Tư bản đầu thế kỷ XIX: Hình thành và Sự lan tràn mạnh mẽ

Đây là bài viết Sự pháp triển của chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XIX  trong chuyên mục kiến thức của tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com. Mời bạn đón đọc phía dưới:

Sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa

Trong khi phong trào cách mạng tư sản không ngừng tiếp diễn thì kinh tế tư bản chủ nghĩa đã có những bước tiến quan trọng. Nước Anh vẫn chiếm địa vị hàng đầu trong nền kinh tế thế giới. Từ năm 1830, tốc độ phát triển công nghiệp ngày càng tăng, việc sử dụng máy móc vào sản xuất ngày càng nhiều. Ngành luyện kim và cơ khí phát triển rất nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu trang bị kỹ thuật toàn bộ nền công nghiệp. Đồng thời, đường sắt tăng lên nhanh chóng: năm 1830 đường xe lửa đầu tiên nối liền Mantretxtơ và Livơpun được khánh thành và đến năm 1850, nước Anh đã có tới 10 ngàn km. Điều đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong nước và tăng cường mối liên hệ kinh tế giữa các trung tâm công nghiệp. Tuy nhiên, ngay trong thời kỳ phát triển, nền công thương nghiệp nước Anh cũng không tránh khỏi khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng kinh tế lớn đầu tiên nổ ra vào năm 1825 và tiếp đó theo chu kỳ 10 năm, những cuộc khủng hoảng khác đã xảy ra vào năm 1837 và 1847, gây ảnh hưởng tai hại tới tình hình kinh tế chung của các nước châu Âu.

Nước Pháp đứng hàng thứ hai trong nền kinh tế thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp đang trên đà phát triển. Số lượng máy hơi nước được sử dụng tăng lên nhanh chóng: năm 1820 – 65 cái, 1830 – 616 cái, 1848 4853 cái. Sản lượng các ngành công nghiệp nặng cũng tiến bộ rõ rệt: than năm 1832 là 225 nghìn tấn, đến 1846 lên 586 nghìn tấn; sắt và thép năm 1832 là 148 nghìn tấn và đến 1846 lên 373 nghìn tấn. Việc xây dựng đường sắt được đẩy mạnh: từ năm 1831-1841 dài 38 – 573 km, đến năm 1845-1847 dài 880 – 1832 km. Những tiến bộ đó làm cho trên toàn lục địa châu Âu, công nghiệp Pháp là nền công nghiệp phát đạt hơn hết. Nhưng tốc độ phát triển còn chậm chạp, quy mô còn nhỏ bé vì sự tồn tại phổ biến của chế độ tiểu nông làm cho thị trường trong nước bị thu hẹp, nguồn công nhân hạn chế, nguyên liệu ít ỏi. Sự thống trị của chính quyền Luy Philip cũng là một trở ngại lớn vì bọn quý tộc tài chính chỉ chăm lo làm giàu bằng con đường biển lận, và cho vay chứ không phải bằng cách phát triển sản xuất. Nước Pháp, theo quy luật của chủ nghĩa tư bản cũng không tránh khỏi nạn khủng hoảng kinh tế và nhất là vụ khủng hoảng năm 1847 đã gây nhiều tác hại nặng nề.

