Sự Khác Biệt Giữa Người Quản Lý và Người Lãnh Đạo: Hiểu Rõ Vai Trò Khác Nhau

Đây là bài viết Sự khác biệt giữa người quản lý và người lãnh đạo  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Theo John Kotter, về mặt hành vi, người lãnh đạo và người quản lí có những điểm khác nhau cơ bản sau:

– Thứ nhất:

+ Người lãnh đạo là người ra quyết định

+ Người quản lí là người lập kế hoạch, xác định ngân sách.

– Thứ hai:

+ Người lãnh đạo là người sắp xếp nhân sự trong tổ chức.

+ Người quản lí là người tổ chức, hiện thực hóa quyết định nhân sự của người lãnh đạo (đưa các thành viên vào các vị trí của họ).

– Thứ ba:

+ Người lãnh đạo là người thúc đẩy, tạo cảm hứng cho những người dưới quyền.

+ Người quản lí là người kiểm tra, giải quyết các vấn đề.

Chúng tôi cho rằng: Điểm chung lớn nhất của hai khái niệm này ở chỗ những người quản lí và người lãnh đạo đều là những người tổ chức hoạt động của tập thể để thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Họ đều là những người có ảnh hưởng đến những người thừa hành của tổ chức. Do vậy, người quản lí và người lãnh đạo có một số chức năng chung nhau. Chẳng hạn như các chức năng: kiểm tra, giám sát, thông tin…

Sự khác nhau giữa người quản lí và lãnh đạo thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, về số lượng. Trong một tổ chức số lượng người quản lí thường nhiều hơn những người lãnh đạo. Chẳng hạn, trong một công ti, những người quản lí gồm từ ban giám đốc, các cấp quản lí trung gian đến kế toán, văn thư, thư kí, các nhân viên kĩ thuật, các chuyên viên… Trong khi đó chỉ có một số người quản lí là những người lãnh đạo – Những người có phạm vi ảnh hưởng nhiều hơn đến những người khác như giám đốc, phó giám đốc, các trưởng, phó phòng, quản đốc, phó quản đốc phân xưởng… Như vậy, những người lãnh đạo đều là những người quản lí, nhưng không phải tất cả những người quản lí đều là người lãnh đạo.

Thứ hai, về vị thế và vai trò. Những người lãnh đạo là những người có vai trò quan trọng nhất, có vị thế cao và có phạm vi ảnh hưởng lớn trong tổ chức. Chẳng hạn, trong một công ti những người lãnh đạo là những người trong ban giám đốc, trưởng các phòng, ban, phân xưởng.

Có thể nói những người quản lí và lãnh đạo là hai hình vuông đồng tâm. Hình vuông lớn ở ngoài là những người quản lí.

Hình vuông nhỏ bên trong là những người lãnh đạo. Đồng tâm của hai hình vuông này thể hiện họ cùng chung mục đích và đều là những người tổ chức hoạt động của tập thể.

Sơ đồ 1: Mối quan hệ giữa người quản lí và người lãnh đạo

Với sơ đồ 1 ta thấy, trong một tổ chức những người lãnh đạo tất yếu đều là những người quản lí, song nhiều người quản lí không phải là người lãnh đạo, mà chỉ có một số trong số họ mà thôi – đó là những người quản lí có quyền lực chính thức và sự ảnh hưởng lớn nhất trong tổ chức. Mặt khác, trong một tổ chức, số lượng những người quản lí bao giờ cũng lớn hơn số lượng những người lãnh đạo.

Theo: PGS. TS. Vũ Dũng, Giáo trình tâm lý học quản lý

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com