđéclan: Diễn Biến, Tầm Quan Trọng và Ý Nghĩa
Cuộc cách mạng ở Viên
Đến giữa thế kỷ XIX, đế quốc Áo vẫn ở trong tình trạng lạc hậu dưới sự thống trị của triều đại phong kiến Hapxbua. Đế quốc Áo là “nhà tù của các dân tộc” bao gồm nhiều đất đai vùng Trung Âu như một phần Đức, Bôhêm, Hunggari, miền Bắc Ý… Trong đó các dân tộc Xlavơ, Xécbi, Crôat, Ý… đều chịu sự nô dịch của phong kiến Áo. Quan hệ phong kiến thối nát đã kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Năm 1828, con đường sắt đầu tiên được xây dựng và đến 12 năm sau mới dài 144km, trung bình mỗi năm tăng có 12 km (Anh: 90km, Pháp: 42km, Phổ: 30km). Chế độ nông nô vẫn tồn tại. Bôhêm, là nơi tương đối phát triển nhất, có tới 1.300 công xưởng. Riêng ngành dệt ở Bôhêm đã có quy mô lớn bằng một phần ba toàn đế quốc, sử dụng tới 15 vạn công nhân. Chính ở đây đã từng nổ ra những cuộc đấu tranh của công nhân hồi năm 1844 nhưng đều bị thất bại.
Tin tức về cuộc cách mạng tháng Hai năm 1848 ở Pari đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh đang âm ỉ nhiều năm ở đế quốc Áo. Cuộc biểu tình cách mạng đầu tiên nổ ra ở Praha ngày 83 và tiếp theo đó, ngày 13-3, làn sóng cách mạng tràn về Viên, thành trì của chế độ quân chủ Áo. Các chiến lũy mọc trên đường phố, nhân dân bao vây cung điện nhà vua, đội quân vệ quốc tư sản được thành lập. Bộ trưởng ngoại giao Mettecnich cầm đầu chính phủ Áo bị cách chức, phải trốn ra nước ngoài.
Trước áp lực của quần chúng, nhà vua phải lập một nội các gồm các nhân vật thuộc phái tư sản tự do. Tháng 4, hiến pháp được công bố, quy định chế độ hai viện nhưng tước quyền bầu cử của công nhân. Điều đó gây ra bất mãn trong quần chúng, nhiều cuộc đấu tranh vũ trang của công nhân, thợ thủ công, sinh viên xảy ra trên đường phố suốt nửa sau tháng Giai cấp tư sản buộc phải thừa nhận quyền bầu cử của công nhân và tuyên bố phế bỏ thượng nghị viện. Nhưng chính phủ và nghị viện tư sản tự do không chịu tiếp tục giải quyết những yêu sách của quần chúng, đặc biệt là vấn đề ruộng đất.
Cuộc khởi nghĩa tháng Sáu ở Pari làm cho tình hình cách mạng ở Viên chuyển sang giai đoạn mới. Sợ hãi trước sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và phong trào cách mạng của quần chúng, chính phủ liên kết với thế lực phản động do vua Phécđinăng I cầm đầu công khai đối lập với nhân dân. Tháng 8, chính phủ công bố sắc lệnh hạ lương công nhân, gây ra nhiều vụ khiêu khích và điều quân đội đến đàn áp những cuộc biểu tình của quần chúng.
Tháng 10, chính phủ cử quân đội đi đàn áp cách mạng Hunggari. Các đơn vị quân đội chống lệnh đó, cùng nhân dân kết nghĩa anh em, kêu gọi khởi nghĩa chống chính phủ phản động. Hơn 7 vạn quân tinh nhuệ ở các nơi được điều về đàn áp cách mạng ở Viên. Cuộc chiến đấu diễn ra khắp thành phố. Công nhân, thợ thủ công, sinh viên, và các lực lượng dân chủ tự trang bị bằng những vũ khí mới chiếm được đã chống cự mãnh liệt. Đến cuối tháng, viên tướng khát máu Vindixgraet hạ lệnh bắn phá thành phố và cho quân tiến vào chiếm lĩnh trận địa. Các chiến sĩ nghĩa quân anh dũng đánh trả, bảo vệ từng ngôi nhà, từng ụ đất. Nhưng đến ngày 1-11, cuộc khởi nghĩa Viên hoàn toàn bị dập tắt.
Sau khi dập tắt được cuộc khởi nghĩa tháng 10 ở Viên, thế lực phản động tăng cường hoạt động nhằm bóp chết cách mạng. Phrăngxoa Giôdep 1 lên ngôi vua ngày 2-12-1848, công khai tuyên bố khôi phục “sự thống nhất của đế quốc Áo”, có nghĩa là đàn áp phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức. Đêm 7 tháng 3 năm 1849, chúng làm đảo chính phản cách mạng, giải tán nghị viện, tập trung quyền hành vào tay nhà vua, ban hành hiến pháp mới chỉ có lợi cho tầng lớp trên, duy trì quyền thống trị của triều đại Hapxbua đối với các dân tộc. Như vậy, cuộc cách mạng 1848 không hoàn thành được nhiệm vụ lật đổ chế độ quân chủ và giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của nhà nước Áo.
Phong trào giải phóng dân tộc ở Tiệp
Vấn đề đặt ra đối với cuộc cách mạng ở Tiệp là giải phóng các dân tộc Xlavơ khỏi ách thống trị của đế quốc Áo. Ngay từ năm 1820, ở Bôhêm đã có phong trào đòi phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng nhà trường dân tộc và muốn thống nhất tất cả các dân tộc Xlavơ.