Nước Mỹ đã tiến hành xong cuộc chiến tranh giành độc lập từ giữa thế kỷ XVIII nên có những điều kiện thuận lợi cho sự phát, triển kinh tế tư bản. Đặc điểm của Mỹ là có sự khác biệt giữa ba vùng kinh tế. Ở miền Nam, chế độ đồn điền dựa trên sức lao động nô lệ da đen được áp dụng rộng rãi. Ở miền Đông Bắc, chủ nghĩa tư bản hầu như không gặp một trở ngại nào nên phát triển nhanh chóng. Còn ở miền Tây thì kinh tế trại chủ chiếm địa vị chủ yếu. Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu tiến hành đầu thế kỷ XIX từ ngành dệt rồi lan sang các ngành luyện kim, công nghiệp nặng và đường sắt. Trong khoảng 1830-1837, lượng gang tăng 51%, than tăng 266%. Trong khoảng 1830-1850, chiều dài đường sắt tăng từ 23 dặm đến 9.000 dặm. Tuy nhiên trong những năm 30 – 50 thế kỷ XIX, Mỹ vẫn là một nước nông nghiệp, là thị trường cung cấp nguyên liệu cây công nghiệp cho châu Âu, chủ yếu là cho Anh. Trong một thời gian dài, nền kinh tế Mỹ vẫn đóng vai trò “thuộc địa của châu Âu”. Nguồn gốc chủ yếu của tình trạng đó là sự tồn tại của chế độ nô lệ trong các đồn điền ở miền Nam. Bọn chủ nô chiếm ưu thế trong chính quyền ít quan tâm đến sự phát triển của chủ nghĩa tư bản mà lại gắn liền việc sản xuất với thị trường nước Anh để bán bông và các nông sản khác. Sau cuộc khủng hoảng chu kỳ đầu tiên 1837-1842, công nghiệp Mỹ mới phát triển mạnh mẽ. Việc phát hiện ra mỏ vàng ở Caliphoócnia càng thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa ở đó.

Trong nhiều nước khác ở châu Âu, tuy chưa tiến hành cách mạng tư sản, nhưng nhân tố tư bản chủ nghĩa cũng đã nảy nở trong nền kinh tế mỗi nước. Mặc dầu quan hệ phong kiến còn chiếm địa vị thống trị, nước Đức cũng đã có một số chuyển biến nhất định tuy còn chậm chạp so với các nước trên. Quan hệ tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ nhất ở vùng sông Ranh và Vétxphalen vì ở đó, nhân dân được giải phóng một phần nào khỏi chế độ phong kiến (do ảnh hưởng của cách mạng tư sản Pháp) và có nhiều nguyên liệu hơn cả Beclin, thủ đô của Phổ. Nó trở thành một trung tâm công thương nghiệp của nước Đức, tập trung 1/3 sản xuất cơ khí ,và vải hoa của cả nước. Tuy nhiên, đến cuối những năm 40, hình thức công nghiệp phổ biến vẫn là công trường thủ công, các công xưởng lớn còn hiếm hoi. Sự tiến bộ kỹ thuật thể hiện rõ rệt trong ngành vận tải, tầu thủy chạy bằng hơi nước xuất hiện từ năm 1824 ở sông Ranh và con đường xe lửa đầu tiên được xây dựng năm 183 Sự tồn tại của chính quyền phong kiến và tình trạng phân cắt đất nước là nguyên nhân chủ yếu cản trở bước tiến của chủ nghĩa tư bản ở Đức.

Nước Ý cũng có đặc điểm giống như Đức là chưa tiến hành cách mạng tư sản, quan hệ phong kiến còn chiếm địa vị thống trị, đất nước bị chia cắt. Hơn thế nữa, một bộ phận nước

Ý còn bị Áo thống trị. Kinh tế Ý chủ yếu là nông nghiệp. Chỉ có ở miền Bắc, nhất là Lôngbacđia và Piêmông xuất hiện những công xưởng dệt vải. Đến những năm 40, việc sử dụng máy móc mới bắt đầu được tiến hành.

Trong đế quốc Áo phong kiến, đa dân tộc, những yếu tố tư bản chủ nghĩa xuất hiện khá sớm nhưng phát triển rất chậm chạp.

Chủ nghĩa tư bản không chỉ dừng lại trong công thương nghiệp mà đã bắt đầu xâm nhập vào nông nghiệp. Việc kinh doanh ruộng đất theo lối tư bản chủ nghĩa với kỹ thuật mới được áp dụng trong nhiều nước làm tăng sản lượng và chất lượng nông phẩm.

