Vị trí quan trọng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường XHCN

Đây là bài viết Vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Ngày nay không có một quốc gia nào dù là chưa công nghiệp hóa hay đã ở thời kỳ hậu công nghiệp mà không có sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế theo rất nhiều lý do khác nhau. Tất nhiên mức độ can thiệp của nhà nước là rất khác nhau và dường như không có mối tương quan trực tiếp giữa mức độ đó với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế thị trường và cơ chế thị trường không làm giảm nhẹ sự quản lý của Nhà nước. Vấn đề là phương thức quản lý của nhà nước như thế nào để vận dụng đầy đủ các quy luật về yêu cầu khách quan của bản thân nền kinh tế thị trường. Đảng ta chủ trương xây dựng “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tư tưởng cơ bản của chủ trương này là kết hợp chặt chẽ kế hoạch hóa với cơ chế thị trường thông qua sự quản lý của Nhà nước XHCN nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống của xã hội và thực hiện phân phối công bằng giữa các tầng lớp dân cư.

Một là, thông qua tác động đối với kinh tế, Nhà nước, một mặt kiểm soát và hỗ trợ sự phát triển của bản thân nền kinh tế; và mặt khác điều chỉnh cơ cấu và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Muốn vậy chúng ta phải tạo được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Quan điểm về việc xây đựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách tác động đồng thời tới cả hai mặt kinh tế và xã hội để đảm bảo một sự phát triển cân đối nhất định và bền vững của toàn bộ xã hội và các cộng đồng dân cư khác nhau. Theo quan điểm này việc đánh giá tác động của Nhà nước đối với nền kinh tế sẽ không chỉ dựa vào các chỉ tiêu tăng trưởng và hiệu quả kinh tế, mà còn dựa vào kết quả về mặt xã hội.

Hai là, cơ chế tác động của Nhà nước vào nền kinh tế với ba tư cách chủ yếu là:

* Với tư cách người lập kế hoạch, Nhà nước tác động một cách trực tiếp vào phương hướng đầu tư và phát triển kinh tế, coi thị trường như là đối tương để kế hoạch hóa cấp vĩ mô của Nhà nước. Vấn đề cốt lõi là kế hoạch hóa của Nhà nước không nhằm đi ngược lại các luật chơi của thị trường, mà tạo ra các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham khảo kế hoạch vĩ mô đó nhằm dự đoán được các xu hướng biến đổi của thị trường và hành động một cách có lợi nhất trong khuôn khổ của thể chế thị trường.

Kế hoạch hóa của nhà nước trong nền kinh tế thị trường có những tác dụng sau đây:

  • Đề ra mục tiêu và những trật tự ưu tiên rõ ràng cho các chính sách.
  • Phát hiện ra những vấn đề tồn tại cần khắc phục, những mối tương quan cần giải quyết một cách đồng bộ.
  • Định hướng hoạt động cho mọi thành viên trong xã hội, trước hết cho các doanh nghiệp.
  • Tạo những ràng buộc đối với các cơ quan chính phủ trong việc thực hiện các phương hướng đã được kế hoạch hóa.

* Với tư cách là người điều chỉnh, ngày nay ở mọi nước, nhà nước đều tác động vào cả hai lĩnh vực kinh tế và xã hội, tất nhiên với mức độ và phạm vị khác nhau.

Trong lĩnh vực kinh tế, Nhà nước tạo ra những điều kiện và môi trường chứa đựng mục tiêu mà Nhà nước muốn đạt tới, để các doanh nghiệp tự chủ hoạt động tính toán được kết quả và những tác động kinh tế – xã hội mà hoạt động của chúng mang  lại. Thị trường sẽ trở thành một hệ thống trao đổi trong đó các doanh nghiệp cạnh tranh đồng thời hợp tác với nhau nhằm thực hiện được lợi ích của chúng trong bối cảnh lợi ích chung của xã hội.

Mặt khác, Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi cũng thực hiện một số hình thức hỗ trợ cho các lĩnh vực mà Nhà nước muốn ưu tiên phát triển.

Trong lĩnh vực xã hội, vai trò điều chỉnh của nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt. Sự nhạy cảm của các nhóm xã hội có tác động mạnh mẽ tới tính lâu bền của tăng trưởng và phát triển dài hạn. Vì thế mà việc xác định vai trò đến đâu của nhà nước trong phân phối lần đầu và phân phối lại của cải xã hội sẽ chính là nội dung quyết định “Định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế nước ta.

Những mục tiêu xã hội mà nhà nước có chức năng thực hiện không thể dựa trên cơ sở của cơ chế thị trường. Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải có một hệ thống quan điểm rõ ràng trong chính sách tài chính công cộng và thực hiện nó một cách nhất quán.

* Với tư cách là người đầu tư kinh doanh, nhà nước trực tiếp tham gia vào kinh doanh trong một số lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ công cộng, đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng, nắm “các đỉnh cao chỉ huy”, khai thác các ngành mới và tạo hiệu quả lan truyền cho khu vực tư nhân.

Sự quản lý nền kinh tế thị trường của nhà nước ta có đặc điểm:

Về chính trị, có Đảng cộng sản lãnh đạo và có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân quản lý. Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước nhằm mục tiêu cao cả là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Về kinh tế, nền kinh tế thị trường có cơ cấu nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể phát triển dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Về mục tiêu, Nhà nước ta quản lý nền kinh tế thị trường là nhằm từng bước giải phóng người lao động khỏi mọi áp bức bóc lột, làm cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Còn sự quản lý kinh tế thị trường của nhà nước tư sản là nhằm mục tiêu lợi nhuận tối đa của các tập đoàn và nhà tư bản trên cơ sở bóc lột những người lao động làm thuê.

Tóm lại, do bản chất Nhà nước xã hội chủ nghĩa, có Đảng cộng sản lãnh đạo, chế độ công hữu là chủ thể, với mục tiêu mọi người đều có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc, cho nên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khác về bản chất so với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com