Trong cao trào cách mạng chung của châu Âu, ngày 11 tháng 3 năm 1848, quần chúng Praha họp mít tinh đòi lập Viện lập pháp ở Tiệp, Môravi…, đòi quyền bình đẳng giữa tiếng Tiệp với tiếng Đức, đòi tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do báo chí. Những phần tử cấp tiến còn đưa ra yêu cầu thủ tiêu chế độ phong kiến. Những cuộc đấu tranh diễn ra sôi nổi tại các trung tâm công nghiệp: Praha, Môravi, Brơnô… Ở nông thôn, nông dân nổi dậy chống quý tộc địa chủ, đòi chính phủ ra sắc lệnh thủ tiêu các nghĩa vụ phong kiến.
Trước phong trào ngày càng mạnh mẽ của quần chúng, giai cấp tư sản tự do Tiệp triệu tập đại hội Xlavơ. Ngày 2-6-1848, đại hội khai mạc ở Praha bao gồm các đại biểu của người Seccơ, người Xlôvacơ, người Ba Lan, người Ucraina, người Xécbi… Chiếm ưu thế trong đại hội là quý tộc và tư sản tự do đối lập với quần chúng, thù ghét cách mạng và gắn bó với triều đại Hápxbua, chủ trương biến nước Áo thành một liên bang các dân tộc. Nhưng đại hội phải ngừng lại vì cuộc khởi nghĩa vũ trang bùng nổ tại Praha ngày 12-6. Chiến lũy mọc lên khắp đường phố. Những người dân chủ cấp tiến đóng vai trò lãnh đạo. Công nhân và sinh viên chiến đấu rất anh dũng và được sự hưởng ứng của nông dân ngoại thành. Nhưng đến ngày 17, phong trào bị dập tắt. Cuộc khởi nghĩa tháng Sáu ở Praha là đỉnh cao nhất của cách mạng 1848 ở Tiệp.
3. Phong trào giải phóng dân tộc ở Hunggari
Mùa xuân năm 1848 cao trào cách mạng châu Âu lan tràn đến Hunggari, một bộ phận nằm trong đế quốc Áo. Cuộc đấu tranh chống triều đại phong kiến Hapxbua gắn liền với những yêu cầu cải cách tư sản và những yêu sách của quần chúng lao động mặc dầu quan hệ tư bản chủ nghĩa còn phát triển yếu ớt. Ngày 15-3, cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Buđapet do công nhân, thợ thủ công, sinh viên và nông dân tiến hành dưới sự lãnh đạo của nhà thơ dân chủ cách mạng Sanđo Pêtôphi. Lực lượng cách mạng đánh lùi quân đội chính phủ, tràn vào thành phố và lập những “ủy ban an ninh xã hội”. Ngày 17, chính phủ độc lập đầu tiên của Hunggari được thành lập do Catchianni, một phần tử tự do ôn hòa đứng đầu. Đóng vai trò lãnh đạo nổi bật trong chính phủ là Laiôt Kosut. Dưới áp lực của nông dân, viện lập pháp ban hành đạo luật thủ tiêu tạp dịch và một số nghĩa vụ phong kiến bằng cách chuộc tiền. Những người dân chủ đòi hỏi thủ tiêu hoàn toàn trật tự phong kiến, chia ruộng đất cho nông dân, xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất của bọn đại địa chủ và nhà thờ. Nhà cách mạng dân chủ xuất sắc Mikhai Tantrích và nhà thơ Pêtôphi đã nói lên những yêu cầu đó trên “Tạp chí công nhân”. Những đòi hỏi cơ bản của công nhân là tăng lương, hạn chế ngày làm việc xuống 10 giờ và thủ tiêu chế độ phường hội. Ngày 17 tháng 4, một cuộc biểu tình khổng lồ được tiến hành ở Pextơ, buộc chính phủ phải nhượng bộ, ký kết với thợ nhà in bản hợp đồng tập thể đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân Hung. Ở nông thôn, nông dân nhiều nơi đấu tranh đòi tiến hành cải cách, thành lập ủy ban chia ruộng đất.
Trước những yêu cầu cách mạng của quần chúng, chính phủ Catchianni không có ý định thực sự giải quyết các vấn đề cơ bản của đất nước, không đem lại quyền bình đẳng và tự trị cho các dân tộc (Xécbi, Xlôvacơ, Ucraina, Rumani). Vì vậy, nó không được sự ủng hộ của quần chúng và đứng sang lập trường phản động của nền quân chủ Áo.
Ngoài kẻ thù bên trong là nhà thờ và bọn quý tộc, cách mạng Hunggari còn phải đối phó với kẻ thù bên ngoài là chính phủ Áo. Sau sự kiện tháng Sáu ở Pari, bọn phản cách mạng Áo chuyển sang thế tấn công. Ngày 22-9, Phecđinăng I lên tiếng kết án cách mạng Hunggari và nhân dân Hunggari, coi đó như một lời tuyên chiến, “ủy ban bảo vệ Tổ quốc” được thành lập ở Hunggari do Kôsút đứng đầu tiến hành đấu tranh chống ách thống trị của Áo. Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa tháng Mười ở Viên, chính phủ Áo lập tức tập trung mũi nhọn sang Hunggari, Đầu tháng 11848, quân Áo chiếm được Buđapet nhưng không đánh bại được phong trào. Trái lại, cách mạng Hung phát triển rất nhanh, giải phóng hầu khắp cả nước. Ngày 14-4, nước Hunggari tuyên bố độc lập và Kôsút được cử ra đứng đầu chính phủ dân tộc. Nhưng Nga hoàng đã can thiệp. Tháng 51849, 14 vạn quân Nga tràn vào Hunggari, đến cuối tháng 9 thì dập tắt cuộc cách mạng Hunggari.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com