Như vậy, trong nửa đầu thế kỷ XIX, nhất là trong khoảng 1815-1848, cuộc cách mạng công nghiệp tiếp tục phát triển trong các nước lớn, đẩy nền kinh tế lên một mức cao. Ở những nước khác, tuy chưa tiến hành cách mạng tư sản, kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng đã bước đầu giành được những thành tựu đáng kể. Tình hình đó đã tạo nên một nguồn của cải vật chất phong phú và mở ra khả năng sản xuất to lớn. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của mâu thuẫn xã hội. Bên cạnh mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản với chế độ phong kiến, đã xuất hiện mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Điều đó tác động quan trọng đến sự diễn biến của phong trào cách mạng trong những năm giữa thế kỷ XIX.

Những học thuyết chính trị kinh tế và triết học cổ điển

Nước Anh là nơi khai sinh của cuộc cách mạng công nghiệp và có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển. Đó cũng là nơi ra đời của nhiều học thuyết kinh tế tư sản. Trong thế kỷ

XVIII, Adam Xmit (1723-1790) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành học thuyết, chính trị kinh tế cổ điển của chủ nghĩa tư bản. Ông là người đầu tiên tuyên bố rằng lao động là nguồn gốc của giá trị, giá trị hàng hóa là do số lượng lao động hao phí để sản xuất ra hàng hóa đó quyết định, tiền lương của công nhân là một phần trong sản phẩm của họ và phần ấy đo giá trị của tư liệu sinh hoạt quyết định; lợi nhuận và địa tô là sự khấu vào sản phẩm do lao động công nhân sáng tạo ra. Nhưng ông lại cho rằng trong điều kiện chủ nghĩa tư bản phát triển thì giá trị hàng hóa là do tiền lương, lợi nhuận và địa tô hợp thành. Như vậy là ông không kể tới giá trị của tư bản bất biến hao phí trong khi sản xuất ra hàng hóa và do đó không thể hiểu được quá trình tái sản xuất. Ông cũng là người đầu tiên nêu lên kết cấu của xã hội tư sản gồm ba giai cấp: công nhân, tư bản và chủ đất mà không thấy được quá trình đấu tranh giai cấp trong xã hội đó.

Đavit Ricacdô (1772-1823) là người tiếp tục phát triển học thuyết chính trị kinh tế học cổ điển hồi đầu thế kỷ XIX. Xuất phát từ quan điểm lao động là nguồn gốc của giá trị, ông vạch ra sự đối lập giữa lợi ích của các giai cấp trong xã hội tư sản nhưng lại coi sự đối lập đó là quy luật tự nhiên trong đời sống. Ông đã trình bày một cách đúng đắn là tiền lương của công nhân càng cao thì lợi nhuận của nhà tư bản càng thấp và ngược lại.

Quan điểm kinh tế của Ađam Xmit và Đavit Ricacđô tuy còn bị tính chất giai cấp tư sản hạn chế, nhưng đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển học thuyết chính trị kinh tế. Mác đánh giá các ông là những đại biểu xuất sắc của chính trị kinh tế học cổ điển và coi học thuyết của các ông như một trong những nguồn gốc hình thành chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Mantuyt (1766-1834) giải thích lý do duy nhất gây nên sự nghèo khó của quần chúng trong chủ nghĩa tư bản là vì số lượng người tăng nhanh hơn số tư liệu sinh hoạt do giới tự nhiên cung cấp. Do đó, sự đói kém, nghèo khổ, bệnh dịch và chiến tranh là những hiện tượng tự nhiên giải quyết nạn “người thừa”. Luận điểm đó che đậy bản chất bóc lột của giai cấp tư sản đối với quần chúng lao động.

