Lý Thuyết Logic: Khái Niệm và Đặc Điểm Của Nó

Đây là bài viết Khái niệm trong Logic học, Đặc điểm của khái niệm  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Khái niệm là gì? Đặc điểm, đặc trung của khái niệm trong Logic học.

Định nghĩa, đặc điểm của khái niệm

Trước thế giới vô vàn sự vật hiện tượng, con người nhận thấy có những sự vật hiện tượng khác nhau và có những sự vật hiện tượng giống nhau. Có lớp sự vật hiện tượng giống nhau về một số đặc điểm nào đấy – chúng cùng có một số thuộc tính – mà những sự vật hiện tượng khác không có. Qua kinh nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần con người khái quát những kinh nghiệm đó, và trong đầu hình thành nên khái niệm về mỗi một hay lớp sự vật hiện tượng đó. Như vậy, khái niệm về đối tượng nào đó là hiểu biết tương đối toàn diện và hệ thống về bản chất của đối tượng ấy, được hình thành thông qua quá trình hoạt động thực tiễn.

Mỗi đối tượng có vô số các thuộc tính. Thuộc tính của đối tượng là cái vốn có của đối tượng. Tất cả các thuộc tính, các quan hệ, đặc điểm, trạng thái đặc trưng cho đối tượng giúp ta dùng để so sánh nó với các đối tượng khác để rồi nhận thức được nó và tách nó ra khỏi tập hợp các đối tượng khác. Các thuộc tính, quan hệ, đặc trưng đó tạo thành các dấu hiệu về đối tượng trong tư duy. Ví dụ các vật thể sống được nhận biết thông qua các dấu hiệu như sinh trưởng, trao đổi chất, cảm ứng, kích thích…

Mỗi dấu hiệu khác biệt về đối tượng có một ý nghĩa quan trọng khác nhau đối với nhận thức và khoa học khác nhau. Cho nên, tuỳ theo những vấn đề khoa học khác nhau mà các dấu hiệu khác biệt được phản ánh trong khái niệm tương ứng sẽ nổi lên hàng đầu và có ý nghĩa quan trọng đối với khoa học đó.

Ví dụ: Nước có rất nhiều thuộc tính, nhưng dấu hiệu “Sôi ở 100oC”; “Chất đàn hồi” có ý nghĩa quan trọng đối với khoa học vật lý. Dấu hiệu “hợp chất mà các phân tử được tạo bởi hai nguyên tử Hyđrô và một nguyên tử Ôxy”, “không hoà tan chất béo” lại có ý nghĩa đối với hoá học. Trong công tác cứu hoả thì dấu hiệu “không duy trì sự cháy” mới là quan trọng hơn các dấu hiệu nói trên.

Logic hình thức định nghĩa khái niệm như sau: Khái niệm là một hình thức (đơn vị) tồn tại cơ bản của tư duy, là tập hợp những dấu hiệu cơ bản, khác biệt phản ánh đối tượng tồn tại ở một phẩm chất xác định.

Thuật ngữ dấu hiệu ở đây chỉ kết quả của sự phản ánh thuộc tính của sự vật. Dấu hiệu là ánh phản còn thuộc tính là đối tượng phản ánh.

Thuật ngữ dấu hiệu cơ bản là chỉ những ánh phản ghi nhận những thuộc tính có tính bản chất của đối tượng. Thuật ngữ khác biệt là chỉ thuộc tính có tính bản chất nhất.

Bản thân các khái niệm khoa học cùng các dấu hiệu trong khái niệm về đối tượng cũng được hoàn thiện dần cùng sự phát triển của khoa học và thực tiễn. Chẳng hạn khái niệm “Nguyên tử”: Nếu đầu thế kỷ 19 người ta mới chỉ biết là “thành phần nhỏ bé nhất không thể phân chia được” thì đến đầu thế kỷ 20 người ta lại biết rằng “nguyên tử bao gồm hạt điện tích dương – Prôton và hạt điện tích âm – Êlectron”, đến nay ta lại biết trong Prôton lại gồm các Nơtron và các hạt không tích điện khác.

Đặc trưng của khái niệm

Khái niệm là một đơn vị tồn tại và hoạt động cơ bản của tư duy. Nó có những đặc trưng cơ bản sau đây:

Một là: Nội dung hiểu biết trong khái niệm phải là tương đối toàn diện về đối tượng, tức là nó phản ánh được nhiều chiều, nhiều khía cạnh khác nhau về đối tượng. Những hiểu biết này khắc phục được tính phiến diện, một chiều khi phản ánh về đối tượng, tránh được kiểu “thày bói xem voi”.

Hai là: Sự hiểu biết trong khái niệm phải hiểu biết có hệ thống về đối tượng, những hiểu biết này phải được tổ chức lại, liên kết lại thành một chỉnh thể, có liên hệ chặt chẽ chi phối nhau cả về mặt nội dung phản ánh lẫn mặt cơ cấu logic của nội dung phản ánh ấy.

Ba là: Những hiểu biết trong khái niệm phải là những hiểu biết về cái chung, cái tất yếu, cái cơ bản của đối tượng, khái niệm không dung chứa những hiểu biết có tính ngẫu nhiên, có tính bề ngoài và không tất yếu về đối tượng.

Bốn là: Khái niệm phải được cấu thành từ những hiểu biết chắc chắn của ta về đối tượng, tức là những hiểu biết đã được sàng lọc, có tính ổn định, lý giải được nội dung phản ánh và chứng minh được tính chân thực hay giả dối của nội dung đó.

Năm là: Những hiểu biết do khái niệm mang lại phải chỉ đạo được hoạt động thực tiễn của con người trong quan hệ với đối tượng mà khái niệm đó phản ánh

Xem thêm: Các loại khái niệm trong logic học

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com