Về mặt triết học nửa đầu thế kỷ XIX, nước Đức là nơi sản sinh ra những học thuyết cổ điển. Vinhem Phriđrich Hêghen (1770-1831) là một nhà triết học vĩ đại Đức, đứng trên lập trường duy tâm chủ nghĩa. Ông giải thích tồn tại bằng “ý niệm tuyệt đối”, thực chất là khoác cho Thượng đế một cái tên mới. Phần có giá trị trong triết học Hêghen là phương pháp biện chứng, nhận định quá trình phát triển của sự vật bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập và chuyển biến từ những thay đổi về số lượng sang những thay đổi về chất lượng. Nhưng ông nhìn nhận thực tế xã hội bằng con mắt siêu hình. Không thừa nhận sự đấu tranh giữa các mặt đối lập của xã hội, ông chủ trương dung hòa để che đậy mâu thuẫn giai cấp sâu sắc ở nước Đức. Mác và Ăngghen đã dùng quan điểm duy vật chủ nghĩa để phê phán yếu tố duy tâm trong triết học Hêghen và rút ra từ đó lý luận về phép biện chứng là lý luận về phát triển và biến hóa, về chuyển hóa từ sự thay đổi số lượng sang sự thay đổi chất lượng. Trong những năm 30 – 40 thế kỷ XIX, xuất hiện một cánh tả trong trường phái này gọi là phái Hêghen trẻ. Dựa vào phương pháp biện chứng của Hêghen, họ phê phán toàn bộ những giáo lý của đạo cơ đốc và của tôn giáo nói chung. Họ chuyển từ phê phán tôn giáo sang phê phán chế độ chuyên chế phản động Phổ. Họ rơi vào chủ nghĩa duy tâm chủ quan, thay cái gọi là “ý niệm tuyệt đối” của Hêghen bằng “ý thức về mình” và coi đó là động lực phát triển của lịch sử thể hiện trong nhà nước và giới trí thức. Họ hay dùng lời lẽ cách mạng nhưng chỉ là những lời đe dọa suông, phản ánh tính chất yếu đuối của giai cấp tư sản Đức và sự bất lực của nó trong cuộc đấu tranh chống phong kiến.

Lutvích Phơbách (1804-1872) là một nhà triết học Đức, đứng trên lập trường duy vật. Trong khi phê phán Hêghen và đấu tranh chống giáo hội, ông đã giải thích một cách duy vật vấn đề cơ bản của triết học: công nhận sự tồn tại khách quan của tự nhiên và sự tồn tại độc lập đối với tư tưởng con người. Nhưng chủ nghĩa duy vật Phơbách còn mang tính chất trực quan, siêu hình, không hiểu được phương pháp biện chứng. Về các vấn đề xã hội, Phơbách vẫn không thoát khỏi cách nhìn nhận duy tâm. Ông giải thích mọi hiện tượng bằng con người chung chung mà không thấy mối quan hệ giữa họ trong quan hệ sản xuất là yếu tố quyết định. Ông chủ trương xây dựng xã hội mới bằng sự thương yêu của con người, thực chất là làm dịu bớt đối kháng giai cấp, rời bỏ đấu tranh cách mạng, tuyên truyền cho sự điều hòa giai cấp. Mác và Ăngghen đã rút ra từ đó lý luận về chủ nghĩa duy vật và phát triển lên thành một triết học khoa học.

Mặc dầu còn những điều hạn chế, Hêghen và Phơbách đã đóng một vai trò xuất sắc trong triết học cổ điển Đức. Mác và Ăngghen đã kế thừa một cách có phê phán và sáng tạo nền triết học đó để xây dựng nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Như vậy, sự ra đời của học thuyết chính trị kinh tế và triết học nói trên gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Các học giả tiến bộ đã cố gắng giải thích những hiện tượng mới trong xã hội, mặc dầu còn nhiều hạn chế, cũng đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng tri thức của loài người. Tiếp thu một cách có phê phán, Mác và Ăngghen đã sử dụng sáng tạo những thành tựu đó thành những bộ phận cấu thành chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

Tạp chí Người Tiêu Dùng Thông Thái – Ntdtt.com

Nội dung có hữu ích cho bạn không?